Đến năm 1943, trên chiến trường châu Âu đã có sự thay đổi căn bản trong cán cân so sánh lực lượng giữa Phát xít với Liên Xô và phe các nước Đồng minh. Tính đến cuối năm 1943, thất bại của phe Phát xít đã lên đến con số khủng khiếp, khối Phát xít bắt đầu tan vỡ với sự đầu hàng của Phát xít Italia, trong khi đó Liên Xô ngày càng lớn mạnh và mối quan hệ giữa các nước trong phe Đồng minh được tăng cường.
Adolf Hille- người đã gây ra Chiến tranh thế giới thứ II (1939-1945).
Từ mùa hè 1943 trở đi, không quân Anh - Mỹ oanh tạc nước Đức liên tục, những trung tâm công nghiệp lớn nhất của Đức như Laixich, Hămbua, Beclin… đều bị tàn phá nặng nề.
Ngày 12/1/1945, sư đoàn Hồng quân Liên Xô và các đơn vị quân đội Ba Lan, Tiệp Khắc, Bungari, Rumani đã mở cuộc tấn công mãnh liệt vào quân Đức trên một chiến tuyền dài 1.200km từ bờ biển Ban Tích đến Hắc Hải. Đây là cuộc tấn công lớn nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Trong vòng 3 tháng, Hồng Quân đã chọc thủng toàn bộ phòng tuyến phía Đông của phát xít Đức, giải phóng hoàn toàn Ba Lan với thủ đô Vacxava (17/1), toàn bộ Hunggari với thủ đô Budapet (18/2), phần lớn nước Áo với thủ đô Viên (18/4), miền Đông Tiệp Khắc, Đan Mạch, chiếm Đông Phổ… tiến sâu vào lãnh thổ nước Đức nhằm thẳng theo hướng thủ đô Beclin.
Giữa lúc cuộc tiến công của Liên Xô đang giành thắng lợi, một hội nghị giữa với sự tham dự của 3 nguyên thủ của ba siêu cường Liên Xô - Anh - Mỹ diễn ra ở Ianta hay còn gọi là hội nghị Crưm (Liên Xô), diễn ra từ ngày 4 đến ngày 11/2/1945.
Các vấn đề quan trọng được thông qua trong hội nghị như đã vạch kế hoạch tác chiến tiêu diệt hoàn toàn phát xít Đức và ấn định những điều khoản buộc chúng phải đầu hàng không điều kiện. Hội nghị đã xác định các nước Đồng Minh chiếm đóng nước Đức chỉ là tạm thời, đồng thời chấp nhận phần lớn những đề nghị của Liên Xô về việc dân chủ hóa nước Đức, và những biện pháp giải trừ nhằm mục đích không để cho chủ nghĩa phát xít có cơ hội trở lại con đường gây chiến.
Các nguyên thủ của ba siêu cường Liên Xô - Anh - Mỹ tham dự hội nghị quốc tế Ianta hay còn gọi là hội nghị Crưm (Liên Xô), diễn ra từ ngày 4 đến ngày 11/2/1945.
Trong hội nghị này các siêu cường đã thông qua quyết định thành lập tổ chức Liên Hiệp Quốc nhằm củng cố hòa bình và an ninh thế giới. Ngoài ra Liên Xô đã thỏa thuận với Anh - Mỹ, 2 hoặc 3 tháng sau khi chiến tranh chống Đức kết thúc, Liên Xô sẽ tham gia cuộc chiến tranh chống Nhật ở Viễn Đông. Hội nghị Ianta đã đạt được những thành công nhất định, trong đó phải kể đến việc đã phá bỏ được âm mưu của Đức trong việc chia rẽ Anh - Mỹ với Liên Xô.
Bộ chỉ huy quân đội Xô viết bàn kế hoạch tấn công Béclin, dinh lũy cuối cùng của chủ nghĩa Phát xít.
Cuộc tấn công phát xít Đức ở mặt trận phía Tây bắt đầu từ tháng 2/1945 với lực lượng của 4 triệu quân Anh - Mỹ và các nước đồng minh khác. Sang tháng 3, quân đồng minh vợt sông Ranh, tràn vào nước Đức. Quân Anh của thống chế Mông-gô-mê-ri giải phóng Hà Lan và tiến vào vùng Tây Bắc. Quân đội Mỹ tiến thẳng vào trung tâm, và một đạo quân Mỹ khác tiến vào phía Nam. Đội quân Liên Xô và quân Anh - Mỹ gặp nhau trên bờ sông En-bơ. Ở Ý, ngày 28/4 du kích Ý nổi lên xử tử Mut-xô-li-ni (là thủ tướng độc tài cai trị phát xít Ý).
Dàn hỏa tiễn Cachiusa rót bão lửa vào Béc-lin.
Quân đội Xô viết tấn công trong thành phố.
Trận BecLin (16/4 - 2/5/1945) là chiến công lịch sử của quân đội Xô Viết, đã đi vào lịch sử thế giới như một chiến công hiển hách chống lại chủ nghĩa Phát xít. Trong trận chiến này, Hitle đã bố trí một lực lượng vô cùng hùng hậu với hơn 90 sư đoàn, 1500 xe tăng, trên 300 máy bay và ngay trong thành phố phát xít Đức đã thành lập đội dân quân phòng vệ đông đến 20 vạn người, được trang bị vũ khí hiện đại. Để chiến thắng lại phát xít Đức, Bộ tổng tư lệnh tối cao Liên Xô đã huy động lực lượng trên cả hai phương diện quân gồm 2,5 triệu người, 6250 xe tăng, 7500 máy bay. Hồng quân khép vòng vây, phà vỡ phòng tuyến địch ở sông Ôde, bao vây Beclin và chiến đấu quyết liệt trên từng con phố. Hitle tự sát trong hầm chỉ huy (30/4), cờ của Liên Xô được cắm trên nóc nhà Quốc hội Đức vào chiều cùng ngày. Ngày 2/5 Hồng quân chiếm toàn bộ thủ đô Beclin, 7 vạn quân Đức còn lại đã đầu hàng không điều kiện.
Các chiến sĩ Hồng quân cắm cờ trên nóc tòa nhà Quốc hội Đức, 5/1945.
Đêm ngày 8 rạng ngày 9/5/1945, tại Beclin, Chính phủ mới của Đức ký kết văn kiện đầu hàng không điều kiện trước đại biểu các nước Đồng minh. Các nước đồng minh là Liên Xô - Mỹ - Anh - Pháp phân chia phạm vi ảnh hưởng (Liên Xô nắm quyền quân quản miền Đông Đức và Đông Beclin; 3 nước còn lại nắm quyền quân quản tại Tây Đức và Tây Beclin), với sự kiện này, chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt ở châu Âu.
Sự thất bại của Phát xít Đức ở châu Âu đã tạo thế tiến công tiêu diệt phát xít Nhật ở Viễn Đông. Với những đợt tấn công liên tiếp của Liên Xô đánh tan đội quân Quan Đông (từ 9 - 20/8/1945), Mỹ đội hai quả bom nguyên tử xuống thanh phố Hirosima (6/8) và Nagasaki (9/8). Những hàng động này đã tác động sâu sắc nhất, đưa đến việc chính phủ Nhật tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện, chấm dứt Thế chiến thứ hai.
Chiến tranh thế giới lần thứ hai là cuộc chiến tranh lớn nhất, khốc liệt nhất và tàn phá nặng nề nhất trong lịch sử loài người. Thắng lợi của Liên Xô và phe Đồng minh trong cuộc chiến tranh đã dẫn đến sự biến đổi căn bản của tình hình thế giới. Thắng lợi này đã kết thúc một thời kỳ của lịch sử thế giới hiện đại, tạo ra những tiền đề đưa lịch sử thế giới chuyển sang một thời kỳ mới.
Thu Nhuần (tổng hợp)
TLTK:
- Lịch sử thế giới hiện đại 1917-1945, Nguyễn Anh Thái chủ biên. NXB Đại học QG Hà Nội, 1988.
- Bộ thông sử thế giới vạn năm, tập II B: Lịch sử thế giới hiện đại (g/đ từ 1929- 1945”. NXB Văn hóa TT, 2004.