Thứ Bảy, 12/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

30/08/2017 00:00 5585
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Bài học thứ hai: Xây dựng một chính quyền dân chủ thực sự do dân và vì dân.

Bài học thứ hai: Xây dựng một chính quyền dân chủ thực sự do dân và vì dân.

Cái cốt lõi của mọi cuộc cách mạng là chính quyền bởi nó không chỉ phản ánh vai trò và sức mạnh của giai cấp lãnh đạo cuộc cách mạng thông qua chính đảng của nó, mà còn phản chiếu đường hướng phát triển của đất nước. Chính quyền được hình thành sau cách mạng tháng Tám năm 1945 trong chừng mực nào đó thể hiện rất rõ điều đó. Chính quyền đó thực sự do dân tạo nên. Thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám được tạo thành bởi sự hy sinh xương máu của nhiều thế hệ người Việt Nam, đặc biệt sự đóng góp nhân tài vật lực to lớn của các giai cấp xã hội dưới ngọn cờ Mặt trận Việt Minh. Hơn thế nữa, cuộc tổng tuyển cử theo hình thức phổ thông đầu phiếu đã bầu những đại biểu đại diện cho quyền, lợi của các cộng đồng dân tộc trên dải đất hình chữ S, từ đa số đến thiểu số như Kinh, Mường, Tày, Nùng, Thái, Hmông, Hoa, Ba Na, Ka Tu,, Ê Đê, Gia Rai, Khơ Me... của tất cả các ngành, các giới, các giai tầng xã hội, từ công nhân, nông dân, nam nữ cho đến những nhà tư sản như Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô... những nhân sĩ trí thức như Nguyễn Văn Tố, Thái Văn Lung, Huỳnh Tấn Phát... Quốc hội cũng hội tụ những đại biểu đại diện các tôn giáo như Thiên chúa giáo (Linh mục Phạm Bá Trực), Phật giáo (Thượng tọa Thích Mật Thể), Cao Đài (Chưởng quản Cao Triều Phát), đại biểu đại diện cho các chính đảng như Đảng Cộng sản, Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội, Đảng Việt quốc, Đảng Việt cách...

4

Lời kêu gọi đồng bào đi bỏ phiếu bầu đại biểu quốc hội đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh,

ngày 6-1-1946.

Rõ ràng, Quốc hội khóa I là Quốc hội do dân bầu ra theo lối phổ thông đầu phiếu, là Quốc hội đại diện cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân Việt Nam. Quốc hội đầu tiên là “kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của Tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già trẻ, lớn bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối, hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ Quốc”(1)

Quốc hội khóa đầu đó được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến và kiến quốc. Chính quyền mới đó nhanh chóng loại bỏ những di sản tồi tàn mà thực dân để lại - là nạn đói, nền tài chính kiệt quệ và nạn thất học. Chính quyền mới đã phát động các phong trào như Tăng gia sản xuất, Hũ gạo cứu đói, Tuần lễ vàng, Bình dân học vụ... Các phong trào đó hợp lòng dân nên toàn thể nhân dân Việt Nam hưởng ứng nhiệt nhiệt. Có thể nói, chưa bao giờ lòng yêu nước của nhân dân ta được biểu hiện một cách vô tư trên các đường phố, trên các quảng trường, trên các đường làng, ngõ xóm như vậy. Những khó khăn của đất nước được đẩy lùi... Cùng với giặc đói và giặc dốt, giặc ngoại xâm đang hoành hành ở Sài Gòn. Chính quyền mới đó tổ chức chiến đấu ngăn quân Pháp ở Sài Gòn bằng kháng chiến anh dũng tại chỗ và tổ chức những đoàn quân Nam tiến trên cả nước hành quân vào Nam theo tinh thần “đâu có giặc là ta cứ đi”.Quân xâm lược bị chặn lại.

5

Nhân dân khu Hà Trung (Hà Nội) cổ động phong trào diệt giặc dốt, ngày 6-12-1945.

6

Đoàn xe điện chở gạo cứu đói, Hà Đông,năm 1945.

Việc thành lập một chính quyền dân chủ do dân và vì dân là một bài học đi cùng năm tháng. Chúng ta thấy được sự vận dụng bài học này trên quy mô mới, chất lượng mới của Chính phủ kiến tạo, liêm chính hiện nay.

Bài học thứ ba:Tiến hành vận động ngoại giao để các cường quốc sớm công nhận chính quyền mới

Ngay từ khi còn là Chính phủ Lâm thời, Hồ Chí Minh với tư cách Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã tiến hành những hoạt động ngoại giao để vận động Liên Hợp quốc và Hoa Kỳ công nhận nền độc lập của Việt Nam nhằm tạo lập một môi trường hòa bình, ổn định để kiến thiết đất nước. Từ tháng 9/1945 đến tháng 2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi hàng chục Thư, Điện, Công hàm cho Tổng thống Truman và Bộ Ngọai giao Hoa Kỳ yêu cầu công nhận nền độc lập của Việt Nam và ngăn chặn quân Pháp được sự giúp sức của quân Anh trở lại xâm lược Việt Nam, đòi hỏi Việt Nam phải có đại diện trong Hội đồng tư vấn Viễn Đông mà Liên hợp quốc vừa mới thành lập. Trong lá thư cuối cùng gửi Tổng thống Truman, ngày 16/2/1946, Người một lần nữa trịnh trọng nhắc lại những tư tưởng đã được đề cập trong các bức thư trước đó: “... An ninh và tự do chỉ có thể được đảm bảo bằng sự độc lập của chúng ta đối với bất kỳ một cường quốc thực dân nào, và bằng sự hợp tác tự nguyện của chúng ta với tất cả các cường quốc khác. Chính là với niềm tin vững chắc này mà chúng tôi yêu cầu Hợp chủng quốc với tư cách là những người bảo vệ và những người bênh vực công lý thế giới, thực hiện một bước quyết định trong sự ủng hộ nền độc lập của chúng tôi”(2). Cùng với những hoạt động đó, chính quyền mới đã cho phép thành lập Hội hữu nghị Việt-Mỹ tại Hà Nội (17/ 10/1945) và triển khai những hoạt động về báo chí, học tiếng Anh và trao đổi sinh viên... Sau khi Chính phủ chính thức ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến hành những hoạt động ngoại giao với Chính phủ Pháp(Hiệp định Sơ bộ, Hội nghị Đà Lạt, Hội nghị Phôngtennơblô và các cuộc thăm viếng Pháp của Quốc hội và Hồ Chí Minh).

7

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm nước CH Pháp, năm 1946.

Tất cả những hoạt động ngoại giao đó đều không có kết quả như mong muốn bởi các cường quốc đó đặt quyền lợi quốc gia và phe nhóm lên trên hết, không tôn trọng quyền được hưởng độc lập và tự do của Việt Nam như đã được ghi nhận trong các Hiến chương Liên hợp quốc.

Sau bốn năm chiến đấu dũng cảm trong vòng vây kẻ thù, đến đầu năm 1950 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới được công nhận, bắt đầu từ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Liên Xô và tiếp đó các nước trong phe dân chủ.

Bài học này được Chính phủ Việt Nam vận dụng sau khi thống nhất đất nước, đặc biệt trong thập kỷ 70, 80 và 90 của thế kỷ trước.

Những bài học về xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng sau Cách mạng tháng Tám còn giữ nguyên những giá trị trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước hôm nay.

PGS. TS Phạm Xanh


Chú thích:
1.Hồ Chí Minh.Toàn tập, tập 4, tr 103. 
2.Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập 4, tr 94-95.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: