Thứ Tư, 26/03/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

06/11/2017 00:00 2330
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Diễn biến lịch sử trên phạm vi toàn thế giới tròn 100 năm trước đây cho chúng ta thấy: Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918) đã làm thay đổi vị trí và tương quan lực lượng giữa các nước đế quốc; đồng thời còn đưa đến một hệ quả ngoài ý muốn của các nước tư bản: Đó là cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga vĩ đại thắng lợi dẫn đến sự ra đời của nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới và sau đó là một loạt các nước dân chủ nhân dân ra đời ở các lục địa Âu, Á, Mỹ

Diễn biến lịch sử trên phạm vi toàn thế giới tròn 100 năm trước đây cho chúng ta thấy: Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918) đã làm thay đổi vị trí và tương quan lực lượng giữa các nước đế quốc; đồng thời còn đưa đến một hệ quả ngoài ý muốn của các nước tư bản: Đó là cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga vĩ đại thắng lợi dẫn đến sự ra đời của nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới và sau đó là một loạt các nước dân chủ nhân dân ra đời ở các lục địa Âu, Á, Mỹ và như vậy: Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười đã làm cho hệ thống dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc thế giới bị chặt đứt và con đường cách mạng vô sản đã được khai thông, nối liền từ Tây sang Đông. Bàn về ý nghĩa to lớn của Cách mạng tháng Mười Nga, J. Xtalin đã viết: “Cách mạng tháng Mười đã mở đầu cho một thời đại mới, thời đại cách mạng vô sản trong các nước đế quốc chủ nghĩa…

Cách mạng tháng Mười đã mở đầu cho một thời đại mới, thời đại cách mạng thuộc địa, các nước bị áp bức trên thế giới liên minh với giai cấp vô sản dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản. Cách mạng tháng Mười đã làm cho vấn đề dân tộc trước kia là một vấn đề hẹp hòi, cục bộ giữa các dân tộc “văn minh” châu Âu trở thành một vấn đề rộng lớn bao gồm các dân tộc bị áp bức trên thế giới đấu tranh giải phóng khỏi áp bức chủ nghĩa. Cách mạng tháng Mười đã bắc một cái cầu gắn liền cách mạng vô sản phương Tây và cách mạng giải phóng dân tộc phương Đông lập thành một mặt trận cách mạng rộng lớn của giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc.”(1)

Khi cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga diễn ra và thành công, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đang ở Pháp. Sau này qua báo chí, qua chiêm nghiệm thực tế trên đất nước Xô Viết, Người đã hiểu được sự vĩ đại của cuộc cách mạng này, cũng như tiếng vang, cùng ảnh hưởng to lớn của nó trên toàn thế giới. Năm 1923, từ Pari, Người đến Mátxcơva (Liên Xô) tham dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế cộng sản, nhưng vì V. Lênin ốm nặng, Đại hội hoãn họp. Trong thời gian chờ Đại hội khai mạc, Người đã vào học lớp ngắn hạn của Trường Đại học cộng sản của những người lao động phương Đông – gọi tắt là Trường Đại học phương Đông(2) và là người Việt Nam đầu tiên theo học ở trường Đại học này. Qua nội dung học, đặc biệt qua các chuyến đi thực tế để thấy được những thành tựu của chính sách kinh tế mới của Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết, Người đã viết về Cách mạng tháng Mười Nga như sau: “Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản từ chỗ là ước mơ cao đẹp của loài người, sau cách mạng tháng Mười vĩ đại đã trở thành hiện thực trong xã hội, có sức mạnh vô cùng to lớn lôi cuốn hàng nghìn triệu người vào hoạt động cách mạng vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ tiến bộ xã hội.” Người nhấn mạnh: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng tháng Mười chiếu sang khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”(3). Nói về tình hữu nghị giữa nhân dân Liên Xô và nhân dân Việt Nam, ngày 07 tháng 9 năm 1959 thông qua tờ báo Izvestiia, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Tình hữu nghị vô sản thắng lợi”, Người viết: “Khi hàng triệu đồng bào chúng tôi nói đến tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước chúng tôi và Liên Xô…, họ hoàn toàn nhắc lại những câu:

Chính nhờ có cách mạng tháng Mười vĩ đại chỉ đường mà cách mạng tháng Tám của chúng tôi mới thành công.

Chính nhờ có tình đoàn kết anh em của nhân dân Liên Xô và nhân dân các nước dân chủ nhân dân mà cuộc chiến tranh yêu nước của chúng tôi chống chủ nghĩa đế quốc Pháp mới thắng lợi.

Chính nhờ sự giúp đỡ toàn diện của Liên Xô, nhân dân Trung Quốc và các nước anh em khác mà chúng tôi có thể khôi phục đất nước mình đã bị tàn phá trong chín năm chiến tranh do chủ nghĩa thực dân đầy độc ác gây ra.

Những thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô làm cho nhân dân Việt Nam rất phấn khởi vì nhân dân chúng tôi coi sự nghiệp và những thành tựu của nhân dân Liên Xô là báo hiệu đảm bảo cho sự nghiệp và những thành tựu của chính mình…”(4)

Thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại, thắng lợi của những năm nội chiến sau cách mạng, đặc biệt là thắng lợi của nhân dân Liên bang cộng hòa xã hội Xô Viết trong cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại 1939 - 1945, tiêu diệt đến tận gốc chủ nghĩa phát xít đã cứu nhân loại khỏi thảm họa của chủ nghĩa phát xít. Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết trở thành trụ cột của hòa bình, là điểm tựa của phong trào cách mạng, phong trào giải phóng dân tộc trên phạm vi toàn thế giới. Giai cấp vô sản và nhân dân các dân tộc bị áp bức coi Liên Xô là thành trì, là biểu tượng, là niềm tin bất diệt để noi theo, coi thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga, thắng lợi của sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa của liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết cũng như là thắng lợi của chính mình, tổ quốc của nhân dân Liên bang Nga cũng như là tổ quốc của chính mình và do đó hàng năm, cứ đến ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga (07.11), cùng với giai cấp vô sản Nga, nhân dân lao động Nga, giai cấp vô sản, nhân dân các dân tộc bị áp bức bằng hình thức này, hay hình thức khác như tổ chức mít tinh, biểu tình, tuần hành trên các đường phố, rải truyền đơn, căng biểu ngữ… và đồng tâm, đồng lòng hô vang các khẩu hiệu: Cách mạng tháng Mười Nga muôn năm, Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết muôn năm v.v…đều được tổ chức trọng thể ngày kỷ niệm ấy. Có thể khẳng định Kỷ niệm Cách mạng tháng Mười đã trở thành ngày hội lớn không chỉ của nhân dân Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết trước đây, của những người cộng sản và của nhân dân các dân tộc Liên bang Nga ngày nay, mà còn là ngày hội lớn của giai cấp vô sản và nhân dân các dân tộc vẫn đang còn bị áp bức trên toàn thế giới. Trên tinh thần ấy ở Việt Nam, cũng như ở các nước Đông Dương hàng năm cứ đến ngày kỷ niệm cách mạng tháng Mười, không khí chuẩn bị cho ngày hội lớn thật sự sôi động. Xin nêu một ví dụ: Năm 1938, trước ngày kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga, báo Dân Chúng – cơ quan của Lao động và dân chúng Đông Dương số 28 – số đặc biệt, ngày 29 tháng 10 năm 1938, đăng bài xã luận với tiêu đề: “Kỷ niệm 21 năm cách mạng vô sản”. Trên bài xã luận là dòng khẩu hiệu: “Xa lìa Liên bang Xô – Viết là ủng hộ chiến tranh. Liên hiệp với Liên bang Xô – Viết là ủng hộ hòa bình”. Bên cạnh khẩu hiệu có chân dung J. Xtalin (PMH). Ngoài phần mở đầu, kết luận, nội dung của bài xã luận đề cập tới những vấn đề: Trước hôm cách mạng vô sản, mấy năm nội chiến, những sự nghiệp lớn lao của cách mạng tháng Mười, tân kinh tế, chính sách, sự thắng lợi của cuộc kiến thiết xã hội chủ nghĩa (Đây là một bài xã luận rất hay, nhưng khá dài và do đó bạn đọc hoàn toàn có thể bớt chút thời gian tới Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam để đọc nguyên bản bài viết này).

1

Báo Dân Chúng, số 28 ra ngày 29-10-1938 – Số kỷ niệm 21 năm Cách mạng tháng Mười Nga.

Số kế tiếp của báo Dân Chúng – số 29, ra ngày 05 tháng 11 năm 1938 có bài viết: “Nhân dân Đông Dương kỷ niệm cách mạng tháng Mười bằng cách nào?” Nguyên văn bài báo như sau: “Còn vài ngày nữa là đến ngày kỷ niệm 21 châu – niên cách mạng tháng Mười. Ngày đắc thắng vẻ vang của quần chúng lao động và nhân dân bị áp bức khắp thế giới, họ hàng năm phái đại biểu tới kinh – thành đô(5) để tham gia kỷ niệm.

2

Báo Dân Chúng – số 29, ra ngày 05 tháng 11 năm 1938.

Ở Xô Viết Liên – Bang, người ta sẽ trưng bày những công cuộc vĩ đại kiến thiết xã hội chủ nghĩa, người ta sẽ tổ chức một cuộc duyệt binh lớn lao, cuộc duyệt hành (diễu hành – PMH) khổng lồ, người ta sẽ có các tiệc vui của quần chúng ở đó, người ta tiêu biểu (thể hiện) sự đắc – chí vui mừng, sự sung – sướng vẻ vang của nhân dân Xô – Viết và khánh chúc (chúc mừng) tiên đồ của nhân loại.

Ở các xứ tư bổn (tư bản), thợ thuyền, nông dân và các lớp dân chúng lao động nô nức dự bị (chuẩn bị) cuộc kỷ niệm ấy để kỷ niệm ngày thắng lợi của công nông và để tiêu biểu (biểu dương) lực lượng tranh – đấu chống phát xít, chống chiến tranh và đòi cải thiện đời sống của họ, để đi tới sự thắng lợi cuộc cách mạng thế giới. Kỷ niệm Cách mạng tháng Mười, chúng ta cần phải nêu gương sáng của quần chúng lao động Nga, học tập các kinh nghiệm quí giá mà thực hiện cuộc tranh – đấu của đại quần chúng tùy theo nguyện vọng thiết thực của các lớp nhân dân, tùy theo hoàn cảnh từng xứ, từng địa phương chớ không phải chỉ nhắc qua lịch sử là kỷ niệm.

Ở xứ Đông – Dương các lớp nhân dân đang rên – siết dưới chế độ bóc lột thuộc địa tàn nhẫn, sưu thuế hoặc không cải cách, hoặc có phần tăng thêm; thợ thuyền chịu nạn sanh (sinh) hoạt mắt mỏ (đắt đỏ), tiền lương không tăng, nhiều chủ không thi hành luật lao động, tự do nghiệp đoàn chưa có mà xin tổ chức ái hữu cũng bị bắt bớ ngăn cản; dân cày không có đất cày, bị địa tô cao, nay siết họng, hoặc mất mùa đói khổ kêu cứu thì bị cáo (buộc tội) là “quấy rối trị an” và bị bỏ tù; các lớp tiểu tư sản đã bị buôn bán thua lỗ lại phải ngửa cổ gánh thêm sưu thuế; tiền lương viên chức, hứa tăng mà chờ mãi không thấy thi hành. Kỷ niệm 21 chu niên (lần thứ 21) cách mạng tháng Mười đối với dân chúng Đông Dương cũng như nhân dân các nước tư bổn (tư bản) có cái nhiệm vụ tranh đấu chống phát xít, chống chiến tranh, ủng hộ Xô – Viết Liên Bang – trụ cột hòa bình. Đồng thời trước lúc ta chưa tranh đấu được sự thắng lợi vĩ đại như công nông Xô – Viết, thì chúng ta cần đòi:

a)Giảm sưu thuế.

b)Tăng lương cho thợ thuyền và ban hành tự do nghiệp đoàn và tự do tổ chức ái hữu.

c)Chia công điền cho dân cày và giúp cho dân cày khai phá những ruộng đất bỏ hoang. Cấm nhặc (cấm ngặt) những vụ giành ruộng đất của nông dân, hạn chế địa tô, can thiệp giúp đỡ cho nông dân bị tai nạn, đói kém (đặc biệt cho nông dân ở mấy tỉnh bị bão lụt ở Bắc Kỳ năm ngoái và miền Hậu Giang – Nam Kỳ và nông dân các vùng mới bị bão lụt ở Trung Kỳ).

d)Giảm thuế ba tăng cho tiểu thương, tiểu chủ.

e)Tăng lương cho viên chức ..v.v…

Kỷ niệm cách mạng tháng Mười chúng ta phải biết học lấy cách ứng dụng chiến thuật tranh đấu vì ba khẩu hiệu “hòa bình, bánh mỳ, tự do”, sao cho thích hợp với mọi tình thế. Trong giai đoạn hiện tại, trước vạ (nạn) phát xít và chiến tranh nơm nớp, căn cứ theo tình cụ thể của xứ Đông Dương bị chế độ thuộc địa dã man áp bức, các lớp nhân dân phải tranh đấu ủng hộ hòa bình, các quyền tự do dân chủ (tự do báo chí cho toàn xứ Đông Dương; cải cách chế độ bầu cử các vị đại biểu, ban hội đồng Quản hạt, Đại hội đồng Kinh tế cho tới phổ thông đầu phiếu, tự do tổ chức, hội họp, đi lại..v.v…); Cần đòi thả ngay Ninh, Tạo, Thân, Mai, Giáp(6) và hầu hết các chánh (chính) trị phạm là những người từng binh (bênh) vực tự do, cơm áo cho dân chúng. Điều kiện đảm bảo sự thắng lợi của cuộc tranh đấu vì tự do, hòa bình, cơm áo là phải liên hiệp hết các lực lượng tấn (tiến) bộ vào mặt trận dân chủ thống nhất. Giữa lúc các xứ phát xít ra sức lan rộng thủ đoạn xâm lược, hai chính phủ Anh, Pháp chạy theo thỏa hiệp với phát xít và muốn cô lập Liên bang Xô Viết thì việc ủng hộ chính sách ngoại giao hòa bình của Xô Viết, ủng hộ xứ xã hội chủ nghĩa thắng lợi chống mọi âm mưu tấn công của Tư bản phát xít càng cần gấp hơn lúc nào hết”.(7)

3

Truyền đơn của Đông Dương Cộng sản Đảng kêu gọi ủng hộ Cách mạng tháng Mười Nga.

Đọc bài viết nói trên chúng ta thấy nhân dân Đông Dương không chỉ tổ chức kỷ niệm Cách mạng tháng Mười chỉ là hình thức, là hô to các khẩu hiệu, là xuống đường biểu tình ủng hộ nhà nước non trẻ, ủng hộ, bảo vệ những thành tựu của Cách mạng tháng Mười, của sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Liên bang Xô Viết… mà nhấn mạnh tới việc học tập kinh nghiệm của giai cấp vô sản Nga chống thù trong, giặc ngoài, kinh nghiệm tái kiến thiết đất nước và chỉ rõ các mục tiêu, cũng như các giải pháp đảm bảo cho đấu tranh của giai cấp vô sản và nhân dân Đông Dương chống chủ nghĩa thực dân, phong kiến, chống thảm họa phát xít thành công. Những sưu tập hiện vật quý hiếm về ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga như sưu tập cờ, trong đó có không ít cờ búa liềm biểu trưng của giai cấp vô sản, sưu tập báo chí cách mạng trước năm 1945, sưu tập truyền đơn cách mạng trước năm 1945, sưu tập các hình ảnh về Cách mạng tháng Mười, về tổ chức kỷ niệm Cách mạng tháng Mười, sưu tập tem bưu chính v.v… hiện đang được bảo quản, giữ gìn cẩn trọng tại hệ thống các kho bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, là di sản văn hóa, tư tưởng, chính trị và có giá trị lịch sử trường tồn. Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi chỉ lấy một ví dụ để minh chứng cho chủ đề: Ngày hội lớn của giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức – kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga 100 năm về trước để bạn đọc cùng tham khảo.

PGS. TS. Phạm Mai Hùng

Chú thích:

1.J. Xtalin. Những vấn đề chủ nghĩa Lênin – NXB Tiến Bộ, HN, 1954.

2.Trường Đại học Phương Đông được thành lập ngày 21. 04. 1921. Trực thuộc Ban chấp hành Quốc tế cộng sản. Nhiệm vụ của nhà trường là đào tạo cán bộ cách mạng cho các nước phương Đông và các nước Cộng hòa Trung Á của Liên Xô.

3.Hồ Chí Minh – Toàn tập – NXB Tiến Bộ, Hà Nội, 1980 – trang 461, 465.

4.Nguyễn Thành, sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh – NXB Khoa học xã hội, HN, 1988, trang 129.

5.Matxcơva, thủ đô Liên bang Xô Viết (PMH).

6.Những Đảng viên cộng sản Việt Nam tiêu biểu trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945.

7.Nguồn: Kho bảo quản Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 5394

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Cách mạng tháng Mười Nga và V.I. Lênin trong tâm tưởng Hồ Chí Minh (Phần 1)

Cách mạng tháng Mười Nga và V.I. Lênin trong tâm tưởng Hồ Chí Minh (Phần 1)

  • 05/11/2017 00:00
  • 2573

Ngày 5-6-1911 Hồ Chí Minh (khi đó mang tên Văn Ba-Nguyễn Tất Thành) rời bến cảng Sài Gòn hướng tới nước Pháp đang thu hút tâm trí Người bởi lý tưởng cao đẹp Tự do - Bình đẳng - Bác ái của cuộc cách mạng 1789. Đến Pháp, do việc mở rộng tầm hiểu biết thôi thúc, Người tìm mọi cơ hội để có thể tiếp cận với nhiều nền văn minh khác nhau trên trái đất. Trong những năm 1911-1917, bàn chân Người đã in dấu trên 20 nước thuộc nhiều châu lục.