Thứ Tư, 18/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

19/05/2014 09:51 66082
Điểm: 3.47/5 (32 đánh giá)
Tháng 5 năm 1941, trước những thay đổi mạnh mẽ của tình hình trong nước và những biến động to lớn trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ VIII của Đảng ở Khuổi Nậm, Pác Bó, Cao Bằng quyết định sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng - khẳng định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam.

Để thực hiện mục tiêu đó, Hội nghị đã quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) nhằm tập hợp và đoàn kết rộng rãi các giai cấp, các dân tộc, tôn giáo, các giới… tham gia Mặt trận.

Lán Khuổi Nậm ở Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng, nơi diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng cộng sản Đông dương lần thứ VIII (5/1941) quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh.

Có thể nói, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh là một chủ trương hết sức sáng suốt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Nhận định về tình hình cách mạng nước ta lúc đó, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VIII của Đảng đã khẳng định: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi lại được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Để thực hiện được nhiệm vụ trên, đòi hỏi Đảng ta phải tập hợp, đoàn kết được mọi lực lượng trong xã hội, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, dân tộc vào một mặt trận dân tộc thống nhất. Ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Minh đã ra đời thay cho Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương và đặt ra nhiệm vụ giúp đỡ các dân tộc Lào và Campuchia thành lập mặt trận của mình.

Mặt trận Việt Minh lấy lá cờ đỏ có ngôi sao vàng năm cánh làm huy hiệu, khẩu hiệu chính là: phản Pháp - kháng Nhật - liên hoa - độc lập.

Khẩu hiệu của Việt Minh kêu gọi đồng bào gia nhập Việt Minh và đoàn kết đánh đuổi Nhật - Pháp.

Ngày 25-10-1941, Tổng bộ Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ, nói rõ tôn chỉ, mục đích của mình: “Liên hiệp hết thảy tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước, đang cùng nhau đánh đuổi Nhật-Pháp, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng lên một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Tôn chỉ đó đã quy định điều kiện gia nhập Việt Minh: “Việt Minh kết nạp từng đoàn thể, không cứ đảng phái, đoàn thể nào của người Việt Nam hay của các dân tộc thiểu số sống trong nước Việt Nam, không phân biệt giai cấp, tôn giáo và xu hướng chính trị, hễ thừa nhận mục đích, tôn chỉ và chương trình của Việt Minh và được Tổng bộ Việt Minh thông qua, thời được gia nhập Việt Minh”.

Về tổ chức, Mặt trận có một cơ chế riêng, khác hẳn với cơ chế tổ chức của Đảng Cộng sản Đông Dương. Về hệ thống tổ chức, ở các xã có Ban chấp hành Việt Minh do các đoàn thể Việt Minh ở làng hay xã cử ra; tổng, huyện (hay phủ, châu, quận), tỉnh, kỳ có Ban chấp ủy Việt Minh cấp ấy; Việt Minh toàn quốc có Tổng bộ. Ngoài những đoàn thể cứu quốc có tính chất chính trị, cách mạng rõ rệt (như Hội công nhân cứu quốc, Hội nông dân cứu quốc, Hội phụ nữ cứu quốc, Hội thanh niên cứu quốc…) còn có những đoàn thể không có điều lệ, hoạt động công khai và bán công khai như Hội cứu tế thất nghiệp, Hội tương tế, Hội hiếu hỉ, nhóm học Quốc ngữ, nhóm đọc sách, xem báo... Đó là những bậc thang đưa quần chúng từng bước lên các tổ chức cứu quốc.

Cùng với việc công bố Tuyên ngôn, Điều lệ, Mặt trận Việt Minh cũng xác định cụ thể chương trình cứu nước. Chương trình này “cốt thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào mong ước:

1. Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập

2. Làm cho dân Việt Nam được sung sướng tự do”.

Chương trình gồm 44 điểm, là một hệ thống các chính sách về chính trị, kinh tế, văn hóa và những chính sách cụ thể đối với các tầng lớp công nhân, nông dân, binh lính, công chức, học sinh, phụ nữ, thiếu nhi, người già và kẻ tàn tật, tư sản, địa chủ, nhà buôn. Chương trình này sau được đúc kết lại thành 10 chính sách lớn được thực hiện ở khu giải phóng Việt Bắc và được Đại hội quốc dân thông qua tháng 8-1945 tại Tân Trào, trở thành chính sách cơ bản của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Cách mạng tháng 8-1945. Chương trình Việt Minh cũng chỉ rõ sau khi giành độc lập sẽ thành lập Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam mới. Chính phủ ấy do quốc dân bầu ra và thi hành các chính sách mang lại quyền lợi cho dân, làm cho đồng bào được tự do, hạnh phúc.

Mười chính sách lớn của Việt Nam độc lập đồng minh (Mặt trận Việt Minh), năm 1941.

Trong suốt quá trình vận động cách mạng từ Hội nghị lần thứ 8 của Ban chấp hành Trung ương Đảng đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công, những chủ trương nghị quyết của Đảng nhằm xây dựng lực lượng cách mạng đều được quán triệt trong các văn kiện của Mặt trận Việt Minh.

Và trong thực tiễn hoạt động cách mạng kể từ khi Mặt trận Việt Minh ra đời, “toàn bộ phong trào chống phát xít Pháp - Nhật của nhân dân ta mang tên là Phong trào Việt Minh, cái tên tiêu biểu cho lòng yêu nước, chí quật cường của dân tộc ta”.

Dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, tại các vùng căn cứ địa cách mạng, công cuộc chuẩn bị mọi mặt để tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền được xúc tiến mạnh mẽ, gấp rút.

Ở Cao Bằng, Việt Minh có hệ thống từ xã đến tỉnh. Cuối năm 1942, khắp 9 châu của Cao Bằng đã có hội cứu quốc, trong đó có 3 châu mọi người đều gia nhập tổ chức Việt Minh, xã nào cũng có ủy ban Việt Minh. Ủy ban Việt Minh Cao Bằng và ủy ban Việt Minh lâm thời Cao-Bắc-Lạng được thành lập.

Ở căn cứ Bắc Sơn-Võ Nhai, Cứu Quốc quân đã tiến hành 8 tháng chiến tranh du kích anh dũng (từ 7-1942 đến 2-1943), mở ra khả năng lập căn cứ địa cách mạng, kết hợp đấu tranh chính trị rộng lớn với việc phát động chiến tranh du kích rộng lớn.

Năm 1943, Ủy ban Việt Minh Cao-Bắc-Lạng lập ra 19 ban xung phong Nam tiến để đánh thông với căn cứ Bắc Sơn-Võ Nhai. Tháng 8-1943, đội quân Nam tiến của đồng chí Võ Nguyên Giáp và đội quân Bắc Tiến của đồng chí Chu Văn Tấn đã xuyên rừng, nhổ đồn địch dọc đường đồi gặp nhau ở Chợ Chu (Bắc Cạn), tạo ra một hành lang chính trị rộng lớn của quần chúng, chuẩn bị thành lập khu giảI phóng.

Ở thành thị, phong trào Việt Minh cũng lên mạnh. Sau khi đề cương văn hóa 1943 của Đảng được công bố, Hội Văn hóa cứu quốc thành lập. Năm 1944, Đảng dân chủ Việt Nam, tiêu biểu cho tầng lớp tư sản dân tộc và tiểu tư sản trí thức Việt Nam tham gia mặt trận.

Báo Cứu quốc, cơ quan của Tổng bộ Việt Minh ra đời 2/1942.

Tại khu Việt Bắc, chính quyền địch ở cơ sở bị tê liệt, quần chúng bắt đầu làm chủ thôn xóm ở mức độ nhất định. Việt Minh là người đại diện quyền làm chủ của quần chúng, trực tiếp giải quyết mọi công việc của thôn xóm.

Giữa năm 1944, chính phủ Pê-tanh của Pháp sụp đổ, quân Nhật thua đậm ở Thái Bình Dương. Tháng 5-1944, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị sửa soạn khởi nghĩa.

Sau đảo chính Nhật Pháp 9-3-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Việt Minh ráo tiết chuẩn bị cao trào “Kháng Nhật, cứu nước”. 16-4-1945, Tổng bộ Việt Minh lập ra ủy ban dân tộc giải phóng, tập dượt cho nhân dân nắm chính quyền. Ngày 4-6-1945, Tổng bộ Việt Minh tuyên bố thành lập Khu giải phóng Việt Bắc bao gồm 6 tỉnh, với thủ đô Tân Trào lịch sử. Đó là mảnh đất tự do đầu tiên của 1 triệu đồng bào, là hình ảnh của nước Việt Nam mới, ở miền xuôi, mặt trận Việt Minh đi đầu phong trào “phá kho thóc giải quyết nạn đói”, thổi bùng ngọn lửa khởi nghĩa từng phần trong thời kỳ tiền khởi nghĩa.

Ngày 13-8-1945, phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện. Cơ hội cứu nước ngàn năm có một đã tới. Tình thế vô cùng khẩn trương. Lúc đó Hồ Chủ tịch đã về Tân Trào trực tiếp chỉ đạo cách mạng. Ngày 16-8-1945, dưới mái đình Hồng Thái, Quốc dân đại hội Tân Trào bao gồm 60 đại biểu cả nước đã họp để thông qua Mệnh lệnh khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh, 10 chính sách lớn của Việt Minh và cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do cụ Hồ Chí Minh làm chủ tịch.

Cũng ngày đó, 16-8-1945, cùng với tiếng súng của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tiến về thị xã Thái Nguyên, cả nước đã nhất tề đứng dậy tổng khởi nghĩa theo hiệu triệu của Việt Minh. Cách mạng tháng Tám đã thắng lợi hoàn toàn sau 15 ngày tiến công và nổi dậy bằng bạo lực chính trị và quân sự của quần chúng, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Theo lời hiệu triệu của Mặt trận Việt Minh, nhân dân ta đã nhất tề đứng dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền, 8/1945.

Có thể nói Mặt trận Việt Minh là một trong những điển hình thành công của Đảng ta về công tác Mặt trận. Sau cách mạng tháng Tám, Mặt trận Việt Minh vẫn có vị trí rất to lớn trong công cuộc vận động kháng chiến và kiến quốc. Tháng 5-1946, để mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết, Đảng ta chủ trương lập Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam gọi tắt là Liên Việt bao gồm Việt Minh và các tổ chức cá nhân yêu nước không phải Việt Minh.

Đánh giá vai trò của Mặt trận Việt Minh, Tuyên ngôn của Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt họp tháng 3-1951 nêu rõ:

“Việt Minh có công lớn trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, chống quân cướp nước. Công đức ấy tất cả mọi người Việt Nam phải ghi nhớ. Lịch sử của Việt Minh 10 năm đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc cũng là những trang sử vẻ vang vào bậc nhất của dân tộc Việt Nam ta”.

Mặt trận Việt Minh ra đời và giành được chính quyền trước hết là kết quả của sự định hình đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương về chỉ đạo chiến lược giữa hai nhiệm vụ phản đế và phản phong; giữa dân tộc và giai cấp. Đây cũng là kết quả của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với đặc điểm lịch sử cụ thể của Việt Nam.

Lê Khiêm (tổng hợp)

Nguồn:

- Nguyễn Quang Ngọc, “Mặt trận Việt Minh và công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa”, Tiến trình Lịch sử Việt Nam, H.: Giáo dục, 2005, tr. 290-292.

- Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, “Mặt trận Việt Minh ra đời và lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập”, Đại cương Lịch sử Việt Nam toàn tập (Từ thời nguyên thủy đến năm 2000), H.: Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 813-821.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4823

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

19/5/1959- Thành lập Đoàn 559, mở đường Trường Sơn- đường mòn Hồ Chí Minh chi viện cho miền Nam

19/5/1959- Thành lập Đoàn 559, mở đường Trường Sơn- đường mòn Hồ Chí Minh chi viện cho miền Nam

  • 16/05/2014 11:18
  • 18723

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước quyết liệt và đầy gian khổ, để kịp thời chi viện cho cuộc kháng chiến ở miền Nam, Đảng, Chính phủ, Bác Hồ đã quyết định giao cho Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh tổ chức tuyến chi viện chiến lược trên bộ, trên biển.