Cần phải nhắc lại sự kiện lần đầu tiên đồng chí Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tiếp xúc với lý luận của học thuyết Mác-Lênin, đó là Luận cương của Lê-nin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, đăng trên báo L’Humalité của Đảng Xã hội Pháp vào trung tuần tháng 7-1920, lúc đó Người đang hoạt động ở Paris.
Cần phải nhắc lại sự kiện lần đầu tiên đồng chí Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tiếp xúc với lý luận của học thuyết Mác-Lênin, đó là Luận cương của Lê-nin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, đăng trên báo L’Humalité của Đảng Xã hội Pháp vào trung tuần tháng 7-1920, lúc đó Người đang hoạt động ở Paris.
Những năm 1924-1926, trong thời gian hoạt động tại Liên Xô và Trung Quốc, với tên “Nguyễn Ái Quốc”, Người đã viết nhiều bài về Lênin đăng trên các báo xuất bản ở Nga và ở Pháp: Lênin và các dân tộc thuộc địa (Báo Sự thật, Nga, 27-1-1924), Lênin và các dân tộc Phương Đông (Báo Le Paria, Pháp, số 27 tháng 7-1924), Lênin và các dân tộc thuộc địa (Tạp chí Đỏ, Nga, số 2 năm 1925), Lênin và các dân tộc thuộc địa (Báo Công nhân Bacu, Nga, số 16, năm 1924), Lênin và Phương Đông (Báo Tiếng Còi, Nga, 21-1-1926)…
Ngay sau khi Lênin mất được ít ngày, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã viết bài Lê-nin và các dân tộc thuộc địa gửi đăng báo Sự Thật, xuất bản tại Mátxcơva. Trong bài, có đoạn: Khi còn sống, Người là người cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội. Nửa năm sau, Người viết bài Lênin và các dân tộc Phương Đông gửi sang Paris cho các bạn Pháp đăng trên tờ Le Paria. Trong bài này, Người đã viết: Không phải chỉ thiên tài của Người, mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy, đã ảnh hưởng lớn lao tới các dân tộc châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người, không gì ngăn cản nổi.
Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” xuất bản tại Quảng Châu (Trung Quốc), trang bìa cuốn sách đồng chí Nguyễn Ái Quốc trích câu nói nổi tiếng của Lênin: Không có lý luận kách mệnh, thì không có kách mệnh vận động…chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng kách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong. Khi nói về Lênin trong cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, đồng chí Nguyễn Ái Quốc viết: Cuối tháng 10, đâu đâu cũng có tổ chức cả rồi, ai cũng muốn cử sự, nhưng ông Lênin bảo: Khoan đã! Chờ ít bữa nữa cho ai ai cũng phản đối chính phủ, lúc ấy sẽ cử sự. Đến ngày 5 tháng 11, Chính phủ khai hội để ban bố phép luật mới, mà phép luật ấy thì lợi cho tư bản mà hại cho công nông. Ông Lênin nói với Đảng viên rằng: mùng sáu cử sự thì sớm quá, vì dân chưa biết hết luật lệ xấu ấy mà chưa biết luật lệ ấy thì chưa ghét chính phủ lắm. Mồng tám cử sự thì muộn quá, vì khi ấy thì chính phủ đã biết rằng dân oán và đã phòng ngự nghiêm ngặt rồi.
Quả nhiên, ngày mồng bảy Đảng Cộng sản hạ lịnh kách mệnh, thì thợ thuyền ào đến vây chính phủ, dân cày ào đến đuổi địa chủ, chính phủ phái lính ra dẹp thì lính ùa theo thợ thuyền mà trở lại đánh chính phủ
Từ bữa ấy chính phủ hoạt đầu bỏ chạy, Đảng Cộng sản cầm quyền, tổ chức ra chính phủ công nông binh…
Từ 1925 đến 1928, các tổ chức cách mạng của Việt Nam như: Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Tân việt Cách mạng Đảng tổ chức kỷ niệm những ngày lễ lớn của Quốc tế, trong đó, có ngày mất của Lênin trong nội bộ. Những ngày đó, các đồng chí thường đọc cho nhau nghe tài liệu nói về Lênin, hoặc viết bài về Lênin đăng trên một số báo bí mật. Báo Thanh Niên, cơ quan Trung ương của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên số 68, ra ngày 7-11-1926 là số đặc biệt kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga, ở trang 2 có bài Sơ lược ông Lênin. Sau khi giới thiệu tóm tắt tiểu sử Lênin, bài báo viết: Ông Lênin vì việc cách mạng mà bị bắt giam nhiều lần, bị khổ sở nhiều. Ông ấy tài năng đã giỏi, đạo đức lại cao. Chẳng những là một người thủ lĩnh cách mệnh nước Nga mà lại còn là một người đem đường cho cho cách mệnh toàn thế giới. Cho nên, những dân tộc bị áp bức, ai ai cũng kính ông như cha, như thầy. Đế quốc chủ nghĩa tuy ghét ông nhưng vẫn sợ ông.
Từ năm 1929, những người cộng sản Việt Nam tổ chức rộng rãi trong quần chúng những ngày kỷ niệm Quốc tế. Báo Búa Liềm, cơ quan trung ương của Đông Dương Cộng sản Đảng (nhóm Cộng sản ở Bắc Kỳ trước khi hợp nhất), số 3, ra ngày 7-11-1929 và số 4 ra ngày 15-11-1929 là những số đặc biệt về Cách mạng tháng Mười, về kỷ niệm 10 năm thành lập Đệ Tam quốc tế, khi nhắc lại những sự kiện lịch sử đó cũng viết nhiều về Lênin. Báo Tiền Phong của tỉnh Đảng bộ Nam Định tháng 11-1929, ra số đặc biệt in hình Lênin trên trang nhất.
Báo Búa Liềm số 3, ra ngày 1-11-1929 đăng bài về Cách mạng tháng Mười Nga.
Báo Búa Liềm số 4, ra ngày 15-11-1929 đăng bài về Quốc tế Cộng sản.
Tháng Giêng năm 1930, nhiều địa phương trong nước tổ chức kỷ niệm lần thứ 6 ngày Lênin từ trần. Ban Tuyên truyền của Trung ương Đảng ta đã xuất bản tác phẩm Sự nghiệp cách mạng của Lênin gồm 38 trang, được in thạch để phổ biến cho các cơ sở Đảng trong toàn quốc. Trong tác phẩm này, những người cộng sản Việt Nam đã gọi Lênin bằng Anh với tất cả tình thương yêu ruột thịt và tấm lòng ngưỡng mộ chân thành. Ở trang 9, nói về cuộc sống của Lênin, tác giả viết:
Sau hồi cách mạng 1905, Anh Lênin phải lưu lạc ở ngoại quốc trong 12 năm giời.
Nhiều lúc Anh túng kiết quá, không đủ ăn, không đủ mặc, có nhiều bữa phải nhịn đói.
Vả lại, Anh rất ghét xa hoa, phú quí, ăn rất giản dị. Anh tuy xuất thân ở chốn trung lưu nhưng tấm thân Anh là tấm thân lao động, tâm hồn Anh là tâm hồn lao động, hy vọng Anh là hy vọng lao động. Sau này, khi cách mạng tháng Mười thành công, Anh có quyền hành nhất trong nước. Chính phủ cho Anh ở trong cung điện nhà Vua, nhưng Anh ăn, Anh vẫn giản dị như xưa. Trong cung điện nhà Vua, Anh chỉ lấy vài, ba cái phòng hẹp để lấy chỗ làm việc mà thôi.
Ở trang cuối cùng, tác phẩm viết: Chủ nghĩa cách mạng trên thế giới bây giờ rất nhiều, duy chỉ có chủ nghĩa Mác-Lênin là chủ nghĩa chân chính hơn cả, là chủ nghĩa thật có thể mưu sự sung sướng cho thợ thuyền, dân cày, và tất cả các người bị bóc lột, đè nén… Chúng ta kỷ niệm Anh là có ý theo chủ nghĩa của Anh mà phấn đấu, quyết chí đánh đổ cho hết đế quốc, tư bản và tụi đi bóc lột, đè nén người khác…
Cũng đầu năm 1930, báo Giải Phóng, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương miền Đông Nam Bộ, ngày 21-1-1930 ra số đặc biệt về Lênin. Trang đầu của báo vẽ hình Lênin đang nói chuyện và đăng trang trọng dòng khẩu hiệu: Vô sản giai cấp và tất cả các dân tộc bị đè nén trên thế giới liên hiệp lại! Tiếp đó, báo đăng bài giới thiệu về sự nghiệp cách mạng của Lênin. Bài báo viết: Ông Lênin thì khắp thế giới, ai cũng biết cả. Riêng những người thợ, người nghèo, người mất nước lại càng thương yêu, cảm phục Ông. Ông đã đem cả một đời của Ông ra làm công việc cách mạng…Chúng ta, những người lao khổ, phải bắt chước Ông.
Cuối năm 1930, Báo Cờ Đỏ, cơ quan của Đảng Cộng sản Đông Dương, số ra ngày 25-12-1930 có bài Dự bị kỷ niệm đồng chí Lênin. Bài báo có đoạn viết:
Người mà đã làm nghiêng cả thế giới.
Người mà đã vạch con đường giải phóng cho vô sản giai cấp và các dân tộc bị áp bức.
Người mà đã dẫn vô sản Nga đánh đổ đế quốc tư bản và lập nền xã hội chủ nghĩa ở một phần sáu của địa cầu.
Người ấy là ai?
Là đồng chí Lênin vậy!
Kỷ niệm đồng chí Lênin là để thực hành Lênin chủ nghĩa khắp cả xứ Đông Dương.
Kỷ niệm đồng chí Lênin là để binh vực cho phong trào cách mạng của vô sản và các dân tộc bị áp bức toàn thế giới.
Tháng Giêng năm 1935, nhiều truyền đơn của Đảng Cộng sản Đông Dương nói về Lênin đã xuất hiện ở nhiều địa phương trong nước, trong đó có tờ truyền đơn ngày 21-1-1935. Truyền đơn này có đoạn kêu gọi:
Anh chị em công nông!
Ngày 21 là ngày kỷ niệm đồng chí Lênin. Đồng chí là người đem đường chỉ lối cho công-nông Nga làm giai cấp cách mạng thắng lợi. Đồng chí không chỉ là người lãnh tụ cách mạng cộng sản Nga mà còn là người lãnh tụ của Quốc tế Cộng sản nữa. Đồng chí đã đem hết kinh nghiệm lý thuyết, chánh cương, sách lược, chỉ đạo cho các Đảng Cộng sản và công nông cả thế giới để bước đến con đường tranh đấu mới. Vậy, mỗi năm đến ngày này, Đảng cộng sản hết sức hiệu triệu anh em, chị em ra tranh đấu, đặng nhắc rõ ràng: con đường sống của chung ta là chỉ noi theo chủ nghĩa lý thuyết của đồng chí mà phấn đấu.
Đồng chí Lênin muôn năm!
Cách mạng Cộng sản Đông Dương muôn năm!
Báo Dân Chúng, số 28 ra ngày 29-10-1938 – Số kỷ niệm 21 năm Cách mạng tháng Mười Nga.
Cũng trong thời gian này, trên Tạp chí Cộng sản, cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản Đông Dương, số 17, ngày 1-1-1935 cũng đăng bài về tiểu sử Lênin. Bài báo viết: Cuộc cách mạng tháng Mười được thắng lợi cũng nhờ một phần sáng kiến rất nhiều của Lênin. Khi chính quyền đã về tay vô sản, chính phủ còn phải biết bao phen chống trả với bọn đế quốc tấn công bên ngoài, đánh đuổi bọn phản động cách mạng trong xứ. Chính phủ còn phải lo phục hưng nền kinh tế bản xứ, nào tạm dùng chính sách cộng sản quân sự, thay thế tân kinh tế chính sách, tất cả công việc làm cho chính quyền vô sản được vững vàng cũng do công lao của Lênin rất nhiều vậy.
Trong suốt những năm tháng còn phải xuất bản và phát hành bí mật, cũng như sau này, khi đã trở thành một đảng cầm quyền, báo chí của Đảng luôn có những bài viết về Lênin để giới thiệu tiểu sử, sự nghiệp, tư tưởng, học thuyết cũng như cuộc sống giản dị của con người vĩ đại đó với đông đảo nhân dân Việt Nam, kiên định đi theo con đường của học thuyết Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh./.
Thu Hà