Thứ Sáu, 11/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

09/05/2014 15:58 4585
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc oanh liệt cuộc tiến công chiến lược Đông – Xuân năm 1953 – 1954 của quân đội và nhân dân Việt Nam anh hùng; kế hoạch Na va của giới cầm quyền Pháp – Mỹ hoàn toàn bị phá sản, cục diện chiến tranh đã xoay chuyển, tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh của Đảng ta trên mặt trận ngoại giao.

Tình hình thế giới:

Bước sang năm 1953, tình hình thế giới phát triển ngày càng thuận lợi cho cuộc chiến tranh của nhân dân ta. Lực lượng của phe hòa bình – dân chủ thế giới ngày càng lớn mạnh. Liên Xô, Trung Quốc liên tiếp thu được nhiều thành tích vĩ đại trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đảng Cộng sản Italia và Pháp đã giành thắng lợi trong cuộc tuyển cử. Các phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên khắp thế giới ngày càng phát triển.

Việt Nam trở thành một điểm nóng ở Đông Nam Á và khu vực Thái Bình Dương. Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã làm cho Pháp bị hao tổn rất lớn (từ năm 1946 đến năm 1953 tốn hơn 3000 tỷ frăng). Trên chiến trường Việt Nam, lực lượng quân Pháp bị tiêu hao ngày càng nhiều. Tính đến tháng 11 năm 1952, gần 32 vạn lính Pháp bị tiêu diệt, thế bị động của quân Pháp ngày càng lộ rõ. Tháng 10 năm 1953, Quốc hội Pháp có một cuộc thảo luận về Đông Dương, nhiều nghị sĩ đòi Chính phủ Pháp phải đàm phán ngay với phía Việt Nam để đi đến kết thúc chiến tranh.

Ngày 8 tháng 12 năm 1953, trong Hội nghị Bermudes, nước Anh, Pháp, Mỹ, thỏa thuận cùng hành động sớm để giải quyết vấn đề Đông Dương. Liên Xô đề nghị triệu tập Hội nghị tứ cường gồm các nước: Liên Xô, Anh, Pháp, Mỹ tại Berlin. Ngày 18 tháng 2 năm 1954, Hội nghị Tứ cường đã thỏa thuận triệu tập Hội nghị quốc tế tại Giơnevơ có đại diện của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tham dự để bàn giải pháp chính trị cho vấn đề Triều Tiên và giải quyết vấn đề chiến tranh Đông Dương.

Tình hình trong nước

từ Thu – Đông năm 1950 trở đi, quân ta ngày càng thắng to và nắm được quyền chủ động trên chiến trường chính, đã giải phóng được phần lớn vùng Tây Bắc; chiến tranh du kích phát triển mạnh; quân đội ngày càng trưởng thành cả về số lượng và chất lượng; Mặt trận Việt Minh được củng cố; khối liên minh ba nước Đông Dương đã rất chặt chẽ; kinh tế chính trị ngày một ổn định. Chúng ta kiên quyết chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, nhưng vẫn sẵn sàng tìm một giải pháp thương lượng đảm bảo độc lập, thống nhất của Việt Nam.

Trong bối cảnh quốc tế (sau Hiệp định Bàn Môn Điếm tháng 7 năm 1953), Đảng đã ta nhận định: “Hiện nay đường lối chung của phe hòa bình trên thế giới là dùng mọi cách để gây lại và tăng cường hòa hoãn quốc tế, giữ gìn và củng cố hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc”.

Song với chủ trương đẩy mạnh các hoạt động quân sự của cuộc kháng chiến. Đảng, Chính phủ và nhân dân ta quyết định mở mặt trận đấu tranh ngoại giao, đặc biệt là những hoạt động nhằm tăng cường đoàn kết chiến đấu giữa các lực lượng kháng chiến của hai nước anh em trên bán đảo Đông Dương.

Ngày 19 tháng 12 năm 1953, nhân kỷ niệm bảy năm toàn quốc kháng chiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nếu Chính phủ Pháp muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và muốn giải quyết vấn đề về Việt Nam theo lối hòa bình, thì nhân dân và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng sẵn sàng nói chuyện”. (trong Lời kêu gọi chiến sỹ và đông bào cả nước).

Ngày 3 tháng 12 năm 1953, Chính phủ Pháp tuyên bố muốn biết lập trường của Việt Nam và bày tỏ ý sẵn sàng xem xét việc lập lại hòa bình, đảm bảo độc lập cho các quốc gia liên kết. Đồng thời Pháp đồng ý triệu tập Hội nghị quốc tế Giơnevơ (lúc đó ta chưa mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ). Tướng Nava còn đang tự hào về tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và tin tưởng ở viện trợ của Mỹ đang rót vào Đông Dương để Pháp đi vào đàm phán trên thế mạnh.

Ngày 5 tháng 3 năm 1954, Quốc hội Pháp mở phiên họp đặc biệt về vấn đề Đông Dương, thông qua nghị quyết hoan nghênh việc triệu tập Hội nghị quốc tế Giơnevơ đảm bảo hòa bình và an ninh của quốc gia liên kết trong khôi Liên hiệp Pháp.

Nắm vững diễn biến và tình hình quốc tế và trong nước, nhận lời mời của Trung Quốc và Liên Xô. Trung ương Đảng và Chính phủ ta giao nhiệm vụ cho đồng chí Phạm Văn Đồng và một số cán bộ tham dự Hội nghị Giơnevơ.

Để chuẩn bị tham dự Hội nghị Giơnevơ, cuối tháng 3 năm 1954, đồng chí Phạm Văn Đồng và các thành viên trong đoàn đã sang Trung Quốc, Liên Xô để tham khảo kinh nghiệm dự các Hội nghị quốc tế và chuẩn bị thêm tài liệu.

Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến Giơnevơ (Thụy Sĩ) dự Hội nghị bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương, 1954.

Vào ngày 26 tháng 4 năm 1954, Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương chính thức được khai mạc. Tham gia Hội nghị gồm có 9 đoàn đại biểu tham gia:

Phái đoàn Anh do Anthony Eden làm trưởng đoàn.

Phái đoàn Hoa Kỳ do Bedell Smith làm trưởng đoàn.

Phái đoàn Liên Bang Xô Viết do Viacheslay Molotov làm trưởng đoàn.

Phái đoàn Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do Chhu Ân Lai làm trưởng đoàn.

Phái đoàn Pháp do Georges Bidault làm trưởng đoàn.

Phái đoàn Quốc gia Việt Nam do Nguyễn Quốc Định làm trưởng đoàn sau thay thế là Nguyễn Trung Vinh rồi Trần Văn Đỗ.

Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn.

Phái đoàn Vương Quốc Lào do Phumi Sananikone làm trưởng đoàn.

Phái đoàn Campuchia do Tep Than làm trưởng đoàn.

Hai phái đoàn Pathet Lào và Khme Issarak không được chính thức tham gia hội nghị các nguyện vọng của hai đoàn này được Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trình bày trước hội nghị.

Thứ trưởng Bộ quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Bộ tổng tư lệnh ký Hiệp định đình chiến, 1954.

Từ ngày 8 tháng 5 đến ngày 23 tháng 6 năm 1954, các bên trình bày lập trường của mình về cách giải quyết vấn đề Việt Nam và Đông Dương.

Với tư cách đại diện cho một dân tộc vừa mới chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, tại diễn đàn hội nghị, Phạm Văn Đồng đã tuyên bố lập trường của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương phải là một giải pháp toàn bộ về chính trị và quân sự cho cả Việt Nam, Lào, Cam pu chia trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền.

Nhân dân Việt Nam mittinh ủng hộ về việc triệu tập Hội nghị Giơnevơ, 1954.

Do sự đối sánh của các lực lượng trên phạm vi thế giới và khu vực, trực tiếp là sự đối sánh trên chiến trường chi phối và lợi ích của các nước tham dự hội nghị khác nhau, nên cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao ở hội nghị diễn ra gay go, phức tạp. Trải qua 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp, ngày 21 tháng 7 năm 1954, các hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Cam pu chia lần lượt được ký kết. Bản tuyên bố cuối cùng về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương đã được đại diện các nước dự hội nghị chấp thuận cam kết chính thức. Đại diện Mỹ ra tuyên bố riêng thừa nhận tôn trọng hiệp nghị.

Toàn cảnh Hội nghị về Đông Dương tại Giơnevơ, 1954.

Hiệp định Giơ ne vơ đã được ký kết là một thắng lợi vĩ đại của nhân dân và quân đội ta đã đoàn kết, nhất trí, anh dũng chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta. Đó là kết quả của chín năm kháng chiến trường kỳ gian khổ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Trong chiến công chung đó là một phần đóng góp rất quan trọng của đồng chí Phạm Văn Đồng với tư cách là Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Giơ ne vơ, bàn về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương.

Huệ- Chính (Tổng hợp)

Nguồn:

  1. Bộ ngoại giao. Phạm Văn Đồng và ngoại giao Việt Nam. NXB Chính trị Quốc gia 2006.
  2. Phạm Văn Đồng tiểu sử. NXB Chính trị Quốc gia 2007.
  3. Lê Mậu Hãn, Trần Bá Đệ, Nguyễn Văn Thư. Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập III. NXB Giáo dục.
  4. Việt Nam những sự kiện Lịch sử 1945 – 1975. NXB Giáo dục.
  5. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4878

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

5 -1953 - Chiến dịch Thượng Lào thắng lợi.

5 -1953 - Chiến dịch Thượng Lào thắng lợi.

  • 08/05/2014 16:34
  • 9904

Sau thất bại ở Tây bắc (10/1952), hậu phương vùng quân Pháp quản lý bị thu hẹp, do đó Bộ chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp vội vàng đưa quân co về củng cố tuyến phòng thủ ở Thượng Lào hòng tạo cơ sở cho việc giành lại thế chủ động trên chiến trường Đông Dương. Thực hiện kế hoạch này, chúng phân Thượng Lào thành hai khu (miền núi và đồng bằng), trong mỗi khu có hai phân khu; đồng thời, ráo riết củng cố tổ chức, bổ sung quân số, vũ khí.