Thứ Bảy, 12/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

24/07/2017 00:00 11562
Điểm: 4.75/5 (4 đánh giá)
Ngày 27/7 hàng năm là ngày để ghi nhớ những đóng góp lớn lao của thế hệ các anh hùng thương binh liệt sĩ đã hi sinh cho hòa bình, thống nhất của dân tộc. Nhân 70 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017), xin giới thiệu chân dung một số anh hùng liệt sỹ qua các thời kỳ.

Ngày 27/7 hàng năm là ngày để ghi nhớ những đóng góp lớn lao của thế hệ các anh hùng thương binh liệt sĩ đã hi sinh cho hòa bình, thống nhất của dân tộc. Nhân 70 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017), xin giới thiệu chân dung một số anh hùng liệt sỹ qua các thời kỳ.

Họ cùng với hàng triệu người con khác đã ngã xuống vì nền độc lập, thống nhất nước nhà.

Phạm Hồng Thái (1896 - 1924)

Là một nhà hoạt động trong Phong trào Đông Du. Năm 1918 ông cùng với Lê Hồng Phong vượt biên qua Xiêm rồi sang Quảng Châu (Trung Quốc) để tìm đường hoạt động cách mạng. Tháng 3/1924, Phạm Hồng Thái và Lê Hồng Phong chính thức gia nhập Tâm tâm xã. Biết tin Toàn quyền Đông Dương
Méc-lanh (Martial Merlin) sẽ có chuyến thăm Nhật Bản sau vụ động đất và trên đường về có ghé Trung Quốc, Tâm tâm xã nhận định đây là cơ hội để ám sát nhằm chấn động dư luận. Sau khi họp bàn và vạch kế hoạch triển khai, tổ chức đã giao cho Phạm Hồng Thái và Lê Hồng Sơn dưới sự trợ giúp của Lê Hồng Phong đảm nhiệm trọng trách này. Ngày 18/6/1924, tại tô giới Sa Diện của Pháp ở Quảng Châu (Trung Quốc), Phạm Hồng Thái đã thực hiện mưu sát
Méc-lanh. Kế hoạch không thành, Phạm Hồng Thái bị truy nã nên phải gieo mình xuống dòng Châu Giang, hy sinh khi mới 28 tuổi. Về sau sự kiện này được gọi là “Tiếng bom Sa Diện”, góp phần thức tỉnh tinh thần yêu nước của nhiều thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước. Khâm phục chí khí cách mạng của người thanh niên họ Phạm, cụ Phan Bội Châu đã viết Truyện Phạm Hồng Thái để ngợi ca hành động hi sinh anh hùng của Anh.

1

Liệt sĩ Phạm Hồng Thái (1895-1924) (Ảnh BTLSQG).

Anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng (1914 - 1931)

Là một trong những nhà cách mạng trẻ tuổi của Việt Nam, mới 10 tuổi, Lý Tự Trọng được sang Trung Quốc học tập, học giỏi, nói thạo tiếng Hán và tiếng Anh. Ông hoạt động trong Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng. Năm 1929, Lý Tự Trọng về nước hoạt động với nhiệm vụ thành lập đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và làm liên lạc cho xứ uỷ Nam kỳ với Đảng Cộng sản Việt Nam. Anh làm liên lạc cho các đồng chí cộng sản ở nước ngoài qua các chuyến tàu đến cảng Sài Gòn. Ngày 09/02/1931, trong buổi kỷ niệm một năm cuộc bạo động Yên Bái, Lý Tự Trọng đã bắn chết thanh tra mật thám Pháp Lơ Gơrang. Lý Tự Trọng bị địch bắt, bị tra tấn dã man.Khi bị tuyên án tử hình, luật sư bào chữa cho anh xin khoan hồng vì anh chưa đến tuổi thành niên, đã hành động không có suy nghĩ. Lý Tự Trọng dõng dạc nói: “Tôi hành động không phải là không suy nghĩ. Tôi hiểu việc tôi làm. Tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác. Tôi tin rằng nếu các ông suy nghĩ kỹ thì các ông cũng cần phải giải phóng dân tộc, giải phóng những người cần lao như tôi”. Trước toàn án thực dân Pháp, Lý Tự Trọng cao đầu, khẳng khái: "Không ăn năn gì cả!" Trước khi lên máy chém, anh hô to "Việt Nam", hát vang bài "Quốc tế ca": "Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian!" Anh đã giữ vững ý chí chiến đấu đến phút cuối của đời mình.

2

Tượng đài Anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng (ảnh:internet).

Kim Đồng - Nông Văn Dền (1929 - 1943)

Là một thiếu niên người dân tộc Nùng, người đội trưởng đầu tiên của tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh ở chiến khu Pác Bó. Trong một lần đi liên lạc, khi cán bộ đang họp, phát hiện quân Pháp, Kim Đồng đã đánh lạc hướng kẻ thù để đồng đội đưa bộ đội về căn cứ an toàn. Kim Đồng ngã xuống ngay bên bờ suối Lê Nin khi vừa tròn 14 tuổi. Kim Đồng đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Tấm gương hy sinh anh dũng của Kim Đồng đã được ghi vào lịch sử của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, tên của anh đã được nhiều tỉnh, thành phố đặt cho các trường học, đường phố...

3

Tượng Anh hùng, liệt sĩ Kim Đồng trưng bày tại BTLSQG.

Võ Thị Sáu(1933 - 1952)

Võ Thị Sáu quê ở vùng Đất Đỏ, Long Điền, tỉnh Bà Rịa (nay thuộc xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Năm 14 tuổi, Võ Thị Sáu theo anh gia nhập Việt Minh, trốn lên chiến khu chống Pháp. Chị tham gia đội công an xung phong, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ liên lạc, tiếp tế. Tháng 2-1950, Võ Thị Sáu nhận nhiệm vụ tiêu diệt hai tên chỉ điểm, tay sai thực dân Pháp là Cả Suốt và Cả Đay, không may bị bắt. Bị giam tại nhà tù Đất Đỏ, tra tấn dã man, chị không khai báo. Địch phải chuyển chị về khám Chí Hòa. Chị Sáu tiếp tục làm liên lạc cho các đồng chí trong khám, cùng chị em tù nhân đấu tranh đòi cải thiện cuộc sống trong tù.

Trước tinh thần đấu tranh quyết liệt của chị Võ Thị Sáu, thực dân Pháp và tay sai kết án tử hình nữ chiến sĩ trẻ. Chúng chuyển chị cùng một số người tù cách mạng ra nhà tù Côn Đảo. Tại đây, chị Sáu được Chi bộ nhà tù Côn Đảo kết nạp chính thức vào Đảng Lao động Việt Nam. Ngày 23/1/1952, trên pháp trường, Võ Thị Sáu vẫn giữ vững khí thế hiên ngang, nhìn thẳng vào họng súng kẻ thù, hô to: “Đả đảo thực dân Pháp, Việt Nam muôn năm, Hồ Chí Minh muôn năm!”.

4

Tượng Anh hùng, liệt sĩ Võ Thị Sáu trưng bày tại BTLSQG.

5

Khăn, thực dân Pháp dùng bịt mắt Võ Thị Sáu khi chúng xử bắn chị tại Côn Đảo, năm 1952. (HV BTLSQG)

Nguyễn Viết Xuân (1933 – 1964)

Nguyễn Viết Xuân là một sĩ quan thuộc lực lượng phòng không của QĐNDVN trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Trong trận chiến với không quân Mỹ tại phía Tây tỉnh Quảng Bình, anh bị máy bay bắn nát đùi phải. Song anh yêu cầu phẫu thuật bỏ chân, tiếp tục được vào bờ công sự và chỉ huy chiến đấu, động viên đồng đội bằng khẩu lệnh "Nhằm thẳng quân thù! Bắn!" Sau trận chiến đấu ác liệt, anh hy sinh vì vết thương quá nặng. Khẩu lệnh của anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân đã trở thành bất diệt. Khẩu lệnh tấn công ấy đã từng làm bạt vía kinh hồn lũ giặc lái Mỹ xâm phạm bầu trời miền Bắc.

6

Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân (ảnh:internet).

10 cô gái anh hùng ở Ngã ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh

Ngã ba Đồng Lộc gắn liền với sự hy sinh của 10 nữ thanh niên xung phongcủa tiểu đội 4-C522. Vào năm 1968, nơi đây có một tiểu đội thanh niên xung phong có nhiệm vụ canh giữ giao điểm, phá bom và sửa đường thông xe khi bị bom phá gồm 10 cô gái tuổi từ 17 đến 24. Trưa 24/7/1968, 10 cô ra làm nhiệm vụ. Đến 16h30, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm, nơi 10 cô đang tránh bom. Tất cả đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Ngày nay, nơi các chị hy sinh tượng đài đã được dựng lên. Hình ảnh người thanh niên xung phong giơ tay phất cờ báo hiệu mở đường cho xe thẳng tiến là biểu tượng của sức mạnh, tinh thần bất khuất, khát vọng hòa bình, thống nhất non sông những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

7

Di ảnh của 10 nữ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh (Ảnh:internet).

8

Dụng cụ làm đường của 10 cô gái thanh niên xung phong tại ngã 3 Đồng Lộc, Hà Tĩnh, hy sinh ngày 24/4/1968 (HV BTLSQG).

Nguyễn Văn Trỗi(1940 – 1964)

Là một chiến sĩ biệt động Sài Gòn - Gia Định, hoạt động bí mật trong nội thành, ngày 2/5/1964 anh được giao nhiệm vụ quan trọng - mưu sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara. Theo kế hoạch, ngày 9/5/1964 anh thực hiện nhiệm vụ dùng mìn điểm hỏa bằng điện đặt ở cầu Công Lý, đón Robert McNamara trên đường đi ra sân bay Tân Sơn Nhất. Nhưng trận đánh chưa kịp thực hiện thì bị bại lộ và anh bị bắt. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa kết án tử hình, xử bắn Nguyễn Văn Trỗi vào ngày 15/10/1964 tại khám Chí Hòa. Trong những phút cuối đời, anh không đồng ý bịt mắt, xưng tội và hô vang khẩu hiệu quyết chiến.

9

Anh hùng, Liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi trước giờ xử bắn tại pháp trường Sài Gòn, ngày 15-10-1964.

10

Đàn Măngđôlin, kỷ vật của Anh hùng, Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi. (HV BTLSQG).

Bác sĩ, liệt sỹ Đặng Thùy Trâm (1942-1970)

Năm 1966, Đặng Thùy Trâm xung phong vào công tác ở chiến trường B. Sau ba tháng hành quân từ miền Bắc, tháng 3 năm 1967, chị vào đến Quảng Ngãi được phân công về phụ trách bệnh viện huyện Đức Phổ, một bệnh xá dân sự nhưng chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh. Ngày 22-6-1970, trong một chuyến công tác từ vùng núi Ba Tơ về đồng bằng, Đặng Thùy Trâm bị địch phục kích và hy sinh khi chưa đầy 28 tuổi.

Hài cốt của chị được nhân dân địa phương mai táng tại nơi hy sinh và luôn hương khói. Sau chiến tranh, mộ của chị được đồng đội đưa về Nghĩa trang liệt sĩ xã Phổ Cường. Năm 1990, gia đình đã đưa hài cốt Đặng Thùy Trâmvề Nghĩa trang liệt sĩ xã Xuân Phương, Hà Nội.

11

Bác sĩ Đặng Thùy Trâm (ảnh:internet).

Đặng Thùy Trâm là tác giả hai tập nhật ký được viết từ ngày 8 tháng 4 năm 1968, khi phụ trách bệnh xá Đức Phổ, cho đến ngày 20 tháng 6 năm 1970, 2 ngày trước khi hy sinh. Hai tập nhật ký này được Frederic Whitehurst , cựu sĩ quan quân báo Hoa Kỳ, lưu giữ cho đến ngày được trả lại cho gia đình tác giả vào cuối tháng 4 năm 2005. Nhật ký của bà sau đó được nhà phê bình văn học Vương Trí Nhànbiên tập thành quyển sách mang tên Nhật ký Đặng Thùy Trâm và trở thành một hiện tượng văn học với hơn 400.000 bản được bán và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Năm 2006, Đặng Thùy Trâm được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Thu Nhuần (tổng hợp)

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4881

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Những người từng làm báo kháng chiến trong lòng địch

Những người từng làm báo kháng chiến trong lòng địch

  • 19/06/2017 00:00
  • 2141

Sống dưới lưỡi lê, súng đạn của kẻ thù, nhưng văn nghệ sĩ yêu nước vẫn hướng về Việt Bắc, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.