Thứ Ba, 15/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

31/01/2018 00:00 2331
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Theo tiếng gọi đó, hàng loạt cán bộ và hội viên đã đi vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền để cùng lao động và sinh hoạt với công nhân, qua đó mà giác ngộ và tổ chức công nhân lại. Trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn, phong trào vô sản hóa đã cách mạng hóa cả đối tượng tham gia và môi trường hoạt động, tức phong trào công nhân.

Theo tiếng gọi đó, hàng loạt cán bộ và hội viên đã đi vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền để cùng lao động và sinh hoạt với công nhân, qua đó mà giác ngộ và tổ chức công nhân lại. Trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn, phong trào vô sản hóa đã cách mạng hóa cả đối tượng tham gia và môi trường hoạt động, tức phong trào công nhân. Như vậy, chủ trương vô sản hóa đã đẩy nhanh sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân. Các tổ chức cách mạng của công nhân trong các nhà máy, khu mỏ, đồn điền tại các trung tâm công nghiệp của đất nước phát triển nhanh chóng. Khu mỏ Quảng Ninh, nơi mà Nguyễn Đức Cảnh lăn lộn với phong trào trở thành một điển hình về kết quả của phong trào vô sản hóa. Khu mỏ Quảng Ninh trước khi có chủ trương vô sản hóa chưa có tổ chức cách mạng thì sau đó đã xây dựng được nhiều chi bộ công nhân mỏ ở Uông Bí, Mạo Khê, Vàng Danh, Hòn Gai, Hà Tu, Hà Lầm, Cẩm Phả, Cửa Ông, Hà Cối, Vạn Hoa…

Cùng với việc phát triển các cơ sở cách mạng trong công nhân, những người tham gia phong trào vô sản hóa đã tổ chức và lãnh đạo các cuộc đấu tranh của công nhân. Trong những năm 1928-1929 đã nổ ra 40 cuộc đấu tranh của công nhân phần lớn gắn với sự tổ chức và lãnh đạo của Thanh niên. Riêng năm 1928 có những cuộc bãi công lớn của công nhân mỏ than Mạo Khê, hãng dầu, nhà máy Chai, nhà máy cơ khí Carông. Đánh giá phong trào đấu tranh của công nhân thời gian này, Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 10/1930 đã viết: “Những cuộc bãi công trong năm 1928-1929, những cuộc đấu tranh rất dữ dội của thợ thuyền, dân cày trong năm nay đã chứng tỏ rõ ra rằng sự đấu tranh giai cấp ở Đông Dương ngày một bành trướng. Điều đặc biệt và quan trọng nhất trong phong trào cách mạng ở Đông Dương là sự tranh đấu của giai cấp công nhân có tính chất độc lập rõ rệt chứ không phải là chịu ảnh hưởng quốc gia chủ nghĩa như lúc trước nữa”(5)

Kỳ bộ Bắc kỳ là một kỳ bộ mạnh về số lượng, chất lượng hội viên và hoạt động thực tiễn. Tính đến năm 1928, Kỳ bộ đã có “700 hội viên chính thức và 1.000 người cảm tình”(6). Kỳ bộ Bắc kỳ phát triển tổ chức ở khắp 17 tỉnh, thành phố có những trung tâm công nghiệp quan trọng và có hướng đi rõ rệt theo con đường cộng sản. Nguyễn Đức Cảnh được đặc trách theo dõi phong trào công nhân trong toàn Xứ và trở thành người lãnh đạo xuất sắc của phong trào. Chính từ thực tiễn nóng bỏng của cuộc đấu tranh cách mạng, Nguyễn Đức Cảnh cũng như các đồng chí khác của Kỳ bộ Bắc kỳ đã thấy xuất hiện những điều kiện cần thiết về chủ quan và khách quan để thành lập chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Với tinh thần trách nhiệm trước phong trào, Nguyễn Đức Cảnh cùng với các đồng chí lãnh đạo Thanh Niên Bắc kỳ đã giải quyết sáng tạo một số vấn đề về tư tưởng, tổ chức và đi tới quyết định thành lập một nhóm cộng sản làm hạt nhân cho cuộc vận động giải thể Thanh Niên, thành lập một Đảng Cộng sản. Thế là Chi bộ Cộng sản đầu tiên trong nước (7) ra đời tại ngôi nhà 5D, phố Hàm Long, Hà Nội đóng vai trò đầu tàu trong cuộc vận động đó.

Cuộc vận động đó không thành nên Kỳ bộ Bắc kỳ đã chủ động thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng vào ngày 17/6/1929. Một cuộc đột phá thực sự từ việc biến một tổ chức cách mạng, từ dân tộc chủ nghĩa, sang thân cộng và cuối cùng là chính đảng mác xít từ quy mô một vùng đến quy mô toàn quốc.

Nhà số 15 Hàng Nón (Hà Nội), nơi thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ
(Ảnh tư liệu BTLSQG)

Tiếp đó, Nguyễn Đức Cảnh xúc tiến mạnh mẽ việc thiết lập một tổ chức quần chúng rộng lớn làm nền tảng cho Chính Đảng vô sản – Công hội. Với tư cách phụ trách Công vận, ngày 28/7/1929, đồng chí đã triệu tập Đại hội quyết định thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ, xuất bản báo Lao Động, cơ quan ngôn luận của Tổng Công hội Đỏ, và trở thành thủ lĩnh công hội đầu tiên ở nước ta.

Báo Lao Động, cơ quan của Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh phụ trách, số 4, ra ngày 1-11-1929
(Ảnh chụp HV BTLSQG)

Ngày 3/2/1930, Đông Dương Cộng sản Đảng cử Bí thư Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh, chủ tịch Tổng Công hội Bắc kỳ tham dự Hội nghị Hợp nhất các Đảng Cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cuộc đời của Nguyễn Đức Cảnh ngắn (1908-1932), nhưng sự nghiệp hay cống hiến của ông cho cách mạng Việt Nam thật lớn lao. Cống hiến nổi trội của Nguyễn Đức Cảnh được biểu hiện trên 2 phương diện sau đây:

1) Là một trong những người thấm nhuần tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc hướng phát triển vào công nhân, khi phát hiện thấy tổ chức chính trị thân cộng này có khả năng đi chệch hướng đã nhanh chóng đưa ra giải pháp đúng đắn, sáng tạo cho phong trào tiếp tục phát triển. Phong trào vô sản hóa được phát động ở Bắc kỳ nhanh chóng trở thành phong trào của Hội Thanh niên trên quy mô toàn quốc. Phong trào vô sản hóa sáng tạo đó đã thúc đẩy mạnh sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân, nhân tố quyết định sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

2) Là người lăn lộn trong phong trào công nhân ở trung tâm công nghiệp lớn nhất Việt Nam - vùng mỏ Qủang Ninh và thành phố cảng Hải Phòng, thấu hiểu nguyện vọng cấp thiết của họ, Nguyễn Đức Cảnh đã cùng với những đồng chí của mình như Hạ Bá Cang, Nguyễn Văn Cừ, Lương Khánh Thiện sớm bắt tay xây dựng các tổ chức nghiệp đoàn trong công nhân. Và cuối cùng Nguyễn Đức Cảnh trở thành lãnh tụ của tổ chức công hội Việt Nam. Và với tư cách đó, đồng chí thay mặt giai cấp công nhân Việt Nam có mặt tại Hội nghị hợp nhất Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930.

Với 5 năm năm lăn lộn với phong trào cách mạng, hai cống hiến trên của Nguyễn Đức Cảnh thực sự to lớn. Nhân 110 năm Ngày sinh của Nguyễn Đức Cảnh (1908-2018), chúng ta thắp nén tâm hương nhớ về ông, tôn vinh ông.

PGS.TS Phạm Xanh

Chú thích:

5.Văn kiện Đảng toàn tập.

6.Các tổ chức tiền thân của Đảng. Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương xuất bản. HN, 1977, tr.278.

7.Để phân biệt với chi bộ cộng sản người Việt Nam do Đồng chí Trần Phú làm Bí thư ở Trường Phương Đông của QTCS ở Mátxcơva năm 1927.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4889

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Hoạt động và cống hiến của Nguyễn Đức Cảnh trên cương vị Bí thư Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hải Phòng (Phần 1)

Hoạt động và cống hiến của Nguyễn Đức Cảnh trên cương vị Bí thư Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hải Phòng (Phần 1)

  • 31/01/2018 00:00
  • 1780

Nguyễn Đức Cảnh là con thứ ba trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Diêm Điền, Thụy Anh, Thái Bình, nhưng gắn bó với quê ngoại làng Cổ Am, Vĩnh Bảo, Kiến An. Thưở nhỏ chụi ảnh hưởng của cha. Năm 1915 khi anh lên 7 tuổi đã cùng với gia đình chịu cái tang lớn. Người cha, trụ cột của gia đình qua đời để lại cho người vợ 4 người con chưa trưởng thành.