Thứ Hai, 04/12/2023
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

10/01/2018 22:02 1651
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Sương Nguyệt Anh muốn tờ báo phải thức tỉnh được nữ giới, qua đó thức tỉnh quốc dân đồng bào, phải khiến cho nữ giới quan tâm đến vận nước. Nhưng ông Tổng lý Trần Văn Chim không đồng tình với bà. Trần Văn Chim cho rằng bàn đến chính trị, khích động phụ nữ làm chính trị là “quá khích” và làm thế rất dễ bị chính phủ Pháp thu giấy phép xuất bản báo. Tờ báo phụ nữ, theo ông ta, chỉ cần hướng người phụ nữ giữ được lễ, giữ được tam tòng tứ đức, vì họ có vai trò lớn trong đời sống gia đình, như thế “nước nhà mới yên ổn được”.

Sương Nguyệt Anh muốn tờ báo phải thức tỉnh được nữ giới, qua đó thức tỉnh quốc dân đồng bào, phải khiến cho nữ giới quan tâm đến vận nước. Nhưng ông Tổng lý Trần Văn Chim không đồng tình với bà. Trần Văn Chim cho rằng bàn đến chính trị, khích động phụ nữ làm chính trị là “quá khích” và làm thế rất dễ bị chính phủ Pháp thu giấy phép xuất bản báo. Tờ báo phụ nữ, theo ông ta, chỉ cần hướng người phụ nữ giữ được lễ, giữ được tam tòng tứ đức, vì họ có vai trò lớn trong đời sống gia đình, như thế “nước nhà mới yên ổn được”. Sương Nguyệt Anh vẫn kiên quyết về tôn chỉ của tờ báo “nâng cao nền luân lý, nghĩa là cả luân thường đạo lý, bao hàm cả tam tòng, tứ đức và cả thái độ đối với vận nước, vận giang san”(10). Cuối cùng ông Trần Văn Chim cũng phải đồng ý với bà.

Khi Nữ Giới Chung đã xuất bản, là người chịu trách nhiệm về nội dung bài vở, Sương Nguyệt Anh là người định ra đường hướng của tờ báo, đưa Nữ Giới Chung đi theo đúng tôn chỉ của nó. Mặc dù chịu sức ép từ chủ báo, ông Blaquière, Tổng lý Trần Văn Chim và Nữ Giới Chung phải chịu sự kiểm duyệt của chính phủ Pháp như những tờ báo khác, Sương Nguyệt Anh luôn ý thức việc đưa tờ báo đi theo đúng tôn chỉ đã định. Sương Nguyệt Anh kiên quyết không bỏ lỡ một bài thơ hay, mặc dù bà biết điều đó có thể liên lụy đến toà báo. Đó chính là việc đăng bài thơ của tác giả ký tên Mlle Liễu trên Nữ Giới Chung số 5. Hay khi Blaquière yêu cầu Sương Nguyệt Anh phải có bài cổ động người Việt Nam đi lính cho Pháp, bà không thực hiện mà trên Nữ Giới Chung số 11 xuất hiện bài thơ có nội dung ngược lại.

Sương Nguyệt Anh luôn khuyến khích việc viết bài đăng trên Nữ Giới Chung, đặc biệt là chị em phụ nữ. Bà viết: “Từ đây xin chị em mọi người ai có điều chi hay, hoặc luận biện hoặc hài đàm, hoặc từ phú cùng là ca rao, cái nào không thất trung hậu, cái nào đặng mở tứ cho bọn nữ lưu, thì xin gửi đến bổn báo sẽ ấn hành, trước cho phổ thông học thức, sau lo tấn bộ cho chị em ta” [Nữ Giới Chung, số 3].

Hay

“... Vị nào có bài gì hay gửi đến bổn báo sẽ hết lòng hoan nghinh mà gởi báo tặng. Như có bài nào không đăng được, thì bổn báo cũng không phép gởi trả lại” [Nữ Giới Chung, số 10].

Sương Nguyệt Anh đã lôi kéo những nhân sĩ từng quan tâm đến một tờ nữ báo, đến vấn đề phụ nữ cùng hợp lực với Nữ Giới Chung. Bức thư đề ngày 8-4-1918 của Nguyễn Thị Bồng (bút danh của Nguyễn Văn Vĩnh), đăng trên Nữ Giới Chung, số 11 có viết: “Thưa chị Sương Nguyệt Anh yêu quí của em, tiếp thơ của chị ra hỏi tới em mà lại có lòng rộng cho em được phô bày những ý kiến riêng của mình ra cho có chị có em. Em tài hèn sức mọn mà được chị hạ cố, thiệt là lấy làm cảm tình vô hạn...” Như vậy, chính Sương Nguyệt Anh đã viết thư mời Nguyễn Văn Vĩnh tham gia Nữ Giới Chung. Bà muốn tờ báo không chỉ bó hẹp trong Nam Kỳ lục tỉnh mà phải được đồng bào cả nước biết đến, đọc đến.

Dùng một tờ báo hợp pháp, được chính phủ Pháp cấp giấy phép xuất bản phục vụ chủ đích của mình là điều khó. Đưa được tờ báo đến tay người đọc lại càng khó hơn. Có biết bao khó khăn, trở ngại mà bà chủ bút Sương Nguyệt Anh phải đối mặt. Có người cho việc bà làm là “ngông cuồng”, là “làm hại thuần phong mỹ tục”, thậm chí đã có những lời đe dọa gửi đến bà. Nhưng không vì thế mà Sương Nguyệt Anh nản chí. Bà luôn hết lòng cho tờ báo, lo việc sắp xếp, chọn lọc, biên tập và quyết định các bài, nhận thư và đáp thư bạn đọc gửi về có liên quan đến toà soạn. Bận rộn chuẩn bị cho việc ra số đầu tiên của tờ báo, Sương Nguyệt Anh “không còn rảnh rang lúc nào để đưa cháu ngoại đi chơi”(11).

“Ban ngày lo việc cho tờ báo, ban đêm trông nom cho đứa cháu ngủ, mới ngồi chong đèn viết bài, lo công việc cho tờ báo số sau”(12).

Trên Nữ Giới Chung, thời gian đầu, Sương Nguyệt Anh trông coi chuyên mục “Xã thuyết”. Bà là tác giả của 7 bài xã thuyết đăng trên 8 số báo Nữ Giới Chung; bà viết “Lời tựa đầu”, Nữ Giới Chung số 1; nhiều bài thơ của bà đăng trên chuyên mục “Văn uyển”. Ngoài ra, mục “Thai - đáp thai” cũng do bà đảm trách.

* Sương Nguyệt Anh qua các bài viết trên Nữ Giới Chung

Có rất nhiều bài viết, thơ đăng trên Nữ Giới Chung chúc mừng sự khai sinh của tờ báo. Về Sương Nguyệt Anh, không ít lời ca ngợi công lao, đạo đức, nhân cách và đặc biệt với tài thơ văn nổi tiếng, không ít tác giả cho bà như một Hồ Xuân Hương, một Đoàn Thị Điểm đất Nam Kỳ. Trên Nữ Giới Chung số đầu tiên, trang 1, “Mấy lời kính tỏ” do Trần Văn Chim chấp bút, những dòng đầu tiên dành viết về bà:

Bà Sương Nguyệt Anh chủ bút bổn báo, vốn là con gái ông Đồ Chiểu bực đại văn hào trong Nam châu ta hồi xưa, là hiền nội trợ ông Phó tổng Tín ở Rạch Miễu, làng Tân Thạnh. Năm nay người ngoại ngũ tuần, ở góa tự hồi 21 tuổi. Có một gái, mới vừa vui chữ vu qui, nửa chừng thoạt đã gẫy nhành thiên hương. Người thuở nhỏ, đã nổi tiếng văn tài, khí tiết thường lộ ngoài câu thơ giọng phú. Những danh sĩ hồi đó, vẫn khen là bà Đoàn Thị Điểm đất Nam Trung. Tuy sanh là bực nữ lưu, mà lại có tánh hào hiệp....

Những dòng đầu tiên trên Nữ Giới Chung số 1 viết về bà Sương Nguyệt Anh.

Tiếp đó là hàng loạt bài thơ đề tặng Sương Nguyệt Anh như:

Tặng bà chủ bút Sương Nguyệt Anh

Nguyệt ánh làu làu dữa cõi nam,

Cái danh nữ sĩ nhắc không nhàm

Cẩm tâm tù khẩu tài nên sánh

Kim hạnh châu trinh đức đáng làm

Thi phú vẩy vùng như ả Tạ

Văn chương lội lạc tợ chàng Cam

Càng quyền nữ giới tay đà vịnh

Nào khác quan âm độ gái phàm

M llc Trần Kim Xuyến - Trà Vinh [Nữ Giới Chung, số 5]

Nguyệt Anh ngòi bút chả cầu chuông

Lóng tiếng trâm anh bớt dạ buồn

Tầm nhả tư luân trong nước luộc

Sen khoe hường phấn dữa mưa tuông

Thấp cao vẫn biết chia hai bực

Châu tứ cho hay cũng một nguồn

Khép nép cửa Ban thầm múa búa

Thấy cô gióng trống phải ra tuồng.

Đỗ Như Sương [Nữ Giới Chung số 6]

Tặng bà Sương Nguyệt Anh, chủ bút tờ Nữ Giới Chung

Nữ Giới Chung reo tiếng dậy trời

Nhớ bà Sương nguyệt gióng chiền hơi

Nhạt âu giục trồi tiêu tao giọng

Phép á khuyên răn cặn kẽ lời

Mục lục mấy hàng tài gái để

Báo chuông một xấp nét ngòi phơi

Đưa gương mạnh thị soi mày trẻ

Sử quán ngàn thu tiếng rạng ngời.

Loan Anh [Nữ Giới Chung, số 9]

Bài thơ tặng bà Sương Nguyệt Anh, Nữ Giới Chung số 9, ngày 5-4-1918.

Tặng bà Sương Nguyệt Anh

Nữ giới xem ra cũng lạ nhường!

Đời nay đâu lại có Xuân Hương

Trường thiên đã đủ nên am hiểu

Bát cú xem ra lại tỏ tường

Lừng lẫy anh ba trong tám cối!

Lầu thông Âu - Á đủ hai đường!

Thấy câu xuân vịnh mà thêm tiếc

Một tấc quang âm đáng tấc vàng!

Chấp chung nữ sử bút phụng [Nữ Giới Chung, số 11]

Kính tặng Sương Nguyệt Anh

Nguyệt lồng, Sương điểm cõi Nam châu

Vẻ mặt non sông, bút một màu

Cổ cảnh thử soi làng Phấn đại

Kim chung lừng thúc hội Hồng câu

Yến, Bình đâu nể trang hàng mặc

Ngươn, Bạch chưa tròn phận tóc râu.

Thầy, thợ cạn xem, trần mấy kẻ

Hồng quần nào thẹn khách hồng nhu.

Mlle Nguyễn Kim Châu - Long Xuyên [Nữ Giới Chung, số 13]

Nằm trong chiến lược văn hóa mới của thực dân Pháp ở Đông Dương, việc cho xuất bản Nữ Giới Chung năm 1918 là dụng ý của Toàn quyền Pháp A. Sarraut. Mang sứ mệnh tuyên truyền cho chính quyền thực dân Pháp, nhằm vào đối tượng nữ giới, như những tờ báo hợp pháp cùng thời, nghĩa vụ của Nữ Giới Chung đúng là như vậy. Nhưng không hẳn thế, các tác giả Nữ Giới Chung, đặc biệt là bà chủ bút Sương Nguyệt Anh, đã biết dùng tờ báo như một phương tiện phục vụ chủ đích của mình: thức tỉnh người phụ nữ. Tất nhiên, Nữ Giới Chung cũng không ít lời ca ngợi công ơn khai hóa của Pháp - một cách cần thiết có mức độ, đảm bảo cho tờ báo tồn tại.

Cuộc sống của Nữ Giới Chung gắn chặt với tên tuổi của Sương Nguyệt Anh - chủ bút tờ báo. Nói đến tờ báo phụ nữ đầu tiên không thể không nói đến Sương Nguyệt Anh - người khởi xướng phong trào phụ nữ làm báo ở Việt Nam. Sương Nguyệt Anh là “linh hồn” của báo Nữ Giới Chung. Từ trong trứng nước đến khi tờ báo đã góp mặt được với đời, Sương Nguyệt Anh dành hết nhiệt tâm cho tờ báo. Vốn ghét Pháp từ nhỏ, nữ chủ bút Sương Nguyệt Anh đã biết dùng tờ báo như một phương tiện phục vụ chủ đích của mình: thức tỉnh người phụ nữ. Nhưng mong muốn chống Pháp, mong muốn “tạo ra được dấu ấn vào cuộc đời này” đâu phải chuyện dễ dàng. “Trong bối cảnh chính trị, lịch sử bất lợi của thời lệ thuộc, những người làm báo bất cứ xứ nào, dù có tài giỏi đến đâu cũng không thể làm hay hơn được”(13). Với một phụ nữ đầu tiên làm báo như Sương Nguyệt Anh, âu cũng là điều dễ hiểu. Khi Nữ Giới Chung phải đình bản, Sương Nguyệt Anh vô cùng thất vọng. Gần 3 năm sau, bà mất.

Tường Khanh

Chú thích:

10-11-12. Nguyễn Phương Thảo: Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh. NXB Phụ nữ, Hà Nội, 1990, tr 129, 130, 148.

13.Nguyễn Việt Chước: Lược sử báo chí Việt Nam. NXB Nam Sơn, Sài Gòn, 1973, tr 44.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4039

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác