Ấp Bắc thuộc xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (ngày nay là tỉnh Tiền Giang), nơi diễn ra trận đánh lớn nhất miền Nam kể từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ vào ngày 2-1-1963, báo hiệu sự sụp đổ của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” mà Mỹ áp dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Với phương tiện tạo sức cơ động nhanh, sức tấn công ác liệt, hai năm 1961-1962, Mỹ - ngụy đã giành thế chủ động trên một số chiến trường. Với những chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận”, “bủa lưới phóng lao”, “phượng hoàng vồ mồi”, chúng sẽ làm chủ mặt đất, mặt nước và trên không.
Chiến thuật “trực thăng vận” của Mỹ. (Nguồn: Internet).
Suốt năm 1962, Mỹ - ngụy gấp rút triển khai kế hoạch Staley - Taylor nhằm giành toàn thắng trong vòng 18 tháng với hai biện pháp chủ yếu. Một là, lập ấp chiến lược dồn dân, vừa thanh lọc tiêu diệt người yêu nước; hai là, dùng vũ khí tối tân ra sức càn quét tiêu diệt lực lượng quân sự, đặc biệt là du kích chiến, sẵn sàng lập nhà tù “thà tù đày lầm hơn thả lầm”. Ý đồ của chúng là giành toàn thắng vào năm 1963.
Cũng vào cuối năm 1962, quân giải phóng đã hiểu được các loại vũ khí mới, các chiến thuật mới của địch, đã dự định cách đánh có hiệu quả, căn cứ vào đó tổ chức huấn luyện, xây dựng chiến thuật cá nhân và đơn vị, cách bắn trực thăng, phá M113…
Trận Ấp Bắc là nơi đối đầu lịch sử; xảy ra vào thời điểm mà Mỹ Diệm muốn dốc nỗ lực để hoàn thành kế hoạch 18 tháng, còn ta thì là thời kỳ tìm tòi phương thức tác chiến để cách mạng đứng vững và phát triển.
Trong trận Ấp Bắc, lực lượng của địch gồm:
- Bộ binh: 3 tiểu đoàn của Sư đoàn 7, 2 đại đội biệt động quân, 4 đại đội lính bảo an biệt kích, 4 đại đội lính bảo an tỉnh, 3 đại đội dân vệ biệt kích, 1 tiểu đoàn lính dù.
- Cơ giới: 13 tàu gồm FOM, LCVP, LCM, 13 xe lội nước M113. 20 trực thăng gồm: 10 chiếc H21, 5 chiếc H34, 5 chiếc HU1A; 2 chiếc máy bay ném bom B26, 6 chiếc khu trục, 4 chiếc trinh sát L19, 7 máy bay vận tải C47.
- Pháo, cối: 6 khẩu pháo đại bác 105 ly, 4 khẩu cối 106,7 ly.
Bộ chỉ huy hành quân gồm có:
- Tổng chỉ huy hành quân đóng tại sân bay Thân Cửu Nghĩa (Chi khu Tân Hiệp) do Đại tá Bùi Đình Đạm chỉ huy, nơi đây có 1 tiểu đoàn bộ binh làm dự bị đội và lần lượt chuyển đến thêm.
- Chỉ huy mặt trận là Thiếu tá Tươi (tỉnh phó nội an) điều khiển đặt tại bót 33 Tân Hội, có 2 pháo 105 ly và 1 đại đội cối 106,7 ly.
- Chỉ huy trực thăng đổ bộ do Thiếu tá Bách chỉ huy đặt tại khu di cư Long Định, có 4 pháo 105 ly.
Chiến sĩ tiểu đoàn 514 tham gia đánh trận Ấp Bắc. (Nguồn: Internet)
Lực lượng của ta gồm có:
- 2 đại đội bộ binh: Đại đội 1 tiểu đoàn 261 của quân khu 8; Đại đội 1 tiểu đoàn 514 của tỉnh; 1 Trung đội trợ chiến của tiểu đoàn 261, 2 tiểu đội đặc công của đại đội 3 (tiểu đoàn 261).
- 1 trung đội du kích căn cứ của tỉnh và 2 tổ công binh thủy săn tàu của du kích căn cứ.
- 1 trung đội địa phương quận Châu Thành.
- Du kích các xã Điềm Hy, Tân Phú, Tân Hội gồm khoảng 30 đồng chí.
Trong Ban chỉ huy, Chỉ huy trưởng là đồng chí Hai Hoàng - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 261, Quân khu 8, Đặng Minh Nhuận - Đại đội trưởng Đại đội 1 (của D.261), Phạm Văn Thư – Chính trị viên Đại đội 1 và một số đồng chí khác.
Sơ đồ diễn biến trận Ấp Bắc. (Nguồn: Internet)
Khoảng 5 giờ 30 phút sáng 2-1-1963, một máy bay trinh sát L19 từ sân bay Thân Cửu Nghĩa bay lên đảo nhiều vòng trên vùng trời Ấp Bắc. Sau đó, cũng từ Thân Cửu Nghĩa 15 máy bay trực thăng có máy bay trinh sát dẫn đường và 2 máy bay khu trục yểm trợ đổ quân. Tại ấp Mỹ Thành, xã Phước Mỹ (khoảng đồng trống Bà Kỳ và kinh Đào) chúng đổ hơn 1 đại đội bộ binh thuộc tiểu đoàn 2, trung đoàn 11, sư đoàn 7. Phía lộ đất Dưỡng Điềm (thẻ 24) có hai cánh quân địch, một cánh tỏa xuống phía Đông rạch Ấp Bắc kéo vào xóm chùa Thầy Lơ, một cánh kéo vào phía Tây rạch Ấp Bắc vào xóm Hàng Xáo chia làm 4 tuyến vào xóm Hội đồng Vàng thuộc Ấp Bắc, Tân Phú.
Trực thăng Mỹ đổ quân. (Nguồn: Internet)
Cùng lúc đó, chuyến máy bay trực thăng thứ hai đến đổ hơn 1 đại đội ngay chỗ chuyến thứ nhất. Như thế quân số địch ở đây đã lên tới 3 đại đội (thuộc tiểu đoàn 2 trung đoàn 11 sư đoàn 7).
Về phía ta, trước trận địa trung đội 3, đại đội 1, tiểu đoàn 261 có 15 du kích xã và một số thanh niên. Cùng lúc đó là trung đội địa phương quân huyện Châu Thành rút vào, gặp trung đội 3 của tiểu đoàn 261 liền bố trí tiếp giáp để cùng chiến đấu.
Sáng ngày 2-1-1963, mặt trận Ấp Bắc đã diễn ra trận đánh suốt từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối, chiến đấu suốt 14 tiếng đồng hồ, ta phải chủ động mở 5 đợt tiến công: Đánh bộ binh địch, đánh máy bay trực thăng, đánh bộ binh ở ấp Tân Thới, đánh xe lội nước tại Ấp Bắc, đánh quân nhảy dù ở ấp Tân Thới.
Quân Giải phóng áp dụng nguyên tắc không bắn máy bay quan sát và chờ xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Lần lượt ba chiếc trực thăng chiến đấu xuất hiện, bắt đầu bắn súng máy và rốc két. Chờ trực thăng tới gần, Quân Giải phóng khai hỏa hàng loạt súng tự động và súng trường từ kênh tưới. Bằng cách đánh phục kích, đến trưa ta loại khỏi vòng chiến đấu 5 chiếc trực thăng.
Các toán quân của Sư đoàn 7 Việt Nam Cộng hòa tiến vào ấp từ phía Bắc đã không quay lại để cứu đại đội dự phòng và các tổ lái trực thăng. Đến 12 giờ 15, cuối cùng tiểu đoàn Sài Gòn đến Tân Thới. Rồi trước 13 giờ những chiếc thiết giáp M113 tiến lại dần dần trên đồng ruộng. Quân Giải phóng không có vũ khí chống tăng nên không thể chiến đấu chống xe bọc thép M113 có hiệu quả. Để truyền cho các toán quân can đảm đứng lên chống xe bọc thép với vũ khí nhẹ và lựu đạn, các huấn luyện viên của Quân Giải phóng đã lên một bản danh sách những điểm yếu của xe bọc thép: người bắn súng máy trên đỉnh đứng sau giá súng để lộ từ thắt lưng trở lên hoặc có thể bắn trúng lái xe qua khe ngắm, những chiến sĩ dũng cảm thì có thể tiếp cận rồi ném lựu đạn lên nóc xe. Các chỉ huy cũng đã truyền thụ cho chiến sĩ tập trung bắn vào M113 như đã bắn máy bay. Mỗi tiểu đội hoặc trung đội phải chọn chiếc xe gần nhất rồi bắn tập trung vào đấy, không để hỏa lực bị phân tán.
Sau một ngày chiến đấu, với 5 đợt tấn công bằng những phương pháp tác chiến “tân kì” nhất như thiết xa vận, trực thăng vận, bủa lưới phóng lao... từ nhiều hướng, kể cả đổ bộ đường không bằng nhảy dù, song quân đội Việt Nam Cộng hòa đều bị đẩy lùi.
Khẩu đại liên được dùng để bắn rơi 8 máy bay Mỹ trong trận Ấp Bắc. (Nguồn: Internet)
Kết quả của trận Ấp Bắc:
- Về phía địch: Chết và bị thương 450 tên, trong đó có 3 cố vấn Mỹ chết và 16 phi công Mỹ bị thương; 3 xe lội nước M113 bị hư hỏng nặng, 8 máy bay trực thăng bị bắn rơi (tại mặt trận 3, các nơi khác 5); 1 tàu bị chìm, 2 chiếc bị hỏng.
- Về phía ta: 12 đồng chí hy sinh, trong đó có 1 tiểu đội trưởng, 1 tiểu đội phó, 1 cứu thương; 13 đồng chí bị thương (có 1 trung đội phó); 11 người dân chết, 14 người bị thương; 29 nhà bị cháy hoặc hư sập. Tính chung thiệt hại về nhà cửa, đồ đạc, trâu bò heo, gà bị chết ước 1 triệu đồng lúc bấy giờ.
- Chiến lợi phẩm ta thu được: 8 súng các loại, 1 máy bộ đàm, trên 100 cây dù và trên 10.000 đạn các loại.
Chiến lợi phẩm ta thu được sau trận Ấp Bắc. (Nguồn: Internet)
Phối hợp với đấu tranh vũ trang, ngay trong đêm quân giải phóng rút khỏi Ấp Bắc một cách an toàn, nhân dân Ấp Bắc cùng với một số xã lân cận kéo lên quận Cai Lậy đấu tranh chính trị, phản đối việc ném bom, bắn phá xóm làng, đòi nhà cầm quyền phải ngăn chặn các cuộc khủng bố để cho dân được yên ổn.
Ấp Bắc là một trận chiến đấu gay go, ác liệt nhất và cũng là một trận chống càn thắng lợi to lớn đối với phong trào chính trị, vũ trang, binh vận trong toàn miền Trung - Nam Bộ, đánh dấu sự trưởng thành vững chắc của 3 thứ quân; đã gây tiếng vang lớn trong phong trào đấu tranh cách mạng của Khu 8 nói riêng và toàn chiến trường miền Nam nói chung.
Chiến thắng Ấp Bắc là trận đầu đánh bại chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của Mỹ và quân đội Sài Gòn, mở đường cho cao trào tiêu diệt sinh lực địch trong càn quét, bắn máy bay, đánh thiết giáp và đưa phong trào phá ấp chiến lược lên đỉnh cao. Thắng lợi này không chỉ có ý nghĩa về chiến thuật mà còn có ý nghĩa quan trọng về chiến lược. Bởi, chiến thắng Ấp Bắc đã đánh dấu sự phát triển thế và lực của cuộc chiến tranh cách mạng, cổ vũ mạnh mẽ quân và dân miền Nam đẩy mạnh phong trào “thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”. Mặt khác, đây là trận mở đầu cho sự khủng hoảng về chiến thuật và là dấu hiệu phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và quân đội Sài Gòn.
Phương Anh (tổng hợp)
Nguồn:
- “Đặng Minh Nhuận và trận Ấp Bắc”, Những trận đánh lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam, H. Văn hóa - Thông tin, 2013, tr. 199-203.
- Chiến thắng Ấp Bắc, Tiền Giang: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang, 1992, 229 trang.