Những lần đến thăm, thắp hương các liệt sỹ ở Bảo tàng các chiến sĩ bị địch bắt và tù đày tại huyện Phú Xuyên, tôi chú ý cây ổi xanh tốt được trồng gần lư hương. Hỏi ra, mới biết, cây ổi do chính ông Nguyễn Trọng Dư, cựu tù của Trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc do Mỹ dựng lên ở hòn đảo Ngọc xinh đẹp này, nay là Ủy viên Ban liên lạc mang từ nơi các chiến sĩ bị địch chôn tập thể trên đảo về đây để kỷ niệm những năm tháng cùng đồng đội đấu tranh bất khuất, giữ vững khí tiết yêu nước của người chiến sĩ cách mạng.
Những lần đến thăm, thắp hương các liệt sỹ ở Bảo tàng các chiến sĩ bị địch bắt và tù đày tại huyện Phú Xuyên, tôi chú ý cây ổi xanh tốt được trồng gần lư hương. Hỏi ra, mới biết, cây ổi do chính ông Nguyễn Trọng Dư, cựu tù của Trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc do Mỹ dựng lên ở hòn đảo Ngọc xinh đẹp này, nay là Ủy viên Ban liên lạc mang từ nơi các chiến sĩ bị địch chôn tập thể trên đảo về đây để kỷ niệm những năm tháng cùng đồng đội đấu tranh bất khuất, giữ vững khí tiết yêu nước của người chiến sĩ cách mạng.
* Từ Thái Lan về nước, vào chiến trường Lộc Ninh chiến đấu
Ông Nguyễn Trọng Dư vốn quê gốc ở xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Năm 1945, sau cuộc đảo chính Nhật - Pháp, nhiều người, trong đó có gia đình ông bồng bế nhau sang Noọng Khai (Thái Lan) sinh sống. Ông chào đời trên bản Noọng Khai năm 1949. Nhưng phải đến năm 1961, khi anh trai ông từ Thái Lan về nước, đem theo cả máy móc của xưởng cơ khí và vốn liếng, đóng góp cho Nhà nước theo chế độ thu mua, rồi mang số tiền ít ỏi còn lại về Thanh Hóa, tìm cách mở xưởng cơ khí mới ở thị xã, đón cha về phụng dưỡng, thì ông mới được theo cha đến Thanh Hóa. Năm 1968, theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, ông lên đường vào Nam chiến đấu.
Lên tàu hỏa từ ga Đò Lèn, đến ga Hoàng Mai (Nghệ An), tập kết; và từ đây, bắt đầu đường hành quân bốn tháng trèo đèo lội suối, vào đến Lộc Ninh. Ông bồi hồi nhớ lại: kỷ niệm đầu đời trong chiến tranh là một chiếc cặp tóc ba lá đổi được 5kg sắn của đồng bào dân tộc để chống đói, nhưng đội hình cứ vơi dần; 120 người ở Hoàng Mai, khi vào đến nơi tập kết, chỉ còn 80 người.
Cựu tù Phú Quốc Nguyễn Trọng Dư
Ông trụ ở Lộc Ninh đến năm 1970. Lính bộ binh nhưng hình như bom đạn không sờ được đến người ông khi địch càn quét khủng bố dữ dội những năm 1968-1969. Khi Lon-Non làm đảo chính, đơn vị ông được điều sang Cămpuchia, đánh địch ở Mi mốt (Công pông chàm). Ông nhớ rất rõ: Ngày 1/6/1970, trong cuộc chiến đấu ở sóc Lăm-bo, thị trấn Mi mốt, gần đường số 7, tôi bị thương. Bọn Mỹ bắt tôi, trong túi áo ngực có giấy tờ ghi: Nguyễn Trọng Dư, chiến sĩ đơn vị 2077.
* Những năm chiến đấu trong địa ngục
Máy bay trực thăng Mỹ chở ông về căn cứ Đồng Dù, vào bệnh viện điều trị vết thương ở đùi, cổ chân, sườn trong 20 ngày, sau đó chuyển sang bệnh viện của ngụy 45 ngày. Hết đoạn chữa trị đến đoạn tra tấn ở trại giam Biên Hòa. Lúc này, đơn vị, ông Trần Năm tìm được cái khăn rằn của ông Dư khi bị địch bắt, tưởng ông Dư chết, nên đơn vị cho báo tử. Câu chuyện báo tử nhầm, khi về Thanh Hóa ông Dư mới biết.
Quay điện, đấm đá, cho đi tàu bay, hít đất, đi xe hon đa, tra hỏi, lung lạc tinh thần là những chuyện thường ngày của địch đối với tù cộng sản. Rũ ra, ngất xỉu, tỉnh dậy, ban ngày, ông Dư ăn cơm hẩm với muối và canh có vài cọng rau dền lõng bõng, ban đêm, đi tiểu thì phải tự hô “báo đái” để chúng biết, nếu không, sẽ bị đánh ngay vì tội “trốn tù”. Sau ba tháng tra hỏi không lấy được tin tức gì, địch tống ông vào khám tối Biên Hòa. Ông kể: Nó hét: “Mày ở Sư đoàn 7, Trung đoàn 38, làm gì có đơn vị 2077. Cho mày một tuần để suy nghĩ lại, không khai chúng tao bắn bỏ”. Những ngón đòn dã man thời trung cổ cũng không khuất phục được ý chí người chiến sĩ. Chúng phải lập hồ sơ, đưa ông Dư ra Phú Quốc với số tù 11420.
Tháng 10/1970, ông Dư bị địch chở bằng máy bay ra Phú Quốc. Ông nói: Ngày ra khỏi Biên Hòa, nó chụp bao tải cát lên đầu tôi. Mắt mũi tối om! tôi nghĩ, chắc nó đem mình đi thủ tiêu. Dần dần, mới biết nó đưa mình ra sân bay, đến đảo Phú Quốc.
Ngày nhập trại, phải qua phòng điều hành, địch đánh phủ đầu các chiến sĩ tới tấp, rồi mới làm thủ tục về phòng giam ở các khu. Trại tù binh Phú Quốc hình thành từ tháng 7 năm 1967 trên diện tích 400ha. Địch xây 44 phân khu và trên 500 nhà tôn. Các khu đánh theo 4 dãy A, B, C, D. Ông Dư bị chúng cho vào trại D8. Trong mỗi trại có 9 gian, mỗi gian dài 9m, rộng 5m; gian này cách gian kia 3m. Trong mỗi gian chứa trên 100 anh em tù. Hơn 1000 người bị nhốt vào một dãy trại. Người cách mạng có ý chí chiến đấu và tinh thần đoàn kết là vũ khí chiến đấu với địch trong lao tù nên tổ chức đấu tranh với địch phải chặt chẽ, thống nhất.
Kỷ niệm đầu tiên của ông khi vào phòng giam là được anh em đến hỏi thăm, ông vẫn nói các thông tin như đã khai với địch; sau này, ông mới biết đó là tổ chức cử người đến hỏi để nắn gân cốt, xem bản lĩnh có vững vàng không. Ít ngày sau, ông nhập vào hội đồng hương Thanh Hóa.
Chế độ sinh hoạt trong phòng do anh em tự quản nấu nướng, tắm giặt. Sáng sáng, xe GMC chở rau, củ, quả, cá bể bé tẻo teo bằng ngón tay đến cho người tù. Chế độ khắc nghiệt của địch đặt ra vấn đề không nhỏ cho mỗi chi ủy: làm sao để giữ hơi ấm cho nhau, chống bệnh tật, có đủ sức khỏe để đào hầm trốn khỏi trại giam.
Tháng 12 năm 1971, ông được kết nạp vào Đoàn và làm Bí thư chi đoàn gồm ba người theo kiểu tổ tam tam hoạt động dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng. Ông nhanh nhẹn, sáng ý, khéo tay, nên không chỉ gò được vung đậy thùng cơm, mà còn mài được kim khâu tay. Cái khó ló cái khôn! Từ dây thép gai, cà mèn, ca uống nước, ông được giao nhiệm vụ làm xẻng đào sâu vào lòng đất để có thể vượt ngục. Chiếc xéng bé xíu như chú dế trũi, đào đất nhích từng centimet, xuyên qua lớp rào kẽm gai, ra ngoài. Khó nhất là che mắt địch để chúng không phát hiện được dấu đường hầm, và đêm đêm, anh em vẫn chui xuống đào. Vì vậy, tổ chức phân công ông Dư chuyên làm nắp cửa hầm. Ông tả chi tiết, tôi mới hiểu, sự sáng tạo, đấu tranh để sống, chiến đấu, trở về với đồng bào, nơi địa ngục Phú Quốc thật vô cùng gian nan. Như thế này cháu ạ, phải bò ra ngoài, gỡ sợi dây thép gai đem về nắn thẳng ra, đan như chiếc giỏ xe máy. Bánh xà phòng tắm dài 30cm, rộng 5cm, đen sì, chúng phát cho tù nhân, tôi thái nhỏ, trộn với đất và muối, tạo thành hỗn hợp lèn vào giỏ dây thép gai, thế là thanh cái nắp cửa hầm. Chất đất nắp hầm dẻo, mịn, địch thuốn để tìm, mà không tìm nổi. Nhưng rồi địch biết chúng tôi có đào hầm nên cứ ba tháng lại chuyển trại tù. Anh em bị chúng phát hiện đang đào hầm, bị tra khảo, và có thể bị đưa đi biệt giam, nhưng chúng tôi không nản. Có lần, đang làm nắp hầm, chúng đi điểm danh. Tôi liền ôm cái giỏ dây thép gai ấy vào người, trùm hai tấm chăn đắp tùm hum, người run bần bật. Chúng đến nơi, tưởng tôi sốt rét, thế là thoát.
Những đường hầm như cánh tay vươn ra ánh sáng tự do. Từ năm 1971 đến cuối năm 1972, 21 người đã thoát ngục tù bằng đường hầm để về đất Mẹ.
Được chọn ở trong Đội cảm tử, ông Dư làm xẻng đào hầm, làm nắp hầm thành quen tay; nhưng còn một công việc khá nguy hiểm nữa là khênh anh em trốn trong thùng rác, thoát ra ngoài. Khi đó, địch chuyển ông sang trại 11, gần bìa rừng. Tận dụng địa thế này, tổ chức chọn cách trốn trại giam bằng thùng rác. Thùng phuy đựng dầu 200 lít, cắt một nửa đi để đựng rác có thể chứa được một người.
Vào một ngày cuối tháng 10/1972, ông Dư là một trong tám người đi khiêng bốn thùng rác đi đổ. Bốn đồng chí ngồi khom khom trong thùng với bao tải dấp nước trùm lên đầu, rồi đến rác, xỉ than. Bọn lính gác không hề nghi ngờ. Bốn người lăn theo thùng rác từ sườn núi xuống, sẽ chạy tiếp vào rừng để tìm đường thoát khỏi đảo. Nhưng hai ngày sau, bọn địch đi rà soát quân số tù, đã phát hiện ra số người thiếu. Chúng cho máy bay trực thăng bay sát sạt cánh rừng và sả súng bắn chết hai người, còn hai người nữa, chúng tống vào phòng biệt giam. Sau này, ông Dư mới biết, người mà ông khiêng tối đó là ông Nguyễn Văn Thiềm, bị địch bắt lại. Năm 1976, gặp nhau trên đường Minh Khai, ông Dư mới biết ông Thiềm còn sống, về Hà Nội ở tập thể của Đại học Bách Khoa. Và người cùng khiêng thùng rác là ông Nhị, sinh sống bên Gia Lâm, nay đã mất.
* Những tấm lòng đồng đội
Sau khi ông Lâm Văn Bảng ở huyện Phú Xuyên đứng ra thành lập Bảo tàng, ông Nguyễn Trọng Dư rất tích cực cùng ông Bảng sưu tầm kỷ vật cho Bảo tàng các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày Phú Quốc và tìm hài cốt đồng đội bị địch giết hại ở Phú Quốc. Hồi ức không thể nào quên về một thuở bi tráng, kiên trung, bất khuất và tiếng gọi của đồng đội đã kéo ông đến những người còn giữ được hiện vật để mang về cho Bảo tàng. Lá cờ bằng máu do ông Nguyễn Thế Nghĩa ở Bắc Giang trao tặng; roi cá đuối là của độc, do người dân Phú Quốc tặng Bảo tàng. Còn các loại vồ địch dùng tra tấn các chiến sĩ, do con trai ông Út Long ở Thành phố Hồ Chí Minh tặng Bảo tàng. Nhờ nhiệt tâm của ông Dư, các đội quy tập đã đến Phú Quốc, khai quật ba đợt và tìm thấy hàng nghìn bộ hài cốt quy tập về nghĩa trang Phú Quốc. Riêng tảng đá trắng, dấu tích mà địch đã dùng để lấp hàng trăm thân xác các chiến sĩ và cây ổi mọc trên mặt một hố chôn tập thể khác, ông đã mang giống từ Phú Quốc về bảo tàng ở Phú Xuyên trồng, nay cây ổi đã xum xuê xanh tốt.
Ông Nguyễn Trọng Dư di chuyển tảng đá - dấu tích gắn với nhiều hài cốt các liệt sĩ ở
nhà tù Phú Quốc
Thăm Bảo tàng của các cựu tù bị địch bắt và tù đày Phú Quốc, hình ảnh thu nhỏ của cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất để về với đất Mẹ của các chiến sĩ cách mạng, ai cũng bồi hồi xúc động trước hình ảnh, hiện vật khá phong phú, sinh động. Ở trong Ban liên lạc cựu tù Phú Quốc, ông Dư được giao nhiệm vụ cùng ông Bảng phụ trách nội dung hoạt động của Bảo tàng, đón tiếp các đoàn khách đến tham quan, học tập truyền thống cha ông.
Nét mặt xúc động, ông Dư kể cho tôi nghe những câu chuyện về các liệt sỹ. Vâng, tôi cũng hằng tin như thế. Anh linh của các liệt sĩ sẽ sống mãi cùng non sông, đất nước và đang hiện về trên từng hiện vật của Bảo tàng.
Ths. Phạm Kim Thanh