Cùng ngày hôm đó, trên tờ Sự Thật của Đảng Cộng sản Nga, Người viết về V.I.Lênin với những dòng đầy xúc động: “Từ những người nông dân Việt nam đến người dân săn bắn trong các cánh rừng Đahômây, cũng đã thầm nghe nói rằng ở một góc trời xa xăm có một dân tộc đã đánh đuổi được bọn chủ bóc lột họ và hiện đang tự quản lý lấy đất nước mình mà không cần tới bọn chủ và bọn toàn quyền. Họ cũng nghe nói rằng nước đó là nước Nga, rằng có những người dũng cảm, mà người dũng cảm nhất là Lênin... Khi còn sống, Người là cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay Người là ngôi sao sáng dẫn đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội”
Cùng ngày hôm đó, trên tờ Sự Thật của Đảng Cộng sản Nga, Người viết về V.I.Lênin với những dòng đầy xúc động: “Từ những người nông dân Việt nam đến người dân săn bắn trong các cánh rừng Đahômây, cũng đã thầm nghe nói rằng ở một góc trời xa xăm có một dân tộc đã đánh đuổi được bọn chủ bóc lột họ và hiện đang tự quản lý lấy đất nước mình mà không cần tới bọn chủ và bọn toàn quyền. Họ cũng nghe nói rằng nước đó là nước Nga, rằng có những người dũng cảm, mà người dũng cảm nhất là Lênin... Khi còn sống, Người là cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay Người là ngôi sao sáng dẫn đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội”(6).
Tại Mátxcơva, Hồ Chí Minh xuất hiện 3 lần trên Diễn đàn Hội nghị lần thứ Nhất Quốc tế Nông dân (tháng 10/1923), 3 lần trên Diễn đàn Đại hội V, QTCS và 1 lần trên Diễn đàn Đại hội III, Quốc tế Công hội Đỏ (năm 1924). Trong những bản tham luận đó, Người đánh thức sự quan tâm hơn nữa của Đảng Cộng sản anh em, đặc biệt là Đảng Cộng sản Pháp, đến tình cảnh của các dân tộc thuộc địa, kêu gọi các tổ chức cộng sản thực hiện những tư tưởng cách mạng của V.I. Lênin về phong trào giải phóng dân tộc ở các thuộc địa bằng những chính sách, những hành động cụ thể, thiết thực, chứ không dừng lại trên những lời nói sáo rỗng. Trong bài tham luận tại phiên họp 22 Đại hội V QTCS, Hồ Chí Minh đã viết: “Cách mạng ở phương Tây muốn thắng lợi thì nó phải liên hệ chặt chẽ với phong trào giải phóng chống chủ nghĩa đế quốc ở các thuộc địa và các nước bị nô dịch và vấn đề dân tộc, như Lênin đã dạy chúng ta, chỉ là một bộ phận của vấn đề chung về cách mạng vô sản và chuyên chính vô sản” (7)
Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ V Quốc tế cộng sản, Mátxcơva, năm 1924.
Nhân ngày chống chiến tranh đế quốc (1/8/1924), trên tờ truyền đơn gửi về nước, Người đã viết những dòng sau đây: “Ông Lênin là một người Ngalatư, đang đánh nhau mà ông ấy đi cắt nghĩa cho dân biết dừng lại, không đi đánh nhau cho mấy thằng dã man nó được lời mà mình được chết, xong rồi nó lại xoay mặt, nó lại cứ ăn hiếp người, thế thì mình dại quá. Thà bằng mình cầm súng bắn lại nó còn hơn. Nhờ ông Lênin cho nên Ngalatư đuổi được vua chúa nước nó, ví như dân ta đuổi mấy quân dã man thuộc địa vậy”(8).
Khi về Quảng Châu (Trung Quốc), Hồ Chí Minh tiếp tục chuẩn bị tư tưởng chính trị và tổ chức để thành lập một Đảng Cộng sản ở nước ta như Đảng Cộng sản bônsêvích của Lênin ở nước Nga. Trong bầu không khí chính trị thuận lợi ở Quảng Châu lúc đó, Người đã thành lập Việt Nam Cách mạng Thanh niên và mở lớp huấn luyện chính trị. Trong những bài giảng cho các lớp huấn luyện chính trị Quảng Châu, sau đó được tập hợp và xuất bản thành sách với tựa đề Đường Kách mệnh, Người đã phân tích những mặt hạn chế của các cuộc cách mạng tư sản ở các nước Pháp, Mỹ trong sự so sánh với cuộc cách mạng tháng Mười Nga là một cuộc cách mạng triệt để, đến nơi: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do, bình dẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi lại ra sức giúp cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để lật đổ tát cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới…”. Cách mạng Nga cũng dạy chúng ta rằng: “muốn cách mạng thành công thì dân chúng (công nông) làm gốc, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất” (9). Để bảo đảm thành công của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc theo mô hình cách mạng tháng Mười Nga, Người đã chỉ rõ phải có nhân tố tiên quyết, hàng đầu: “Trước hết phải có Đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt... Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(10).
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết về Đảng Cách mạng và chủ nghĩa Lênin trong tác phẩm Đường Kách mệnh (Bảo vật Quốc gia hiện lưu giữ và trưng bày tại BTLSQG).
Tình cảm của Hồ Chí Minh đối với Cách mạng tháng mười Nga, đối với Lênin thật là sâu nặng. Tình cảm đó được hình thành một cách tự nhiên tựa như sự biết ơn. Trong những năm hoạt động cách mạng nay đây mai đó, Người luôn gìn giữ những tình cảm trong sáng, thuỷ chung trong hành trang nghèo khó của mình. Chính tình cảm đó là một sự bảo đảm chắc chắn cho Người dần dần thực hiện những chỉ dẫn quý báu của Lênin. Bằng ngôn ngữ dễ hiểu, đời thường, Người truyền bá sâu rộng chủ nghĩa cộng sản trong nhân dân lao động, trên nền tảng đó mà xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng kiểu Lênin, tức là chuẩn bị nhân tố tiên quyết đảm bảo sự thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc...Từ năm 1941, Người trở về nước cùng với toàn Đảng, toàn dân phấn đấu theo chỉ dẫn trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của C. Mác và F. Ăngghen: “Giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự xây dựng thành một giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc” (11).
Gần 20 năm sau, Người mới có dịp trở lại Mátxcơva trong cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thăm chính thức Liên Xô. Lần đó, Người đến thăm căn phòng làm việc của V.I Lênin trong điện Kremli. Cuốn sổ vàng của bảo tàng dành cho những vị khách quý còn lung linh những nét chữ bồi hồi và xúc động của Hồ Chí Minh: “Lênin, người thầy rất vĩ đại của cách mạng vô sản, cũng là một vị đạo đức cao, dạy chúng ta phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Tinh thần Lênin đời đời bất diệt!”.
Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Mười Nga đến với nhân dân ta trong những ngày sục sôi đánh Mỹ, cứu nước. Trong bầu không khí cả nước hướng về Liên Xô, quê hương của Cách mạng tháng Mười vẻ vang và của Lênin vĩ đại, Hồ Chí Minh đã viết một bài xác định tầm vóc vĩ đại của cuộc cách mạng Nga trong tiến trình lịch sử nhân loại: “Giống như mặt trời chói lọi, cách mạng tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như vậy”(12).
Và trước khi từ giã cõi đời về với thế giới vĩnh hằng, trong Di chúc Người còn để lại cho chúng ta sự trung thành với Lênin, con đường Lênin. Trên đời này, sự thủy chung như vậy là hết mực. Chất tinh tuý trong chữ “ trung” truyền thống được lưu giữ trong con người cộng sản Hồ Chí Minh để rồi trở thành viên ngọc mãi mãi sáng theo năm tháng.
PGS.TS Phạm Xanh
Chú thích:
6.Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập 1, Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 256-257.
7.Hồ Chí Minh. Toàn tập, Sđd, tr 299.
8.Lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.
9.Hồ Chí Minh, Sđd, tập 2, tr 304.
10.Hồ Chí Minh, Sđd, tập 2, tr 289.
11.C. Mác, F. Anghen. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. NXB Sự thật, H, 1986, tr 69.
12.Hồ Chí Minh. Tuyển tập, tập 2. NXB Sự thật, H, 1980, tr 461.