Thứ Ba, 03/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

18/12/2016 17:21 2354
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Mùa hè năm 1946, một cán bộ văn hóa đồng thời là phóng viên báo Cứu Quốc, từ mặt trận Phú Yên trở về Thủ đô đã mang theo tập bản thảo tác nghiệp đặc biệt của mình - ông là Hoàng Việt Sinh. Tiếp tục hoàn chỉnh thiên ký sự chiến trường nóng hổi tại nơi trung tâm đầu não của Chính phủ Việt Minh với dòng cuối “Viết xong tại Hà Nội ngày 19.5.1946”(1), một thời khắc hàm chứa ý nghĩa thiêng liêng của dân tộc, chỉ sau một tuần lễ, ngày 26.5.1946 tác phẩm đã được Nhà xuất bản Hoa Lư viết xong Lời tựa/Lời Nhà xuất bản với nhan đề sách Phú Yên kháng chiến, được kiểm duyệt hai ngày sau đó, trước khi cho phát hành rộng rãi.

Có lẽ đây là một trong những cuốn sách đạt kỷ lục xuất bản ngắn nhất về mặt thời gian, theo chu trình Viết - Kiểm - In - Phát, không quá mươi ngày kể từ khi tác phẩm hoàn thành cho đến lúc độc giả đón nhận. Một trong những tác nhân thúc đẩy tiến độ chóng vánh này là nhằm đáp ứng kịp thời nhiệm vụ kháng chiến - kiến quốc mang tính cấp thiết của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ. Chắc chắn trong hành trang mỗi chiến sĩ thuộc đoàn quân Nam tiến xuất phát từ thủ đô đều mang theo tập ký sự lạ lẫm có bề dày vẻn vẹn 26 trang in tính luôn cả bìa này.

Đoàn quân Nam tiến lên đường vào Nam chiến đấu, 11-10-1945 (Ảnh tư liệu).

Phú Yên kháng chiến có thể cũng là một trong những tài liệu mang ý nghĩa chỉnh huấn đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam sau ngày quốc gia độc lập, lồng ghép sau những mô tả địa dư về đất và người Phú Yên. Mục đích này được phản chiếu trong Lời tựa cô đọng và đanh thép rằng “Tập sách nầy đưa in giữa lúc một phần non sông phía Nam vẫn không thôi chiến đấu chống quân thù…Chân thực và rõ ràng, tác giả Hoàng Việt Sinh đã cống hiến những mẩu chuyện nhỏ làm tài liệu ghi lại cuộc kháng chiến ở miền Trung. Chỉ tài liệu mà thôi ư? Không, qua những trang sau đây người đọc còn thấy dân khí kiên cường của tỉnh Phú Yên, đất cảm tử ở gần mặt trận Nha Trang mà đến bây giờ tiếng súng vẫn đang nổ”(2). Quả vậy, dân khí kiên cường của Phú Yên chính là biểu trưng của cả dân tộc quyết hy sinh để bảo vệ nền độc lập vừa mới giành lại được sau gần thế kỷ liên tục quật khởi tranh đấu.

Trong bối cảnh cuộc tái xâm lược của quân đội thực dân trên đường tiến quân ra Trung Bộ và Tây Nguyên bị đánh chặn tại Đèo Cả ở phía Nam và Cheo Reo ở phía Tây, Phú Yên trở thành lằn ranh của chiến trường cả nước, tuyến lửa trên cả hai mặt trận, là tỉnh “cảm tử” theo cách gọi của Hoàng Việt Sinh, được tác giả giải thích như sau: “Tôi gọi là tỉnh “cảm tử” vì mặc dầu ở sát mặt trận, mặc dầu súng nổ bên mình nhưng dân chúng ở đây đã biến thành những đội dân quân võ trang ngày đêm chờ đợi sẵn sàng giết giặc. Họ đã tự cùng nhau ban bố một khẩu lệnh ‘Tuy Hòa mất thì người Tuy Hòa không còn nữa’. Cho nên không một ai được bỏ đi ra khỏi tỉnh nếu không có mệnh lệnh của Ủy ban Kháng chiến hay cơ quan Hành chính”(3).

Từ thân phận mất nước và nô lệ trở thành công dân làm chủ và tự do, người Phú Yên biết quý trọng thực sự những biểu tượng của quốc thể trong sinh hoạt thường ngày của mình. Điều mà tác giả mô tả vượt xa thực tế ngày nay chúng ta có thể cảm nhận bởi những giá trị bất diệt tự thân trong điều kiện lịch sử cụ thể lúc bấy giờ: “Hàng ngày, sáng và chiều nghe tiếng kèn chào cờ và hạ cờ là dân chúng già trẻ trai gái đều nghiêm chỉnh đứng chào dù lúc đó đang bận việc hay đang đi giữa đường. Hình như bổn phận thiêng liêng này đã ghi sâu vào óc đồng bào ở đây. Bài quốc ca ở đây rất thận trọng, không ai dám dùng trong lúc có tính cách tiêu khiển, vui chơi cả”(4). Nhịp sống của nhân dân Phú Yên đang dâng lên ở ngưỡng căng tràn bởi cuộc ái quốc vĩ đại.

Chiến đấu tại Đà Nẵng, ngày 20-12-1946. (Ảnh tư liệu)

Chứng kiến tình hình sinh hoạt của người dân, tác giả dành cho vùng đất Phú Yên những lời nhận xét không thể nào thiện cảm hơn được nữa: “Cuộc sinh hoạt dễ dàng nhất ở Trung và Bắc Bộ có lẽ là tỉnh Phú Yên… Các bạn phương xa đến đây dễ bị nhầm lẫn, đừng tưởng những người ăn vận tầm thường, lê guốc ngoài đường là những công nhân. Họ là những hạng khá giả cả đấy. Hạng người thường và giàu có ở đây không thể phân tách được trên lớp quần áo và những thức hào nhoáng bên ngoài. Họ chỉ là những người cần cù làm việc thôi chứ không nghĩ đến sự phô trương ấy. Đất nhiều ruộng tốt, cho nên về gạo cơm cũng như các thực phẩm, hàng quà khác rất rẻ. Khách tiêu 100$ ở đây có thể trị giá gấp bội ở thủ đô…Rồi ra, Tuy Hòa sẽ là nơi đô thị lớn nhất của miền Nam, Tuy Hòa là nơi trung gian cho sự liên lạc của ba xứ Trung, Nam, Bắc…”(5). Tiếc thay, điều tác giả kỳ vọng sau cùng chẵn 70 năm đến ngày nay vẫn chưa thành hiện thực được, bởi chiến tranh, tụt hậu và sự thay đổi chiến lược kinh tế trọng điểm vùng trên bản đồ đất nước.

Xuất phát từ nhiệm vụ được thượng cấp giao phó, có lẽ tác giả gắn công tác của mình với Tuy Hòa thường xuyên hơn các nơi khác trong tỉnh, nơi sau ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám thắng lợi đã tiếp nhận vị trí tỉnh thành mới dịch chuyển từ Sông Cầu về đây, do vậy mà đã có những dòng mô tả thân thiết phong cảnh sông Đà núi Nhạn rằng: “Núi Tháp Nhạn (montagne des hirondelles) cái tên không bí ẩn gì, không cao mà cũng không rộng lắm, về mùa đông đàn nhạn về đóng tổ ở đấy, trên chóp đỉnh, thay phiên nhau mà bay tưởng rợp trời…Đứng trên đỉnh núi nhìn xuống thì phong cảnh trở nên bao la, tỉnh Phú Yên như không giới hạn, trời liền đất, đất liền bể… Sau lưng là sông Drang [Đà Rằng]. Sông rộng và dài quá nên cầu bắc ngang cũng dài hơn đâu hết; trên mặt sông êm đềm 22 nhịp cầu [đúng là 21 nhịp - NLG] lơ lửng nằm ngang. Nước sông Drang trong và ngọt”; hay một hồi ức khác gắn với núi Nhạn mang cảm hứng tráng liệt hơn vào mùa thu năm trước: “Dân chúng, nhất là vùng Tuy Hòa còn có kỷ niệm cảm động nào đáng ghi nhớ, nhất là lần đầu được trông thấy lá quốc kỳ tươi trẻ từ từ lên cao rồi hùng dũng bay trên đỉnh núi Tháp Nhạn”(6).

Từ thiết tha tình đất, tác giả tiếp cận sâu lắng tình người với Phú Yên thông qua những nhận xét chi tiết đặc trưng về tính cách như sau: “Người Phú Yên rất trung thực và thẳng thắn. Vì thẳng thắn quá mà đôi khi thiếu sót ít nhiều trong câu chuyện xã giao. Tính chất người Phú Yên là tính chất của những hiệp sĩ đời trang cổ, vị nghĩa và ngay thẳng. Họ trọng lời hứa, sẵn sàng giúp đỡ bất cứ những ai cần dùng đến họ. Họ rất tin mình và tin người”(7). Bản tính chân chất của con người Phú Yên nói riêng, Nam Trung Kỳ nói chung tưởng không cần phải giải thích thêm, bởi như viên Công sứ Pháp có những năm công vụ ở đây đã từng khẳng định từ trước rồi: “Đó [tính thành thực] thật là một trong các đặc tính của những người sống ở miền Nam Annam giữa Phan Thiết và Bình Định”(8).

Trở lại mặt trận Phú Yên với mưu mô chiến lược hai gọng kìm của quân đội nhà nghề đế quốc Pháp, tác giả đã tỉnh táo phân tích đặc điểm tình hình, từ đó xác định ba phương diện vị trí chính yếu của tỉnh một cách sâu sát như sau:

“Về quân sự, nó là phòng tuyến để án ngữ địch quân chợt lăm le làm cái bàn đạp đánh thốc ra Bắc. Đã bao lần quân Pháp phải chịu thoái lui trước sức kháng chiến mãnh liệt của nó.

Về chính trị, nó là trung tâm điểm cho các cơ quan liên lạc từ Bắc vào Nam. Những tổ chức bán công bán khai đã cho chúng ta nhận biêt rằng các tỉnh thành như Nha Trang…chưa bị chiếm hẳn vì trong đó có các cơ quan Hành chính, các Ủy ban vẫn tiếp tục công việc như thường và dân chúng vẫn đọc được những tờ báo từ thủ đô hay các cáo thị thông tư của Chính phủ gửi vào.

Phục kích đánh Pháp tại hầm xe lửa số 1, Nha Trang những ngày đầu kháng chiến. (Ảnh tư liệu)

Về giao thông thì Phú Yên đã lĩnh lấy một nhiệm vụ cực kỳ nặng nề. Con đường thiết lộ xuyên qua Việt Nam chỉ vào đến đây là hết. Những khách muốn vào trong nữa như Phan Rang, Phan Thiết, Sài Gòn thì phải xuống bến sông Tuy Hòa đi thuyền… Phú Yên lại là nơi tiếp nhận số đông đồng bào không chịu nổi sức hành hạ tàn nhẫn của bọn Pháp phản động…thường có những toán người khăn gói từ đèo Cả đi ra…

Xét những quan điểm trên, chúng ta nhận thấy rằng tỉnh thành Phú Yên cảm tử ấy đã lĩnh một sứ mệnh rất quan trọng của Tổ quốc ở biên cương mặt trận mà ít người nhắc nhở, biết đến”(9).

Kỳ thực, “Phú Yên! Tỉnh thành xa xăm quá, mà có lẽ bé nhỏ quá…”(10) đó đã được cả nước biết đến thông qua ấn bản ký sự Phú Yên kháng chiến với hào khí chiến trận cương cường của con dân Phú Yên cùng sự tiếp sức của những Trung đoàn Nam tiến hành quân dọc suốt hai phần ba chiều dài của đất nước từ địa đầu cao nguyên Hà Giang đến các tỉnh duyên hải miền Nam Trung Bộ giáp ranh. Phú Yên trong dòng chảy của lịch sử Việt Nam hiện đại từng có một trong những mốc son tráng liệt như thế.

Xin tỏ bày sự biết ơn trên những trang viết rực lửa mà chân chất và thấm đẫm tình người và đất Phú Yên 70 năm về trước của tác giả Hoàng Việt Sinh.

Được biết, trong bộ tuyển tập văn học bề thế xuất bản gần đây nhất của Nhà xuất bản Văn học, phần Văn học Việt Nam thế kỷ XX, Tạp văn và các thể ký Việt Nam 1945-1975, không tìm thấy tên Hoàng Việt Sinh cùng Phú Yên kháng chiến hay Ban Mê Thuột (ký sự). Đây là một thiếu sót, nếu không nói là thiệt thòi lớn cho tác giả nói riêng, nền văn học Việt Nam nói chung trong việc sưu tập, biên soạn và vinh danh tác giả - tác phẩm ở thể tài ký sự kháng chiến.

Ấn bản Phú Yên kháng chiến của tác giả Hoàng Việt Sinh được lưu trữ ở Thư viện Quốc gia Việt Nam từ sau ngày Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản thủ đô, thời kỳ 1954-1958 khi mà Thư viện còn mang tên Thư viện Trung ương Hà Nội. Mời độc giả tham khảo để hiểu và tự hào thêm hơn về các thế hệ cha anh tại một mặt trận tiền tiêu trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.

Phú Yên, cuối tháng 6.2016

Nguyễn Lục Gia

Nguyễn Đà Giang

CHÚ THÍCH

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (9), (10) Hoàng Việt Sinh (1946), Phú Yên kháng chiến, Nxb. Hoa Lư, Hà Nội.

(8) Albert Laborde (2003), “Tỉnh Phú Yên”; trong: Những người bạn cố đô Huế, tập XVI, năm 1929, Nxb. Thuận Hóa, Huế.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: