Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng lớn nhất trong 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, mở đường đi tới thắng lợi của ta tại Hội nghị Giơnevơ năm 1954.Chiến dịch Điện Biên Phủ chỉ diễn ra trong gần 2 tháng nhưng công cuộc chuẩn bị cho thắng lợi của chiến dịch đã diễn ra trong rất nhiều ngày, tháng đầy thử thách với biết bao đóng góp to lớn của nhiều tầng lớp nhân dân ta, trong đó nổi bật là đóng góp của thế hệ trẻ Việt Nam ở hậu phương và tiền tuyến. Bài viết này chỉ xin nêu một cách chưa đầy đủ những đóng góp của thanh niên hậu phương trên hai khía cạnh.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng lớn nhất trong 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, mở đường đi tới thắng lợi của ta tại Hội nghị Giơnevơ năm 1954.Chiến dịch Điện Biên Phủ chỉ diễn ra trong gần 2 tháng nhưng công cuộc chuẩn bị cho thắng lợi của chiến dịch đã diễn ra trong rất nhiều ngày, tháng đầy thử thách với biết bao đóng góp to lớn của nhiều tầng lớp nhân dân ta, trong đó nổi bật là đóng góp của thế hệ trẻ Việt Nam ở hậu phương và tiền tuyến. Bài viết này chỉ xin nêu một cách chưa đầy đủ những đóng góp của thanh niên hậu phương trên hai khía cạnh.
Thứ nhất: Thanh niên hậu phương hăng hái tham gia lao động sản xuất và bảo vệ hậu phương vững chắc để có đủ lương thực tiếp tế cho chiến trường góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Thực hiện chủ trương của Đảng là huy động tại chỗ và tích cực vận chuyển từ hậu phương ra tiền tuyến, một cuộc vận động nhân dân về vật chất để chi viện cho tiền tuyến đã được triển khai rầm rộ. Hội đồng cung cấp mặt trận đã huy động nhân tài vật lực từ vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh đến Tây Bắc, Việt Bắc cũng như vùng bị địch tạm chiếm. Trong đó việc huy động ở Tây Bắc hậu phương, hậu cần tại chỗ của chiến dịch có tầm quan trọng đặc biệt. Nhờ có sự lao động quên mình của nhân dân ta nói chung và thế hệ trẻ nói riêng mà vùng hậu phương của ta không những đảm bảo được đời sống của nhân dân mà còn đáp ứng được nhu cầu lớn về vật chất của chiến trường. Theo số liệu tổng kết thì trong chiến dịch Điện Biên Phủ nhân dân ta đã đóng góp 23.056 tấn gạo, 266 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, có 261.451 lượt người đi dân công với 20.991 chiếc xe đạp thồ, 736 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và 3.130 chiếc thuyền(1). Riêng nhân dân Tây Bắc đã cung cấp cho tiền tuyến 47% nhu cầu số gạo, 43% thịt, 100% rau tươi, 100% thuyền và ngựa đã sử dụng. Ngoài ra còn cung cấp 14% số ngày công chủ yếu từ trung tuyến ra tiền tuyến(2).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá cao vai trò của hậu phương trong kháng chiến chống Pháp cũng như trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Bác Hồ nói chuyện với thanh niên xung phong làm nhiệm vụ sửa đường phục vụ chiến dịch Biên Giới, năm 1951
Thanh niên hậu phương đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm để bảo vệ hậu phương, đập tan âm mưu lấn chiếm, mở rộng càn quét vùng đồng bằng đông dân nhiều của, thọc sâu vào hậu phương kháng chiến của ta làm cản trở việc chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ. Chỉ trong vòng 2 tháng cuối năm 1953 đầu năm 1954 ta đã tiêu diệt 13.950 tên địch, thu 4.000 súng các loại, phá 300 xe bọc thép, vận tải, ca nô v.v... đánh bại các cuộc hành quân càn quét của địch.
Thứ hai: Thanh niên hậu phương sẵn sàng lên đường nhập ngũ, sẵn sàng gia nhập đội quân thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, bất chấp mọi khó khăn gian nguy, hy sinh.
Từ căn cứ kháng chiến Việt Bắc, đến vùng tự do khu III, khu IV, khu V anh dũng, lớp lớp thanh niên nô nức lên đường tòng quân giết giặc, khắp nơi bừng lên khí thế "Tất cả cho tiền tuyến"... Các vùng nông thôn tiếng trống tiễn đưa những người ra trận nhộn nhịp khắp thôn xóm, không khí ra quân như trẩy hội. Ở trụ sở ghi tên người nối người, ban tuyển quân vất vả làm việc suốt ngày, khản cổ giải thích mà những người không đủ tiêu chuẩn vẫn không thông. Có chàng trai cho đá vào ống quần để cân nặng cho đủ tiêu chuẩn. Số quân đã lấy gần gấp đôi yêu cầu mà vẫn chưa hết người ghi tên. Một điều khó khăn nữa là anh em tân binh ai cũng muốn xin đi Điện Biên Phủ cho thỏa chí làm trai". "... Có xã chỉ tuyển 30 tân binh nhưng có tới 200 người xung phong", "và thế là nhiều địa phương phải bình nghị để ai cần ở lại hậu phương"(3)
Tuổi trẻ hậu phương cũng rất hăng hái đi thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến: "Các trụ sở Ủy ban ghi tên đi thanh niên xung phong, đi dân công Điện Biên Phủ tấp nập đông vui không kém. Những quân đoàn ấy cứ ùn ùn lên đường. Từ khắp các nẻo đường đất nước đều nhằm một hướng Điện Biên Phủ, tất cả chỉ một nguyện vọng đi phục vụ bộ đội tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ"(4)
Đoàn dân công tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Từ tháng 3/1953 đoàn thanh niên xung phong được thành lập mới có 1.000 người "tuổi từ 18 đến 25 tự nguyện phục vụ đến kháng chiến thành công" thì đến khi bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ, số lượng thanh niên xung phong đã lên tới 12.000 người, phiên chế thành 4 đội (đội 34, đội 36, đội 38, đội 40, mỗi đội gồm có 3.000 người). Các đội viên của đội thanh niên xung phong đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vô cùng nặng nề, nguy hiểm là xây dựng, bảo vệ các con đường huyết mạch tiến vào mặt trận Điện Biên Phủ. Đặc biệt là con đường từ Yên Bái lên Điện Biên Phủ dài trên 75 km, nhiều đèo cao, núi non hiểm trở, phải bắc 90 chiếc cầu tre và sự oanh tạc điên cuồng suốt ngày đêm của máy bay địch. Chỉ riêng một ngã ba Cò Nòi họ đã phải phá trên 3.000 quả bom nổ chậm của địch để bảo vệ đường, cầu, giao thông thông suốt. Cũng tại nơi đây có lúc cả một tổ thanh niên xung phong 5 người đã hy sinh không còn một ai. Tuổi trẻ hậu phương đã lập công xuất sắc trên mặt trận phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Đoàn thanh niên xung phong đã góp phần to lớn vào chiến thắng Điện Biên Phủ. "... Bất kỳ công tác gì anh em thanh niên xung phong đều làm được cả". Phần thưởng mà Chính phủ và Bác Hồ đã tặng thưởng cho đoàn thanh niên xung phong là Huân chương Kháng chiến hạng nhất, 60 Huân chương các loại và 20 huy hiệu của Hồ Chủ tịch đã nói lên đóng góp to lớn của tuổi trẻ thanh niên xung phong trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đồng bào dân tộc tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954.
Có một thực tế mà ai cũng thấy là Điện Biên Phủ nằm lọt giữa vùng rừng núi trùng điệp của Tây Bắc, cách xa vùng hậu phương từ 500 - 700 km. Bởi vậy, một trở ngại to lớn khi ta mở chiến dịch Điện Biên Phủ đó là vấn đề hậu cần cho một chiến dịch lớn. Nhưng lịch sử đã cho thấy tất cả những khó khăn đã được khắc phục bởi tinh thần phục vụ tiền tuyến của nhân dân ta trong các đội dân công hỏa tuyến mà tuyệt đại bộ phận là thanh niên. Họ bất chấp thời tiết khắc nghiệt, bom đạn của quân thù, hăng hái ra tiền tuyến xẻ núi, làm đường, bắc cầu, chuyên chở vũ khí, lương thực cho chiến dịch với tinh thần "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng". Thanh niên hậu phương đã chiếm một tỷ lệ rất cao, trên 70% trong tổng số 261.451 dân công với tổng số 18,3 triệu ngày công phục vụ chiến đấu. Riêng Thanh Hóa trong một đợt huy động đã có tới 120.000 người, trong đó có 25.000 nữ tình nguyện đi dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ với mọi phương tiện: xe đạp, xe thồ, xe cút kít, thuyền... Khắp vùng nông thôn hậu phương việc chi viện cho tiền tuyến giết giặc lập công thực sự là ngày hội của quần chúng nhân dân. Ở vùng địch hậu thanh niên ta cùng với nhân dân cũng đã hăng hái ra tiền tuyến, chi viện cho chiến dịch. Tuổi trẻ Tây Bắc cùng với đồng bào các dân tộc ngày đêm gấp rút mở đường mới, sửa chữa đường cũ, đường bị giặc phá để đảm bảo giao thông cho chiến dịch. Chỉ trong một thời gian mấy tháng trước khi mở chiến dịch, họ đã tu sửa 200 km đường từ Hòa Bình đến Sơn La, củng cố 300 km đường từ Yên Bái đi Sơn La, làm mới 89 km đường từ Tuần Giáo đi Điện Biên Phủ. Với hơn 20.000 chiếc xe đạp thồ và hàng chục vạn dân công cùng đôi vai của mình, thanh niên hậu phương đã tiếp tế cho mặt trận Điện Biên Phủ hàng chục vạn tấn gạo, thực phẩm. Phải chăng là lời thú nhận của Nava Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã nói lên đóng góp có ý nghĩa góp phần quyết định thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ của thanh niên hậu phương: "Chính chiếc xe đạp thồ của Việt Minh đã thắng"(5).
Đoàn xe đạp thồ của dân công tỉnh Thanh Hóa vận chuyển lương thực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954.
Những bằng chứng lịch sử nói trên đã cho thấy nét nổi bật của thế hệ trẻ Việt Nam ở hậu phương trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ là luôn sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì, khó khăn nào cũng vượt qua để góp phần vào thắng lợi của chiến dịch. Sự đóng góp trên nhiều mặt của thanh niên hậu phương là một sức mạnh góp phần to lớn vào thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Những đóng góp của thanh niên hậu phương vào thắng lợi vẻ vang trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử là những gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay vươn lên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
BBT giới thiệu
(Thông báo Khoa học. BTCMVN, số 2 – 2004)
(1) Tổng cục Hậu cần. Lịch sử Hậu cần QĐND tập I (1944-1954). NXB QĐND. Hà Nội 1993, trang 305, 306.
(2) Tổng cục Hậu cần. Tổng kết công tác hậu cần chiến dịch Điện Biên Phủ, Đông Xuân 1953 - 1954. Ban Khoa học Tổng cục Hậu cần Hà Nội 1979, trang 131.
(3) Nguồn: Tư liệu Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia).
(4) Nguồn: Tư liệu Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia).
(5) Nava Đông Dương hấp hối. Tài liệu lưu trữ tại Thư viện Quân đội 9V22/TV223.