Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước quyết liệt và đầy gian khổ, để kịp thời chi viện cho cuộc kháng chiến ở miền Nam, Đảng, Chính phủ, Bác Hồ đã quyết định giao cho Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh tổ chức tuyến chi viện chiến lược trên bộ, trên biển.
Để giữ vững liên lạc giữa hai miền, đảm bảo cho Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng ở miền Nam. Lúc đó ta mới có một tuyến liên lạc ngang qua miền tây Quảng Trị do Liên khu 5 phụ trách, chỉ đạo. Có nhiệm vụ bảo đảm giao thông liên lạc, vận chuyển giữa Trung ương và địa phương như đưa đón cán bộ ra, vào, vận chuyển phương tiện vật liệu, thư từ, công văn từ Trung ương vào nam giới tuyến. Do phải đi dọc đường giáp ranh, quân địch đóng đồn bốt khá dày đặc nên một năm quân ta chỉ đi được một vài lần, mà chủ yếu là đưa cán bộ đi công tác. Mỗi lần đi phải bí mật, móc nối cơ sở rất công phu. Quân địch thường xuyên lùng sục, tung nhiều toán biệt kích trên tuyến đường. Trên trục đường này ta không có căn cứ vững chắc, quá gần địch vì vậy không thể đáp ứng yêu cầu vận tải người và vũ khí với số lượng lớn khi cách mạng miền Nam phát triển.
Năm 1959, cách mạng miền Nam đứng trước một bước ngoặt, đòi hỏi Đảng ta phải có quyết sách kịp thời. Hội nghị Trung ương lần thứ 15 đã đề ra nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới. Hội nghị chỉ rõ: “Con đường phát triển của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Trung ương Đảng về nhiệm vụ chi viện miền Nam, việc nhanh chóng mở đường vận chuyển chi viện chiến lược cho các chiến trường trở thành một nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Đầu tháng 5 năm 1959, những cán bộ đầu tiên được Bộ Quốc phòng điều về chuẩn bị mở đường Trường Sơn làm việc tại các số nhà 63 và 83 phố Lý Nam Đế (Hà Nội). Đoàn mang tên “Đoàn công tác quân sự đặc biệt”. Đoàn trưởng là Thượng tá Võ Bẩm. Đồng chí Võ Bẩm hoạt động cách mạng từ năm 1930, từng bị thực dân Pháp bắt tù đày ở các nhà giam Lao Bảo, Buôn Ma Thuột. Đồng chí rất thông thuộc địa hình Trường Sơn. Trung tá Nguyễn Thạnh là Chính ủy kiêm bí thư Ban Cán sự, đồng chí Nguyễn Thạnh một chiến sĩ du kích Ba Tơ, vào Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1934.
Thiếu tướng Võ Bẩm (1915- 2008), một trong những “kiến trúc sư” đầu tiên của đường Trường Sơn huyền thoại.
Trong Ban Cán sự Đảng còn có đồng chí Nguyễn Chương, đồng chí đã gia nhập Vệ quốc đoàn từ năm 1945 tại Liên khu 5.
Sau khi đã chuẩn bị về tổ chức, ổn định về công việc. Ngày 19 tháng 5 năm 1959, đồng chí Nguyễn Văn Vịnh chính thức phổ biến nhiệm vụ của Đoàn công tác quân sự đặc biệt là mở đường Trường Sơn, tổ chức chi viện cho chiến trường miền Nam, thiết lập tuyến hành lang, nối thông liên lạc, vận chuyển gấp một số hàng quân sự thiết yếu theo yêu cầu của chiến trường, trước mắt là Liên khu 5 khoảng : 7000 súng bộ binh và bảo đảm cho 500 cán bộ trung và sơ cấp hành quân qua tuyến vào tăng cường cho chiến trường miền Nam.
Các cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 trinh sát vạch tuyến mở đường Trường Sơn, năm 1960.
Lúc đầu Đoàn chỉ có Ban chỉ huy đoàn, Đoàn vận tải bộ 301 và các bộ phận xây dựng kho, bao gói, sửa chữa vũ khí, trang bị…Cả đơn vị và cơ quan gồm 500 cán bộ, chiến sĩ.
Một sự trùng lặp ngẫu nhiên nhưng đầy ý nghĩa, ngày Đoàn chính thức nhận nhiệm vụ cũng là kỷ niệm ngày sinh nhật lần thứ 69 của Bác Hồ, nên Đoàn đề nghị được lấy ngày 19 tháng 5 năm 1959 là ngày truyền thống của đoàn và Đoàn công tác quân sự đặc biệt được lấy tên là Đoàn 559, và như là một biện chứng con đường Trường Sơn được Đoàn 559 khai phá sau này cũng được chiến sĩ, đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế gọi là Đường Hồ Chí minh.
Chỉ trong thời gian ngắn, Đoàn 559 đã định hình ổn định về tổ chức, nhiệm vụ và phương thức hoạt động là tuyệt đối bí mật và an toàn.
Cuối tháng 5 năm 1959, Đoàn đã tuyển được 440 cán bộ, chiến sỹ, tổ chức hoàn chỉnh Đoàn 301 (tương đương tiểu đoàn), các chiến sỹ đều là quê miền Nam xây dựng gia đình ở miền Bắc và một số đã qua đào tạo ở các trường trong và ngoài quân đội. Nhưng theo tiếng gọi của quê hương, của cách mạng mọi người đều hăng hái lên đường đi chiến đấu. Sau khi ổn định tổ chức toàn tiểu đoàn bước vào học tập tình hình nhiệm vụ cách mạng. Các cán bộ, chiến sỹ sẽ được phổ biến về Nam công tác, song tuyệt đối phải giữ bí mật ngay cả với gia đình và người thân. Yêu cầu đối với mỗi cán bộ, chiến sỹ lúc này là hoàn toàn tự nguyện, sẵn sàng cống hiến hi sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Mỗi cán bộ, chiến sĩ đều nhận rõ vinh dự, tự hào, đồng thời cũng nhận rõ đây sẽ là một trận tuyến mới thầm lặng nhiều thử thách khốc liệt. Ở đây người lính không chỉ chiến đấu với kẻ thù mà còn phải chống chọi với thời tiết nghiệt ngã, với thú dữ… của núi rừng Trường Sơn.
Bộ đội và Thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn phục vụ vận tải bằng cơ giới.
Đến tháng 6 năm 1959, bộ đội Trường Sơn bắt đầu vượt sông Bến Hải và phân bố các đơn vị vào các binh trạm.
Ngày 13 tháng 8 năm 1959, chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn. Với quyết tâm giành thắng lợi trận đầu, cán bộ, chiến sĩ các cung trạm đã không quản núi cao, suối sâu, đêm tối và hệ thống đồn bốt chặn nghiêm ngặt của địch, tuyệt đối đảm bảo bí mật, an toàn đưa số vũ khí đến cho Liên khu 5 ở phía bắc A Sầu, A Lưới (Khe Sanh). Đây là mốc to lớn đối với cách mạng Việt Nam vì một khẩu súng, một viên đạn đến với chiến trường là thể hiện lòng dân ý Đảng, là tình cảm của Bác Hồ, của nhân dân miền Bắc gửi gắm đồng bào, chiến sĩ miền Nam.
Để đẩy mạnh việc cho viện. Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy Trung ương chủ trương mở thêm tuyến chi viện đường biển. Cuối năm 1959 tuyến hành lang giao liên vận tải quân sự Trường Sơn đã được thiết lập và thật sự trở thành cầu nối giữa căn cứ miền Bắc với chiến trường miền Nam.
Đoàn 559 tổ chức vận chuyển bằng xe cơ giới chi viện cho chiến trường miền Nam, 1964-1965.
Phát huy thắng lợi của chuyến đi đầu tiên, đồng thời tranh thủ yếu tố bí mật, bất ngờ, toàn Đoàn dốc sức chuyển hàng và dẫn quân qua tuyến. Đến hết tháng 8 năm 1959, Đoàn 559 đã chuyển giao cho Liên khu 5 được 60 súng trung liên, 100 súng tiểu liên, súng trường và hàng nghìn viên đạn súng bộ binh. Cuối năm 1959, Đoàn đã chuyển vào Tà Riệt – Pa Lin 1667 khẩu súng bộ binh, hàng trăm nghìn viên đạn, súng trường, tiểu liên, súng ngắn…ngoài ra Đoàn còn đưa 542 cán bộ, chiến sĩ, phần lớn là cán bộ chỉ huy, cán bộ kỹ thuật quân khí vào làm nhiệm vụ ở miền Nam.
Trải qua những ngày tháng gian khổ, Đoàn vận tải quân sự chiến lược 559 đã tiến được những bước mở đầu quan trọng trên con đường chiến lược Bắc – Nam. Từ những bước lặng lẽ soi đường mở lối đầu tiên, những người lính Trường Sơn (Bộ đội Trường Sơn) vẫn đã làm nên con đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh huyền thoại với 5 trục đường dọc, 21 trục đường ngang, 500 km đường sông, 1.400 km đường ống xăng dầu. Tổ chức hành quân cho hơn 2 triệu lượt bộ đội, cán bộ ra vào qua chiến trường Trường Sơn, vận chuyển hàng chục triệu tấn vũ khí, trang thiết bị quân sự cho chiến trường miền Nam, đánh 2.500 trận, tiêu diệt rất nhiều quân địch, phá hủy hàng trăm xe quân sự, hàng nghìn súng các loại, bắn rơi hơn 2.450 máy bay địch.
Bộ đội hành quân vào chiến trường miền Nam bằng tuyến đường Trường Sơn.
Bộ đội Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử, làm cho con đường mang tên Bác là cầu nói không gì phá vỡ nổi giữa hậu phương với tiền tuyến lớn, hậu phương vững chắc của chiến trường miền Nam Đông Dương, căn cứ xuất phát tiến công của các binh đoàn chủ lực góp một phần rất quan trọng vào thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Bằng sự cống hiến to lớn của mình, bộ đội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí minh, Huân chương Công quân hạng Nhất, Nhì, Ba…, 82 đơn vị, 47 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, hàng vạn cán bộ chiến sĩ được tặng Huân, Huy chương và các danh hiệu cao quý khác.
Huệ - Chính (tổng hợp)
Nguồn:
- Đại tướng Văn Tiến Dũng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. NXB Quân đội Nhân dân 2005.
- Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam 1944 – 1975. NXB Quân đội Nhân dân 2005.
- Việt Nam những sự kiện lịch sử 1945 – 19754. NXB Giáo dục.
- Những con đường huyền thoại, Đường mòn Hồ Chí minh, Đường Hồ Chí minh trên biển. NXB Lao động.
- Hồ sơ Đường mòn Hồ Chí minh huyền thoại. NXB Lao động 2010.
- Hỏi đáp về Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. NXB Quân đội Nhân dân 2009.
- Đường Hồ Chí minh trong chiến tranh. NXB Chính trị Quốc gia 2007.