Thứ Tư, 11/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

10/01/2018 21:59 2037
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
* Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh

Bà Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Xuân Khuê(1), tục danh Năm Hạnh, thuở con gái lấy hiệu Nguyệt Anh(2). Bà sinh ngày 1-2-1864 (tức ngày 24 tháng Chạp năm Quí hợi) tại làng An Bình Đông, nay là xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Sương Nguyệt Anh là con gái thứ 5(3) của Nguyễn Đình Chiểu, một nhà thơ mù chống ngoại xâm cho tới ngày tạ thế, tác giả của Lục Vân Tiên, Dương Từ Hà Mậu, Ngư Tiều vấn đáp và nhiều thơ văn khác, trong đó nổi bật nhất là bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.


Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh (1864-1921).

Năm 1862, Cần Giuộc bị giặc Pháp chiếm, Nguyễn Đình Chiểu không chịu sống trong vùng chiếm đóng của giặc, nên ông phải đưa gia đình về sống ở Ba Tri. Về Ba Tri, Nguyễn Đình Chiểu dựng tạm một túp nhà nhỏ ở làng An Bình Đông, cách chợ Ba Tri vài cây số để ở. Phần vì giặc giã, phần vì mù mắt, gia đình đông người, đời sống khó khăn, nên Nguyễn Đình Chiểu vừa trồng cây thuốc vừa dạy học để nuôi sống vợ con. Năm 1863, một tai biến đau xót đến với Nguyễn Đình Chiểu. Đó là việc người em út của ông tên là Nguyễn Đình Huân bị giặc Pháp giết hại tại Cần Giuộc vì tham gia trong đội nghĩa binh của Đốc Là.

Năm sau, vợ chồng Nguyễn Đình Chiểu sinh một người con gái. Đó là Nguyệt Anh.

Nguyệt Anh sinh ra trong lúc tình hình đất nước và gia đình gặp nhiều khó khăn. Thực dân Pháp xâm lược, triều đình nhà Nguyễn bạc nhược, không dám phát động cuộc chiến tranh yêu nước, để rồi đất nước rơi dần vào tay thực dân Pháp, nhân dân một cổ hai tròng lầm than, cơ cực.

Cũng như người chị thứ tư (tức Nguyễn Thị Kim Xuyến), Nguyệt Anh ngay từ nhỏ rất lanh lợi, khoẻ mạnh. Lớn lên bà là người con gái dịu dàng, thùy mị, ăn nói lễ phép, thông minh, học giỏi. Vì gia đình đông người, sống chật vật, cha lại bị mù, nên mặc dù học giỏi, Nguyệt Anh đành phải nghỉ học. Ở nhà, vừa chăm lo việc gia đình, giúp đỡ cha trồng cây thuốc và chữa bệnh, bà vừa tranh thủ học thêm. Ban ngày bà thường xem cha dạy học và chữa bệnh. Đêm đến, bà đọc sách, tập làm thơ. Sách vở của Nguyễn Đình Chiểu có trong nhà bao nhiêu, Nguyệt Anh đều đọc hết. Người chị kế Nguyệt Anh là Nguyễn Thị Kim Xuyến cũng là người học giỏi, hay chữ và có tài làm thơ từ nhỏ. Hai chị em Nguyệt Anh thường được Nguyễn Đình Chiểu bày cho cách đọc sách và làm thơ. Riêng Nguyệt Anh là người phụ nữ có trí nhớ tốt và tư chất thông minh. Ngoài ra bà còn là người có nhan sắc nên được nhiều bậc phong lưu trí thức mến mộ.

Thế nhưng, trong cuộc đời riêng, Nguyệt Anh không phải là người may mắn.

Năm 1888, 24 tuổi, Nguyệt Anh sánh duyên cùng ông Phó tổng Hòa Quới, tỉnh Gia Định góa vợ, tên là Nguyễn Văn Tính, tục gọi thầy Cai Tính, ăn ở hiền lành, rất được lòng dân chúng. Bà lấy chồng chưa được bao lâu thì Nguyễn Đình Chiểu mất, Nguyệt Anh vô cùng đau xót trước việc người cha thân yêu của mình qua đời.

Nguyệt Anh và Nguyễn Văn Tính sinh được một người con gái đặt tên là Nguyễn Thị Vinh. Cô Vinh sau này lấy chồng là ông Mai Văn Ngọc(4), sinh ra Mai Huỳnh Hoa, nhũ danh Kim Ba(5) vợ Phan Văn Hùm(6).

Sinh con chưa được bao lâu thì chồng lại mất. Từ đó, bà thêm chữ Sương trước bút hiệu, để nêu rõ là người đàn bà góa bụa (sương phụ), quyết chí ở vậy thủ tiết, nuôi con.

Tiếp nối tư tưởng yêu nước của cha, những năm 1906-1908, bà hưởng ứng phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, bán vườn đất giúp thanh niên xuất dương du học. Phong trào bị đàn áp rồi thất bại, bà vẫn không nản lòng, tiếp tục tìm mọi cách góp sức mình vào công cuộc cứu nước.

Cuối năm 1917, Sương Nguyệt Anh đưa cháu ngoại lên Sài Gòn, cùng một nhóm chí sĩ yêu nước chuẩn bị xuất bản tờ báo đầu tiên của phụ nữ Việt Nam. Ngày 1-2-1918, Nữ Giới Chung ra số đầu tiên, Sương Nguyệt Anh chính thức trở thành nữ chủ bút báo đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.

Tháng 7-1918, tờ Nữ Giới Chung phải đình bản. Sau đó, bà lại được mời làm chủ bút tờ Đèn Nhà Nam (tờ báo cải biến từ Nữ Giới Chung) nhưng bà khảng khái từ chối: “Đèn Nhà Nam là tên chung, tôi đứng tên e người ta không hiểu, lại cho là trái lệ, tôi có thể giúp bài vở thôi”(7).

Đầu 1919, bà rời Sài Gòn về ở với người em trai út là ông Nguyễn Đình Chiêm ở Ba Tri. Lúc này sức đã yếu, mắt lại bị bệnh rồi mù lòa giống cha, nhưng bà vẫn tiếp tục nối nghề cha, dạy chữ Hán và làm thuốc chữa bệnh giúp đời.


Mộ Nguyễn Đình Chiểu (giữa), mộ vợ ông (phải), phía ngoài bên trái là mộ nữ sĩ Sương Nguyệt Anh tại Khu di tích nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.


Mộ nữ sĩ Sương Nguyệt Anh tại Khu di tích nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Sương Nguyệt Anh mất ngày 9-1-1922 (tức ngày 12 tháng Chạp năm Tân Dậu) tại làng Mỹ Chánh Hòa, thọ 58 tuổi. Mộ bà được an táng cạnh mộ cha mẹ, hiện nay thuộc Khu di tích nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

* Vai trò của Sương Nguyệt Anh với báo Nữ Giới Chung

Sương Nguyệt Anh vừa là chủ bút, biên tập, vừa tham gia viết bài trên Nữ Giới Chung.

“Tờ báo phụ nữ, do một người phụ nữ làm chủ bút là tốt nhất”(8). Hơn nữa, là người phụ nữ tiết hạnh vẹn tròn, có tài thơ văn, thì khắp xứ Nam Kỳ, không ai làm chủ bút xứng đáng hơn Sương Nguyệt Anh. Việc mời Sương Nguyệt Anh làm chủ bút Nữ Giới Chung được nhiều nhân sĩ Nam Kỳ đương thời rất ủng hộ như ông Võ Sâm ở Tây Ninh, ông Lương Khắc Ninh, chủ bút báo Nông cổ mín đàm, ông Hà Đăng Đàng, Nguyễn Dư Hoài, Vũ Hoành...

Chính Blaquière, chủ nhân Nữ Giới Chung, khi nghe ông Tổng lý Trần Văn Chim giới thiệu tên người sẽ làm chủ bút tờ báo, đã nói: “Tôi nghĩ rằng, không ai có thể làm chủ bút xứng đáng hơn bà ta”(9).

- Sương Nguyệt Anh với việc chuẩn bị xuất bản Nữ Giới Chung.

Được mời làm chủ bút Nữ Giới Chung, bà đem hết nhiệt tâm và sức lực của mình quyết làm cho được “điều chi có ích”, noi theo chí hướng của người cha thân yêu. Trước khi xuất bản báo, Sương Nguyệt Anh đã tìm gặp và bàn bạc việc mở tờ nữ báo với Nguyễn Quyền - một người Duy tân đã cùng với Lương Văn Can mở trường Đông kinh Nghĩa thục ở Hà Nội, khi ông đang bị đày an trí tại Mỹ Tho. Bà muốn tìm hiểu và học hỏi cách làm của nhữngngười quan tâm đến vận nước ở Hà Nội - một cách “mượn gậy ông đập lưng ông” của các sĩ phu Bắc Hà. Khi Nữ Giới Chung ra đời, Sương Nguyệt Anh đã biết vận dụng một cách khéo léo, linh hoạt những gì các văn thân Đông kinh Nghĩa thục đã từng làm ở Hà Nội. Khi Nữ Giới Chung đã xuất bản đều đặn, Sương Nguyệt Anh vẫn giữ quan hệ mật thiết với Nguyễn Quyền, Vũ Hoành. Giữa họ luôn có sự bàn bạc, bằng mọi cách để tờ báo đi theo hướng có lợi nhất.

Bà là người đặt tên, định ra tôn chỉ cho tờ báo và trên cương vị chủ bút, bà cũng trực tiếp viết bài đăng trên Nữ Giới Chung.

Sương Nguyệt Anh trăn trở tờ báo sẽ lấy tên là gì, Gia Định nữ giới báo hay Đại Nam nữ giới tuần báo? Bà mong muốn tên tờ báo phải nói được tôn chỉ của tờ báo. Tờ báo phải là tiếng chuông thức tỉnh nữ giới. Từ đó, tên Nữ Giới Chung ra đời.

Tường Khanh

Chú thích:

1.Có tài liệu nói là Nguyễn Thị Khuê, Nguyễn Thị Ngọc Khuê.

2.Có ý kiến cho rằng tên hiệu của bà là Nguyệt Ánh và ở Sài Gòn đã có đường phố mang tên này. Trên đây, chúng tôi dẫn theo Mai Huỳnh Hoa: Đôi nét về bà Sương Nguyệt Anh, chủ bút tờ tuần báo Nữ Giới Chung. Tạp chí Văn hóa, số 3, 1983.

3.Có tài liệu nói bà là con gái thứ 4 của Nguyễn Đình Chiểu. số 1 có nói là Mai Bạch Ngọc. Ông mất trong tù ở Lào, tháng 11- 1935. Theo báo La Lutte số 59, ngày 9-11-1935.

4.Nữ Giới Chung

5.Đến năm 1986, bà vẫn còn sống.

6.Một trong những nhân vật tờ rốt kít ở Việt Nam. Sau này, Phan Văn Hùm có tham gia trên báo Phụ nữ Tân văn, Thần Chung, mất cuối năm 1945. Theo Ngồi tù khám lớn, ký sự của Phan Văn Hùm, Dân Tộc xuất bản, Sài Gòn, 1957.

7.Mai Huỳnh Hoa: Đôi nét về bà Sương Nguyệt Anh, chủ bút tờ tuần báo Nữ Giới Chung. Tạp chí Văn học, số 3, 1983, tr 141.

8-9. Nguyễn Phương Thảo: Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh. NXB Phụ nữ, Hà Nội, 1990, tr 116, 128.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 5047

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Ngày hội lớn của giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới 

Ngày hội lớn của giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới 

  • 08/12/2017 19:16
  • 1816

Diễn biến lịch sử trên phạm vi toàn thế giới tròn 100 năm trước đây cho chúng ta thấy: Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918) đã làm thay đổi vị trí và tương quan lực lượng giữa các nước đế quốc; đồng thời còn đưa đến một hệ quả ngoài ý muốn của các nước tư bản: Đó là cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga vĩ đại thắng lợi dẫn đến sự ra đời của nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới và sau đó là một loạt các nước dân chủ nhân dân ra đời ở các lục địa Âu, Á, Mỹ và như vậy: Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười đã làm cho hệ thống dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc thế giới bị chặt đứt và con đường cách mạng vô sản đã được khai thông, nối liền từ Tây sang Đông. Bàn về ý nghĩa to lớn của Cách mạng tháng Mười Nga, J. Xtalin đã viết: “Cách mạng tháng Mười đã mở đầu cho một thời đại mới, thời đại cách mạng vô sản trong các nước đế quốc chủ nghĩa…