Thứ Sáu, 13/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

06/10/2017 00:00 2070
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Chủ nhân ngôi nhà tranh nhỏ, nơi làm trạm liên lạc của Tổng bộ, là gia đình ông Đỗ Phát Khang (tức ông Cộc), một người Việt Nam yêu nước đã tham gia Việt Nam Quang Phục Hội và Việt Nam Quang Phục Quân của cụ Phan Bội Châu.

Chủ nhân ngôi nhà tranh nhỏ, nơi làm trạm liên lạc của Tổng bộ, là gia đình ông Đỗ Phát Khang (tức ông Cộc), một người Việt Nam yêu nước đã tham gia Việt Nam Quang Phục Hội và Việt Nam Quang Phục Quân của cụ Phan Bội Châu.

Từ năm 1923 ông đã được giao phụ trách cửa ngõ liên lạc với trong nước ở Đông Hưng. Sau khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên thành lập, Tổng bộ vẫn sử dụng trạm liên lạc này. Ông Cộc cùng gia đình dựng một ngôi nhà tranh nhỏ ở bến đò Nà-Sáo-Tụ bên bờ Bắc sông Bắc Luân đối diện với Móng Cái. Để có kế sinh nhai và che mắt địch, ông vừa làm thầy lang, thầy cúng, vừa làm nghề chở đò và câu cá bằng thuyền. Người chèo đò ra giữa sông Bắc Luân đón đoàn là Đỗ Đức Nghiệp con trai cả ông Cộc năm đó 21 tuổi. Các đồng chí Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Đinh Chương Dương, Lê Duy Điếm... của Tổng bộ đã nhiều lần qua lại trạm liên lạc này. Sau lần xuất dương của đoàn Trần Phú năm 1926, trạm liên lạc ở bến đò Nà-Sáo-Tụ bị lộ, Tổng bộ quyết định rời trạm liên lạc về làng Cống Chạp huyện Long Châu cách Mục Nam Quan (tức Hữu Nghị Quan) ở biên giới tỉnh Lạng Sơn khoảng 5 cây số.

Ngày 18-7-1926, Lê Quảng Đạt (tức Hoàng Cao) và Ả Sần (tức Trần Đức Hoa), hai cán bộ của Tổng bộ được Bác phái từ Quảng Châu về Đông Hưng tìm đến trạm liên lạc Nà-Sáo-Tụ đón đoàn. Lê Quảng Đạt trong bộ quân phục sĩ quan quân đội Trung Quốc đưa tám đồng chí tới trại lính Tiêu-Lâu-Lĩnh ở trên một ngọn đồi nằm bên bờ sông Bắc Luân ngay cạnh thị trấn Đông Hưng.

Ngày 19-7, tám đồng chí thay trang phục, đóng vai học sinh quân được tuyển đi học Trường Quân sự Hoàng Phố ở Quảng Châu. Ngày 20-7, cả đoàn rời trại lính đến ở khách sạn Thuận Hưng Lâu cũng ở thị trấn Đông Hưng. Mấy ngày sau, Ả Sần dẫn đến khách sạn hai thanh niên mới từ trong nước ra là Nguyễn Công Thu và Nguyễn Danh Thọ để nhập vào đoàn chờ đi Bắc Hải. Hai đồng chí Thu và Thọ đi trong đoàn xuất dương thứ hai sau đoàn của Trần Phú mấy ngày. Đoàn thứ hai chủ yếu là các thanh niên học sinh người Thái Bình, Nam Định và Thanh Hoá do Lê Hữu Lập tổ chức và dẫn đường. Khi tàu thuỷ đỗ ở bến Mũi Ngọc, Thu và Thọ đã xuống tàu để đi thuyền ngược sông Ca Long lên thị trấn Móng Cái. Thuyền vừa cặp bến thì trời đổ mưa rất to, bọn cảnh sát đều chạy cả vào trong đồn để trú mưa. Hai người đã nhân lúc chúng sơ hở bảo nhau chạy nhanh qua cầu Bắc Luân và sang Đông Hưng vô sự. Đến Đông Hưng, các đồng chí hỏi thăm đường ra bến đò Nà-Sáo-Tụ. Tại trạm liên lạc ở bến đò, hai người đã gặp Hoàng Cao và Ả Sần.

Trong thời gian ở khách sạn, cứ đến tối thì Ả Sần đưa các đồng chí đi chơi phố. Để giữ bí mật, mỗi lần Ả Sần chỉ đưa hai, ba người, tốp này về, tốp khác mới đi.

Khoảng 26, 27 tháng 7, đoàn trở lại trại lính Tiêu-Lâu-Lĩnh một ngày, chờ đến đêm thì cùng Lê Quảng Đạt ra bến thuyền Đông Hưng và xuống một thuyền buồm lớn đi Bắc Hải. Đêm hôm ấy, khi thuyền ra đến khơi thì gặp bão. Mười người của hai đoàn xuất dương đều bị say sóng, nằm li bì trong khoang. Chủ thuyền cho mổ lợn cúng trời. Sáng hôm sau bão dứt, tuy mệt nhưng các đồng chí được ăn một bữa cháo lòng rất ngon. Đến Bắc Hải, liên lạc của Tổng bộ bố trí đoàn đón tàu thuỷ từ Hải Phòng qua Bắc Hải đi Quảng Châu. Chuyến tàu này thông thường đều ghé qua Hương Cảng rồi mới đi Quảng Châu, nhưng bữa ấy ở Hương Cảng có bãi công lớn nên tàu không ghé vào được mà đi thẳng Quảng Châu.

Đến Quảng Châu, đoàn xuất dương được bố trí ăn, ở, sinh hoạt, học tập ngay tại nhà 13-15 Văn Minh lộ, trụ sở của Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Người lo thu xếp chỗ ăn ở, sinh hoạt cho đoàn là Đặng Thái Thuyến. Đoàn được nghỉ ngơi một tuần để nghe phổ biến các thông tin cần thiết, học hát Quốc tế ca, đi viếng mộ Phạm Hồng Thái ở Hoàng Hoa Cương và thăm một số di tích. Tiếp đó, “Toàn thế giới bị áp bức dân tộc liên hiệp Hội” tổ chức buổi liên hoan đón tiếp đoàn ngay tại trụ sở Tổng bộ.

5

Ngôi nhà số 13-15 đường Văn Minh, Quảng Châu (Trung Quốc).

Sang tháng 8-1926, lớp huấn luyện chính trị bắt đầu học. Lớp có 20 học viên. Chương trình huấn luyện chủ yếu là nội dung cuốn Đường Kách mệnh do Bác viết. Giảng viên chính là đồng chí Vương (Vương Sơn Nhi tức Bác), ngoài ra còn có Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu cùng một số giảng viên người Liên Xô và Trung Quốc.

Lớp học kéo dài khoảng hai tháng. Trong thời gian đó, các học viên vừa học tập phương pháp hoạt động thực tiễn vừa nghiên cứu lý luận. Hàng tuần, các học viên có một buổi sinh hoạt, tập diễn thuyết, đọc sách báo, hát các bài ca cách mạng. Trong những buổi sinh hoạt này, cả lớp đều hát vang bài ca Quốc tế do ông Vương dạy. Nhân đây, chúng tôi xin nói thêm, chính Bác đã dịch Bài ca Quốc tế của Ơ-gien-pô-chi-ê, người chiến sĩ Công xã Pa-ri năm xưa, ra tiếng Việt theo thể thơ lục bát để dạy cho các học trò của mình, các nhà cách mạng vô sản đầu tiên của Việt Nam. Toàn văn bản dịch năm 1926 của Bác như sau :

Hỡi ai nô lệ trên đời

Hỡi ai cực khổ đồng thời đứng lên.

Bất bình này chịu sao yên

Phá cho tan nát một phen cho rồi.

Bao nhiêu áp bức trên đời

Sạch sành sanh phá cho rồi mới tha.

Cuộc đời nay đã đổi ra

Ta xưa con ở, nay là chủ ông.

Trận này là trận cuối cùng

Ầm ầm đoàn lực, đùng đùng Đảng cơ

Lanh-te-rô-na-xi-on-na-nơ

Ấy là nhân đạo, ấy là tự do.

Trong quá trình học, các học viên của lớp đều đoán ông Vương có lẽ chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc nổi tiếng, nhưng không ai dám hỏi và cũng không ai dám nói với ai.

Cuối chương trình học, ông Vương giải thích về Đảng, và nói:“Làm cách mạng phải có Đảng lãnh đạo, nhưng Đảng phải từ trong quần chúng mà tổ chức ra. Các đồng chí học xong về nước hoạt động để sau này sẽ tổ chức Đảng".

Khi lớp huấn luyện kết thúc, Bác đề nghị Tổng bộ bố trí cho Trần Phú trở về nước một thời gian ngắn rồi trở lại Quảng Châu để sang Mátxcơva theo học tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế cộng sản. Đồng thời, Người giao nhiệm vụ cho sáu người trong đoàn xuất dương trở về nước gây dựng cơ sở và tiếp tục tìm chọn người đưa sang Quảng Châu học tập: Nguyễn Công Thu, Nguyễn Danh Thọ về Bắc kỳ; Nguyễn Ngọc Ba, Phan Trọng Quảng về Trung kỳ; Phan Trọng Bình, Nguyễn Văn Lợi về Nam kỳ.

6

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc năm 1930.

Một ngày đông cuối năm 1926, các đồng chí chào tạm biệt ông Vương, người thầy, người anh, người lãnh đạo đã mở đường dẫn lối cho các đồng chí đi vào con đường sáng để rời Quảng Châu về nước. Ông Vương lưu luyến chia tay các học trò của mình và dặn dò tỉ mỉ từng người những việc cần làm để tránh con mắt dò xét của mật thám, những điều cần chú ý khi hoạt động bí mật.

Rời Quảng Châu ra về, trước mặt các đồng chí - những hạt giống đỏ đầu tiên của Việt Nam do Chủ tịch Hồ chí Minh gieo mầm - là Tổ quốc, là mùa xuân, mùa của những hạt giống nẩy mầm, mùa của những chồi non đâm cành bén rễ.

Đặng Hoà

(Nguyên Trưởng phòng Trưng bày-Tuyên truyền-Đối ngoại, BTCMVN)

Bảo tàng lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4809

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Nhóm thanh niên yêu nước đầu tiên sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện chính trị (Phần 1)

Nhóm thanh niên yêu nước đầu tiên sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện chính trị (Phần 1)

  • 04/10/2017 00:00
  • 2799

Tháng 8-1926 tại lớp học đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) khai giảng khoá huấn luyện cách mạng cho đoàn trong nước đầu tiên xuất dương sang. Lớp học do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tổ chức và giảng dạy.