Thứ Ba, 03/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

20/12/2016 20:06 2372
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
(Phần 2 và hết) Tết Đinh Hợi năm đó, ngày 27-1-1947, Bác Hồ gửi bức thư nổi tiếng cho các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô: "Các em là đội cảm tử. Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu của tinh thần tự tin, tự lập của dân tộc ta, mấy nghìn năm để lại. Tôi thay mặt Chính phủ và đồng bào gửi các em lời chào thân ái và quyết thắng". Đội tuyên truyền úy lạo chúng tôi được phân công đi đến nhiều ụ chiến đấu đọc bức thư của Bác cho anh em nghe, vừa đọc chúng tôi vừa khóc vì xúc động trước những tình cảm yêu thương và sự quan tâm của Bác.

Tết năm đó, đội nữ tiếp tế đã mang được một cành đào cho Ban Chỉ huy Trung đoàn và cam, trứng gà cho thương bệnh binh. Chúng tôi đến trạm xá mang quà và đọc thư Bác Hồ cho anh em nghe. Tôi còn nhớ có đồng chí bị uốn ván, lưng cứng đờ cứ yêu cầu chúng tôi phải dựng ngồi dậy, đỡ lưng để anh nghe thư của Bác một cách nghiêm chỉnh. Một lần nữa chúng tôi lại vừa đọc, vừa rưng rưng nước mắt vì thương anh em quá.

Chiến đấu chiếm lại Viện Pasteur, 1947.(Ảnh tư liệu)

Nhân dịp Tết, chẳng có quà gì cho bộ đội, chúng tôi nảy ra sáng kiến đi kiếm rubăng đỏ và vàng, tết thành nơ, đến các nơi gắn cho mỗi chiến sĩ một cái nơ vào ngực. Tôi còn nhớ, khi đến thăm một đơn vị ở phố Hàng Thiếc, ở đó vừa có một anh bị địch bắn chết, còn bó chiếu, chờ đến đêm đem sang vườn nhà Trí Tri ở phố Hàng Quạt (nay là trường tiểu học) để chôn. Các đồng chí trong đơn vị đề nghị chúng tôi gắn cho anh chiến sĩ tử trận đó một cái nơ đỏ. Thú thật là tôi run lắm, rất sợ vì từ nhỏ đâu có biết làm cái việc này. Nhưng rồi vì lòng thương cảm, vì trách nhiệm, tôi mở bó chiếu ra, gắn cho người chiến sĩ vô danh còn rất trẻ tuổi này một chiếc nơ đỏ vào ngực rồi bó chiếu lại. Tôi gọi là chiến sĩ vô danh vì không biết tên tuổi anh, và đến nay tôi cũng không nhớ tên đồng đội của anh. Liệu có ai biết anh chiến sĩ tử trận hôm đó tên là gì và liệu còn ai nhớ lại sự kiện gắn nơ đỏ cho anh không? Chắc chắn là không, nhưng tôi, tôi lại nhớ sự kiện này vì những ấn tượng sâu sắc đã để lại trong tâm trí tôi.

Ụ kháng chiến ở Bạch Mai, Hà Nội, 1947. (Ảnh tư liệu)

Đêm ngày 17-2-1947, Trung đoàn Thủ đô rút quân ra khỏi Hà Nội.

Những ngày đầu tháng 2-1947, địch xiết chặt vòng vây, quyết tiêu diệt Trung đoàn Thủ đô, mở các trận tấn công ác liệt trên các mặt trận: Đông Thành, Hàng Thiếc, Hàng Bồ, Đồng Xuân. Ở bờ sông Hồng, chúng đánh chặn đường tiếp tế từ ngoài vào Liên khu I. Trước tình hình đó, Đảng và Chính phủ, Bộ Tổng tham mưu có quyết định cho trung đoàn Thủ đô rút ra hậu phương mà không phải cố chiến đấu hy sinh đến người lính cuối cùng.

Sáng này 17-2-1947, những đảng viên được phổ biến trước, với yêu cầu giữ bí mật tuyệt đối. Tôi thắc mắc vì đã thề quyết tử giữ lấy Thủ đô lại lại rút lui, cảm thấy hổ thẹn, nhưng được giải thích là chiến lược trường kỳ kháng chiến của Chính phủ ta, bước đầu là giai đoạn cầm cự, cố bảo toàn lực lượng để sau chuẩn bị tấn công lại.

Chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô vượt sông Hồng, rút khỏi Hà Nội, 17-2-1947.(Ảnh tư liệu)

Trung đoàn Thủ đô đã kìm chân, chặn bước tiến của địch hai tháng trời, giúp cho các nơi khác chuẩn bị tốt hơn lực lượng chiến đấu. Nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ giao phó, nay đã hoàn thành, cả Trung đoàn rút ra khỏi Hà Nội, đảm bảo quân số rút lui toàn vẹn, không bị hao tổn, sau đó sẽ bổ sung, củng cố lực lượng lại tiếp tục chiến đấu với địch.

Chiều tối, toàn thể anh em của Trung đoàn được thông báo thu dọn chiến trường, chuẩn bị lên đường chiến đấu. Trung đoàn đã phân công cụ thể cho 3 tiểu đoàn: tiểu đoàn 1 đi đầu mở đường, tiểu đoàn 2 đi thứ hai bảo vệ, tiểu đoàn 3 đi cuối cùng có nhiệm vụ đối phó với khả năng địch biết đuổi theo đánh tiêu diệt ta. Trước khi rời các ụ chiến đấu, nhiều nơi anh em đã gây những đám cháy phá hoại để ngụy trang, làm địch không đoán được cuộc rút lui của ta.

Đêm đó vào cuối tháng giêng ta, trời rất rét, mưa phùn nhỏ hạt, đêm tối mịt không trăng không sao, chúng tôi đi hàng một, người này nối đuôi người kia, rất yên lặng, trật tự, đi từ phố Hàng Bạc qua phố Hàng Muối đến Cột Đồng hồ thì phải ngừng lại vì có động (Ban Tuyên truyền chúng tôi đi cùng tiểu đoàn 1, đi đầu). Chúng tôi vội nằm rạp xuống đường, từ đó nhìn xa ra đã thấy cầu Long Biên, phía trên đầu có lính gác, còn đèn chiếu quay tỏa 4 phía để phát hiện động tĩnh. Lúc đó thật vô cùng hồi hộp, không hiểu rằng cả đoàn có đi lọt qua dưới gầm cầu, khi bọn chúng đang đứng gác ở trên cầu không?

Rồi lại có lệnh khởi hành tiếp, chúng tôi hàng một chạy băng qua ngã tư Cột Đồng hồ, đi xuống bãi rau ven sông Hồng, từ đó rất thận trọng, đi rất khẽ dưới gầm cầu (vẫn theo bãi sông Hồng, mùa đông bãi rộng), rất khẽ nhưng lại phải cố đi nhanh, tránh vấp ngã, tránh gây tiếng động, làm địch nghi vấn rọi đèn xuống thì là thất bại. Nhưng có lẽ địch chủ quan, trời lại rét, tối nên đèn chúng vẫn quay, vẫn chiếu sáng mà chúng tôi vẫn đi lọt cả Trung đoàn 1.200 người.

Chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô vượt sông Hồng, rút khỏi Hà Nội, sáng 18-2-1947. (Ảnh tư liệu)

Đi hết quãng gầm cầu nguy hiểm thì chúng tôi lội sông qua bãi giữa sông Hồng. Vì mùa đông, sông cạn nên chỉ lội đến ngang lưng là tới bến giữa. Bãi trồng đầy mía, sắn, chúng tôi lạc nhau lung tung, phải gọi nhau í ới mới tìm ra đường đi tới chỗ có bến đò. Hàng loạt đò đã chờ sẵn đưa chúng tôi sang bên kia sông, đó là vùng của ta rồi. Nhưng vì đò nhỏ, ít, nên chờ cũng lâu, tuy đoàn tôi đi vào tốp đầu mà tôi nhớ gần sáng mới sang đến bên kia sông. Một hình ảnh tôi không bào giờ quên là đứng nhìn về phía Hà Nội mù mịt, bao giờ mình lại trở về Hà Nội? Hà Nội mến yêu, nơi tôi sinh ra và lớn lên, tôi đã phải rời bỏ Hà Nội để Pháp chiếm giữ, mà không làm tròn được lời hứa của mình.

Chúng tôi rất mệt, sang đến bờ sông bên này tưởng được nghỉ, nhưng lập tức có lệnh phải lên đường ngay vì bọn Pháp đã phát hiện ra cuộc rút lui của ta và đang đuổi theo, những đơn vị cuối cùng đang chặn bước tiến của chúng. Chúng tôi đi tiếp, người mệt, đói, lúc nào dừng lại vài phút là ngủ đứng, khi có lệnh đi tiếp, người đi trước bước làm người sau ngã bừng dậy. Đi mãi chúng tôi mới tới nơi nghỉ, tới một làng tôi không nhớ tên. Đồng bào tiếp đón ân cần, nấu cơm, mổ lợn cho chúng tôi ăn, nhưng mấy chị em nữ thì quá mệt, chỉ lăn ra ngủ. Đồng bào nhiều người không tin chúng tôi có thể đi dưới gầm cầu Long Biên, mà chúng tôi cho rằng có lẽ chúng tôi chui qua các cống ngầm nào đó để rút lui. Mọi người ca ngợi lòng dũng cảm của Trung đoàn Thủ đô, còn lại tôi chờ những lời trách cứ.

Rồi đến buổi lễ mừng công ở làng Thượng Hội, Chương Mỹ, Hà Tây (trước đây). Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm, tuyên dương cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, chúng tôi thật cảm động. Nhưng sau đó, do chủ trương không thể để phụ nữ trong quân ngũ, trừ một vài chị làm y tá, còn hơn 100 người (quân số phụ nữ lúc đó vào khoảng ấy) được lệnh tách khỏi quân đội đi lên Phú Thọ vào một trại để tăng gia sản xuất. Chị Tuyết Minh, tôi và một vài đảng viên khác được phân công vào Ban lãnh đạo của “tiểu đoàn nữ” này. Tôi nhớ lại cầm lá cờ đỏ sao vàng, đội mũ tai bèo (không nhớ ai cho), mặc áo bộ đội, quần đen dẫn đầu đoàn chị em đi bộ từ Hà Đông, Sơn Tây lên Phú Thọ, đến huyện Thanh Ba, vào đồn điền chủ chè. Đó là nơi có rất nhiều đồi chè nhưng chúng tôi được giao một mảnh đất nhỏ để nhổ cỏ và cuốc lên trồng sắn.

Chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô tập trung tại làng Thượng Hội, 22-2-1947.(Ảnh tư liệu)

Đến đây, cuộc đời hoạt động Hà Nội của tôi tạm ngừng lại. Cuộc sống của cô thôn nữ sinh ra ở Hà Nội cũng bắt đầu thay đổi để hòa nhập vào đồng ruộng, cây cỏ, tập làm một cô nông dân và đi vận động phụ nữ nông dân.

60 ngày đêm chiến đấu ở Hà Nội thật ngắn ngủi nhưng đầy sự kiện. Thế hệ chúng tôi, những người con trai, con gái đã đi vào cuộc chiến đấu hồn nhiên, vui vẻ, không hổ thẹn là những người con của Thủ đô, người dân của đất Tràng An ngàn năm văn vật. Đến nay, bầu trời Hà Nội vẫn trong vắt, nước Hồ Gươm vẫn xanh biếc như mùa thu cách mạng năm xưa.

GS. Lê Thi

(GS Triết học, nguyên GĐ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Phụ nữ và Gia đình thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam).

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 5030

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Hải Phòng 12 ngày đêm cuối năm 1972

Hải Phòng 12 ngày đêm cuối năm 1972

  • 20/12/2016 17:42
  • 7113

Với âm mưu “gây sức ép buộc Hà Nội phải trở lại Hội nghị Paris với thế yếu”, Mỹ điên cuồng mở cuộc tập kích chiến lược bằng không quân vào thủ đô Hà Nội và cảng Hải Phòng. Chúng đã tập trung một nửa lực lượng không quân chiến lược và hầu hết lực lượng không quân chiến thuật có ở Đông Nam Á cho cuộc tập kích.