Sau thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, giành lại chính quyền về tay nhân dân, việc tổ chức thành công Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam DCCH có ý nghĩa vô cùng trọng đại, khẳng định tính hợp pháp và hợp hiến của Nhà nước trước toàn thế giới. Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thù trong giặc ngoài đang câu kết với nhau hòng phá hoại Tổng tuyển cử, lật đổ chính phủ Hồ Chí Minh thì cuộc bầu cử đại biểu quốc hội càng mang ý nghĩa sâu sắc hơn.
Sau thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, giành lại chính quyền về tay nhân dân, việc tổ chức thành công Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam DCCH có ý nghĩa vô cùng trọng đại, khẳng định tính hợp pháp và hợp hiến của Nhà nước trước toàn thế giới. Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thù trong giặc ngoài đang câu kết với nhau hòng phá hoại Tổng tuyển cử, lật đổ chính phủ Hồ Chí Minh thì cuộc bầu cử đại biểu quốc hội càng mang ý nghĩa sâu sắc hơn.
Trong những ngày tháng vô cùng gian nan ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là người đứng đầu sóng ngọn gió, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua mọi thác ghềnh, vừa chỉ đạo các Bộ chuẩn bị tốt mọi mặt cho cuộc Tổng tuyển cử; đồng thời, Người trực tiếp gặp gỡ các tầng lớp nhân dân Thủ đô, kêu gọi toàn dân đoàn kết, không nghe theo luận điệu tuyên truyền phản dân hại nước của bọn Việt quốc, Việt cách, thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi thiêng liêng của công dân yêu nước.
Giữa tháng 12/1945, toàn thể 118 làng xã ngoại thành ký kiến nghị Hồ Chủ tịch không phải ra ứng cử. Người gửi thư cảm ơn đồng bào và nói rõ nghĩa vụ công dân của mình, không được vượt khỏi thể lệ đã định của cuộc Tổng tuyển cử.
Các đại biểu quốc hội khóa I của Hà Nội ra mắt cử tri tại Khu Việt Nam học xá, tháng 1-1946.
15 giờ ngày 5/1/1946, tại Việt Nam học xá (nay là khu Đại học Bách khoa), thay mặt năm ứng cử viên của Quốc hội tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đồng bào dự mít tinh: “Làm việc nước bây giờ là hi sinh phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì không nên bầu”(1). Cùng ngày, Người viết “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu “bầu đại biểu quốc hội - những người ra gánh vác việc nước, trong đó, Người căn dặn đại biểu quốc hội: “Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng. Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, với Tổ quốc. Người không trúng cử, cũng không nên ngã lòng; ở trong quốc hội hay ở ngoài quốc hội, mình cũng cứ ra sức giúp ích nước nhà.(2).
Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên năm 1946.
Ngày 6/1/1946, Hà Nội tưng bừng trong ngày hội lớn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến địa điểm hòm phiếu ở số 10 phố Lý Thái Tổ thực hiện nghĩa vụ công dân, sau đó, Người đi thăm hỏi cử tri ở phố Hàng Bạc, Hàng Đào, Lò Đúc rồi lên các làng Thụy Khuê, Hồ Khẩu, Yên Thái. Hình ảnh vị Chủ tịch nước giản dị, gần gũi trong ngày bầu cử, mãi khắc sâu trong tâm khảm nhân dân. Người đã được bầu với số phiếu cao nhất.
Báo Việt Nam Độc lập – số đặc biệt về Tổng tuyển cử năm 1946.
(HV BTLSQG)
Ngày 12/1/1946, Hà Nội tổ chức mít tinh mừng thắng lợi của Tổng tuyển cử. Thay mặt các đại biểu quốc hội đã trúng cử, Hồ Chủ tịch cảm ơn nhân dân Hà Nội, biểu dương nhân dân Hà Nội và cả nước, trong hoàn cảnh khó khăn phức tạp đã làm tròn nhiệm vụ của người công dân yêu nước. Người căn dặn đồng bào ra sức củng cố và giữ gìn độc lập. Kết thúc bài phát biểu, Hồ Chủ tịch hứa: Trước sự khó khăn của nước nhà, chúng tôi xin đi trước. Với việc giữ gìn nền độc lập, chúng tôi xin đi trước.
Ngày 2/3/1946, kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội khoá I được tổ chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời khai mạc, báo cáo trước Quốc hội những việc Chính phủ Liên hiệp Lâm thời đã làm trong 6 tháng: ra sức kháng chiến; giảm bớt đói kém bằng cách thực hành tiết kiệm, tăng gia sản xuất; tổ chức Tổng tuyển cử; bầu quốc hội thành công. Quốc hội đã nhất trí thành lập Chính phủ mới - Chính phủ kháng chiến với 10 bộ do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Nguyễn Hải Thần làm Phó chủ tịch. Thay mặt Chính phủ kháng chiến, Người đọc lời tuyên thệ thiêng liêng trước bàn thờ Tổ quốc, trước quốc hội: Cương quyết lãnh đạo nhân dân kháng chiến, thực hiện nền dân chủ cộng hòa Việt Nam, mang lại tự do, hạnh phúc cho dân tộc. Trong công việc giữ gìn nền độc lập, chúng tôi quyết vượt nỗi khó khăn dù phải hi sinh tính mệnh cũng không từ (3).
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I, thành lập Chính phủ Liên hiệp
kháng chiến, ngày 2-3-1946.
Thực hiện lời tuyên thệ, Hồ Chủ tịch đã lãnh đạo chính phủ tiếp tục kháng chiến kiến quốc, củng cố chính quyền, thành lập mặt trận Liên Việt; mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến.
Ngày 31/10/1946, tại kỳ họp thứ Hai của Quốc hội, Người được giao trọng trách tiếp tục làm Chủ tịch nước. Đọc lời tuyên thệ, Hồ Chủ tịch thẳng thắn bày tỏ: “Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài…Tôi xin tuyên bố trước quốc hội, trước quốc dân, trước thế giới: tôi chỉ có một Đảng, Đảng Việt Nam. Tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và thế giới, Chính phủ sau đây phải là chính phủ liêm khiết (4). Quốc hội đã nhất trí thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam DCCH, đặt nền móng cho luật pháp của Nhà nước. Đó là một sự kiện lớn có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử Quốc hội nước ta.
Năm 1960, nhìn lại những ngày tháng cam go ấy, trong bài “Quốc hội ta vĩ đại thật”, Hồ Chủ tịch viết: “Hồi đó, có người nói: nhân dân ta trình độ non kém, không nên vội tổ chức Tổng tuyển cử, nhưng Đảng ta kiên quyết nói: đồng bào ta phải được hưởng quyền dân chủ, chúng ta phải tổ chức Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên trong lịch sử Việt Nam - Quốc hội khoá I - đã được toàn dân bầu ra…Quốc hội khoá I của ta là quốc hội kháng chiến”(5)
Tự mình làm gương đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, trước toàn đảng toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là người tổ chức và là linh hồn của Quốc hội, phát huy được sức mạnh đoàn kết của mọi tầng lớp nhân dân để chống thù trong giặc ngoài, xây dựng chính quyền thực sự do dân, vì dân, thực hiện dân chủ và dân quyền của nhân dân. Đó chính là cội nguồn để ngọn cờ độc lập dân tộc được giữ vững trước muôn vàn thử thách của giặc giã, đói nghèo, lạc hậu.
Ths. Phạm kim Thanh
Chú thích:
(1), (2), (3), (4): Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 4, NXB CTQG, H.1995, tr 145,147,195 ,425.
(5): Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 10, NXB CTQG, H.1996, tr 170.