Chủ Nhật, 03/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

06/03/2018 00:00 2736
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Chiếm gần một nửa trên tổng số bài đề cập đến vấn đề phụ nữ, các tác giả Nữ Giới Chung rất quan tâm đến việc nhìn nhận, đánh giá lại về chính người phụ nữ, về địa vị, vai trò, trách nhiệm của người phụ nữ vào thời điểm tờ báo xuất bản.

Chiếm gần một nửa trên tổng số bài đề cập đến vấn đề phụ nữ, các tác giả Nữ Giới Chung rất quan tâm đến việc nhìn nhận, đánh giá lại về chính người phụ nữ, về địa vị, vai trò, trách nhiệm của người phụ nữ vào thời điểm tờ báo xuất bản.

Dưới tiêu đề “Thế lực người đờn bà”, lần đầu tiên trong lịch sử, người phụ nữ được đề cao đến như vậy. Trái ngược với quan niệm của giáo lý Khổng Mạnh từng tồn tại bao đời nay, người phụ nữ chỉ có nghĩa vụ duy trì nòi giống, là “cái máy đẻ”, là “cái đồ chơi vui, vật mọn của bọn nam nhi”, đến nay, vị thế của người phụ nữ đã khác hẳn. Mượn câu danh ngôn của người Anh “Cái tay đưa võng cho con, ấy là cái tay cầm quyền cả thế giới”, Nữ Giới Chung cho rằng:

... có đờn bà mới sanh ra thánh hiền, hào kiệt, mới có người tô điểm vẻ non sông; không có đờn bà thì loài người ắt tiêu duyệt, thế giới hiu quạnh như cù lao hoang, đâu là nhà “Triết học”, nhà “Văn hóa”, nhà “Chánh trị”, đâu là nhà “Kinh tế”, nhà “Cách trí”, nhà “Giáo dục” và hết thảy các hạng người ở trên trái đất này. [Nữ Giới Chung, số 1].

Bài “Thế lực người đờn bà”, Nữ Giới Chung số 1, ngày 1-2-1918.

Với thiên chức của mình, mà báo gọi là “thế lực”, người phụ nữ đã sản sinh ra các bậc anh tài, hào kiệt của mọi thời đại Đông - Tây, người phụ nữ là cội nguồn của nhân loại. Quả thật, đây là điều hoàn toàn mới mẻ, có thể coi là một thông điệp có tính đột phá mà Nữ Giới Chung muốn gửi tới độc giả của tờ báo.

Một mặt, tôn vinh người phụ nữ, nhưng nhìn lại thực tế cuộc sống xã hội, theo các tác giả Nữ Giới Chung, chính người phụ nữ lại là nguyên nhân của sự hỗn loạn, đồi bại trong xã hội, những “nghiêng thành, đổ quán, xiêu đình, tan nhà nát cửa” cũng “bởi tay nữ lưu chúng ta” [Nữ Giới Chung, số 1].

Trên mặt báo Nữ Giới Chung, quan niệm người phụ nữ trước hết phải tuân theo khuôn phép của giáo lý Khổng Mạnh được không ít các tác giả ủng hộ. Với người phụ nữ, khi còn con gái “chữ trinh đáng giá ngàn vàng”, Nữ Giới Chung cho rằng: “người đàn bà quí nhất là trinh tiết, không có trinh thì không có giá gì cả”. Chữ Trinh không chỉ đáng giá “ngàn vàng” mà tác giả bài báo còn cho là “vô giá”, vì:

Vàng tuy quí thật mà có giá, ai cũng thể mua đặng, tuy quí nhưng chưa lấy chi quí lắm. Chớ chữ Trinh thì khắp cả vàng ngoài trái đất đã dễ mua à? Mua được quả là không lấy làm quí, đánh giá được lại quả là không đáng quí lắm nữa! Vô giá thì mới thiệt là vật báu”.

Chữ Trinh như một điều kiện để người phụ nữ nên người “hiền thê, từ mẫu”, làm mát lòng cha mẹ. Nếu ai vì “háo sắc, tham tài” mà không giữ được mình, đem thân “làm cái đồ chơi chung cho thiên hạ vò xé”, Nữ Giới Chung coi những người phụ nữ như vậy là “con người bại đức ô danh” [Nữ Giới Chung, số 20].

Dù luận bàn dưới góc độ “Đạo đàn bà” hay “Đạo vợ chồng”, thuyết tam tòng, tứ đức vẫn được Nữ Giới Chung đề cao và khẳng định. Người phụ nữ thuộc phái yếu, cho nên vốn phải dựa vào người đàn ông, vào giới mạnh. Vì thế, người phụ nữ nhất nhất phải giữ được tứ đức: công, dung, ngôn, hạnh với sự giải thích: nghĩa là giao thiệp cho có nghi tiết, đi đứng cho có khoan thai, thời là đường “dung” không lỗi. Giữ gìn cho khỏi tiếng chê bai, cư xử cho tròn tiết nghĩa, thời là đường “hạnh” chẳng lầm. Ăn nói cho khoan hòa, mồm miệng cho cẩn thận, thời là đường “ngôn” không sai. Làm ăn cho khéo léo, thêu thùa, kim, chỉ, vá, may, bánh trái, giò, nem, ninh, mọc, thời là đường “công” không hỏng; giữ được tam tòng: theo cha để giữ tròn chữ “hiếu”, theo chồng để giữ trọn chữ “trinh”, theo con để giữ trọn chữ “từ”. Nữ Giới Chung đánh giá người phụ nữ làm tròn được những điều trên là người có “nết tốt”, ngược lại, là “người quấy” (người xấu), những người như thế “xã hội không thương, pháp luật không dung thứ” [Nữ Giới Chung, số 17]. Thuyết này được các tác giả Nữ Giới Chung tôn sùng đến mức quên mất cội nguồn gốc rẽ của nó là từ Trung Hoa sang, mà tự hỏi “chẳng biết có đàn bà nước nào được như thế không?” [Nữ Giới Chung, số 18].

Nữ Giới Chung coi tam tòng, tứ đức như thước đo, như chuẩn mực của những người phụ nữ đích thực. Đó chính là sự cụ thể hóa của “đạo đàn bà”. Để làm tròn “đạo” trong gia đình, người phụ nữ phải biết “bỏ mình đi mà giúp cha, giúp mẹ, giúp chồng, giúp con”. Nữ Giới Chung thừa nhận, ca ngợi những đức tính quí báu của người phụ nữ: đảm đang, nhẫn nại, đức hy sinh, lòng vị tha... đặc biệt, những gương phụ nữ Bắc Kỳ biết “an phận”, tần tảo buôn bán “năm nắng, mười sương, nằm mưa, ăn gió” vừa nuôi con, lại nuôi chồng theo đường ăn học. Theo Nữ Giới Chung, những người đàn bà như thế là đã “vẹn được cái nghĩa vụ cao”, “trọn đạo với chồng” [Nữ Giới Chung, số 18].

Tuy nhiên, về thuyết tam tòng, có tác giả đưa ra quan niệm tương đối đơn giản hơn. Trong tam tòng, trước hết và quan trọng hơn là tòng phụ, coi đây là điều kiện để tòng phu, tòng tử trọn vẹn được. Trước hết người phụ nữ phải là một người con hiếu thảo (tòng phụ), biết “thương yêu cha mẹ, thuận hòa với anh em, sắc mặt cho vui vẻ, phải lo trau mình, giữ tánh hạnh; tất là phải làm sao cho cha mẹ được danh thơm, tiếng mình được miệng lành bay muôn dậm”. Như thế, thì cũng là đủ. [Nữ Giới Chung, số 15].

Trọn “đạo đàn bà”, đạo với chồng, Nữ Giới Chung cho đó chính là “cái khôn của người đàn bà”, về điều này, báo phân tích rõ: “khôn” phải “ngoan”. Nghĩa là, khi còn con gái phải “giữ ngọc gìn vàng”. Khi lấy chồng, phải “tòng phu”, thuận chồng. Nếu lấy được chồng giàu sang, làm sao giữ được là người phụ nữ có đức độ, đáng bậc “mẫu nghi” và giữ trọn “gia phong” làm gương cho kẻ khác. Không may lấy phải chồng hèn, dù phải “đầu đội, vai mang, thắt lưng buộc bụng” lo toan cho gia đình, vẫn giữ trọn đạo đàn bà:

“Chồng người khố lụa, người yêu

Chồng em khố vải, em chiều, em thương”. [Nữ Giới Chung, số 21].

Người phụ nữ giữ trọn “đạo” của mình được các tác giả Nữ Giới Chung coi như một nhân tố làm cho xã hội được bình an, hạnh phúc. Báo giải thích:

“...trong một nhà hòa thuận, thì trong một làng và một nước cũng được hòa thuận, đã được hòa thuận thì phong tục tốt, phong tục tốt thì bề chánh trị dễ xử đoán, chánh trị dễ xử đoán thì trong nước được bình an” [Nữ Giới Chung, số 6].

Tuy nhiên, Nữ Giới Chung cũng tỏ ra thái quá khi đi đến chỗ bài xích những vấn đề có tính cách cá nhân của người phụ nữ. Ví dụ, khi bàn đến việc phụ nữ - văn chương, Nữ Giới Chung cho rằng văn thơ chỉ là “cái trò chơi của ông tạo vật” và người đàn bà không nên chuyên về văn thơ. Nữ Giới Chung phê phán những người phụ nữ muốn chen lên chốn văn đàn “làm chị ông Lý Thái Bạch, ngâm trăng ngợi tuyết, cợt gió cười mây” thì sẽ sao nhãng, bỏ bê công việc gia đình “sao cho tròn cái nghĩa vụ làm con, làm vợ, làm mẹ”. Cái tư tưởng lãng mạn “buồn đến cánh bông tàn, buồn vườn trăng khuyết” được các tác giả Nữ Giới Chung coi như những điều xa lạ trong cuộc sống của những người phụ nữ bình thường, “lý tưởng sao mà lý tưởng lạ vậy?” [Nữ Giới Chung, số 8].

Bài “Đờn bà không nên chuyên về văn thơ” của Sương Nguyệt Anh, Nữ Giới Chung số 8, ngày 29-3-1918

Nữ Giới Chung đề cao vai trò, trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình. Đảm đang, tháo vát là những đức tính đáng quí đưa người phụ nữ lên một vị trí đáng trân trọng, kính nể - “nội tướng trong nhà”. Trong gia đình, khi vai trò của người đàn ông quá mờ nhạt “chỉ biết cái đại khái mà thôi” hoặc “chỉ có ở đấy làm vì mà thôi” thì phụ nữ là người quán xuyến tất cả, từ lo lắng công việc gia đình nhà chồng, thờ cha mẹ chồng, cùng chồng gánh vác nuôi gia đình, đến việc dựng vợ gả chồng cho con, rồi cách đối nhân xử thế giữ được trong ấm ngoài êm “đều trong tay người nội tướng ráo” [Nữ Giới Chung, số 18].

Vai trò “giáo tử” của người phụ nữ cũng được Nữ Giới Chung bàn đến. Với lý do “người đàn ông nước ta ngày nay cũng còn hư hèn”, nên người phụ nữ phải giúp chồng dạy con để chồng có “ngày giờ mà thi thố ở buổi đời cạnh tranh nầy” để “xung pha trong chốn danh dự trường trung” [Nữ Giới Chung, số 18].

Gia đình Việt Nam truyền thống coi việc “phu xướng” thì “phụ tuỳ”, chồng nói, vợ nghe theo như nghĩa vụ của người phụ nữ. Về việc này, các tác giả Nữ Giới Chung bộc lộ rõ quan điểm: “điều phải thì nghe theo, điều quấy thì can gián”. Nếu chồng sa ngã thì vợ phải “dùng lời ngon tiếng ngọt mà khuyên lơn”. Người phụ nữ phải biết phân tích, hướng người chồng đến việc đúng, việc thiện. Trước hết là giữ cho chồng, sau đến dạy bảo con, như vậy người phụ nữ có vai trò không thể phủ nhận đối với người chồng, họ là người giữ cho gia đình có kỷ cương, nề nếp. Gia đình tốt, xã hội sẽ tiến bộ. Quan điểm của Nữ Giới Chung quả là có căn cứ.

Sau chiến tranh thế giới thứ Nhất, những biến đổi về kinh tế, văn hóa, xã hội; kết quả của quá trình dung nạp văn hóa, văn minh phương Tây, văn minh Pháp đã có những ảnh hưởng nhất định đến quan điểm của Nữ Giới Chung về người phụ nữ. Trong thời đại mới, người phụ nữ vẫn phải đảm đang công việc gia đình nhưng phải biết quan tâm đến thời thế, biết “lấy sự thời thế ra cùng khích lệ”. “Sự thời thế” ở đây được mỗi tác giả Nữ Giới Chung có cách giải thích riêng:

Tác giả Nguyễn Song Kim - Nguyễn Mạnh Bổng cho rằng người phụ nữ: “phải bước chân vào hàng chức nghiệp, học hành thao luyện cho trí thức mở mang, tâm điền sáng suốt”; “phải cầu chưng quyển sách, nhà báo, chốn học đường, nơi diễn thuyết” [Nữ Giới Chung, số 14]. Hay theo tác giả Nguyên Thị Hồng, người phụ nữ cần lưu tâm “kiếm đường xem báo cho được ích” để “điều hay mà bắt chước, điều dở tránh xa” [Nữ Giới Chung, số 20]...

Vào thời điểm ra báo Nữ Giới Chung, ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội và một số nơi trong Nam Kỳ lục tỉnh, các trường nữ học đã được lập ra. Cùng với chính tờ báo Nữ Giới Chung, tác giả cho đây là hai điều kiện để người phụ nữ có thể “quan tâm đến thời thế” hay nói cách khác để có thể thâu nạp được văn hóa, văn minh của người Pháp.

Từ đó, Nữ Giới Chung đề ra một phương châm mới cho người phụ nữ “duy trì lấy phong hóa cang thường của cha ông ta ngày trước, thâu lạp lấy cái văn minh mới của Lăng sa, đúc nên một cái quốc hồn đặc biệt”. Hình ảnh người phụ nữ lý tưởng mà các tác giả Nữ Giới Chung muốn tạo dựng là người phụ nữ vừa giữ được khuôn phép, giáo lý của gia đình Nho giáo truyền thống (vẹn tam tòng, tứ đức, trọn đạo đàn bà) vừa phải biết quan tâm đến thời cuộc (có học vấn, có kiến thức, có chức nghiệp riêng...)

Đó còn là người phụ nữ có lòng nhân từ, bác ái, lòng nhiệt thành, có tính cẩn thận, quyết đoán, kiên khổ, nhẫn nại, siêng năng, thanh liêm, công bình, chánh trực và đặc biệt, phải biết tiện tặng - “một cái nết đẹp của người phụ nữ nước ta”. Bởi vì, nếu không tiện tặng thì “nước làm sao không nghèo, của làm sao không trôi hết ra ngoài biển Nam hải”. Hay cụ thể, trong cuộc sống gia đình:

Lời rằng: vợ đó chồng đăng, chồng làm ra của vợ năng kiệm cần. Chị em tiện tặng lần lần. Có ngày cũng hưởng đặng phần thảnh thơi. Nếu mà quen thói đua bơi, áo quần loè loẹt tả tơi có ngày, đăng thưa mà đó đặng dày, cá ra cũng sót lại rày chẳng sai. Đăng thưa mà đó chẳng dày, bao nhiêu cá lại ra ngoài biển Đông. [Nữ Giới Chung, số 6]

Bài “Nghĩa tiện tặng” của bà Sương Nguyệt Anh, Nữ Giới Chung số 5, ngày 8-3-1918.

Nữ Giới Chung coi người phụ nữ là gốc rễ của sự phát triển xã hội, là “nhân” để có “quả”: “núi sông bền vững, giống nòi dài lâu” [Nữ Giới Chung, số 14]. Phải chăng ngay từ năm 1918, Nữ Giới Chung đã có quan điểm tiến bộ về người phụ nữ như vậy?

Dù có đề cao người phụ nữ như cội gốc của nhân loại, như người nội tướng trong gia đình, khuyến khích người phụ nữ có học vấn, có nghề nghiệp... nhưng cuối cùng Nữ Giới Chung cũng kết luận “nếu không học hỏi thì biết đâu mà dạy dỗ lại con, không coi sách thì biết đâu phần trách nhiệm của mình” [Nữ Giới Chung, số 4]. Người phụ nữ lại trở về với địa vị truyền thống của mình, như “cái luật tự nhiên”- lo tròn bổn phận trong gia đình, tề gia nội trợ, giúp chồng dạy con.

Tường Khanh

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4948

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

100 năm báo Nữ Giới Chung (1918-2018): Bàn về nữ quyền (Phần 3 và hết)

100 năm báo Nữ Giới Chung (1918-2018): Bàn về nữ quyền (Phần 3 và hết)

  • 03/02/2018 00:00
  • 1826

Sự học được coi như vũ khí của người phụ nữ. Người phụ nữ có học sẽ mất đi tính tự ti với những biểu hiện như yếu nhát, mắc cỡ, núp trốn... Họ trở nên chủ động trong ăn nói, trong giao tiếp ứng xử xã hội và đặc biệt trước người đàn ông. Nhưng ngược lại, khi không được giáo dục, người phụ nữ như “kẻ không biết đường đi, đụng ngả nào đi ngả nấy, may ruổi cứ nhắm mắt đánh liều”. Người phụ nữ không được giáo dục sẽ gây biết bao cái hại trong gia đình, mà trước hết là hại đến chồng, làm chồng “chức nghiệp tiêu điều, danh giá mòn mỏi”, không được giáo dục thì “đâu biết lo giáo dục cho con”, khi ra ngoài xã hội thì “không biết cách sống, cách cư xử” [Nữ Giới Chung, số 7].