1 - 70 năm trôi qua (1946-2016), từ khi bùng nổ cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp của nhân dân cả nước, khởi đầu từ Thủ đô Hà Nội.
Trong 60 ngày đêm chiến đấu của Trung đoàn Thủ đô - “Đội quân quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã diễn ra biết bao sự kiện vừa hùng tráng oanh liệt, vừa lạ lùng, khó tưởng tượng nổi, mà tôi là người chứng kiến, đồng thời cũng là người tham gia tạo thành. Nhưng 70 năm đã trôi qua khiến tôi đã quên nhiều việc, nay chỉ còn nhớ lại được những sự kiện lớn, nói đúng hơn là những kỷ niệm sâu sắc nhất, một số chi tiết đã để lại cho tôi những ấn tượng suốt đời không quên.
Lúc đó, tôi mới 19 tuổi và là một cô nữ sinh, xuất thân từ một gia đình nhà giáo có nếp sống rất quy củ chặt chẽ. Tôi đã tham gia cách mạng từ đầu năm 1945 và trở thành một cán bộ của Hội Phụ nữ Cứu quốc, một nữ tự vệ chiến đấu, một truyên truyền viên của khu Hoàn Kiếm. Tháng 9-1946, tôi được kết nạp vào Đảng Cộng sản, tinh thần càng hăng hái, quyết tâm hy sinh vì cách mạng, vì dân tộc.
Những ngày chuẩn bị tích cực, khẩn trương cho cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp, chi bộ Hoàn Kiếm họp phân công tôi vào Đội tuyên truyền liên lạc của Khu Hoàn Kiếm, người phụ trách là anh Hồng Lĩnh (sau làm Tổng Biên tập báo Hà Nội mới). Chi bộ giao cho tôi một quả lựu đạn để chiến đấu mà tôi cũng chưa biết cách sử dụng, sau đó tôi được bạn bè cho một khẩu súng lục nhỏ đạn 6x35 nhỏ xíu, tôi yên tâm luôn giữ bên mình.
Đoàn pháo binh Thủ đô tại sân trại Vệ quốc đoàn, 29-6-1946.
(Ảnh tư liệu)
Ngày 19/12/1946, khoảng 8h tối, cả Hà Nội tiếng súng vang động, bầu trời mùa đông tối mịt bỗng rực sáng như đốt pháo hoa: cuộc chiến đã bắt đầu! Chúng tôi mỗi người một nhiệm vụ, nhanh chóng bắt tay vào công việc được phân công. Đội tuyên truyền của khu Hoàn Kiếm có nhiều nữ, tôi chỉ nhớ có các chị Thịnh, chị Mai, chị Xuyến.... Chúng tôi có trách nhiệm đi lấy tin tức chiến đấu của mặt trận Hoàn Kiếm, đi gặp gỡ đồng bào, giải thích về chủ trương, chính sách của Chính phủ, động viên họ yên tâm chờ đợi, quân đội ta sẽ bảo vệ cho họ di tản khỏi Hà Nội ban đêm. Mặc dù trước đó, Chính phủ đã kêu gọi nhân dân tản cư, nhưng còn hàng vạn người mắc kẹt tại Liên khu I khi cuộc chiến đấu nổ ra. Chúng tôi còn đem đến cho đồng bào những nắm cơm với muối vừng do đội nữ tiếp tế chuẩn bị sẵn. Chúng tôi cứ lao vào cuộc chiến với quyết tâm hy sinh cả tính mạng mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, tâm hồn rất nhẹ nhàng, thanh thản.
2 - Bước chuyển lên Trung đoàn Liên khu I, làm đội trưởng đội nữ tuyên truyền úy lạo của Trung đoàn.
Sau hơn 1 tuần lễ, khoảng ngày 26-12-1946, tôi và chị Xuyến được chuyển lên công tác tại Ban tham mưu Trung đoàn Liên khu I, tham gia vào Ban Tuyên truyền của Trung đoàn. Phụ trách Ban Tuyên truyền là đồng chí Hoàng Đức Nghi. Đội có nhiệm vụ hàng ngày xuất bản tờ báo Chiến Thắng. Có 2 phóng viên viết bài là đồng chí Nguyệt (đã hy sinh) và đồng chí Chính Hữu (nhà thơ hiện nay), 2 thợ in báo, 1 chị cấp dưỡng và đội nữ tuyên truyền úy lạo. Đội chúng tôi có 4 người: Lê Thi - Đội trưởng, Trịnh Thị Xuyến (vợ đồng chí Đinh Đức thiện), Đinh Thị Quý (vợ đồng chí Hoàng Phương), Nguyễn Thị Oanh (đã mất tại Tuyên Quang năm 1949).
Với nhiệm vụ của những chiến sĩ truyên truyền úy lạo, trong điều kiện mặt trận giáp lá cà giữa ta với địch, chúng tôi đi tới các ụ chiến đấu gặp anh em chiên sĩ hỏi thăm, thu thập tin tức về cung cấp cho tòa soạn báo Chiến Thắng. Chúng tôi đọc báo Chiến Thắng cho anh em nghe, phổ biến tin tức khi biết được điều gì mới. Đôi khi chúng tôi hát, động viên anh em, khâu vá quần áo giúp họ (ví dụ khuy đứt, áo rách...). Một việc không kém phần quan trọng là chúng tôi thường xuyên đi úy lạo thương bệnh binh ở trạm xá phố Hàng Buồm, đặt ở hiệu buôn xuất nhập khẩu Nam Long của Hoa Kiều (khu Hoa kiều ở đông, địch không dám đánh hoặc bắn moctier, ném bom...) Chúng tôi đem hoa quả, bánh kẹo của Trung đoàn gửi cho anh em. Quà này do đội nữ giao thông liên lạc khu Lãng Bạc (Nhật Tân, Tây Hồ) đã vượt qua bao chặng đường nguy hiểm để chuyển từ hậu phương vào cho anh em bộ đội. Thăm hỏi tình trạng bệnh tật của anh em, chúng tôi động viên, an ủi họ, hát, đọc báo Chiến Thắng, hoặc báo từ ngòai đem vào, nói chuyện tin tức mặt trận cho anh em nghe.
Các nữ chiến sĩ cứu thương vận chuyển thương binh, 12-1946.
(Ảnh tư liệu)
Công việc của chúng tôi chỉ vụn vặt, đơn giản như vậy đó. Thế nhưng ngày nào chúng tôi cũng đi suốt từ sáng đến tối, chia nhỏ 2 người một tốp đến các mặt trận của Liên khu I (lúc đó Trung đoàn Thủ đô còn có 3 tiểu đoàn, đại diện cho 3 khu: Đông Thành, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đồng Xuân. Khu Hoàn Kiếm thì bị địch chiếm gần hết). Khi tới trạm xá thăm thương bệnh binh, chúng tôi đi cả 4 người.
Để di chuyển từ nhà này sang nhà khác, chúng tôi chui qua các lỗ thủng đã đục sẵn trên tường (khi đánh nhau, ta đã đục tường thông các nhà để không phải ra ngoài phố). Cũng có những quãng chúng tôi phải chạy ra ngoài đường và đi ngang qua phố phải xuống giao thông hào, đào sâu dưới lòng đường. Bàn ghế và nhiều đồ vật khác đã được ném trên đường dọc theo giao thông hào để bảo vệ, chống sự phản kích hay bắn tỉa của địch từ xa. Đôi lúc đang đi, chúng tôi nghe tiếng đạn moctier địch bắn rào rào, vội vàng nằm rạp xuống đường, chờ đạn nổ tung ở xa lại đi tiếp. Chúng tôi cứ quen dần đi, chẳng thấy sợ hãi gì, vượt qua nguy hiểm lại cười rúc rích. Những ngày cuối tháng 1-1947, địch ném bom vào các khu quân ta chiếm giữ, chính mắt tôi được chứng kiến (và cũng là lần đầu) nhìn thấy máy bay địch xà xuống nhả bom (vì ném bom trong thành phố, lại muốn trúng, không nhầm vào khu của chúng chiếm giữ nên máy bay xà xuống rất thấp và bay chậm).
Em bé liên lạc Nguyễn Bá Khán đưa bánh chưng đến các chiến sĩ, 1947. (Ảnh tư liệu)
Còn sinh hoạt đời sống hàng ngày của chúng tôi thế nào? Lúc chuẩn bị rời nhà đi tập trung chiến đấu, mỗi chúng tôi chỉ kịp mang theo vài bộ quần áo. Tất nhiên chúng tôi phải vứt bỏ áo dài và quần trắng, mà mặc quần đen và áo vét cũng màu sẫm. Sau đó ít lâu, Trung đoàn có phát cho chúng tôi một bộ áo bộ đội màu kaki, vải mỏng, xẻ đằng sau lưng. Bốn chúng tôi đều cắt tóc ngắn, uốn tử tế vào dịp 19-8-1946. Dạo đó đang mùa rét, chúng tôi nằm không màn, chăn thì mượn tạm của chủ nhà để lại.
Hai tháng quân dân ta bị địch bao vây trong Liên khu I thì hai vấn đề khó khăn nhất cho cuộc sống hàng ngày là thiếu nước và thiếu rau quả tươi. Nhà máy điện, nhà máy nước đều bị phá hoại không có nước dùng, chủ yếu trông vào mấy cái giếng đào. Chúng tôi rửa mặt qua loa, không thể tắm được, và ít thay quần áo, còn nước sạch phải giành cho nấu ăn. Cũng may là trời rét nên chúng tôi cũng tạm khắc phục được tình trạng thiếu nước.
Tự vệ Hà Nội chiến đấu bảo vệ từng căn nhà, góc phố, 1946. (Ảnh tư liệu)
Còn về bữa ăn, chủ yếu chúng tôi ăn cơm với muối vừng, lạc, cá khô, tôm khô và nước mắm, thỉnh thoảng cũng được cấp ít đường. Đó là những thứ dự trữ được từ trước, nhưng lại rất thiếu rau tươi. Đêm đêm mấy chị cấp dưỡng đã mạo hiểm bò ra bãi ven sông Hồng (lúc đó không có nhà cửa, các gia đình nông dân chỉ toàn trồng các loại rau cải, xu hào, cải bắp...) để lấy rau tươi về cho anh em các đơn vị ăn. Mỗi khi bữa ăn có rau tươi là như một bữa tiệc nhỏ. Về sau, chị em có sáng kiến ngâm đỗ xanh làm giá, xay đỗ tương làm đậu phụ. Thật là những chiến sĩ đầy tài năng và dũng cảm, khắc phục khó khăn để cải thiện bữa ăn của bộ đội trong vòng vây quân thù. Đội ngũ chị em cấp dưỡng đó là những ai, tôi rất tiếc và ân hận là không nhắc được tên nhiều chị một cách chính xác ngoài chị Chiến, người cao gầy nhưng rất khoẻ. Nhiều chị trước đây từ các gia đình nông thôn và thành phố đi giúp việc các gia đình, lúc nhà chủ chạy tản cư thì các chị ở lại, xung phong vào đội tiếp tế cho quân đội.
Những ngày đầu kháng chiến ở Hà Nội, 12-1946. (Ảnh tư liệu)
Đối với thương bệnh binh thì rất thiếu kháng sinh, nhiều anh chị em bị thương đã bị bệnh uốn ván. Riêng bốn chúng tôi, tôi cũng không hiểu vì sao là suốt 2 tháng trời sinh hoạt kham khổ nhưng không hề bị ốm đau ngày nào. Có lẽ vì ở tuổi 20, lòng tràn ngập niềm tin và hăng hái khiến mọi bệnh tật, nhức đầu, sổ mũi, ho hen ở chúng tôi đều bị đánh bật.
(Còn tiếp)
GS. Lê Thi (GS Triết học, nguyên GĐ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Phụ nữ và Gia đình thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam).