Thứ Bảy, 12/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

04/10/2017 00:00 2852
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Tháng 8-1926 tại lớp học đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) khai giảng khoá huấn luyện cách mạng cho đoàn trong nước đầu tiên xuất dương sang. Lớp học do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tổ chức và giảng dạy.

Tháng 8-1926 tại lớp học đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) khai giảng khoá huấn luyện cách mạng cho đoàn trong nước đầu tiên xuất dương sang. Lớp học do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tổ chức và giảng dạy.

Học viên lớp này khoảng 20 người, trong đó có Trần Phú (Tổng Bí Thư Đảng CSĐD năm 1930), Nguyễn Công Thu, Nguyễn Danh Thọ, Nguyễn Ngọc Ba, Phan Trọng Quảng, Phan Trọng Bình, Nguyễn Văn Lợi (những người được Bác giao nhiệm vụ về ba miền Bắc, Trung, Nam để gieo mầm hạt giống cách mạng, gây dựng những cơ sở đầu tiên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở trong nước năm 1926). Năm 1963, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) đã tổ chức cuộc khảo sát thực địa để nghiên cứu tìm tư liệu và hiện vật về con đường xuất dương của đoàn trong nước đầu tiên đó. Đoàn khảo sát do ông Đào Duy Kỳ, Chủ tịch Hội đồng khoa học Bảo tàng Cách mạng Việt Nam làm Trưởng đoàn với sự tham gia của các ông Phan Trọng Bình, Phan Trọng Quảng, Nguyễn Ngọc Ba là 3 trong số 10 người cùng xuất dương với Trần Phú tháng 7-1926. Ngày 26-11-1963, Đoàn khảo sát rời Hà Nội tiến hành nghiên cứu thực địa, tìm và đối thoại với các nhân chứng ở Hải Phòng, Hòn Gai, Tiên Yên, Móng Cái, Đông Hưng và kết thúc khảo sát ngày 6-12-1963.

Bài viết này, tác giả xin giới thiệu tóm tắt một số tư liệu về con đường xuất dương của những thanh niên yêu nước học khoá đó.

Năm 1925, sau khi thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Quảng Châu, Bác bàn với Tổng bộ xây dựng các đường liên lạc giữa Tổng bộ với trong nước để đưa đón cán bộ đi về, chuyển nhận tài liệu, sách báo. Đồng thời cử người về nước tìm chọn những thanh niên có chí khí đưa sang Quảng Châu để Người trực tiếp huấn luyện chính trị và phương pháp hoạt động cách mạng rồi trở về gây dựng cơ sở trong nước.

Năm 1926, Nguyễn Lương Bằng được giao nhiệm vụ đảm nhận đường giây liên lạc giữa Tổng bộ với trong nước bằng đường biển Hồng Kông - Hải Phòng. Lê Duy Điếm (Lê Lợi) được cử về Nghệ An liên lạc với nhóm Phục Việt của Trần Phú, Tôn Quang Phiệt; Lê Hữu Lập về Nam Định tìm gặp Đinh Chương Dương cùng nhóm học sinh trường Thành Chung quê Nam Định, Thái Bình, Thanh Hoá; Hồ Tùng Mậu đi Đông Bắc Thái Lan tìm gặp cụ Đặng Thúc Hứa và các Việt kiều yêu nước... để tìm chọn người đưa sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện.

1

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng (1904-1979) – người đã chuyển tác phẩm “Đường Kách mệnh” bằng đường tàu biển về Hải Phòng những năm 1926-1929.

Giữa năm 1926, về đến Vinh, Lê Duy Điếm trực tiếp gặp gỡ 5 thanh niên trí thức yêu nước trong tổ chức Hưng Nam của cụ Giải nguyên Lê Huân là Trần Phú, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Ngọc Ba và Hoàng Văn Tùng. Tiếp đó, tại Vinh, Vương Thúc Oánh giới thiệu với Lê Duy Điếm 2 người nữa là Phan Trọng Bình và Phan Trọng Quảng. Đồng thời, Nguyễn Văn Lộc (Hoàng Lùn) cũng giới thiệu thêm Nguyễn Văn Đắc và Nguyễn Văn Khang.

Tháng 7-1926, đoàn xuất dương do Lê Duy Điếm tổ chức và dẫn đường khởi hành sang Quảng Châu. Đoàn gồm 10 người : Lê Duy Điếm, Trần Phú, Tôn Quang Phiệt, Phan Trọng Bình, Phan Trọng Quảng, Nguyễn Ngọc Ba, Nguyễn Văn Lợi, Hoàng Văn Tùng, Nguyễn Văn Đắc và Nguyễn Văn Khang.

2

Đồng chí Trần Phú (1904-1931) –thành viên đoàn xuất dương đầu tiên sang Quảng Châu năm 1926 - Tổng Bí thư đầu tiên Đảng CCSĐD năm 1930-1931.

Thượng tuần tháng 7, đoàn lên đường, chia làm ba tốp, xuất phát từ hai nơi: ga xe lửa Vinh và ga Thanh Hoá. Ngày 13-7-1926 cả đoàn gặp nhau tại khách sạn Nam - Lai trước cửa ga Hàng Cỏ (Ga Hà Nội trên đường Lê Duẩn ngày nay). Riêng Nguyễn Văn Đắc và Nguyễn Văn Khang đợi đoàn ở bến tàu thuỷ Hải Phòng đi Mũi Ngọc (Quảng Ninh). Đoàn ở lại Hà Nội một ngày, sáng 15-7 lên xe lửa xuống Hải Phòng. Đến Hải Phòng, đoàn ở tại khách sạn Việt-Nam-Lâu phố Hàng Cháo để nghe ngóng tình hình và chờ tàu thuỷ đi Mũi Ngọc. Chiều 16-7 đoàn (đủ 10 người) xuống tàu E-mơ-rốt, sáng 17-7 tới Mũi Ngọc. Mặc dù đoàn lên đường xuất dương vào dịp Hội Tây (Quốc khánh Pháp 14-7), đám công chức an ninh có lơ là việc kiểm soát, nhưng ở trên xe lửa cũng như trong khách sạn, các tốp đều tuân theo cách đi đứng bí mật, ngồi khác toa và ở khác phòng coi như không quen biết nhau để tránh mật thám để ý.

3

Đồng chí Lê Duy Điếm (1906-1930), quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh, tham gia lớp huấn luyện ở Quảng Châu năm 1926.

Đóng vai các thầy giáo và học sinh nghỉ hè đi du lịch, ai nấy đều ăn mặc chỉnh tề, người mặc Tây, người mặc ta, người đi giầy vải, người đi giầy da, mỗi người đều xách cặp hoặc va li. Tàu cập bến, các đồng chí lên bờ xuất trình thẻ căn cước cho một tên cẩm Tây kiểm soát. Đường từ Mũi Ngọc lên Móng Cái dài 15 cây số, không có ô tô, các đồng chí đi bộ.Con đường này hồi đó hai bên đường chỉ toàn bãi cát với những bụi dứa dại, không có làng mạc sầm uất và cây cối mát mẻ như bây giờ. Trời nắng, đường xa, không một quán nước trên quãng đường dài. Khát nước và mệt. Gần trưa trời càng nắng, ai nấy mồ hôi nhễ nhại, áo quần xộc xệch không còn vẻ đàng hoàng như lúc mới lên bờ nữa.Trần Phú vốn người gầy yếu (năm đó 22 tuổi), Phan Trọng Quảng 17 tuổi, trẻ và khoẻ nhất đoàn xách hộ va li cho ông để ông đi người không đỡ mệt. Đi khoảng 11 cây số tới xóm Giếng Guốc, có một quán nước của người Hán. Mọi người không quen nhưng vì khát quá cũng đành uống. Sau khi nghỉ ngơi uống nước,đoàn tiếp tục cuộc hành trình,rẽ vào một con đường nhỏ phía bên phải đi tiếp 2 cây nữa đến xóm Pò Hền để tìm đường mòn ra bờ sông Bắc Luân nơi biên giới. Đến đây, Lê Duy Điếm quên đường, anh bảo cả đoàn ngồi chờ để anh đi dò đường. Đợi hơn một giờ đồng hồ vẫn chưa thấy Lê Duy Điếm trở lại. Cả đoàn rất sốt ruột. Cùng lúc đó, có một người đàn ông dáng khả nghi đến tò mò hỏi chuyện các anh một lúc rồi bỏ đi. Thấy tình huống diễn ra không thuận, cả đoàn hội ý bàn kế hoặch đối phó một khi xảy ra chuyện không may. Mọi người quyết định không ngồi đợi Lê Duy Điếm nữa, cứ chiếu theo phương Bắc mà tìm đường ra biên giới, nếu địch phát hiện ra đuổi theo thì quăng hết va li, cặp để chạy cho dễ. Các anh vừa ra khỏi xóm Pò Hền thì gặp Điếm quay trở lại cho biết đã tìm ra đường. Các anh rảo bước đi theo Điếm, nhưng mới đi được một quãng thì thấy ở đằng xa một toán lính đang đi lại. Mọi người quẳng hết cặp, va li lại chạy băng qua cánh đồng, vượt đồi Phổ-Xíu-Lẻng tới bờ sông nhảy xuống nước lội sang bờ bên kia. Tới chỗ nước sâu gần lút cổ thì gặp đò của trạm liên lạc ở bến đò Nà-Sáo-Tụ bên bờ Bắc sông Bắc Luân sang đón. Tám người nhanh chân chạy trước được đưa lên đò qua biên giới an toàn. Tôn Quang Phiệt và Hoàng Tùng chạy chậm, chưa kịp tới bờ sông thì bị lính biên phòng bắt.

4

Đồng chí Lê Hữu Lập(1897-1934), quê Hậu Lộc, Thanh Hóa - thành viên đoàn xuất dương đầu tiên sang Quảng Châu, năm 1926.

Như vậy, khoảng 5 giờ chiều 17-7-1926,tám người của đoàn xuất dương, trong đó có Trần Phú đã vượt biên an toàn tới trạm liên lạc của Tổng bộ tại bến đò Nà-Sáo-Tụ bên bờ Bắc sông Bắc Luân, một con sông biên giới, bên này là Móng Cái đất Việt Nam, bên kia là Đông Hưng đất Trung Quốc.

Đặng Hoà

(Nguyên Trưởng phòng Trưng bày - Tuyên truyền - Đối ngoại, BTCMVN)

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4881

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Bài học về xây dựng và bảo vệ chính quyền sau Cách mạng tháng Tám 1945 (Phần 1)

Bài học về xây dựng và bảo vệ chính quyền sau Cách mạng tháng Tám 1945 (Phần 1)

  • 30/08/2017 00:00
  • 3123

Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử hiện đại Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Cuộc cách mạng xung thiên đó đã để lại cho chúng ta và hậu thế những bài học lớn, trong đó có những bài học đi cùng năm tháng. Trong khuôn khổ bài viết, tôi xin được tập trung vào 3 bài học lớn.