Một trăm năm về trước, ngày 7/11/1917, dưới sự lãnh đạo của Đảng Bôn sê vích đứng đầu là V.I. Lênin, cuộc cách mạng vô sản đã bùng nổ và thành công ở nước Nga. Cuộc cách mạng đó đã tác động tới tiến trình lịch sử nhân loại, lịch sử của nhiều dân tộc và tình cảm, ý thức của những cá nhân riêng lẻ. Nói một cách khác, cuộc cách mạng đó tựa như mặt trời chói lọi “chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất”.
Một trăm năm về trước, ngày 7/11/1917, dưới sự lãnh đạo của Đảng Bôn sê vích đứng đầu là V.I. Lênin, cuộc cách mạng vô sản đã bùng nổ và thành công ở nước Nga. Cuộc cách mạng đó đã tác động tới tiến trình lịch sử nhân loại, lịch sử của nhiều dân tộc và tình cảm, ý thức của những cá nhân riêng lẻ. Nói một cách khác, cuộc cách mạng đó tựa như mặt trời chói lọi “chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất”.
Ánh sáng đó rọi đến Việt Nam, cách mạng hóa phong trào yêu nước ở đây, định hướng đúng đắn cho nó thành khuynh hướng chủ đạo trong phong trào giải phóng đất nước. Vậy cuộc cách mạng tháng Mười Nga đến với Việt Nam từ bao giờ? Xin hãy ngược dòng lịch sử.
Thoạt kỳ thủy là sự phản ứng tiêu cực thái quá của báo chí thực dân và tay sai trước thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Mười Nga bằng việc nói xấu, xuyên tạc, bôi đen Đảng Bônsêvích, lãnh tụ Lênin và Chính quyền Xô Viết mà cuộc cách mạng đó đã tạo ra. Một trong những tờ báo tiếng Việt đi đầu trong lĩnh vực này là tờ Nam Phong của Phạm Quỳnh. Lật những số báo Nam Phong ra năm 1919, ở mục Thời đàm, thường bắt gặp những bài với nội dung thóa mạ cuộc cách mạng vô sản được ký tên Thượng Chi, một trong những bút danh của Phạm Quỳnh. Có thể nói, qua kẻ thù, cuộc cách mạng tháng Mười Nga đến với nhân dân ta là những hình ảnh đã bị bóp méo, bị xuyên tạc trắng trợn, bị bôi nhọ, có nghĩa một hình ảnh không trung thực. Dù không đúng sự thực nhưng nó cũng là chất kích thích người dân tìm hiểu về cuộc cách mạng mà kẻ thù đang bôi nhọ, thóa mạ. Lúc đó, người Việt ta thường lấy câu châm ngôn: “Kẻ thù của kẻ thù ta là bạn ta”, làm phương châm tìm bạn. Từ đó, người Việt coi nước Nga là bạn của ta và bằng mọi cách tìm hiểu sự thật về cách mạng tháng Mười, về Đảng Bônsêvích và lãnh tụ Lênin. Sự tuyên truyền sai lệch của thực dân và tay sai trở thành phản tuyên truyền.
Thứ đến, những nhà cách mạng Việt Nam đang hoạt động ở nước ngoài, trước hết là Nguyễn Ái Quốc. Tháng 7/1923, Nguyễn Ái Quốc có mặt tại Mátxcơva chuẩn bị cho sự xuất hiện của mình tại các đại hội của Quốc tế Cộng sản (QTCS). Người mong ước được gặp Lênin, nhưng đã muộn. Lãnh tụ Cách mạng tháng Mười đang ốm nặng và sau đó qua đời ngày 24/1/1924. Người đau đớn chịu tang chung với những người cộng sản thế giới và nhân loại tiến bộ. Một đêm giá lạnh sau khi viếng Lênin về, ngày 27/1/1924, Nguyễn Ái Quốc thay mặt QTCS viết Nhời hô của Hội Quốc tế Cộng sản bằng tiếng Việt gửi nhân dân lao động Việt Nam, trong đó có đoạn:
“…Nhờ mấy người cầm đầu anh hùng mới dựng lên thì Hội ấy bây giờ mạnh lắm, để giúp hàng triệu, hàng muôn mấy người làm ăn ngũ phương, nhất là nông dân khốn khổ thuộc về thuộc địa như An Nam ta vậy… Hội mới mất ông Lênin làm chủ can đảm, khôn ngoan và rất tử tế…”(1)

Bức tranh: Lênin với Cách mạng tháng Mười Nga (1917) trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Và bài Lênin và các dân tộc thuộc địa của Người xuất hiện trên báo Pravda (Sự Thật), cơ quan ngôn luận của Đảng Bônsêvich Nga, số ra ngày 27/1/1924 viết về công lao của Lênin với các dân tộc thuộc địa, trong đó có đoạn: “Những người da đen và da vàng có thể chưa biết rõ Lênin là ai, nước Nga ở đâu. Bọn đế quốc thực dân cố ý bưng bít không cho họ biết…Nhưng tất cả họ, từ những người nông dân An Nam đến người dân săn bắn trong các rừng Đahômây, cũng đã nghe nói rằng ở một góc trời xa xăm có một dân tộc đã đánh đuổi được bọn chủ bóc lột họ và hiện đang tự quản lý lấy đất nước mình mà không cần tới bọn chủ và bọn toàn quyền. Hộ cũng đã nghe nói rằng nước đó gọi là nước Nga, rằng có những người dũng cảm, mà người dũng cảm nhất là Lênin…”
Và bài báo kết luận: “Khi còn sống, Người là người cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội. Lênin bất diệt sẽ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”.(2)
Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu, Trung Quốc công tác. Tại đây, Người đã thành lập một tổ chức cách mạng lấy tên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và xuất bản báo Thanh Niên. Ngày 7/11/1926, Thanh Niên ra số đặc biệt (số 68), kỷ niệm sự kiện lịch sử trọng đại đó. Số báo đặc biệt gồm 5 trang giành trọn vẹn cho chủ đề nước Nga Xô viết. Trên trang nhất, trang bìa, vẽ hình Lênin đứng trên quả địa cầu dơ tay chỉ hướng tiến lên với hai câu khẩu hiệu:
“ Giai cấp vô sản cách mạng thế giới muôn năm”.
“ Các dân tộc bị áp bức giải phóng muôn năm”.
Trên trang 2 có bài: Sơ lược tiểu sử Lênin và Kỷ niệm nước Nga cách mạng thành công. Trang 3, 4 có bài: Lịch sử cuộc cách mạng tháng Mười Nga và cách mạng Nga có quan hệ gì với dân An Nam không ? trong đó có đoạn: “Khi Nga vốn là một nước đế quốc chủ nghĩa thì các thế lực của tụi đế quốc rất to. Thế lực nó to thì nó đè nén chúng ta càng riết và chúng ta phản đối nó càng khó. Nga nay đã cách mạng rồi thì chẳng những thế lực đế quốc chủ nghĩa yếu đi nhiều, mà các dân hèn yếu lại được một nước bầu bạn, khi trước những dân cách mạng không có ai giúp đỡ, không ai chỉ lối đưa đường. Nay Nga cách mạng đã được nhiều kinh nghiệm để làm gương cho chúng ta bắt chước, cách mạng Nga như đã đắp đường cho chúng ta cứ thế mà đi. Nga nhờ ông Lênin chỉ đạo, mà cách mạng thành công và chủ nghĩa Lênin là thế giới cách mạng, nghĩa là dân này phải giúp dân kia làm cách mạng cho đến khi nào cũng đều cách mạng cho đến khi thế giới đại đồng”. Trang 5 giành cho bài: Cách mạng Xô Nga với cách mạng thế giới, ở đoạn kết có viết: “Đương khi phản đối tư bản chủ nghĩa thì thế lực cách mạng cả toàn thế giới phải nương tựa nhau, phải giúp đỡ nhau, không phải các nước nhờ Nga giúp mà Nga cũng cần phải có thế lực cách mạng các nước giống Nga nữa”.
Từ đây, ta có thể rút ra hai kết luận quan trọng:
1) Báo chí là phương tiện, một kênh được các nhà cách mạng nước ta sử dụng để tuyên truyền những tư tưởng chủ yếu của cuộc cách mạng tháng Mười Nga đến quần chúng lao động nước ta, khác xa với những gì mà báo chí thực dân và tay sai nói về sự kiện “rung chuyển thế giới”.
2) Năm 1926 là năm đầu tiên kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga ở nước ta.
Như ta đều biết, mặc dù báo Thanh Niên xuất bản ở Quảng Châu, nhưng đã theo những đường giao liên bí mật về nước và chắc chắn có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng, trở thành nền tảng cho các cuộc kỷ niệm trong những năm tiếp sau, đặc biệt là năm 1929, khi Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời. Năm đó, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 12 cuộc cách mạng tháng Mười Nga, Đông Dương Cộng sản Đảng chủ trương kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga trên cả nước nhằm khẳng định lập trường giai cấp của tổ chức chính trị mới ra đời vào giữa tháng 6 năm 1929. Vì thế, kỷ niệm lần thứ 12 cách mạng tháng Mười Nga thành công lần đầu tiên được tổ chức rầm rộ, dưới nhiều hình thức khác nhau trên cả nước, bất chấp mạng lưới mật thám dày đặc của thực dân Pháp.
Ở Bắc Kỳ, ngoài báo Búa Liềm, cơ quan ngôn luận của Đông Dương Cộng sản Đảng ra số đặc biệt kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga, thấy xuất hiện những hình thức kỷ niệm mới chưa có trước đó như diễn thuyết, treo cờ, rải truyền đơn. Trên cần trục số 4 mỏ than Cửa Ông, trên toa tàu chở than Mạo Khê (Quảng Ninh), trên núi Non Nước (Ninh Bình) xuất hiện cờ đỏ búa liềm với khẩu hiệu chính trị “Ủng hộ Xô Nga, Xô Nga vạn tuế” và truyền đơn được rải khắp nơi.

Báo Búa Liềm số 3, ra ngày 1-11-1929 đăng các khẩu hiệu ủng hộ Cách mạng tháng Mười Nga.

Báo Búa Liềm số 4, ra ngày 15-11-1929 đăng bài giới thiệu về Quốc tế Cộng sản.
PGS.TS. Phạm Xanh
Chú thích:
1.Văn kiện này do Nguyễn Ái Quốc viết, gửi về in tại nhà in báo L’Humanite với số lượng 3.500 bản. Nó được bí mật gửi về Việt Nam. Theo báo cáo của Nha mật thám Đông Dương, chúng đã tịch thu được 1.500 bản vào tháng 7 và 315 bản vào tháng 8/1924. Tờ báo Courrier d’Haiphong nhận được 1 bản liền cho dịch và đăng trên số báo ra ngày 9/8/1924. Văn kiện này hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam.
2.Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập 1. Nxb Chính trị quốc gia. H, 2011, tr 256-257.