Thứ Ba, 03/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

20/04/2017 20:50 2137
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, từ ngày 27-7-1967 đến năm 1974, lực lượng quân tăng cường Thủ đô trực thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô đã tăng cường cho chiến trường miền Nam 42 tiểu đoàn. 70.000 cán bộ chiến sĩ đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu vì hòa bình, thống nhất Tổ quốc. Những trai anh hùng, gái thanh lịch của Hà Nội đã góp máu xương, tô thắm lá cờ của Tổ quốc.

Từ trongđội ngũ điệp trùng vượt Trường Sơn chiến đấu năm xưa, cựu chiến binh Nguyễn Hữu Mãi, đang sinh sống tại làng quê Xuân Nộn, Đông Anh, Hà Nội, đã từng được phong tặng nhiều lần Dũng sĩ diệt Mỹ kể cho tôi nghe câu chuyện của những chàng Thạch Sanh của thế kỷ XX.

* Từ dân quân xã Xuân Nộn trở thành người lính của Tiểu đoàn 2 tăng cường cho chiến trường miền Nam.

Khác hẳn với các bạn đồng ngũ của đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Thủ đô, ông Nguyễn Hữu Mãi đã đánh 15 trận, bắn máy bay Mỹ oanh tạc khu vực Phù Lỗ, rồi ông mới nhập ngũ ngày 27-7- 1967.

Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Mãi, Tiểu đoàn 2 Quân tăng cường Thủ đô thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Cầu Phù Lỗ có đường sắt đi qua là một trọng điểm trên quốc lộ 3 mà địch ra sức đánh phá. Năm 1965, ông Mãi đã vào dân quân xã, đi trực chiến trên trận địa đầu cầu Phù Lỗ.

Ngày 29-6-1966, Mỹ đánh kho xăng Đức Giang, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân đối với Thủ đô Hà Nội, thì chỉ một ngày sau, ngày 30-6, chúng đánh Tổng kho xăng H.6 (nay là HQ 90), gây cho ta nhiều tổn thất về người và của. Rút kinh nghiệm trận này, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã bố trí lực lượng cao xạ, tên lửa và tăng cường trang bị cho dân quân tự vệ của huyện Đông Anh gồm 30 khẩu đại liên và các loại súng tầm thấp để phối hợp chiến đấu, bảo vệ trọng điểm H.6 và cầu Phù Lỗ. Từ tháng 7 đến tháng 9, Mỹ liên tiếp đánh dữ dội Tổng kho xăng, nhưng chúng không thể cắt được mạch máu giao thông chi viện cho chiến trường. Ông Mãi nhớ lại: Chúng tôi giữ khẩu đại liên, 6 người liên tục chiến đấu ở đầu cầu. Nguyên Khê, Phù Lỗ mịt mù khói lửa.Tôi đã được rèn luyện 15 trận ác liệt trước khi trở thành chiến sĩ của quân tăng cường Thủ đô.

* Hồi ức trong những năm ở chiến trường miền Nam

22 tuổi, theo lệnh nhập ngũ ngày 27-7, ông được phiên chế vào Đại đội 4, Tiểu đoàn 2 do ông Lương Tuấn Khang làm Tiểu đoàn trưởng, trực thuộc thẳng Bộ Tư lệnh Thủ đô do ông Lê Nam Thắng làm Tư lệnh trưởng, ông Trần Vĩ, Phó Bí thư Thành ủy làm Chính ủy. Ông Mãi luyện tập ở xã Đại Mạch (Đông Anh), sau đó chuyển lên đập tràn ở Yên Lạc (Hòa Bình). Ông nhớ như in Tết đầu tiên trong quân đội được ăn Tết sớm để vào Nam: Đầu năm 1968, hành quân đến Vĩnh Linh thì được bổ sung vào đơn vị chiến đấu thuộc C8, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 để vượt sông Bến Hải. Từ hè năm 1968, tôi được phiên chế sang Đại đội 12 là Đại đội trợ chiến của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48. Tôi vẫn giữ khẩu cối 82, quần nhau với địch ở Lâm Xuân, Nhĩ Hạ, Đình Phổ thuộc huyện Gio Linh, Quảng Trị.

Cầu Hiền Lương (vĩ tuyến 17, Quảng Trị) – giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai miền Nam - Bắc sau Hiệp định Giơnevơ.

Trận đánh oanh liệt nhất, vang danh nhất chính là trận đánh diệt gọn Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 1, Sư đoàn Thủy quân lục chiến Mỹ. Thời gian này, Mỹ ra sức tung quân ra đây hòng chặt đứt đường tiếp viện từ miền Bắc. Tháng 5 năm 1968, Trung đoàn 48 được lệnh giải vây cho Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 52, Sư đoàn 320..Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Nguyễn Văn Bằng, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trung tá Hùng Sơn, đã vận động 4 km trên bãi cát trắng để tiếp cận mục tiêu và đối đầu với lính thủy đánh bộ Mỹ (có lính đánh thuê của Úc và Hàn tham gia đánh thuê cho Mỹ) ở làng Nhĩ Hạ, nơi Tiểu đoàn 5 bị vây. Lối đánh vận động từ xa đến, tấn công trực diện địch đang “bâu” vào một điểm, giành thắng lợi, đã được rút kinh nghiệm nóng hổi cho toàn mặt trận Quảng Trị. Chúng tôi được anh em Quảng Trị gọi là Triệu Tử Long trên Cửa Việt. Kỷ niệm thú vị nhất của trận này là chúng tôi thu được thanh kiếm báu của Mỹ mà không hề biết. Anh nuôi đem thanh kiếm thái thịt. Mãi khi phóng viên chiến trường đến viết bài, do anh ấy đọc được tiếng Anh ghi ở chuôi kiếm, chúng tôi mới biết, đây là thanh kiếm mà Sư đoàn Thủy quân lục chiến Mỹ đã được tặng từ chiến tranh thế giới II.

Sau trận này, Tiểu đoàn 3 rút ra Vĩnh Linh mừng công và củng cố lực lượng. Lần đầu tiên, ông Mãi được vinh dự nhận danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ba. Chiến công đầu tạo điểm tựa tinh thần cho người chiến sĩ vững tin trong lửa đạn. Tháng 9-1968, đơn vị lại hành quân vào phía Tây đường Chín, đánh địch ở Cồn Tiên, Dốc Miếu, cao điểm 241-Động Toàn-Ba Hồ. Tháng 10 năm 1968, trận đánh lẫy lừng diễn ra ở cao điểm Mỏm Ba Huế. Ông và đồng đội đóng ở mỏm đồi bên này, nã cối 82 liên tục, đánh một tiểu đoàn địch đang chốt trên đỉnh đồi bên kia, diệt 110 tên Mỹ trong một ngày! Ông vinh dự được kết nạp Đảng ngay tại trận địa.

Sau đó, đơn vị lại ra Bắc, củng cố và lấy thêm quân ở các làng xã thuộc Nông Cống, Tĩnh Gia (Thanh Hóa), huấn luyện tại chỗ. Tháng 9-1969, ông được chọn cùng đoàn dũng sĩ 5 người do Trung tá Hùng Sơn dẫn đầu, ra Hà Nội báo cáo thành tích tại Thành ủy. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Trân, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Đoàn Phụng đã đón tiếp những người con Anh Hùng của Thủ đô trọng thể, thắm thiết. Ông thay mặt đoàn Dũng sĩ báo cáo chiến công diệt Mỹ khi mới 24 tuổi xuân. Thật không còn hạnh phúc nào hơn! Quê hương thân yêu và Thủ đô Hà Nội đã tiếp thêm sức mạnh cho các Dũng sĩ đang chiến đấu vì hòa bình, thống nhất Tổ quốc!

Trở về đơn vị, ông nhận chức vụ Trung đội trưởng, vẫn thuộc Đại đội 12, Tiểu đoàn 3, trung đoàn 48, đi chiến dịch Đường Chín-Nam Lào. Đảm nhiệm cánh tây của chiến dịch, đầu năm 1971, đơn vị ông đánh địch ở thị trấn Pha Lan, Đồng Hến (huyện Mường Phìn), sau đó, quay xuống đánh địch ở cao điểm 660 rồi tiến về Sê Pôn, cùng với các đơn vị bạn vây diệt địch ở Bản Đông. Địch bị đại bại, Đại tá Nguyễn Văn Thọ, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 3 Dù ngụy bị bắt sống. Sáng 16/3/1971, Sư đoàn 2 được tăng cường Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320) thực hiện lệnh diệt địch thuộc Sư đoàn 1 ngụy đang bỏ điểm cao 723 chạy về hướng Đông Bắc. Vẻ u ẩn khi tôi mới gặp ông biến mất, đôi mắt như có lửa trên khuôn mặt cương nghị bừng sáng: “Lúc này, Tiểu đoàn 3 do anh Nguyễn Văn Bằng đã lên cấp Trung đoàn phó Trung đoàn 48 trực tiếp chỉ huy để nhổ bằng được cái chốt địch đang giữ. Trước khi vào trận, anh Bằng gọi tôi lên bàn cách đánh; tôi yêu cầu phải đủ đạn cho hai khẩu cối 82. Vậy là đêm ấy, một đại đội gùi 200 quả đạn cối. Chúng tôi ở quả đồi bên này, cao 680m, cách nó 1800m. Địch ở quả đồi bên kia, cao 700m. Sáng hôm sau, chúng sử dụng chiến thuật “diệt cỏ” bằng cách gọi máy bay thả bom cháy lên đồi; nhưng chúng tôi đã có công sự và giao thông hào bảo vệ. Suốt từ 4 giờ 30 sáng đến 11 giờ 30, chúng tôi vãi đạn liên tục, không cho chúng ngóc nòng pháo bắn sang ta; buộc chúng bỏ chạy khỏi trận địa. Tôi hân hoan điện về tiểu đoàn: “Bộ binh cứ nằm yên”. Khi về lán của Tiểu đoàn nghe anh em kể: Anh Bằng vỗ đùi đen đét, sướng quá kêu lên: Trận này về, đề nghị thưởng cho cậu Mãi Huân chương chiến công hạng Nhất vẫn chưa thỏa. Sau trận này, tiểu đoàn ra Kỳ Anh (Hà Tĩnh) mừng công. Tôi được đề bạt là Đại đội phó Đại đội 12.

Đầu năm 1972, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48 vào chiến trường, tham gia chiến dịch Tây Nguyên. Ông Mãi gọi trận đánh vào cao điểm 1015 ở Công Tum là đánh “bóc vỏ” địch trước khi đánh lớn. Bị thương vào cánh tay, nhưng sức trẻ đẩy sức khỏe nhanh phục hồi để xung trận. Tháng 4-1972, Trung đoàn 48 phối thuộc với Trung đoàn 66 của Sư đoàn 2 đánh Đắc Tô- Tân Cảnh, chiếm được thị trấn Tân Cảnh ngày 24-4-1972. Dữ dội, khốc liệt nhất là trận đánh ở thị xã. Mờ sáng 15-5, các đơn vị của sư đoàn 320 và sư đoàn 2 tấn công ngã ba Trung Tín-Đường Ngang. Địch quyết tử thủ. Tiểu đoàn 7 Dù và Trung đoàn 53, có Sư đoàn 23 ngụy làm nóng cốt, lập tức tổ chức tuyến phòng thủ mới. Ngày 28-5-1972, ta tấn công vào thị xã theo ba mũi; nhưng ba đợt tấn công của ta đều không đạt hiệu quả, vì chúng dùng bom B52 rải thảm và phi cơ chiến đấu yểm trợ cho bộ binh ác chiến. Giọng ông Mãi chùng xuống: “Anh Nguyễn Tiến Ích vẫn làm Tiểu đoàn trưởng. Đến ngày 28-5, chúng tôi bị chúng vây, đánh chúng như ném đá ao bèo. Chúng tôi phải nghe nó rè rè trực thăng, kêu gọi chúng tôi ra hàng. Sau một đợt dội bom, nó chõ loa kêu gọi đầu hàng; nếu không thì nó cho “nấu phở”, lại tiếp tục nã pháo. Chúng tôi có 39 tay súng cầm cự suốt ngày, rồi được lệnh phải mở đường máu thoát ra. Đơn vị đứng chân ở Gia Lai đến cuối năm 1972.

Đó là những ngày vô cùng gian nan. Mỗi người chỉ được 1 lạng gạo ăn trong ngày, vũ khí đạn dược thiếu nhiều. Anh em động viên nhau kiên trì bám trụ. Mùa mưa năm 1972,Tiểu đoàn 3 đánh địch ở Đức Cơ, Chư Bồ, Đồn Tằm, Làng Dịt... Tại nhà máy chè Bầu Cạn, đại đội cối 82 chi viện cho bộ binh, giữ chốt suốt hai ngày. Ông Mãi bị thương vào trán, về chữa trị ở trạm hậu phẫu của Sư đoàn rồi lại xốc ba lô đi chiến trận. Liên tiếp ba năm, 1972, 1973, 1974, trong những trận chiến đấu oanh liệt tại nhà máy chè Bầu Cạn (1972), làng Á (1973) đồn Plây me (1974) thuộc tỉnh Gia Lai, Đại đội phó Nguyễn Hữu Mãi đều được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và Huy hiệu Chiến thắng. Bản lĩnh kiên cường của ông, hôm nay, tôi vẫn cảm nhận trong từng thời khắc đang chảy ngược về quá khứ oanh liệt.

Xuân 1975, ông tham gia chiến dịch lớn của toàn quân, toàn dân. Ngày 7-3, Tiểu đoàn 3 đánh Chư Sê, ngày 8-3, đánh Cẩm Gà, châm ngòi chiến dịch. 2 giờ sáng ngày 10-3, ta bắt đầu tấn công Buôn Ma Thuột và hoàn toàn làm chủ thị xã trưa ngày 11-3. Ngày 15-3, quân đoàn II ngụy bắt đầu di tản, tháo chạy khỏi Pleiku và Kon Tum. Ta gấp rút truy kích, chặn đánh địch trên đường số 7. Sáng 18-3, Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48 và Trung đoàn 64 của Sư đoàn 320; Trung đoàn 9 của Sư đoàn 968 đã bao vây và chiếm được thị xã Cheo Reo. Địch tháo chạy xuống thị xã Tuy Hòa ngày 24-3 -1975; bị Trung đoàn 48 đánh tiếp ở Phú Túc, Củng Sơn. Ngày 1-4, ta làm chủ toàn bộ thị xã Tuy Hòa.

Quân giải phóng tiến công làm chủ thị xã Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk, ngày 10-3-1975.

Theo bước chân thần tốc của chiến dịch Hồ Chí Minh, cán bộ chiến sĩ của Tiểu đoàn 3 hành quân về Phước Long, Bình Long, Bù Đốp, Bù Gia Mập, điểm tập kết là Hố Nai - Củ Chi, chuẩn bị mọi mặt cho trận đánh cuối cùng.

Sư đoàn 320 do ông Bùi Đình Hòe làm Sư đoàn trưởng có nhiệm vụ mở cánh cửa phía tây Sài Gòn. Lúc này, ông Nguyễn Thanh Lịch là Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3; Trung đoàn 48 do ông Trần Ngọc Trung làm Trung đoàn trưởng, chỉ huy đánh Đồng Dù ngày 29-4. Ông Mãi trầm giọng: Trận đánh ác liệt này, 455 cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh và bị thương. Đại đội 12 của tôi chỉ còn ba người: anh Bùi Thế Lịch, tôi và anh liên lạc. Chúng tôi ở Đồng Dù cho đến trưa 30-4, Sài Gòn được giải phóng. Niềm vui sướng, nỗi đau xót khi chôn cất anh em, tất cả hòa trong nước mắt trưa 30-4. Ông được tặng Huy hiệu Toàn thắng Xuân 1975 và Huy hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh.

Xe tăng Quân giải phóng tiến vào đánh chiếm Dinh Tổng thống Ngụy Sài Gòn, ngày 30-4-1975.

Câu chuyện của người cựu chiến binh sau hơn 40 năm đất nước hòa bình thống nhất gieo vào lòng tôi bao xúc cảm về sự hy sinh vô giá của dân tộc. Ông cho tôi xem Giấy chứng nhận được tặng Danh hiệu Dũng sĩ năm 1968, 1973 và Huy hiệu Chiến thắng năm 1968, 1972, Huy hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 mà ông còn giữ được. Đánh trận 118 lần, rồi về phục viên tháng 4 năm 1977, ông tham gia Đảng ủy xã, làm Phó công an xã 3 năm; Bí thư chi bộ 2 khóa. Thương tật (41%) và gia cảnh gieo neo, lại thêm cánh tay trái bị mất gân, không cầm được vật gì nặng, đầu thường xuyên bị đau tê buốt - những di hại sau ba lần bị thương, khiến ông phải chung sống hòa bình với nó và bươn chải, giúp vợ con, nhưng ông đã sống đúng bản chất tốt đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ. Nhìn ông khí khái, cương trực, đang khuất dần trên con đường nhỏ về làng, tôi chợt nhớ bài thơ Đất nước: “Đất nước của những người con gái con trai/ Đẹp hơn hoa hồng, cứng hơn sắt thép/ Xa nhau không hề rơi nước mắt/ Nước mắt dành cho ngày gặp mặt”.

Nhân dân Thủ đô Hà Nội mít tinh ngày Việt Nam đại thắng, ngày 15-5-1975.

Ngày 30-4 , chính là ngày gặp mặt không bao giờ phai trong tâm khảm mỗi người đã sống chiến đấu vì Hòa Bình, Thống Nhất, Bắc - Nam xum họp một nhà.

Ths. Phạm Kim Thanh

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 5030

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lê Duẩn (7/4/1907-7/4/2017): Một Lê Duẩn nặng lòng với cách mạng miền Nam

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lê Duẩn (7/4/1907-7/4/2017): Một Lê Duẩn nặng lòng với cách mạng miền Nam

  • 04/04/2017 21:20
  • 1737

Nặng lòng với miền Nam, luôn khát khao giải phóng miền Nam - Nỗi lòng ấy, tâm huyết ấy chính là tinh thần cách mạng triệt để, ý chí tiến công quyết liệt, quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; là những quyết sách của đồng chí cùng Bộ Chính trị và Trung ương Đảng trong việc cụ thể hóa đường lối độc lập, tự chủ, sáng tạo, tranh thủ sự giúp đỡ và đoàn kết quốc tế… để lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và tay sai đến thắng lợi hoàn toàn.