Thứ Sáu, 20/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

03/02/2018 00:00 1768
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Sự học được coi như vũ khí của người phụ nữ. Người phụ nữ có học sẽ mất đi tính tự ti với những biểu hiện như yếu nhát, mắc cỡ, núp trốn... Họ trở nên chủ động trong ăn nói, trong giao tiếp ứng xử xã hội và đặc biệt trước người đàn ông. Nhưng ngược lại, khi không được giáo dục, người phụ nữ như “kẻ không biết đường đi, đụng ngả nào đi ngả nấy, may ruổi cứ nhắm mắt đánh liều”. Người phụ nữ không được giáo dục sẽ gây biết bao cái hại trong gia đình, mà trước hết là hại đến chồng, làm chồng “chức nghiệp tiêu điều, danh giá mòn mỏi”, không được giáo dục thì “đâu biết lo giáo dục cho con”, khi ra ngoài xã hội thì “không biết cách sống, cách cư xử” [Nữ Giới Chung, số 7].

Sự học được coi như vũ khí của người phụ nữ. Người phụ nữ có học sẽ mất đi tính tự ti với những biểu hiện như yếu nhát, mắc cỡ, núp trốn... Họ trở nên chủ động trong ăn nói, trong giao tiếp ứng xử xã hội và đặc biệt trước người đàn ông. Nhưng ngược lại, khi không được giáo dục, người phụ nữ như “kẻ không biết đường đi, đụng ngả nào đi ngả nấy, may ruổi cứ nhắm mắt đánh liều”. Người phụ nữ không được giáo dục sẽ gây biết bao cái hại trong gia đình, mà trước hết là hại đến chồng, làm chồng “chức nghiệp tiêu điều, danh giá mòn mỏi”, không được giáo dục thì “đâu biết lo giáo dục cho con”, khi ra ngoài xã hội thì “không biết cách sống, cách cư xử” [Nữ Giới Chung, số 7].

Bài “Việc nữ học”, Nữ Giới Chung số 22, ngày 19-7-1918

Một mặt các tác giả Nữ Giới Chung ủng hộ, chờ đợi việc giáo dục phụ nữ “đám nam nhi chúng tôi cũng trông đêm trông ngày”. Mặt khác, họ cũng cảnh báo việc học đòi thái quá tư tưởng nữ quyền của phương Tây. Nếu cứ hô hào nữ quyền mà không có nữ giáo, thì hậu quả thật khôn lường “đáng sợ thay con gái không có giáo dục mà chuyên quyền gia thất thời bại hoại cang thường, cầm quyền quốc gia thì đảo điên chánh sự” hoặc làm thế “khác gì vẽ đường cho hươu chạy, mà tưới thêm dầu vào đống lửa cháy, để cho cái thói hư ngày càng tệ hại”. Vì vin cớ nữ quyền để lộng quyền quá sức “con gái thì lấn quyền cha mẹ, vợ thời lấn át chồng” thậm chí có người kiện toà bỏ chồng vì chồng làm ít lương tiêu xài không đủ [Nữ Giới Chung, số 13]. Tệ hại hơn, có tác giả cho chữ nữ quyền tự do là nguyên nhân làm đảo lộn trật tự xã hội, làm tha hóa đạo đức của chính người phụ nữ “bởi bình đẳng nên phải hư nhà hại cửa, vì tự do nên phải bán phấn buôn hương” [Nữ Giới Chung, số 7].

Các tác giả Nữ Giới Chung còn cho rằng quyền bình đẳng nam nữ còn có nghĩa là bình đẳng về nghĩa vụ và trách nhiệm giữa người đàn ông và phụ nữ. Trong khi đàn ông “trị việc ngoài” những “việc chính trị to tát, ngoại giao lớn nhỏ” thì người phụ nữ “lo việc trong” thờ chồng nuôi con, thờ phụng cha mẹ chồng... Đó là cái nghĩa vụ đương nhiên, “cái định lệ của ông tạo vật” đã phân định cho người phụ nữ. [Nữ Giới Chung, số 11].

Thay Lời kết

Trước Nữ giới Chung, vấn đề phụ nữ đã được đề cập đến trong mục “Nhời đàn bà” của Đại Nam Đăng cổ tùng báoĐông Dương tạp chí. Tuy nhiên, thực chất đây là những quan điểm cá nhân của Nguyên Văn Vĩnh. Chỉ trên diễn đàn công khai Nữ Giới Chung, phụ nữ mới thực sự được bàn luận về những vấn đề của chính mình, với sự tự nhận thức về chính bản thân phụ nữ.

Bàn đến vấn đề phụ nữ, có thể nói tính dung nạp và kết hợp được bộc lộ khá rõ trên Nữ Giới Chung. Từ cách đánh giá về vai trò, vị trí của người phụ nữ đến các quan điểm về nữ quyền, nam nữ bình đẳng, Nữ Giới Chung luôn tìm kiếm sự tương đồng và hướng tới những quan điểm, quan niệm mới của phương Tây nhưng ngược lại tờ báo vẫn chưa thoát khỏi những ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo đã từng tồn tại trong xã hội Việt Nam truyền thống. Chính vì vậy, một người phụ nữ lý tưởng mà Nữ Giới Chung muốn xây dựng là một người phụ nữ vừa giữ được khuôn phép, giáo lý của gia đình Nho giáo (vẹn tam tòng, tứ đức, trọn đạo đàn bà...) vừa phải biết quan tâm đến thời cuộc (tham gia hoạt động xã hội, có học vấn, có kiến thức, có chức nghiệp riêng...) Hay bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến những kiến thức khoa học (trong việc nữ công gia chánh, cách nuôi, dạy con, phép vệ sinh...) của phương Tây, một người phụ nữ có phép tắc trong ứng xử gia đình, xã hội (lời nói, dáng điệu, cử chỉ...) vẫn được Nữ Giới Chung chú trọng nhắc nhở.

Cùng với những tờ báo khác đương thời, đề xướng, đẩy mạnh nữ học, nữ giáo là một tôn chỉ hàng đầu của bản báo. Khuyến khích phụ nữ tới trường học (học chữ quốc ngữ, học đạo đức, học các môn khoa học tự nhiên, xã hội) để có kiến thức, có học vấn được Nữ Giới Chung coi như một yếu tố căn bản để tiến tới quyền nam nữ bình đẳng. Đồng thời, Nữ Giới Chung cũng lên tiếng đòi quyền bình đẳng trong giáo dục cho người phụ nữ, ngay cả trẻ em gái cũng phải được giáo dục từ nhỏ. Vấn đề giáo dục phụ nữ lại càng trở nên cần thiết hơn khi Nữ Giới Chung đưa ra mối liên hệ giữa phụ nữ có giáo dục - gia đình êm ấm - xã hội bình an, hạnh phúc. Mặc dù những nhận thức của Nữ Giới Chung về nữ quyền, nam nữ bình đẳng mới chỉ dừng lại ở lĩnh vực văn hóa - nữ học, giáo dục phụ nữ, nhưng đây cũng là điểm tiến bộ đáng ghi nhận của tờ báo.

Bài “Bàn thêm về chữ nữ quyền”, Nữ Giới Chung số 6, ngày 15-3-1918.

Bài “Nữ quyền tự do luận”, Nữ Giới Chung số 6, ngày 15-3-1918.

Tiếc thay, những quan điểm của Nữ Giới Chung về vấn đề phụ nữ vẫn là quá mới mẻ so với nhận thức của chính người phụ nữ và của phần lớn nhân dân Việt Nam lúc đó. Người phụ nữ vẫn còn thờ ơ với thời cuộc và thường không thích những cải biến quá táo bạo dù những cải biến này có lợi cho họ. Không được ủng hộ, Nữ Giới Chung mất dần đi độc giả của mình. Đó cũng chính là lý do dẫn đến việc Nữ Giới Chung phải đình bản sau hơn 5 tháng tồn tại.

Cuộc đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ, người phụ nữ được quyền bình đẳng chính trị, bình đẳng trước pháp luật, đặc biệt vấn đề nữ quyền gắn chặt với vấn đề giải phóng dân tộc là bước tiếp theo của Nữ Giới Chung mà trách nhiệm thuộc về những tờ báo phụ nữ sau này./.

Tường Khanh

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4829

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

100 năm báo Nữ Giới Chung (1918-2018): Bàn về nữ quyền (Phần 2)

100 năm báo Nữ Giới Chung (1918-2018): Bàn về nữ quyền (Phần 2)

  • 02/02/2018 00:00
  • 1836

Xuất phát từ việc cho rằng nữ quyền đã từng có ở Việt Nam, không ít tác giả Nữ Giới Chung đã lên tiếng phản đối nữ quyền-bình đẳng nam nữ theo ý nghĩa của phương Tây.