Cách đây 106 năm (5/6/1911-5/6/2017), người thanh niên Việt Nam yêu nước Nguyễn Tất Thành (lấy tên là Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh) đã rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, chủ tịch Hồ Chí Minh đã 4 lần tới nước Pháp.
Đó là vào năm 1911, thời kỳ 1917-1923, năm 1927 và năm 1946. Trong cả 4 lần đó, thời kỳ 1917-1923 là liên tục và dài nhất. Tại đây, Người hoạt động trong phong trào Việt kiều và Hội những người Việt Nam yêu nước ở Pháp, tham gia Đảng Xã hội Pháp, gửi Bản yêu sách tám điểm của nhân dân An Nam đến Hội nghị hoà bình Vécxây, cùng với những đồng chí tiến bộ trong Đảng Xã hội Pháp tán thành việc đảng gia nhập Quốc tế thứ III, trở thành một trong những người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, người cộng sản đầu tiên của Việt Nam.
Nguyễn Tất Thành rời cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) sang Pháp, ngày 5-6-1911.(tranh: Bùi Quang Ngọc).
Nhà số 9 ngõ Côngpoanh, quận 17, Paris (Pháp), nơi Nguyễn Ái Quốc đã ở từ 1921 đến 1923.
Từ tháng 7 năm 1921 đến tháng 6 năm 1923 chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc đó lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) đã ở và làm việc tại nhà số 9 ngõ Côngpoanh (Compoint), quận 17, thành phố Paris. Trước đó, Nguyễn Ái Quốc đã ở nhà số 6 Villa des Gobelins, quận 13, Paris, cùng với Nguyễn Thế Truyền và luật sư Phan Văn Trường. Để tiện cho việc liên lạc và hoạt động cách mạng độc lập, giữa năm 1921, đồng chí Pôn Vayăng Cutuyriê (Paul Vaillant Couturier) đã giúp Người tìm một gian buồng ở ngôi nhà số 9, ngõ Côngpoanh, quận 17, thành phố Paris (Pháp). Đây là một căn phòng hẹp, có diện tích hơn 9m2 ở trên tầng hai của một ngôi nhà có ba tầng. Cửa sổ căn phòng ông Nguyễn nhìn xuống một khoảng sân nhỏ lát đá, có lẽ ngày xưa là nơi đỗ xe ngựa. Trong thời gian 24 tháng sống ở đây, bên cạnh việc kiếm sống để mưu sinh bằng mọi nghề cực nhọc như thợ ảnh, vẽ đồ cổ Trung Hoa…Người giành mọi tâm trí cho hoạt động tuyên truyền, cổ động cho phong trào yêu nước. Báo Le Paria do Người vừa là sáng lập, chủ bút, biên tập và đôi khi là cả người phát hành.
Báo Le Paria (Người cùng khổ), cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Thuộc địa do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản tại Paris (Pháp), số 2 ngày 1-5-1922.
Sách "Bản án chế độ thực dân Pháp" của Nguyễn Ái Quốc, xuất bản tại Paris (Pháp), năm 1925.
Nhiều nguồn tư liệu cho rằng, chính những ngày sống ở ngôi nhà số 9 ngõ Côngpoanh, Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị và bắt đầu viết cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp với những dòng chữ đanh thép tố cáo tội ác của thực dân Pháp. Cuối năm 1925, khi Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu, Trung Quốc, cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp mới được xuất bản lần đầu tại Paris. Chỉ tính riêng trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 1995, đã có 55 bài được viết trong thời kỳ Người ở nhà số 9 ngõ Côngpoanh.
Từ việc trân trọng giá trị lớn lao của di tích căn phòng Nguyễn Ái Quốc ở và làm việc trong ngôi nhà số 9 ngõ Côngpoanh, trong những năm 1960, Hội những người Việt Nam ở Pháp đã thuê lại căn phòng và trưng bày nguyên vẹn di tích.
Trong thời gian ở Pháp tham gia đàm phán Hội nghị Paris từ năm 1968 đến 1973, đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã nhiều lần đến thăm căn phòng Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và làm việc tại số 9, ngõ Côngpoanh, Paris. Tháng 9-1968, lần đầu tiên đi cùng đồng chí Xuân Thuỷ, Ông Trịnh Ngọc Thái, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp, nhớ lại: Khi nhìn thấy căn phòng và những vật dụng sinh hoạt của Bác quá đơn sơ nghèo nàn, tất cả anh chị em trong đoàn đều vô cùng xúc động; bước vào phòng, chúng tôi thấy đó là một gian buồng hẹp khoảng 9m2, nhìn về phía tay trái có một la-va-bô treo trên tường cùng một vòi nước nhỏ, ngay cạnh đó là một tủ quần áo làm bằng gỗ tạp. Sát tường bên trái là chiếc giường sắt đơn, đầu giường có một cái tủ con để sách vở và vài đồ lặt vặt. Phía trên có một ngọn đèn nhỏ vừa đủ để thắp sáng gian buồng.
Sau đó, được tin ngôi nhà số 9, ngõ Côngpoanh sẽ bị phá dỡ để xây nhà mới, đồng chí Xuân Thuỷ có ý kiến nên mua lại các đồ dùng trong phòng, để đưa về nước. Năm 1974, Đại sứ quán nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Pháp sau khi nhận được chiếc tủ gỗ đựng quần áo, chiếc tủ con và viên gạch sưởi đã chuyển qua đường Béclin bằng xe lửa gửi về cho Văn phòng Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, sau đó văn phòng Trung ương chuyển cho Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh (nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh) qua Bộ Ngoại giao và Viện Kỹ thuật Quân sự vào tháng 10 năm 1974.
Năm 1983, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung ương Đảng Cộng sản Pháp đã long trọng làm lễ gắn lên ngôi nhà tấm biển đồng ghi dấu di tích. Tấm biển ghi chữ Pháp, kích thước 45cm x 70cm, dịch nghĩa ra tiếng Việt như sau: "Tại đây, từ năm 1921 đến 1923, Nguyễn Ái Quốc tức Hồ Chí Minh đã sống và chiến đấu cho độc lập và tự do của nhân dân Việt Nam và các dân tộc bị áp bức khác".
Tấm biển bằng tiếng Pháp được gắn tại ngôi nhà số 9, ngõ Côngpoanh, Paris (Pháp), năm 1983.
Ngôi nhà số 9, ngõ Côngpoanh, Paris (Pháp) sau khi xây dựng lại.
Tuy nhiên, với một Thủ đô Paris ngày càng phát triển, khó ai có thể chấp nhận để một dãy phố tồi tàn tồn tại lâu dài. Năm 1986, chủ sở hữu có kế hoạch phá dỡ ngôi nhà số 9 đi để xây nhà mới. Hội Công nhân Việt Nam tại Pháp đã thuê kiến trúc sư, thợ ảnh chụp ảnh và đo vẽ chi tiết căn phòng, đồng thời chủ động sưu tầm giữ lại những kỷ vật đặc trưng của căn phòng Nguyễn Ái Quốc ở trong nhà số 9 như: Ván gỗ lát sàn, cánh cửa gỗ, biển số nhà, bồn sứ rửa tay, vòi nước và tấm biển đồng được gắn năm 1983…
Tất cả các kỷ vật trên được trao cho Đảng bộ Đảng Cộng sản Pháp ở thành phố Môngtơrơi (Montreuil), thuộc tỉnh Xen Xăngđơny (Seine Saint Denis) trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử Sống Môngtơrơi. Thành phố Môngtơrơi nằm liền kề với Thủ đô Paris, cách trung tâm Paris khoảng 20 km, cách Đại sứ quán CHXHCN tại Pháp gần 30 km. Ngày 28-11-1999, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và chính quyền thành phố Paris đã gắn lại biển di tích tại ngôi nhà số 9 bằng chính tấm biển đã gắn năm 1983.
Cuộc sống không tiện nghi, rất đơn sơ và giản dị, thiếu thốn đủ mọi thứ, không có chỗ để tắm giặt… khó khăn như vậy, nhưng tâm trí, hoài bão của người thanh niên Nguyễn Ái Quốc không bao giờ nguội nhiệt tình cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước. Trong ngôi nhà lạnh lẽo đó lại che chở, chứa đựng một con người có trái tim cháy bỏng luôn nung nấu ý chí và lòng quyết tâm tìm đường cứu nước, giúp đồng bào mình thoát khỏi kiếp lầm than. Căn phòng nhỏ cùng những kỷ vật vô giá ở ngôi nhà số 9 ngõ Côngpoanh thể hiện một thời kỳ hoạt động cách mạng khó khăn, gian khổ, hiểm nguy… nhưng tràn đầy sôi nổi, hăng say, nhiệt huyết cách mạng, của người thanh niên yêu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Người đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân và cả cuộc đời mình cho dân tộc Việt Nam.
Tường Khanh
TLTK:
- Di tích Bác Hồ ở nhà số 9 ngõ Công Poanh và tấm lòng của những người bạn Pháp. Chu Đức Tính. Thông báo Khoa học, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, số 2, 6-2004
-http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/tham-noi-bac-tung-song-tai- paris/610964.antd
- www.baotanghochiminh.vn