2.Việc vận dụng vào thực tiễn cách mạng Việt Nam
Trên lộ trình về nước từ Mátxcơva - Diên An - Trùng Khánh, Nguyễn Ái Quốc được Phùng Chí Kiên, phụ trách Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng, đón và thu xếp cho Người sống trên gác 2 ngôi nhà số 77 của ông Tống Minh Phương, phố Kim Bích, Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Ngày 20-6-1940, phát xít Đức tấn công Pháp và nước Pháp đầu hàng. Người coi đó như dấu hiệu tốt cho sự trở về nước bấy lâu mong đợi. Người liền triệu tập một cuộc họp tại Tòa soạn báo Đ.T (được hiểu là Đấu Tranh hay Đánh Tây) đề xuất những giải pháp tận dụng cơ hội đó. Đoạn hồi ký của Trịnh Đông Hải (Vũ Anh) cho chúng ta biết cái tài, cái nhạy bén của Nguyễn Ái Quốc trong việc nắm bắt thông tin và xử lý thông tin đó:
“Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách trở về nước ngay để tranh thủ thời cơ, chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng.”
Bắt đầu từ đây, mọi công việc đều tập trung vào việc chuẩn bị những điều kiện cần thiết để trở về nước.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Việt Nam, ngày 28-1-1941 (Ảnh chụp tranh).
Trước hết, Người điện cho Lâm Bá Kiệt (Phạm Văn Đồng), Dương Hoài Nam (Võ Nguyên Giáp), Cao Hồng Lĩnh đang trên đường đi học ở Diên An quay lại Côn Minh. Nguyễn Ái Quốc cùng với Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng, đặc biệt là Phùng Chí Kiên, bàn bạc và lựa chọn điểm về, tức chỗ đứng chân trong nước hay theo cách gọi của các nhà quân sự, đột phá khẩu. Đó là một vấn đề có tính chất chiến lược quyết định toàn bộ sự phát triển tiếp theo của cách mạng. Thoạt kỳ thủy, Nguyễn Ái Quốc có ý định “đột nội” theo đường Côn Minh - Lào Cai qua chuyến đi khảo sát dọc tuyến đường sắt do Phùng Chí Kiên tháp tùng mấy tháng trước đó. Tiếp đó, Người phái Bùi Đức Minh(6) và Hoàng Văn Lộc về Hà Khẩu điều tra, nắm tình hình và đặt cơ sở liên lạc. Nhưng rồi, cầu Hồ Kiều, một chiếc cầu lớn trên tuyến đường sắt nối hai nước Việt - Trung bị máy bay Nhật đánh sập ngày 10-9-1940, cửa khẩu lớn trên biên giới hai nước bị đóng lại. Ý định về nước theo hướng Lào Cai không thể thực hiện được. Người di chuyển về Liễu Châu, Quảng Tây để tìm hướng mới. Và hướng mới đó là Cao Bằng, bởi Cao Bằng hội tụ được hai yếu tố quan trọng về địa và nhân cho sự “đột nội”, cho chỗ đứng chân và xây dựng căn cứ địa cách mạng.
Về địa, Cao Bằng với “Ba mặt Tam giang trôi cuồn cuộn. Bốn bề Tứ trụ đứng chon von” và thông sang Trung Quốc với những con đường tiểu ngạch rất tiện cho thoái; theo nhiều con đường thông về xuôi tiện cho sự phát triển của cách mạng. Về yêu tố nhân, Cao Bằng có phong trào cách mạng sớm, đặc biệt có các Chi bộ Đảng liên lạc trực tiếp với tổ chức Đảng của ta ở Long Châu, Trung Quốc. Trên tinh thần đó, Người đã cử Trịnh Đông Hải về Cao Bằng tìm một nơi bí mật, có hàng rào quần chúng bảo vệ và có đường rút lui làm chỗ đứng chân đầu tiên. Trịnh Đông Hải đã tìm được chỗ đứng chân đáp ứng được ba tiêu chí trên, đó là Hang Cốc Bó thuộc thôn Pắc Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, gần biên giới Việt - Trung. Trước khi về nước, Người mở lớp huấn luyện cho 40 thanh niên trong nước mới sang nhằm đào tạo họ thành những cán bộ cốt cán, tung về Cao Bằng, xây dựng thí điểm các đoàn thể cách mạng, lập căn cứ địa cách mạng. Hồi ký của Võ Nguyên Giáp kể lại: “Bác và anh Phùng Chí Kiên về một làng cách Tĩnh Tây năm chục cây số. Bác cho người đến gọi anh Đồng và tôi về để mở lớp huấn luyện… Các anh Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng và tôi được Bác hướng dẫn làm chương trình huấn luyện. Bác phân công mỗi người làm từng mục: tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện, đấu tranh…”(7). Dựa theo tài liệu của Nguyễn Ái Quốc, Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đã biên soạn một tập bài giảng cho lớp học với tựa đề Con đường giải phóng, gồm sáu bài:
Bài 1: Tình hình thế giới, trong đó đề cập tới cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, phong trào cách mạng trên thế giới, về Liên bang Xô viết, về cuộc kháng Nhật cứu nước của nhân dân Trung Quốc.
Bài 2: Tình hình Đông Dương, trong đó giới thiệu về đặc điểm địa lý, tình hình kinh tế, chính trị, về các giai tầng và các dân tộc Đông Dương, về thái độ của người Pháp và Hoa kiều…
Bài 3: Vấn đề cách mạng Việt Nam, trong đó giới thiệu về phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam, về những điều kiện đảm bảo của cách mạng, đồng thời giới thiệu các đảng phái chính trị ở Đông Dương và chủ nghĩa dân chủ mới của Việt Nam.
Bài 4: Về công tác, chủ yếu hướng dẫn học viên cách điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện và đưa quần chúng ra đấu tranh.
Bài 5: Vấn đề khởi nghĩa, trong đó có hai nội dung chính là đánh du kích và khởi nghĩa.
Bài 6: Một người cách mạng phải như thế nào nói về tư cách của người cách mạng(8)
Học xong, 40 thanh niên được tung về theo địa bàn cư dân thông thuộc của họ, nhằm nhanh chóng xây dựng một khu vực an toàn, chủ yến là vùng Hà Quảng, để đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về.
Ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc vượt qua mốc 108 trên biên giới Việt -Trung, rồi được đón về sống tại làng Pắc Bó. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lãnh tụ, ngày 8-2-1941, tổ chức đã bố trí cho Người lên sống và làm việc tại hang Cốc Bó, cách không xa bản Pắc Bó. Từ đó, Pắc Bó trở thành chỗ đứng chân đầu tiên để xây dựng căn cứ địa cách mạng Cao Bằng trong tầm nhìn chiến lược của Người.
Khu vực Pắc Bó nói riêng và huyện Hà Quảng nói chung trở thành vùng an toàn để Đảng ta tổ chức hội nghị nhằm thay đổi chiến lược của cách mạng Việt Nam trong hoàn cảnh lịch sử trong và ngoài nước chuyển biến hết sức mau lẹ. Tại đây, tháng 5-1941, Hội nghị VIII BCH Trung ương Đảng, dưới sự chủ trì của Người, đã thay đổi chiến lược của cách mạng nước ta đã được khởi động từ Hội nghị VI BCH Trung ương tháng 11-1939, coi cách mạng nước ta lúc này không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, mà là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, có nghĩa là vấn đề dân tộc được đặt trên hết, trước hết, còn vấn đề bộ phận, giai cấp trở nên thứ yếu: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”(9)
Để thực hiện được nhiệm vụ trước mắt đó, Hội nghị chủ trương thay đổi hình thức tập hợp lực lượng cách mạng, lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng Minh, gọi tắt là Việt Minh, thay cho Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương không còn thích hợp. Cùng với sự thay đổi chiến lược cách mạng quan trọng trên, Hội nghị còn chủ trương chỉ đạo hai bộ phận công việc quan trọng khác là chuyển công tác Đảng về nông thôn là vùng mà bộ máy chính quyền thực dân non yếu và chuẩn bị điều kiện tiến tới khởi nghĩa vũ trang để giành chính quyền. Tại mảnh đất này, ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Minh được chính thức thành lập. Sự ra đời của Mặt trận Việt Minh chính là sự chuẩn bị lực lượng chính trị to lớn nhất cho thắng lợi Cách mạng tháng Tám.
Chương trình Việt Minh, tháng 5-1941.
Sau Hội nghị, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chỉ đạo xây dựng Mặt trận Việt Minh ở tỉnh Cao Bằng. Để dồn sức vào công việc quan trọng đó, Người sáng lập tờ báo Việt Nam Độc lập làm cơ quan tuyên truyền, cổ động và tổ chức tập thể của tỉnh bộ Việt Minh Cao Bằng. Việt Nam Độc lập ra số đầu tiên ngày 1-8-1941. Trong 30 số đầu có dấu ấn quan trọng của nhà báo giàu kinh nghiệm làm báo bí mật Nguyễn Ái Quốc. Báo Việt Nam Độc lập như là một chỉ số quan trọng về sự phát triển của phong trào cách mạng, đặc biệt là việc mở rộng căn cứ địa cách mạng. Khi phong trào cách mạng phát triển, căn cứ địa cách mạng mở rộng xuống tỉnh Bắc Cạn, từ số 129, ngày 21-6-1942, Việt Nam Độc lập trở thành tờ báo phong trào Việt Minh của hai tỉnh. Từ số 187 ra ngày 30-1-1944 trở thành cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Minh Cao-Bắc-Lạng, khi căn cứ địa cách mạng mở rộng sang tỉnh Lạng Sơn. Việt Nam Độc lậpđăng tải nội dung thuộc nhiều vấn đề, nhưng đặc biệt có một nội dung liên quan trực tiếp tới vấn đề đang bàn ở đây, đó là hướng dẫn tổ chức và chỉ đạo hoạt động của Việt Minh từ xã đến tỉnh như thành lập Việt Minh xã, tổng, châu, Đại hội Việt Minh các cấp: Một ngày vẻ vang của châu SR (số 138, ngày 21-9-1942, Một ngày vẻ vang của tỉnh CB, ngày 15-12-1942, Đại hội Việt Minh toàn tỉnh Cao Bằng, Đại hội Việt Minh châu Lê Lợi, tỉnh CT ( số 172, ngáy 21-8-1943), Ăn mừng thành lập khu Mán Trắng, số 177, ngày 11-10-1943…; phổ biến kinh nghiệm khai hội định kỳ để làm cho tổ chức sinh hoạt đều đặn, chặt chẽ (số 169, ngày 21-7-1943); phê bình khuyết điểm của Ban Chấp hành Cứu quốc (số 156, ngày 11-4-1943)(10).
Việt Nam Độc lập ra số đầu tiên ngày 1-8-1941.
Trên nền tảng lực lượng chính trị và phong trào chính trị vững mạnh trong vùng căn cứ địa, Nguyễn Ái Quốc tiến hành chỉ đạo thành lập và hoạt động của các đội du kích, trước hết là để chống khủng bố của địch và bảo vệ khu căn cứ địa cách mạng của ta. Việt Nam Độc lập ra số đặc biệt, số 162, ngày 21-5-1943, về chống khủng bố nhằm biểu dương những địa phương chống khủng bố giỏi, những cán bộ đi sát phong trào, bám chặt quần chúng và phong trào cách mạng không yếu đi, mà mạnh hơn qua thử thách, từ kinh nghiệm thực tiễn chống khủng bố ở một số địa phương, báo thấy cần thiết phải tổ chức Ban Xung phong chống khủng bố. Sự hiện diện và hoạt động có hiệu quả của các đội du kích dưới nhiều hình thức đã góp phần to lớn vào việc chống khủng bố thắng lợi, bảo vệ các cơ sở cách mạng, phát triển phong trào cách mạng ở các địa phương và trên tất cả là củng cố niềm tin thắng lợi của cách mạng trong nhân dân vùng căn cứ địa nói riêng và cả nước nói chung. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Ngày 22-12-1944, quân đội cách mạng đầu tiên của ta ra đời tại khu rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng làm chỗ dựa tinh thần cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước khi thời cơ đến.
Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo, Nguyên Bình, Cao Bằng, ngày 22-12-1944.
Sau cuộc Nam tiến thắng lợi của Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân do Võ Nguyên Giáp lãnh đạo, căn cứ địa Cao Bằng nối với căn cứ địa Bắc Sơn (Lạng Sơn) - Vũ Nhai (Thái Nguyên), để sau đó, tháng 6-1945 thành lập Khu Giải phóng gồm sáu tỉnh Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái. Căn cứ địa cách mạng Việt Bắc là sự chuẩn bị những điều kiện cần thiết nhất cho cuộc nhảy vọt khi thời cơ đến vào tháng Tám năm 1945.
Thắng lợi của cuộc vùng dậy “xung thiên” của toàn dân tộc chúng ta vào tháng Tám năm 1945 bắt nguồn từ nhiều nhân tố, trong đó có việc xây dựng căn cứ địa cách mạng mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đúc rút thành lý luận trong trải nghiệm cách mạng Trung Quốc những năm 1924-1927 và vận dụng vào hoàn cảnh lịch sử Việt Nam khi Người trở về nước. Và rồi, nó trở thành một bài học kinh nghiệm được vận dụng sáng tạo và nâng lên hàng nghệ thuật trong hai cuộc kháng chiến ba mươi năm của dân tộc ta.
PGS.TS Phạm Xanh
Chú thích:
- Người đã đưa Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc để đi học ở Diên An.
- 7. Đầu nguồn. Nxb Văn học. HN, 1972, tr 98.
- 8. Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ký hiệu H 2C7/3.
- 9.Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 7, 1940-1945. Nxb chính trị quốc gia. HN, 2000, tr 113.
- 10. Xem: Nguyễn Thành.Báo chí cách mạng 1925-1945. Nxb Khoa học Xã hội. HN, 1984, tr 268, 275.