Sống dưới lưỡi lê, súng đạn của kẻ thù, nhưng văn nghệ sĩ yêu nước vẫn hướng về Việt Bắc, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.
Sống dưới lưỡi lê, súng đạn của kẻ thù, nhưng văn nghệ sĩ yêu nước vẫn hướng về Việt Bắc, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.
Thực hiện sự chỉ đạo của Quận ủy Nội thành, để tuyên truyền thắng lợi của kháng chiến, hè năm 1954, ông Nguyễn Bắc, Quận ủy viên, phụ trách công tác trí thức vận đã tìm gặp các nhà văn Hoàng Công Khanh, Hoài Việt, nhà báo Vũ Đức Toa… để bàn cách ra báo công khai, tuyên truyền cho kháng chiến, chuẩn bị tiếp quản Thủ đô. Tờ báo Dân ý và Niềm vui đã ra đời trong bối cảnh lịch sử như thế và phát hành công khai trong lòng địch.
Kỷ niệm ngày báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi tìm lại tư liệu cũ, tọa đàm với các ông còn lưu trong hồ sơ ghi chép từ những năm 2006-2007 để viết bài báo này, cũng là để tri ân các ông.
Tháng 4-1954, chiến dịch Điện Biên Phủ đang vào giai đoạn ác liệt. Bộ đội tấn công quyết chiếm các vị trí Him Lam, Bản Kéo, đồi A1. Ở Hà Nội, Cao uỷ Pháp và Phủ thủ hiến Bắc Việt ra sức lên dây cót cho quân lính, tăng viện lên Điện Biên để “tử thủ”. Ngày 8-5-1954, hội nghị Giơnevơ về Đông Dương bắt đầu họp; nhưng trước đó, nhân dân sôi nổi kí vào bản kiến nghị đòi hoà bình, đòi Chính phủ Pháp phải thành thật thương lượng với Chính phủ Hồ Chí Minh. Trước tình hình đang chuyển biến dồn dập, Thành uỷ đã đồng ý với Quận uỷ Nội thành, chủ trương phải có ngay tiếng nói công khai của kháng chiến trong lòng địch để vạch trần âm mưu và tội ác của thực dân Pháp trong bước đường cùng, nêu cao thành tích kháng chiến, động viên tinh thần nhân dân. Đồng chí Nguyễn Bắc, Quận uỷ viên quận Nội thành, phụ trách công tác trí thức vận đã nhanh chóng vận động ông Hoài Việt và Hoàng Công Khanh là cơ sở của ta, đứng ra làm báo công khai. Toà soạn đặt ở 84 phố Thuốc Bắc của hiệu sách Kuy Sơn; chủ hiệu là ông Phạm Nhất Hân, có tinh thần yêu nước, ủng hộ kháng chiến. Ông Hoài Việt đảm nhận vai trò trị sự, quản lý báo, đồng thời ở trong Ban biên tập. Việc chạy giấy phép do Muỗi Sài Gòn tức Vũ Đức Toa đang là biên tập viên báo Tia sáng của ông Ngô Vân đảm nhận. (Ông Toa lúc ây giữ chuyên mục trào phúng trên báo Tia sáng rất được độc giả ưa thích). Ông mua lại được tờ tuần báo Dân ý đã xin được giấy phép của ông Nguyễn Bỉnh Tuyên là công chức cao cấp của chính quyền bù nhìn. Tờ báo được một số văn nghệ sĩ ủng hộ kháng chiến như các hoạ sĩ Bùi Xuân Phái, Hoàng Lập Ngôn, Mạnh Quỳnh, cùng các cây bút nổi tiếng của làng báo thời đó như Huyền Quang, Trương Uyên, Hoàng Lan, Sĩ Tiến, Mộng Sơn, nữ sĩ Ngân Giang… gửi bài cộng tác. Ông Lê Cường ở phố Thuốc Bắc ủng hộ việc in báo. Hoạ sĩ Bùi Xuân Phái vẽ tranh minh hoạ và lên ma két. Cộng tác viên gửi bài không lấy nhuận bút. Số 1 của báo ra ngày 2/5/1954 có 8 trang khổ to như báo Văn nghệ bây giờ với đủ các chuyên mục: Xã luận, bài và tin tức trong nước, thế giới, truyện, thơ trào phúng, giới thiệu và dịch tác phẩm văn học nước ngoài, tranh. Báo ra một tháng hai kỳ.
Báo vừa ra thì bị Nha thông tin Bắc Việt kiểm duyệt vì ngửi thấy “mùi Việt Minh”. Chúng gọi ông Hoài Việt lên hỏi: “Ra báo tháng 5 là để kỉ niệm ngày Quốc tế lao động chứ gì”. Ông nói: “Giấy phép các ông cho ra vào tháng năm thì tôi ra đúng tháng 5”. Ông ra về, mới xuống 5 bậc cầu thang, nó giật giọng hỏi: “Đã chuẩn bị kỉ niệm sinh nhật Hồ Chủ Tịch chưa?”. Ông không trả lời...
Từ số 2, báo bị địch kiểm soát gắt gao. Cứ 11 giờ đêm, kiểm duyệt mới trả lại bài, trong đó nhiều bài bị xoá 1/3 hoặc 2/3; nhưng báo ra thì không được phép để trắng, phải chèn “phi lê”, ken bằng dòng quảng cáo “Nên đọc Dân ý”. Ban biên tập và ông Sĩ Tiến, bỏ báoGiang sơn sang giúp Dân ýphải nằm lại toà soạn để kịp sáng mai ra báo. Sau đó, đến khâu phát hành, địch không cho Dân ýđể lên các mặt sạp báo mà bị đè dưới các tờ Giang sơn, Liên hiệp, Tia sáng. Chúng còn cho tay chân đến đón trước cửa nhà in lúc sáng sớm để tịch thu báo. Công nhân nhà in Lê Cường tuồn báo qua tường ra phố khác không để chúng tịch thu, cướp giật báo trắng trợn.
Mặc dù bị địch kiểm duyệt gắt gao, ban biên tập vẫn đưa được các bài báo có tinh thần yêu nước và dân tộc lên các trang văn học, nghệ thuật. Ông Hoài Việt đang là giáo viên dạy văn ở trường tư thục Dũng Lạc nhưng ông tích cực viết bài cho Dân ý, đáng kể nhất là “Thương nhớ bao nguôi(bàiKhóc Nam Cao, kiểm duyệt bỏ toàn bài), Cánh chim hoà bình (Thơ); Bao giờ con trở lại(dịch từ truyện ngắn của tác giả Bungari I-van Va-zốp). Còn nhà văn Hoàng Công Khanh, thì gửi cho báo đăng trích kịch thơ Bến nước Ngũ Bồ, vở kịch nổi tiếng được công diễn khắp các tỉnh miền Bắc và miền Trung lúc đó; Ông Hoài Việt viết bài giới thiệu và phê bình. Đặc biệt, ông còn viết cả một bài xã luận với tiêu đề Chống văn hoá nô dịch với bút danh Đồ Nghệ đăng trên trang nhất của báo; sau đó, báo trích đăng sách Quan điểm văn nghệ nhân dân(Kuy Sơn xuất bản năm 1952) cổ vũ tinh thần văn hoá dân tộc. Ông Vũ Đức Toa với bút danh Muỗi Sài Gòn có nhiều thơ trào phúng hóm hỉnh đả kích bọn bán nước hại dân, được bạn đọc rất yêu thích. Tranh của Bùi Xuân Phái vẫn giữ phong cách ký hoạ đặc sắc của riêng ông. Khuynh hướng theo Việt Minh, ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản của Dân ý quá rõ khiến chính quyền địch không thể làm ngơ nên báo ra đến số 5, ngày 2/7/1954 thì bị cấm.
Từ phải sang: Nhà văn Hoàng Công Khanh và nhà văn, nhà giáo Hoài Việt, trong nhóm biên soạn làm báo Dân ý và Niềm vui. (Ảnh chụp năm 2007)
Thời gian này, phong trào đấu tranh của nhân dân càng phát triển sôi nổi. Các báo lớn như Tia sáng, Liên hiệp, Giang sơn thường xuyên đưa tin về tình hình đàm phán ở Hội nghị Giơnevơ. Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết càng làm cho nhân dân nức lòng, thực dân Pháp và tay sai càng thêm hoang mang rệu rã. Để kịp thời tuyên truyền rộng rãi tin tức kháng chiến, Quận uỷ Nội thành thấy cần phải tiếp tục ra báo công khai. Ông Vũ Đức Toa lại vất vả chạy mua cho được giấy phép để ra tờ nhật báo. Lúc này, ông Nguyễn Bắc đã ra căn cứ, ông Minh Việt, Thành ủy viên, trực tiếp phụ trách nhóm nhà báo đã tham gia viết báo Dân ý. Tất cả nhất trí lấy tên báo là Niềm vui. Để cho địch “nể”, không dám ho he gì, các ông mời cụ Trần Văn Lai - người vốn được giới trí thức Hà Thành và cả bọn chúng rất trọng vọng làm Giám đốc chính trị. Ông Trình Quốc Quang, luật sư, đã từng tham gia Hội nghị Phông-ten-nơ-blô cũng được mời tham gia. Ông Vũ Đức Toa làm chủ nhiệm, ông Hoài Việt làm chủ bút. Lúc này, ban biên tập có thêm ông Vũ Đình Khoa, luật sư, ông Nguyễn Hiếu, cán bộ kháng chiến. Số 1 của báo ra đúng ngày 27/7- ngày các chiến trường Đông Dương ngừng bắn theo qui định của Hiệp định Giơnevơ. Trong điều kiện thuận lợi mới, tờ Niềm vui đã thường xuyên đăng bài tuyên truyền về Hiệp định Giơnevơ, giải thích rõ lập trường của ta. Báo còn đả kích Hoàng Cơ Bình lập ra “Uỷ ban bảo vệ Bắc Việt”, vạch trần âm mưu phá hoại thành phố của Pháp và tay sai. Ông Hoài Việt, trong một bài viết, gọi đó là Uỷ ban bố vờ bố vịt. Niềm vui ra được 5 số thì Thủ đô tưng bừng hân hoan đón đoàn quân chiến thắng trở về. Thủ đô sạch bóng thù.
Mặc dù Dân ý và Niềm vui chỉ ra báo và phát hành trong thời gian ngắn, nhưng những người làm báo và một số văn nghệ sĩ là cơ sở kháng chiến hoặc có cảm tình, ủng hộ kháng chiến đã đóng góp tích cực cho tờ báo ra đời, góp phần tuyên truyền cho cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi.
Sau ngày Thủ đô giải phóng, các ông mỗi người một ngành nghề khác nhau. Ông Hoài Việt chung thuỷ với nghề dạy học, dạy các em trường Lý Thường Kiệt văn học và sáng tác với các thể loại: Thơ, kịch thơ, chân dung của các nhà văn, nhà thơ. Chỉ trong ba năm 1991-1992, ông cho ra đời 7 cuốn sách viết về Nguyễn Bính, Thâm Tâm, Thế Lữ, Trần Huyền Trân, Lê Văn Trương, Ngô Tất Tố (NXB Hà Nội ấn hành). Tiểu thuyết về các danh nhân lịch sử mà ông rất tâm huyết cũng được hoàn thành trong những năm gần đây, được NXB Văn hóa và NXB Hà Nội in như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bặc. Ông Vũ Đức Toa làm báo rồi dạy học ở trường Trưng Vương vẫn say mê sưu tầm và nghiên cứu các văn bản cổ của truyện Kiều. Và khi sang thế giới người hiền, ông còn để lại bản dịch Chinh phụ ngâm của chính ông cho chúng ta. Ông Hoàng Công Khanh sau những năm dài lận đận đã vượt lên bằng nghị lực của mình để thăng hoa với một loạt tác phẩm trong đó có một số tác phẩm được giải thưởng: tiểu thuyết Đôi mắt màu tím - Giải thưởng của Uỷ ban Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam 1994; Hoàng hậu hai triều Dương Vân Nga - Giải thưởng Uỷ ban Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, 1997; Vằng vặc sao Khuê - Giải thưởng Thăng Long-Hà Nội, 1998; Giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam, 1999.
Các ông đã đi trên chặng đường dài hơn nửa thế kỷ với cái Tâm, cái Tài của những người cầm bút, người chiến sĩ, làm báo, làm văn - thơ vì nhân dân và lặng lẽ làm con tằm nhả tơ cho đời, không màng danh lợi. Nay, ông Nguyễn Bắc, nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh, nhà báo Vũ Đức Toa, đều đã về cõi Niết Bàn. Nhưng hai tờ báo Dân ý và Niềm vui, quy tụ những nhà báo yêu nước, ủng hộ kháng chiến phát hành khi bị chính quyền thực dân kiểm soát, là một dấu ấn của lịch sử báo chí Hà Nội thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Ths. Phạm Kim Thanh