Trên báo Nữ Giới Chung, lần đầu tiên trên báo chí, vấn đề nữ quyền, quyền bình đẳng nam nữ được đề cập một cách trực tiếp, cụ thể như: nữ quyền là gì? Thế nào là quyền bình đẳng nam nữ?
Trên báo Nữ Giới Chung, lần đầu tiên trên báo chí, vấn đề nữ quyền, quyền bình đẳng nam nữ được đề cập một cách trực tiếp, cụ thể như: nữ quyền là gì? Thế nào là quyền bình đẳng nam nữ?
Ngay trên số đầu tiên, bà Sương Nguyệt Anh tuyên bố tờ báo “không dám can thiệp đến chính trị”, không “xướng nữ quyền”. Tuy nhiên, bà không làm như vậy. Sau bài “Nghĩa nam nữ bình quyền là gì ?” của bà [Nữ Giới Chung, số 3] là hàng loạt các bài khác như: “Bàn thêm về chữ nữ quyền” [Nữ Giới Chung, số 6], “Nữ quyền tự do luận” [Nữ Giới Chung, số 6, 7] hay “Nữ quyền” [Nữ Giới Chung, số 13]. Từ nguồn gốc đến khái niệm và nội dung của nữ quyền, nam nữ bình đẳng được các tác giả tranh luận, họ tìm mọi cách giải thích cho độc giả.
Bài “Nghĩa nam nữ bình quyền là gì ?” của Sương Nguyệt Anh, Nữ Giới Chung, số 3, ngày 22-2-1918.
Về nguồn gốc nữ quyền, nam nữ bình đẳng: các tác giả Nữ Giới Chung đều cho rằng các khái niệm nữ quyền - nam nữ bình đẳng đến từ phương Tây, nhưng mỗi người lại có cách giải thích khác nhau.
Từ câu “lệnh ông không bằng cồng bà”, tác giả Nguyễn Hồng Nguyên cho rằng “cái nữ quyền ở Á Đông nầy đã có từ lâu lắm thay” [Nữ Giới Chung, số 13]. Cô Bích Đào lại cho hai chữ nữ quyền “tỏ mặt ra ở trên mặt đất Đông Á” khi “chiếc thuyền văn hóa của phương Tây đến” [Nữ Giới Chung, số 6]. Cô Liễu cho nam nữ bình quyền có từ thời Gia Long [Nữ Giới Chung, số 7]. Còn bà Sương Nguyệt Anh cho tư tưởng nam nữ bình đẳng ở Việt Nam được tiếp nhận từ các nhà cải cách Trung Hoa... Tóm lại, các tác giả Nữ Giới Chung không thống nhất về thời điểm khái niệm nữ quyền - nam nữ bình đẳng vào Việt Nam mặc dù họ đều đồng nhất cho rằng các khái niệm này bắt nguồn từ Âu Tây.
* Về khái niệm nữ quyền-nam nữ bình đẳng
Trong bối cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX, tư tưởng dân chủ tư sản trong đó các khái niệm về tự do cá nhân, quyền bình đẳng nam nữ là các khái niệm đầy mới mẻ và hấp dẫn. Tuy nhiên, trải qua hàng nghìn năm “học thuật bởi Tàu, giáo hóa phong tục như Tàu... cũng đồng một lỗ tai nghe, con mắt thấy, cái óc nghĩ, tánh tình tương tợ như Tàu” [Nữ Giới Chung, số 6], chính là nguyên nhân khiến cho việc các khái niệm mới du nhập vào nước ta khó khăn hơn, dẫn đến việc nhận thức các khái niệm không đầy đủ rõ ràng và trở nên mơ hồ đối với các tác giả Nữ Giới Chung:
Nữ quyền là vật thế nào, không phải như viên đá tròn, không phải như cây gỗ dài, không phải như cái thước lục lăng bát giác, có hình có chất, có trao được tay cho nhau thật là một thứ vật không hình chất, mà rõ ràng, có giá trị, có thế lực, có vãn vọng, có thanh danh, êm thấm như mưa như mù, ầm ầm như sấm như sét, cứng cỏi nhưngọn gió trên cỏ, đẹp đẽ như mặt trời buổi mai, làm cho người ta kính, người ta sợ, người ta yêu, người ta mến, người ta quí hóa tham chuộng, ai không được riêng ai, mà ai vẫn không chung với ai, không ai trao cho mình mà mình cũng không thể cho ai được” [Nữ Giới Chung, số 6].
Bài “Nữ quyền”, Nữ Giới Chúng số 13, ngày 3-5-1918.
Khái niệm này với các tác giả Nữ Giới Chung đẹp nhưng đầy bí hiểm. Tất nhiên, xét trong điều kiện lịch sử, xã hội đương thời, với một nhận thức có tính chất bước đầu thì đây cũng là điều dễ hiểu.
* Nội dung nữ quyền-nam nữ bình đẳng
Nhìn chung các tác giả Nữ Giới Chung đều cố ý tránh xa các ý nghĩa chính trị của khái niệm này mà chỉ chú trọng vào nội dung văn hóa của sự bình đẳng nam nữ trong xã hội. Hay nói một cách khác, đề cập đến vấn đề nữ quyền, Nữ Giới Chung chỉ dừng lại ở quyền được giáo dục (nữ giáo), nam nữ được bình đẳng trong giáo dục, người phụ nữ cần được đi học, có học vấn (nữ học).
Tuy nhiên, nhận thức về vấn đề nữ quyền - nam nữ bình đẳng một lần nữa lại không có sự đồng nhất giữa các tác giả Nữ Giới Chung. Tác giả Bích Đào cho rằng, trong lịch sử Việt Nam đã có những dấu tích của một xã hội bình đẳng. Đó là: bà Trưng, đánh đuổi giặc Hán, “dựng nên nghiệp Mê Linh”, là vua Lý Chiêu Hoàng “nào xã, nào tắc, nào san nào hà, một tay đem cả thiên hạ giao cho Trần Cảnh”; là bà Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương “đem bút nghiên mà diễu cợt thiên hạ, làm cho những kẻ anh hùng dừng bước chân, nghiêng con mắt, mà kinh mà sợ, mà vui mà sầu” [Nữ Giới Chung, số 6]. Họ đã có quyền trong xã hội, nhưng tiếc thay họ không ủng hộ nữ quyền.
Tác giả Nguyễn Song Kim - Nguyễn Mạnh Bổng cho rằng chữ nữ quyền đã có ở thời ta xưa nay “người phụ nữ có quyền thâu vô, quyền phát ra, quyền gây dựng trong gia tộc, quyền đối đãi trong hương đảng”. Người phụ nữ đã có quyền bình đẳng tương đối với người đàn ông [Nữ Giới Chung, số 18].
Thậm chí cô Liễu trong bài “Nữ quyền bình đẳng luận” lại cho rằng bình đẳng nam nữ đơn giản chỉ là “thuận hòa giữa vợ và chồng”. Như thế trong mỗi gia đình đã có bình đẳng rồi. [Nữ Giới Chung, số 4].
Bài “Nữ quyền bình đẳng luận”, Nữ Giới Chung số 4, ngày 1-3-1918.
Tác giả Nguyễn Thị Bồng - Nguyễn Văn Vĩnh lại có cách tiếp cận khác. Mặc dù người phụ nữ vốn phải dựa vào phái mạnh, nhưng nếu ra khỏi phòng khuê, người phụ nữ cũng “có một cái thế lực to lớn trong xã hội” [Nữ Giới Chung, số 17].
Tường Khanh