Thứ Tư, 18/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

31/01/2018 00:00 1755
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Nguyễn Đức Cảnh là con thứ ba trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Diêm Điền, Thụy Anh, Thái Bình, nhưng gắn bó với quê ngoại làng Cổ Am, Vĩnh Bảo, Kiến An. Thưở nhỏ chụi ảnh hưởng của cha. Năm 1915 khi anh lên 7 tuổi đã cùng với gia đình chịu cái tang lớn. Người cha, trụ cột của gia đình qua đời để lại cho người vợ 4 người con chưa trưởng thành.

Nguyễn Đức Cảnh là con thứ ba trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Diêm Điền, Thụy Anh, Thái Bình, nhưng gắn bó với quê ngoại làng Cổ Am, Vĩnh Bảo, Kiến An. Thưở nhỏ chụi ảnh hưởng của cha. Năm 1915 khi anh lên 7 tuổi đã cùng với gia đình chịu cái tang lớn. Người cha, trụ cột của gia đình qua đời để lại cho người vợ 4 người con chưa trưởng thành. Thân phận của Nguyễn Đức Cảnh có một sự thay đổi lớn từ đây - từ một người sống dựa vào sự nuôi dưỡng và dạy dỗ của gia đình, đặc biệt là người cha, sang người tự định đoạt cuộc đời của chính mình khi được một người bạn của cha làm Tri phủ (Tỉnh trưởng) nhận làm con nuôi. Anh được sống trong nhung lụa và được ăn học tại những trường có tiếng thuở đó. Học hết tiểu học, anh được Tri phủ Trần Mỹ gửi sang học bên trường Thành Chung, Nam Định, một trung tâm giáo dục Nho học và Pháp - Việt ở xứ Bắc kỳ thời Pháp thuộc. Dưới mái trường này, anh quên đi cuộc sống cậu ấm con quan, dấn thân vào học hành, tiếp nhận những kiến thức phương Tây để bổ trợ cho những kiến thức phương Đông mà người cha và những người bạn lớn của cha vun đắp cho mình thuở còn thơ. Dù sống trong giàu sang, một điều day dứt anh là làm thế nào để giải thoát thân phận nô lệ của anh và những người cùng trang lứa như Đặng Xuân Khu, Đặng Xuân Thiều, Nguyễn Văn Năng…đang học tập dưới mái trường này. Day dứt của những chàng trai đầy hoài bão đó đưa đường, mở lối, dẫn họ tìm đến những sách báo “ngoài luồng”. Thế là họ gặp nhau, kết chạ với nhau trong nhóm đọc sách cấm. Và cứ thế, lòng yêu nước trong họ lớn dần lên cho đến khi sự biến trong nước diễn ra. Ấy là lúc Phan Bội Châu, một thần tượng của lớp trẻ đầu thế kỷ XX bị thực dân Pháp bắt và đưa ra xử tại Tòa đề hình, phố Hàng Tre, Hà Nội vào ngày 23/11/1925. Cả nước nín thở theo dõi vụ án qua các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là tờ Thực nghiệp dân báo xuất bản ở Hà Nội hâm nóng và định hướng dư luận công chúng bằng những bài tường thuật nóng hổi phiên tòa xử Cụ Phan. Nhóm trẻ trường Thành Chung, Nam Định, trong đó có Nguyễn Đức Cảnh, không thể quên những lời tự bào chữa đầy hào sảng của Cụ Phan trước phiên tòa mà Thực nghiệp dân báo đã đăng:

“Tôi là người Nam, tôi biết yêu nước Nam, tôi muốn đánh thức dân tộc Việt Nam, thấy thế nên tôi sinh ra cái cái tư tưởng phản đối chính trị. Nếu mà trong tay tôi có mấy vạn hải quân, mấy mươi vạn lục quân, binh tinh, lương túc, súng đủ, đạn nhiều, tàu chiến có, tàu bay có thì có lẽ tôi hạ chiến thư đường đường chính chính đánh lại Chính phủ thuộc địa. Nhưng tôi là một kẻ thư sinh, túi không có một đồng tiền, trong tay không có một tấc sắt, không lấy võ lực mà phản đối lại được, vậy tôi chỉ dùng văn hóa, nghĩa là trước thư lập ngôn để cổ động nhân dân, yêu cầu Chính phủ cải lương chính trị. Chẳng dè, Chính phủ ngờ vực tôi, tôi phải trốn ra ngoại quốc để hành động cho đạt mục đích của tôi…”(1)

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (1908-1932) (Ảnh tư liệu BTLSQG)

Bất chấp, Tòa án vẫn khép tội tử hình với Phan Bội Châu. Từ một góc xa trong phòng xử án, một nhà nho từ Nam Trực, Nam Định cơm đùm cơm nắm lên Hà Nội để được chiêm ngưỡng dung nhan người anh hùng, đứng dậy, hét lớn: “Tôi xin được chết thay để Cụ Phan được sống !”. Tiếng hét đó cũng là sự khởi đầu cho cuộc chiến đấu của toàn dân tộc, trong đó có nhóm học sinh trường Thành Chung Nam Định giành lại sự sống cho nhà cách mạng Phan Bội Châu. Sức mạnh cố kết của toàn dân tộc đã chiến thắng. Cụ Phan được ân xá.

Làn sóng đòi ân xá cho Phan Bội Châu chưa lắng xuống trên các đường phố thì chí sĩ Phan Chu Trinh qua đời tại Gia Định. Một lần nữa cả dân tộc tổ chức tang lễ và truy điệu Cụ Phan Tây Hồ. Học sinh, sinh viên trên cả nước bãi khóa phản đối sự đàn áp của thực dân Pháp.

Đồng hồ, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh dùng những năm 1928-1932
(Ảnh chụp HV BTLSQG)

Vì tham gia tích cực vào hai sự kiện đó nên Nguyễn Đức Cảnh bị đuổi học. Anh lên Hà Nội tìm việc làm. Đầu tiên, anh làm chân thư ký cho Hiệu ảnh Hưng Ký, rồi làm giáo viên cho Trường Tư thục Công Ích và cuối cùng làm công nhân sắp chữ cho nhà máy in Mạc Đình Tư (sau này là nhà in Lê Văn Tân). Thời gian này tại Hà Nội xuất hiện Nhà xuất bản Nam Đồng chuyên in ấn những ấn phẩm yêu nước giống như Nhà xuất bản Cường học của Trần Huy Liệu ở Sài Gòn và Nhà xuất bản Quan Hải của Đào Duy Anh ở Huế. Là công nhân sắp chữ ở nhà in Mạc Đình Tư, nơi in những cuốn sách của Nam Đồng Thư xã, đặc biệt là cuốn Tôn Dật Tiên và chủ nghĩa Tam dân của Dật Công (Phạm Tuấn Lâm) và Nguyễn Phạm Trân, anh đọc và tiếp nhận tư tưởng chính trị của Tôn Dật Tiên. Và khi Việt Nam Quốc dân Đảng thành lập, anh trở thành đảng viên của tổ chức chính trị này. Nghe tin Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Thanh niên) bí mật tổ chức những lớp huấn luyện chính trị bên Quảng Châu, tổ chức chính trị này cử anh và Lý Hồng Nhật sang tham dự để nghe ngóng. Sang tới Quảng Châu thì trường huấn luyện chính trị của Thanh niên đã dời về Bản Đáy, gần biên giới Việt - Trung do Hồ Tùng Mậu phụ trách. Nghe giảng đến đâu, đầu óc anh sáng đến đó. Anh và Lý Hồng Nhật tự nguyện li khai Việt Nam Quốc dân Đảng và gia nhập Hội Thanh niên của Nguyễn Ái Quốc. Sau khi kết thúc lớp huấn luyện, anh được Tổng bộ Thanh niên phân công về Bắc kỳ hoạt động. Lúc này, Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ đang kiện toàn bộ máy tổ chức, anh được cử làm Ủy viên Kỳ bộ, phụ trách khu Duyên hải, kiêm Bí thư tỉnh bộ Hải Phòng. Anh bố trí Lý Hồng Nhật phụ trách đầu mối giao liên Hải Phòng với Tổng bộ Thanh niên ở ngoài nước trong việc tiếp nhận các phương tiện tuyên truyền, huấn luyện và đưa đón cán bộ. Còn anh trực tiếp mở các lớp huấn luyện cán bộ theo mô hình lớp Quảng Châu - Bản Đáy được rút gọn cho phù hợp với hoàn cảnh hoạt động bí mật. Ở thời đầu này, Nguyễn Đức Cảnh đã kết hợp nhuần nhuyễn các mặt công tác từ tuyên truyền, huấn luyện và tổ chức, nhưng chủ yếu hướng tới công nhân, một nét đặc điểm nổi trội của cư dân vùng Duyên Hải và Hải Phòng, thành phố cảng. Đầu năm 1928, ở Hải Phòng, bên cạnh những chi bộ đường phố, học sinh, viên chức, Nguyễn Đức Cảnh cùng những đồng chí của mình đã xây dựng được những chi bộ công nhân, bồi bếp, thợ thuyền, chi bộ nhà máy Xi măng, nhà máy cơ khí Carông, nhà máy Chai, nhà máy Tơ, nhà máy điện Cửa Cấm. Thời kỳ đầu phát triển hệ thống tổ chức, Hội Thanh niên, dựa vào các mối quan hệ họ hàng, thầy trò, bạn bè nên phần đông hội viên đều có thành phần xuất thân là trí thức tiểu tư sản, nông dân. Thành phần công nhân trong tổ chức thân cộng này chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Nhà máy xi măng Hải Phòng (Ảnh tư liệu BTLSQG).

Là người hoạt động năng nổ trong phong trào, anh sớm nhận thấy Hội Thanh niên có khả năng phát triển chệch hướng, không theo tinh thần Nguyễn Ái Quốc đã truyền đạt, nên cùng một số đồng chí chủ chốt trong Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ như Ngô Gia Tự, Trịnh Đình Cửu đề xuất chủ trương phát động phong trào vô sản hóa trong Thanh niên Bắc kỳ nhằm bắn đi một mũi tên hướng tới hai đích: 1) Rèn luyện hội viên Thanh niên thành những người vô sản thực sự; 2) Đưa chủ nghĩa Mác-Lênin vào sâu trong công nhân, kết nạp nhiều công nhân vào Hội Thanh niên làm tăng tỷ lệ thành phần công nhân trong tổ chức chính trị này.

Chủ trương này đã được thông qua tại Hội nghị đại biểu Kỳ bộ Bắc kỳ tháng 9/1928 (2).

Trở lại Hải Phòng, Nguyễn Đức Cảnh cùng các đồng chí trong tỉnh bộ Hải Phòng nhanh chóng tổ chức đưa chủ trương của Hội vào cuộc sống. Các hội viên Thanh niên thâm nhập vào công nhân, cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với công nhân vùng mỏ, bến cảng, nhà máy để rèn luyện bản thân, tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, giác ngộ, kết nạp hội viên, xây dựng các đơn vị cơ sở. Nguyễn Đức Cảnh, ngoài việc tổ chức cho Hội viên đi “vô sản hóa” như Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt) ở nhà máy cơ khí Carông, Lương Khánh Thiện ở nhà máy Sợi, còn trực tiếp tham gia phong trào ở nhà máy Chai Hải Phòng (3). Định hướng phát triển tổ chức vào công nhân của Kỳ bộ Bắc kỳ trong một thời gian ngắn đã thu được những kết quả to lớn. Tỷ lệ hội viên xuất thân từ công nhân tăng lên, chủ nghĩa Mác-Lênin đã bắt đầu gắn kết chặt chẽ với phong trào công nhân. Từ đó mà Tổng bộ Thanh niên biến chương trình của Kỳ bộ Bắc kỳ thành chương trình hành động chung của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên trên cả nước vào đầu năm 1929. Tuần báo Thanh Niên đã chỉ rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào “vô sản hóa” đối với vận mệnh của tổ chức cách mạng và đối với phong trào công nhân: “Để chấm dứt tình trạng vô kỷ luật của những kẻ thất bại và những kẻ giả danh, Hội phải áp dụng một phương pháp giáo dục thực sự cách mạng. Thật thế, tất cả những đồng chí cần thiết phải tự mình “vô sản hóa”, tự mình “cách mạng hóa” để có cùng một ý nghĩ, một lối sống, một tiếng nói v.v…. Các đồng chí phải thâm nhập vào quần chúng, mang những điều hay lẽ phải tới làng quê, xưởng máy, trường học và trại lính. Các đồng chí phải từ bỏ những bộ quần áo sang trọng và mặc những bộ quần áo rách rưới của người vô sản, trở thành công nhân, nông dân, dân thường…Chỉ có bằng cách đó các đồng chí chúng ta có thể đưa lại sự táo bạo và sức mạnh cho các chi bộ còn non nớt và chưa định hình ở đất nước ta. Và một khi các đồng chí và những người vô sản hòa làm một cả thể xác lẫn tâm hồn thì Hội sẽ trở nên vững chắc và thắng lợi của cách mạng sẽ tới gần”(4).

PGS.TS Phạm Xanh

Chú thích:

1.Thực nghiệp dân báo, ngày 24/11/1925.

2.Hội nghị này khai mạc ngày 28/8/1928 tại Hà Nội. Sau khi đã họp được 1 ngày thấy có đấu hiệu bị lộ, hội nghị chuyển về họp tại nhà Ngô Gia Tự ở Tam Sơn (Bắc Ninh). Tham gia hội nghị có 20 đại biểu.

3.Xin xem. Nguyễn Thành, Phạm Xanh, Đặng Hòa, Đào Phiếu. Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Nxb Thông tin lý luận. HN, 1985, tr.159.

4.Tuần báo Thanh niên, số ra ngày 10/1/1929. Không có bản gốc tiếng Việt, chúng tôi dịch qua bản tiếng Anh trong Huỳnh Kim Khánh. The Vietnamese Communism 1925-1945. Cornel University Presse. Ithaca and London, 1982.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4823

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

90 năm báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2015)Phần 6 Phát triển vững chắc, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

90 năm báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2015)Phần 6 Phát triển vững chắc, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

  • 28/01/2018 01:11
  • 1570

Trong suốt 90 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, ở mỗi giai đoạn cách mạng, báo chí cách mạng Việt Nam luôn giữ vai trò quan trọng và có những đóng góp xứng đáng đối với đất nước. Sau ngày nước nhà hoàn toàn độc lập (4-1975), báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển vững chắc, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…