Thứ Tư, 26/03/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

29/04/2018 00:00 1910
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Sáng sớm một ngày tháng Tư, đã nghe giọng dịu nhẹ của ông Bảy Bực: Chú Bảy nè, mẹ có khỏe không cháu? Cháu và các em cũng khỏe chứ? Bảy năm qua, từ khi về xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc tìm được hài cốt Cha tôi đến nay, cứ vào dịp Lễ-Tết, ông Bảy thường gọi điện ra hỏi thăm sức khỏe cả nhà. Năm Mậu Tuất (2018), tròn 50 năm Cha tôi hy sinh trên quê hương cụ Đồ Chiểu. Tôi lại như thấy trước mắt mình ngôi nhà và cái dáng cao cao của ông dẫn anh em tôi đi tìm lại dấu chân của Cha tôi và càng quý trọng tấm lòng cởi mở, chân tình của ông.

Sáng sớm một ngày tháng Tư, đã nghe giọng dịu nhẹ của ông Bảy Bực: Chú Bảy nè, mẹ có khỏe không cháu? Cháu và các em cũng khỏe chứ? Bảy năm qua, từ khi về xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc tìm được hài cốt Cha tôi đến nay, cứ vào dịp Lễ-Tết, ông Bảy thường gọi điện ra hỏi thăm sức khỏe cả nhà. Năm Mậu Tuất (2018), tròn 50 năm Cha tôi hy sinh trên quê hương cụ Đồ Chiểu. Tôi lại như thấy trước mắt mình ngôi nhà và cái dáng cao cao của ông dẫn anh em tôi đi tìm lại dấu chân của Cha tôi và càng quý trọng tấm lòng cởi mở, chân tình của ông.

Trưa ấy, anh em chú cháu tôi cùng ông Nguyễn Văn Mẫn làm quản trang, và ông Võ Văn Bực, mọi người quen gọi là ông Bảy Bực, nhà ở ấp Phước Kế, xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc, chờ mỏi mắt không liên lạc đựơc với người hướng dẫn tìm mộ. Ông Bảy bảo anh tôi: “Thiệt tình, cháu Thanh hẹn tôi sáng nay tới nhà, tôi đã biểu bà nhà tôi nấu cháo gà từ sớm chờ cháu kìa. Thôi anh em vô nhà tôi làm ly rượu đế, chiều lại ra nghĩa trang chờ ổng để tìm mộ cho khoẻ quân”.

Ngôi nhà của ông Bảy trông ra cánh đồng mênh mông, đón gió nam lồng lộng thổi, không rào giậu gì, như tất cả mọi nhà tôi đã thấy ở Cầm Giuộc - tuyềnh toàng, đơn sơ mang đậm tính cách dân Nam bộ hồn hậu, phóng khoáng. Khác chăng là đàn vịt xiêm béo mượt trắng phau phau đang bình thản rỉa lông cánh bên bờ ao và hàng cau tứ quí trước sân, quả xanh, quả chín đỏ lựng toả hương dịu dàng. Tôi dội ào ào gáo nước mưa đựng trong chum mát lạnh, đi chân đất vào mâm. Rót rượu ra 5 cốc nhựa, ông Bảy cười sảng khoái: “Rượu nhà cất, gà nhà nuôi, tôi nghe cán bộ huyện tuyên truyền, làm VAC để hai vợ chồng già nuôi nhau. Bà ấy làm giao liên từ hồi Mậu Thân; còn ông già tôi nuôi mấy ảnh bộ đội ở ngoải hết lớp này đến lớp khác đó. Thôi ta cụng ly mừng ngày hội ngộ nghe anh Ba”. Người ông Bảy kêu bằng anh Ba là ông Nguyễn Xuân Hưng, quê Quỳnh Phụ, Thái Bình, đã cùng cha tôi đi tải lựu đạn và bị giặc phục kích trên cánh đồng khi vượt qua cầu Hội ngay gần nhà ông Bảy trong chiến dịch Mậu Thân 1968; nay ông Hưng đã là người của quận 12, thành phố Hồ Chí Minh 10 năm rồi.

Ngẫm lại chuyến đi tìm cha tôi xuân Tân Mão (năm 2011), quả thật là trời cho tôi gặp may. Hôm trước, ở Phòng Lao động Thương binh - Xã hội huyện Cần Giuộc, anh Nguyễn Văn Nhật, Phó Chủ tịch phụ trách văn - xã của xã Phước Lâm khi nghe tôi trình bày nguyện vọng, đã thẳng băng ngay: “Cựu chiến binh ở xã tôi còn ít lắm. Lớp chiến binh năm 1968, người mất, người đi theo con sinh sống, ở xã chỉ còn vài người; để tôi tìm đã nghen”. Rồi anh dẫn ông Hưng và tôi lọ mọ qua mấy cua chữ chi, đường trơn, lầy bùn nhão nhoét, chỉ vùa đủ đặt bánh xe máy, một bên ruộng lúa sâu thụt hẳn xuống, một bên là con mương nhỏ; cứ thế căn đường, rồi cũng đến cầu Hội - địa điểm mà ông Hưng nhớ rằng, đã cùng cha tôi dầm mình dưới gốc dừa nước ở con kênh có cầu Hội vắt qua.

Chưa kịp lau mồ hôi nhễ nhại, đã thấy anh Nhật đưa tới một người dáng cao, gầy, chỉ có đôi mắt to sáng rỡ, nhìn thẳng, thu phục tôi ngay từ đầu. Ông Bảy đây sẽ dẫn chú và chị đi tìm hài cốt ông, có tin tức và cần giúp đỡ những gì, chiều chị lại uỷ ban xã, vậy nghen”.

Sau vài câu giới thiệu, họ tay bắt mặt mừng khôn xiết. Hoá ra ông Bảy hồi Mậu Thân 1968 làm hậu cần, chuyên cất giấu và phân phát vũ khí cho anh em huyện đội, thuộc làu tên các đồng chí phụ trách huyện đội mà ông Hưng nhắc tên.

Ông Hưng kể lại trận đụng giặc, ông “đo” bằng mắt, “căn” từ cầu Hội qua lộ liên xã chạy miết xuống Cần Đước - xưa là con lộ đất đỏ, ra khoảng ruộng của ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc. Trên cánh đồng trơ gốc rạ, ông Bảy cùng anh em tôi đội nắng, hỏi dân trong xóm, xác định vị trí mộ rồi tìm cho ra người chôn bảy liệt sĩ “Cứ vào trỏng, hỏi ông Tám Nhỏ, ổng là người chôn chớ ai”.Tôi nhìn theo tay anh chỉ, chụp quang cảnh cánh đồng lô nhô những ngôi mộ của dòng họ có từ lâu đời, dân quen gọi là Gò Mả. Biết tìm cha tôi ở đâu trên cánh đồng mênh mông đã thay đổi hình dạng? Ông thổ công Bảy Bực lại dẫn anh em tôi từ ấp Thanh Ba đến nhà ông Tám Nhỏ nghe chuyện bốc mộ các liệt sĩ. Cứ lần lần như thế, anh em tôi theo dấu vết xưa để rồi cuối cùng, ông Bảy và ông Hưng chụm đầu vẽ sơ đồ, xác định: có nhiều yếu tố để tìm hài cốt cha tôi tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Cần Giuộc. Vậy là gia đình tôi quyết định tìm mộ cha tôi theo hướng này và về nhà ông nghỉ trưa theo lời mời chân tình mộc mạc của ông.

Trong ngôi nhà xây nhưng còn tuyềnh toàng, bà vợ ông nhỏ nhắn trong chiếc áo bà ba xanh, xởi lởi xen vô câu chuyện quanh mâm: “Ổng nhà tôi suốt ngày đi làm từ thiện, có mấy khi ổng ở nhà, hôm nay kêu tôi nấu cháo gà từ 7 giờ sáng, chắc cảm động vì câu chuyện anh Hưng đưa cháu đi tìm ba”. Tôi ngạc nhiên: “Chú đi làm từ thiện những việc gì ạ?”. Ông cười vui: “Có gì đâu, sau giải phóng, tôi làm Phó chủ nhiệm HTX nông nghiệp, rồi thấy mình nhiệt tình, hết khoán 100, xã lại điều sang cả các công việc xã hội, tham gia Hội chữ thập đỏ, sau rồi anh Nhật biểu tôi đi tuyên truyền trong xã học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, làm miết à. Đó, hôm qua đi hỏi ông thầy chùa, thêm được chút tiền, tôi đưa tận tay bà con nghèo đói”. “Chú đi vác tù và hàng tổng cho dân là tốt quá; còn bao nhiêu người bị nhiễm chất độc da cam, bao nhiêu hộ nghèo, nhà thưng lá dừa như cháu nhìn thấy?”. “Thật tình, dân mình yêu nước, lúc chiến tranh, nó biết nuôi cộng sản là cắt cổ chớ, nhưng dân vẫn nuôi, đâu có ớn nó. Từ hoà bình đến nay, dân vẫn tốt thế, nhưng cán bộ có anh đổi màu, cơ hội, tôi chịu không thấu. Nói thẳng họ nghe không lọt vô tai, mình đứng ngó dân khổ sao đặng. Các ảnh ở Uỷ ban xã mời tham gia Hội chữ thập đỏ, nên tôi làm thêm được gì cho bà con đỡ khổ thì làm. Nhưng tội nhất là các cháu bị nhiễm chất độc da cam, xã tôi có hơn 20 cháu, lớn nhất là 20 tuổi, bé thì cũng 10-11 tuổi”.

Tôi nhẩm tính, vậy là các em sinh năm 1991 đến 2000, nghĩa là thế hệ thứ hai sau ngày miền Nam giải phóng bị hậu họa chiến tranh. Có gì độc ác, tàn nhẫn hơn thế? Ông Bảy kể tiếp: “Trong 16 xã của Cần Giuộc, Phước Lâm nghèo nhất, không có nhiều nghề phụ để tăng thu nhập. Huyện chỉ trợ cấp được cho vài cháu thôi, chủ yếu là huyện dựa vào xã, xã vận động những người có nhiệt tâm ra làm; xã hội hoá là nói cho văn hoa thôi, chứ đi xin mẩy ổng, nản lắm, nghĩ thương các cháu mà cố làm”. “Thế chú vận động cách chi nữa?”. “Mình phải năng động thôi, ngoài doanh nghiệp còn có các nhà hảo tâm ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cần nhất là cái tâm phải sáng để không bớt xén số tiền của các cháu. Tôi thường đưa tiền ủng hộ và trợ cấp tới tận tay các gia đình đó để các cháu thêm bát cơm, tấm áo, viên thuốc”.”

Tôi tin ông thổ công, tin đôi mắt nhìn thẳng của ông nói thật. Không ngại khổ, đôi tay ông đã đi đào bao nhiêu hố chôn tập thể, hàng trăm hài cốt các anh im lìm dưới lòng đất Cần Giuộc đưa về Nghĩa trang liệt sĩ huyện được ông tắm rửa hài cốt bằng nước hương liệu cẩn thận và quây quần bên nhau. Ai tìm thấy hài cốt, cần dựng bia, cần chuyển cốt... có lời là ông làm, không cần phải nói khó đến lần thứ hai. Ông tâm tư: “Anh em mình nằm đó, các ảnh chứng hết đấy cháu ạ. Không cứ xã này, bất kể xã nào trong huyện ai cần là chú giúp. Sức dân là vô tận, nhưng không có các ảnh là quân chủ lực vô đây, sao đánh thắng địch được”. Tôi lại hỏi ông: “Chú làm ở Đội mai táng và Hội chữ thập đỏ của xã, được chọn đi báo cáo điển hình Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thì chú báo cáo những gì?”. Ông bối rối vò đầu: “Chú viết vo mà, có nhiều chữ nghĩa gì đâu. Mình làm gì nói nấy thôi”. Vậy mà gia đình tôi nhờ ông làm bia mộ chí cho cha tôi hôm trước, hôm sau ông đã gọi điện ra: “Thanh à, chú làm bia mộ cho ông xong rồi đó nghe, báo cho bà yên tâm đi”. Tôi “Dạ”, rưng rưng cảm phục tấm lòng của ông bao nhiêu, lại càng thấm thía tình nghĩa đồng đội bấy nhiêu. Những tấm lòng vàng như thế, làm sao đo đếm được hết ân tình. Ngày mẹ tôi vào thắp hương cho cha tôi và các liệt sĩ nhân kỷ niệm 27/7, ông cảm động điện thoại ra ngay khi mẹ tôi từ Phước Lâm về: “Mẹ cháu kể nhiều kỷ niệm những chuyến đi tìm cha cháu, chú cũng không cầm được nước mắt. Lần này thì bả vui rồi. Nói với mẹ tháng 10 tới, đưa cha cháu về, đừng ngại gì, chú Bảy làm là hết lòng đó nghen”. Tháng 10 năm Tân Mão, ông Bảy đã nhiệt tình giúp gia đình tôi như đã hứa để đưa Cha tôi về quê hương Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.

Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cần Giờ, nơi tìm được hài cốt
của Cha tôi hy sinh năm Mậu Thân 1968.

“ Sống trong đời sống cần có một tấm lòng... để gió cuốn đi”. 7 năm qua, ông hay gọi điện trò chuyện cùng tôi về những việc ông đang làm trong Hội Chữ thập Đỏ của xã. Ông vui mừng báo cho tôi biết, năm 2012, gia đình ông đã tìm thấy hài cốt hai ông anh của ông hi sinh ở giáp biên giới Căm pu chia. Xuân 2018 vừa qua, ông xắn tay giúp hai gia đình tìm được hài cốt trong khu mộ chưa có tên của Nghĩa trang liệt sĩ Cần Giuộc.

Đất nước hòa bình thống nhất đã 43 năm, nhưng nỗi đau do chiến tranh gây ra còn ẩn sâu trong lòng đất, trong mỗi mái nhà có liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Cần lắm những tấm lòng như ông Bảy Bực, để nỗi đau dịu đi, để nén hương thơm trước Anh linh các Liệt sĩ được chuyển về quê hương.

Ths. Phạm Kim Thanh

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 5393

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Gặp một cựu tù Phú Quốc kiên trung

Gặp một cựu tù Phú Quốc kiên trung

  • 28/04/2018 00:00
  • 2250

Những lần đến thăm, thắp hương các liệt sỹ ở Bảo tàng các chiến sĩ bị địch bắt và tù đày tại huyện Phú Xuyên, tôi chú ý cây ổi xanh tốt được trồng gần lư hương. Hỏi ra, mới biết, cây ổi do chính ông Nguyễn Trọng Dư, cựu tù của Trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc do Mỹ dựng lên ở hòn đảo Ngọc xinh đẹp này, nay là Ủy viên Ban liên lạc mang từ nơi các chiến sĩ bị địch chôn tập thể trên đảo về đây để kỷ niệm những năm tháng cùng đồng đội đấu tranh bất khuất, giữ vững khí tiết yêu nước của người chiến sĩ cách mạng.