Xuất phát từ việc cho rằng nữ quyền đã từng có ở Việt Nam, không ít tác giả Nữ Giới Chung đã lên tiếng phản đối nữ quyền-bình đẳng nam nữ theo ý nghĩa của phương Tây.
Xuất phát từ việc cho rằng nữ quyền đã từng có ở Việt Nam, không ít tác giả Nữ Giới Chung đã lên tiếng phản đối nữ quyền-bình đẳng nam nữ theo ý nghĩa của phương Tây.
Trước hết, Bà Sương Nguyệt Anh cho rằng quyền bình đẳng nghĩa là “đờn bà cũng đặng hưởng cái quyền lợi ngang như đờn ông vậy” [Nữ Giới Chung, số 3]. Và người phụ nữ cũng thông minh như nam giới “bọn quần xoa khách mày râu khác gì”. Song theo bà, những cuộc thảo luận về quyền bình đẳng lúc này chưa hợp thời vì phụ nữ vẫn chưa được giáo dục đầy đủ. Khi điều kiện dân trí mới “bán khai”, người phụ nữ “ngoài ba ông táo, chưa biết xứ Nam xứ Bắc về đâu, nhà Trần nhà Lê là triều nào”, “yếm mang quần vận, ngoài tam tùng, chẳng có chút tài riêng” mà “vội nói bao lao những tiếng bình đẳng tự do khác gì đương mùa nóng mà mặc áo lông cừu, ở xứ lạnh lại dùng hàng lụa mỏng, trái thì tiết, chỉ hại ích gì đâu”. Hơn nữa, bà vẫn cho rằng đối với phụ nữ những “việc tề gia nội trợ, giúp chồng dạy con là cái luật tự nhiên”; nếu người phụ nữ mà đua chen “trong cuộc chánh quyền thì việc nhà tất phải xao nhãng” và xã hội sẽ ra sao nếu gia đình được coi như một toà án đế quốc mà ở đó hai phe tranh luận để giành quyền kiểm soát. Tóm lại, sự bình đẳng về trí tuệ không thể chuyển thành sự đồng nhất về vai trò. [Nữ Giới Chung, số 3].
Bài “Trách nhiệm người đờn bà”, Nữ Giới Chung, số 3, ngày 22-2-1918.
Tác giả Nguyễn Song Kim - Nguyễn Mạnh Bổng lại chưa dám hy vọng “cái vấn đề nữ quyền”. Phần vì, thời ta xưa nay vốn có nữ quyền vô hạn. Thứ nữa, “cái học vấn mới của người phụ nữ còn non nớt lắm”. Vả lại, tác giả cho rằng: “cái đạo đàn bà ta vốn xưa nay hay như thế thì chỉ mong sao giữ vẹn được những nết đoan trang, những nề nữ tắc của tổ tiên”. Vì học đòi, bắt chước người phương Tây “thấy người nói tự do cũng tự do, nói bình đẳng cũng bình đẳng, chẳng biết cái tự do, bình đẳng nó ảnh hưởng ra như thế nào” [Nữ Giới Chung, số 20] mà “đem hủy hết cả cái phong tục, nghệ thuật, cang thường, giáo hóa trong mấy muôn đời đi, hòng bắt chước người ngoài”, tác giả viết tiếp “đó tức là một cách vong bổn, nếu một phen đã vong bổn thì còn chi là nòi giống với đời” [Nữ Giới Chung, số 18].
Hoặc tác giả Nguyễn Thị Bồng - Nguyễn Văn Vĩnh phê phán việc người phụ nữ Việt Nam mà theo cái nam nữ bình đẳng giống phương Tây thì “đã chẳng được hay lại thêm sự dở mà thôi”. Tác giả cũng chỉ ra nguyên nhân vì “cái tư cách của chị em ta, cái học thức của chị em ta, cái tình thế xã hội ta e chưa có thể mà vượt lên được ngang cái địa vị nữ quyền” như phụ nữ phương Tây được. Dưới con mắt của ông, “càng thấy khai minh bao nhiêu, việc đời càng thấy lộn xộn bấy nhiêu”. Ông cũng cho rằng bình đẳng nam nữ chỉ phù hợp khi xã hội ta đã tiến bộ, phát triển, ông đưa ra một tương lai cho người phụ nữ: “một mai cái trình độ xã hội ta tiến thạnh được lên chị em chắc có ngày thỏa gia bình quyền, chớ nên nóng nẩy” [Nữ Giới Chung, số 17].
Việc xác định nữ quyền - nam nữ bình đẳng trong phạm vi “nữ học”“nữ giáo” được nhiều tác giả Nữ Giới Chung quan tâm.
Trong xã hội Việt Nam, do ảnh hưởng của Trung Hoa, thói trọng nam khinh nữ đã từng tồn tại hàng nghìn năm nay. Người ta quí con trai mà rẻ con gái. Từ đó, cái gọi là “giáo dục đàn bà” hầu như bị quên lãng, có chăng, chỉ là “truyền khẩu” từ đời này lưu truyền qua đời khác. Hơn nữa, quan niệm cho rằng con gái chỉ cần biết nữ công gia chánh, thêu tiễu vá may, cốt để làm tròn “phận sự làm dâu trong nhà” mà thôi. [Nữ Giới Chung, số 7]. Cho nên, “người phụ nữ nước ta phần nhiều không có học vấn, không đủ tài trí đặng gánh vác việc giáo dục trong gia đình, không đủ tư cách đặng đảm đang việc công ích cho xã hội” như các bậc nam nhi. Phẩm giá của người phụ nữ lại “càng rẻ”. Đó cũng chính là lý do mà Nữ Giới Chung cho là cần thiết phải đẩy mạnh việc giáo dục phụ nữ.
Bài “Bàn về sách dạy đờn bà con gái”, Nữ Giới Chung số 9, ngày 5-4-1918.
Đến nay, trong buổi “Á - Âu giao thiệp”“khi cái phong hóa cũ ngày một sai lầm, cái phong trào mới, phương châm mới còn chưa định” để có địa vị tương đối với người đàn ông, Nữ Giới Chung cho rằng người phụ nữ phải có kiến thức, phải học. Nội dung vấn đề nữ học được Nữ Giới Chung đề cập từ việc đọc sách đến việc giữ gìn tứ đức công, dung, ngôn, hạnh. Vào thời đó, sách dành cho đàn ông vốn đã quá ít ỏi, huống hồ sách dạy đàn bà con gái. Những cuốn sách dành cho phụ nữ chủ yếu là sách dạy giáo lý, đạo đức, dạy người phụ nữ phải làm tròn bổn phận của mình theo đạo tam tòng. Điều này “không còn gì hiệp với thời thế bây giờ” vì “thế giới xưa là thế giới riêng của đàn ông; mà thế giới nay là thế giới chung của cả đàn bà” [Nữ Giới Chung, số 9].
Trong khi sách Tàu đã trở nên lỗi thời, sách Tây thì chưa thích dụng, bà Sương Nguyệt Anh mong muốn phải có một cuốn sách dịch sang chữ quốc ngữ “hợp với trình độ đờn bà nước ta” để làm giáo khoa cho người phụ nữ [Nữ Giới Chung, số 9]. Như vậy, chữ quốc ngữ - “tiếng riêng của nước ta” được Nữ Giới Chung coi như một điều kiện để đạt đến quyền nam nữ bình đẳng. Người phụ nữ “nên học chữ quốc ngữ” để trước là “học lấy cang thường đạo lý” trong gia đình, sau “biết tính toán biên chép để cho hiểu đường kinh tế, ra giao thiệp với xã hội” [Nữ Giới Chung, số 20]. Như những lời phụ ích, Nữ Giới Chung chỉ rõ: “phải cầu chưng quyển sách, nhà báo, chốn học đường, nơi diễn thuyết. Bỏ những cái thói hung hãn, cường ngạnh, đừng có biếng nhác trễ nải, phải bước chơn vào hàng chức nghiệp, học hành thao luyện cho trí thức mở mang, tâm điền sáng suốt” [Nữ Giới Chung, số 14], mà cụ thể “một là Nữ Giới Chung trong Nam Kỳ đây, hai là Nam Phong tạp chí ở ngoài Bắc Kỳ” [Nữ Giới Chung, số 10]. Cô Aline Điện còn cho rằng người phụ nữ nên học chính bà Sương Nguyệt Anh “lấy Sương Nguyệt Anh làm gương tốt để soi mình” [Nữ Giới Chung, số 8].
Ngoài ra, để trả lời câu hỏi “phụ nữ đến trường học làm gì?”, Nữ Giới Chung số 22 nói rất cụ thể: để đọc sách, học viết, học làm toán, học sử ký, học địa lý, thiên văn, học luân thường đạo lý, học để thành người có nhân cách “biết luật pháp, công minh và thành nhiệt”.
Tường Khanh