Thứ Hai, 27/03/2023
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

16/08/2018 10:39 1525
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Trong cách mạng tháng Tám của Hà Nội, Đội Tự vệ xung phong ngoại thành (TVXPNT) do ông Nguyễn Hải Hùng là Ðội trưởng đã có nhiều đóng góp quan trọng.

Trong cách mạng tháng Tám của Hà Nội, Đội Tự vệ xung phong ngoại thành (TVXPNT) do ông Nguyễn Hải Hùng là Ðội trưởng đã có nhiều đóng góp quan trọng.

Thời ấy, cả một vùng rộng lớn phía tây nam thành phố, từ Hạ Yên Quyết, Láng Thượng, Láng Hạ, đến Giáp Nhất, Quan Nhân, Cự Lộc, Chính Kinh, Thượng Ðình … thuộc Đại lý Hoàn Long là địa bàn hoạt động chính của các đội viên tự vệ. Họ vốn là thanh niên học sinh các trường trung học Văn Lang, Thăng Long được giác ngộ cách mạng, tràn đầy nhiệt huyết, dũng cảm, đã xung kích trong cao trào tiền khởi nghĩa của thành phố tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.

*Những hoạt động tuyên truyền táo bạo

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945) Ðội TVXPNT được thành lập. Sẩm tối một ngày cuối tháng 3, các đội viên bí mật đến địa điểm hẹn nhau tập trung ở ngôi Nghè làng Giàn (Trung Kính). Trước lá cờ đỏ sao vàng (khoảng 30 cm x 40 cm) có hàng chữ "Tự vệ xung phong", họ tuyên thệ "Hy sinh để giải phóng Tổ quốc" và hô khẩu hiệu "Ðả đảo phát-xít Nhật", "Ủng hộ Việt Minh". Ông Hải Hùng được giao trách nhiệm làm Ðội trưởng đội TVXPNT gồm 20 đội viên, chọn lựa từ thanh niên cứu quốc các làng Mọc, Thượng Đình, Hạ Yên Quyết, Láng Thượng, Láng Hạ …

Từ tháng 4, Đội đẩy mạnh tuyên truyền. Cổng đình chùa các làng thường là những nơi được dán truyền đơn, áp-phích, báo "Hồn nước". Tờ báo là cơ quan ngôn luận của Ðoàn Thanh niên cứu quốc khu Hoàng Diệu. Số đầu tiên của báo in tại 15 Hàng Phèn bằng đá ẩm, sau đó chuyển sang in tại nhà ông Hải Hùng ở làng Giáp Nhất được số 2, 3, 4. Nhờ có người anh của ông Hải Hùng làm kiểm lâm ở Yên Bái giúp đỡ tài chính, Đội in cả truyền đơn và sách vở như "Chương trình Việt Minh", "Cách đánh du kích"... Ðặc biệt tờ áp-phích đã được in ba mầu, có hình người chiến sĩ du kích, dưới là khẩu hiệu "Ủng hộ dân quân đánh đuổi giặc Nhật" và tờ áp-phích đả đảo "Tên chó săn Võ Văn Cầm".

Báo "Hồn nước", cơ quan ngôn luận của Ðoàn Thanh niên Cứu quốc khu Hoàng Diệu, năm 1945

Một nhóm đội viên đã dán áp-phích vào thành xe điện chạy tuyến Cầu Giấy - Bờ Hồ. Xe điện chạy đến đâu, dân xem đến đó, rất "ấn tượng" và hiệu quả. Lần sau, đội viên không chỉ dán áp-phích lên tàu điện chạy tuyến Hà Ðông - Bờ Hồ mà còn kéo "kép tà-vẹt" xe điện xuống để buộc cờ đỏ sao vàng, lá cờ tung bay trên nóc xe điện, ai nhìn thấy cũng kính nể "các ông Việt Minh", vui mừng, hả dạ. Những hoạt động tuyên truyền táo bạo của Đội hòa nhịp với hoạt động "xuất quỷ nhập thần" của Ðoàn tuyên truyền xung phong Hoàng Diệu (TTXPHD) trong nội thành, làm cho khí thế cách mạng mỗi lúc một dâng cao.

* Mua súng và mò súng

Chuẩn bị khởi nghĩa, các đội viên tự vệ tích cực chủ động tự sắm vũ khí cho mình, bằng nhiều hình thức sáng tạo, dùng súng địch mà đánh địch.

Cuối năm 1944, ông Thế (Hiển), người làng Láng Hạ do quen biết viên đội pháo binh ở pháo đài Láng nên đã mua được một khẩu súng trường Nga và 150 viên đạn với giá 150 đồng Ðông Dương (tương đương với ba tạ gạo lúc đó, số tiền này tôi xin ông anh đang làm kiểm lâm ở Yên Bái gửi về cho gia đình; rồi đưa cho anh Hiển mua súng). Trong đêm tối, ông Hải Hùng và ông Vũ Gia Thịnh nhận súng, lội qua sông Tô Lịch, về Giáp Nhất, cất giấu, lòng vui mừng khôn xiết.

Cuối tháng 3-1945, được cơ sở báo lính khố xanh, khố đỏ vứt súng xuống sông Hồng ở làng Bát Tràng chạy tháo thân khi Nhật đảo chính Pháp, ông Hải Hùng và ông Nguyễn Văn Nhân đến làng Bát Tràng ra bờ sông xem xét lấy súng cách nào. Nhờ có cha con ông thuyền chài, hai ông thuê họ "lấy giúp đồ nghề bị rơi xuống sông". Sau bốn lần quăng chài (có móc), rà đi, rà lại khúc sông, ông kéo lên được khẩu súng trường. Đến xế chiều thì cha con ông thuyền chài kéo lên được ba khẩu súng trường Mút-cơ-tông. Ông lão nhất định không nhận tiền công để "ủng hộ Việt Minh". Ông Hải Hùng và ông Nhân ôm súng mò mẫm đi trong đêm, về đến Giáp Nhất thì đã gần sáng, bụng đói mèm, cũng chẳng còn cơm nguội để vét nồi, hai ông ôm nhau ngủ.

Trước ngày khởi nghĩa số súng tự kiếm được và súng do Ban Cán sự Ðảng cấp cho Ðội cả thảy có 10 khẩu các loại. Với những khẩu súng này, Đội "ra oai" trấn áp bọn phản cách mạng rất có hiệu quả.

* Phá kho thóc ở làng Mọc - Quan Nhân

Ðây là kho thóc do phát-xít Nhật lập ra để chứa "thuế thóc" của nhân dân ngoại thành. Nghe tin ở một số tỉnh, nhân dân đã phá kho thóc, Đội đã mạnh dạn báo cáo với Ban Cán sự Ðảng và được các đồng chí đồng ý, hẹn khi phá kho thóc sẽ huy động Ðoàn TTXPHD từ nội thành ra hỗ trợ. Ðể thực hiện kế hoạch, ông Hải Hùng huy động ông Ðỗ Huy, người làng Quan Nhân điều tra kho thóc về đường ngang ngõ tắt đến kho. Chiều 11-7, ông Lê Vân, (tức Vân Bụ), trưởng Ban Thanh vận của Thành ủy đã đến Quan Nhân cùng ông Hải Hùng và các đội viên đều tỏa đi các làng hô hào, vận động bà con, nhưng không dám nói phá kho thóc mà nói rằng "Bà con ra đình, có nhiều chuyện rất hay".

Lúc này, lý trưởng các làng đã bị trấn áp, nằm im. Khoảng 9 giờ tối, trước cửa sân đình bó đuốc được đốt lên, và lá cờ tung ra. Cuộc mít-tinh bắt đầu. Một diễn giả lên diễn thuyết, vạch rõ âm mưu của phát-xít Nhật, kêu gọi đồng bào ủng hộ Việt Minh, kêu gọi nhân dân phá kho thóc. Cả kho mở tung, bà con ùa vào lấy thóc trong sự bảo vệ của Ðoàn TTXPHD và Ðội TVXPNT. Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội, tập 1(1926-1945), xuất bản năm 2012 đã ghi rõ sự kiện này: “Gây tiếng vang lớn trong nhân dân là cuộc phá kho thóc ở đình Mọc Quan Nhân tối 11/7/1945. Đoàn Tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu đã phối hợp với Đội Tự vệ xung phong ngoại thành tổ chức và huy động hàng nghìn nông dân, dân nghèo đến nghe diễn thuyết rồi phá kho thóc của Nhật ở đình làng” (1). Vài hôm sau, có một tên sĩ quan Nhật đến nhòm ngó cái kho trống rỗng rồi lặng lẽ bỏ đi.

Đình làng Mọc, Quan Nhân, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội

Cuộc phá kho thóc thắng lợi không chỉ cứu đói cho dân nghèo, mà chủ yếu là làm cho uy thế của Việt Minh càng được nâng cao lôi cuốn quần chúng đi theo cách mạng. Năm 2006, đình Mọc Quan Nhân và đình Giáp Nhất đã được gắn biển Di tích Cách mạng.

* Ðại lý Hoàn Long trong những ngày Tổng khởi nghĩa

Sau cuộc họp mở rộng của Ủy ban Khởi nghĩa đêm 17-8-1945 tại nhà bà Hai Nhã, thôn Dịch Vọng tiền (nay thuộc phường Dịch Vọng), mờ sáng 18-8, ông Lê Vân đến ngay nhà ông Hải Hùng truyền lại chủ trương của Xứ ủy và Thành ủy và nhanh chóng vạch kế hoạch khởi nghĩa: Ðội TVXPNT làm nòng cốt cho nhân dân và các đoàn thể cứu quốc giành chính quyền sớm nhất ở làng Hạ Yên Quyết rồi kéo xuống làng Giáp Nhất, Mọc. Làng Thượng Ðình khởi nghĩa xong, sang làng Cự Lộc - hai cánh quân gặp nhau ở làng Chính Kinh, sau đó tiến ra Ðại lý Hoàn Long. Cuộc khởi nghĩa đã diễn ra đúng như kế hoạch. Sáng 19-8, sau khi tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng, ở các làng, quần chúng tham gia đoàn biểu tình, tiến về Ðại lý Hoàn Long. Ði đầu là một đội viên tự vệ giương cao cờ đỏ sao vàng.

Ðoàn người cuồn cuộn đi như sóng trào thác cuốn, áo nâu của nông dân xen với áo xanh, áo trắng của học sinh; áo nâu và khăn mỏ quạ, vai vác mã tấu của phụ nữ. Chị em "ả đào" ở Ngã Tư Sở cũng gia nhập đoàn biểu tình. Dòng người vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu "Ủng hộ Việt Minh", "Việt Nam độc lập muôn năm". Bọn lính Nhật trên xe cam nhông hầm hầm chĩa súng vào đoàn biểu tình, nhưng trước khí thế sục sôi như nước vỡ bờ của quần chúng, lính Nhật đã giữ thái độ "lặng im" phòng thân. Tại Ðại lý Hoàn Long, viên quan đứng đầu đại lý là Ðặng Vũ Niết đã bỏ trốn. Lính gác đã giao nộp vũ khí cho cách mạng.

Một lá cờ lớn được kéo lên đỉnh cột cờ sát lô-cốt, ông Ðỗ Lệnh Khang cầm súng, đầu súng có lá cờ "Tự vệ xung phong", hiên ngang đứng gác trước cơ quan chính quyền cách mạng lâm thời ngoại thành. Ông Lê Vân, Hải Hùng và một số đội viên ở lại trụ sở Đại lý Hoàn Long. Đa số anh em tiếp tục vào nội thành tham gia khởi nghĩa, chiếm Phủ khâm sai và Trại bảo an binh.

Sau ngày 19/8, ông Lê Vân ở lại Ðại lý Hoàn Long, giải quyết những công việc cấp bách của chính quyền lâm thời, ông Hải Hùng ra chiến khu Ðông Triều.

Chính quyền cách mạng ở ngoại thành đã được thiết lập bằng sức mạnh của nhân dân, có Đội Tự vệ xung phong ngoại thành làm nòng cốt trong ngày Hà Nội khởi nghĩa như thế.

Ths. Phạm Kim Thanh

Chú thích:

(1): Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội, tập 1 (1926-1945), NXBCTQG, H.2012, tr 293. Sau nhiều cuộc tọa đàm và thẩm định với các nhân chứng lịch sử của Đội Tự vệ xung phong ngoại thành, Đội Tuyên truyền xung phong khu Hoàng Diệu, sự kiện phá kho thóc Nhật ở Mọc Quan Nhân đã được đính chính trong cuốn sách này là ngày 11/7/1945.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 3418

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

50 năm chiến thắng Đồng Lộc: Giá trị lịch sử và hiện tại

50 năm chiến thắng Đồng Lộc: Giá trị lịch sử và hiện tại

  • 23/07/2018 15:12
  • 1482

Chiến thắng Đồng Lộc là một chứng minh sinh động và hùng hồn cho chiến thắng của văn hóa Việt Nam đối với xâm lược Mỹ.