Thứ Năm, 17/04/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

06/05/2014 16:17 4308
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Vào hạ tuần tháng 4 năm 1954, tình hình quân địch đã trở nên hết sức nguy khốn. Tuy nhiên ở phía đông, chúng vẫn còn giữ hai phần ba ngọn đồi A1 và một nửa ngọn đồi C1. Vùng trời của chúng bị thu hẹp rất nhiều, nhưng chúng vẫn tiếp nhận được một phần tiếp tế do máy bay vận tải của chúng thả xuống. Về phía ta, tinh thần chiến đấu của bộ đội rất cao, các khó khăn về cung cấp đều được khắc phục kịp thời. Quân ta đề ra đợt tiến công thứ ba: đánh chiến điểm cao cuối cùng ở phía đông, tiêu diệt một số cứ điểm khác của địch, thu hẹp hơn nữa phạm vi đóng quân và vùng trời của chúng, uy hiếp mạnh tung thâm của chúng, năm vững thời cơ tiến hành tổng công kích, tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Đêm 1-5, đợt tiến công thứ ba bắt đầu. Quân ta nhanh chóng tiêu diệt quân địch còn kiểm soát nửa quả đồi C1, chiếm toàn bộ ngọn đồi. Cũng trong đêm đó, quân ta đã tấn công, tiêu diệt nhanh chóng hai vị trí 505 và 505A ở dưới chân các ngọn đồi phía đông, nằm trên tả ngạn sông Nậm Rốm. Ở phía tây, vị trí 311A của địch cũng bị tiêu diệt gọn. Ở phân khu nam, quân ta tiêu diệt một bộ phận quân địch đóng ở phía đông bắc Hồng Cúm. Sang đêm ngày 3 tháng 5, quân ta lại tiêu diệt thêm vị trí 311B ở phía tây. Trận địa tiến công và bao vây của ta càng thắt chặt lại, có nơi cách sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm khoảng 300m.

Các chiến sĩ xung kích cắt hàng rào dây thép gai, mở đẩu cuộc tiến công khu vực đồi C1, Điện Biên Phủ, 1954.

Trước tình hình đó, quân địch có dấu hiệu muốn mở một con đường máu để phá vòng vây. Nava và các tướng tá Pháp- Mỹ đã nhận thấy rằng Điện Biên Phủ sắp bị tiêu diệt đến nơi. Chúng dự định thu thập lực lượng tổ chức thành ba cánh quân, thừa lúc ban đêm đột phá vòng vây của ta, tháo chạy về phía Lào: một cánh gồm các đơn vị dù rút theo hướng đông nam; một cánh gồm các đơn vị lê dương và Bắc Phi rút theo hướng nam; một cánh gồm các đơn vị ở Hồng Cúm rút theo hướng tây. Để tạo thêm điều kiện thực hiện kế hoạch rút chạy, Nava vội vã ném một tiểu đoàn dù thuộc địa xuống Điện Biên Phủ. Trong lúc đó, ở phía Thượng Lào, chúng sẽ cho một cánh quân tiến sang để đón. Riêng tướng Đờ Cátxtơri và một số đơn vị thì được chỉ định ở lại với thương binh ở Điện Biên Phủ. Chúng ta đã theo dõi sát những ý định và sự chuẩn bị của chúng; các đơn vị của quân ta có nhiệm vụ giữ các trận địa ở phía tây đã được lệnh kiểm soát chặt chẽ tất cả các con đường lớn, nhỏ đi từ Điện Biên Phủ ra biên giới Việt- Lào.

20 giờ 30 phút ngày 6-5-1954, toàn bộ pháo binh mặt trận và một đại đội hỏa tiễn mới được tăng cường bắn phá dồn dập vào bên trong tập đoàn cứ điểm. 20 giờ 45 phút quân ta mở cuộc tiến công vào đồi A1. Tại đồi A1, trong thời gian chuẩn bị, công binh ta đã đào sẵn một hầm ngầm đi sâu vào giữa ngọn đồi và đã đặt sẵn một tấn thuốc nổ. Được sự phối hợp chặt chẽ của công binh, sau tiếng nổ của khối bộc phá, quân ta đã chia làm nhiều mũi, từ nhiều hướng đánh vào vị trí của địch, tiêu diệt toàn bộ tiểu đoàn dù lê dương chiếm đóng ở đó. Chúng ta đã đánh chiếm điểm cao cuối cùng. Quân địch dùng bộ binh và xe tăng ra phản kích hòng chiếm lại cứ điểm quan trọng này. Đứng vững trên thế cao, với tinh thần quyết chiến quyết thắng, quân ta đã đánh cho địch thất bại phải tháo chạy về Mường Thanh.

Các đơn vị xung kích đang tấn công địch trên đồi A1, Điện Biên Phủ, 1954.

Xe tăng 18 tấn của địch ra phản kích trên đồi A1, bị súng DKZ của bộ đội ta bắn cháy.

Cũng trong đêm ấy, quân ta tiêu diệt quân địch và đánh chiếm đồi C2, đây là điểm cao phụ nằm giữa ngọn đồi C1 và sông Nậm Rốm. Các vị trí 506 của địch ở phía bắc cầu Mường Thanh, 310 ở phía tây cũng bị tiêu diệt. Sau các cuộc tiến công thắng lợi của quân ta, địch đã mất tất cả các điểm cao ở phía đông, lực lượng bị tiêu diệt thêm một phần quan trọng, phạm vi chiếm đóng bị thu lại rất hẹp, mỗi chiều chỉ còn từ 700, 800m đến 1km, tinh thần binh sĩ của chúng hoang mang cực độ.

Mọi điều kiện đã đầy đủ để chuyển sang tổng công kích. Trong khi chúng ta đang đẩy mạnh công tác chuẩn bị, để đảm bảo thắng lợi cho cuộc tổng công kích thì sáng ngày 7-5-1954, có những dấu hiệu rất đáng chú ý về tình hình địch. Những máy bay tiếp tế vũ khí đạn dược đều quay về Hà Nội, không thả dù, chỉ có một số máy bay thả ít nhiều dù lương thực. Lác đác ở một số nơi khu địch đóng quân, ta phát hiện có nhiều tiếng nổ do quân địch đang phá hủy một số vũ khí. Một số binh lính của chúng vứt súng đạn xuống sông Nậm Rốm. Chúng ta nhận định trong hàng ngũ địch đang xảy ra tình trạng hỗn loạn. Bộ đội ta được lệnh chuẩn bị sẵn sàng.

14 giờ ngày 7 tháng 5, một đơn vị của ta mở cuộc tiến công vào vị trí 507, ở gần cầu Mường Thanh. Địch đối phó yếu ớt, toàn bộ binh lính địch kéo cờ trắng ra hàng. Tiếp đó, quân ta phát triển tiến công tiêu diệt luôn hai vị trí 508 và 509 nằm trên tả ngạn sông Nậm Rốm. Quân địch đã rối loạn, mất hết tinh thần chiến đấu; ở một số nơi đã có những lá cờ trắng xuất hiện.

Bộ đội ta vượt sông Nậm Rốm và sân bay Mường Thanh tiến thẳng vào khu trung tâm, Điện Biên Phủ, 1954.

15 giờ ngày 7 tháng 5, quân ta được lệnh không chờ đến tối, nắm ngay cơ hội thuận lợi , lập tức mở cuộc tổng công kích vào tập đoàn cứ điểm. Các đại đoàn của ta lập tức hành động, từ phía đông và phía tây giáp công, đánh thắng vào sở chỉ huy của địch. Mặc dù, quân địch còn khoảng một vạn tên nhưng tinh thần của chúng đã hoàn toàn tan rã. Quân ta đánh đến đâu, địch giương cờ trắng ra hàng đến đó.

17 giờ 30 phút, quân ta đánh chiếm Sở chỉ huy của địch: tướng Đờ Cátxtơri và toàn bộ Bộ Tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị quân ta bắt sống. Toàn bộ địch còn lại lũ lượt, kéo nhau ra hàng. Chúng đều bị bắt làm tù binh và được ta đối đãi tử tế. Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng của quân ta đã phất cao trên cánh đồng Điện Biên Phủ. Ngay trong đêm đó, ta tiến công địch ở phân khu nam. Quân địch ở đây có trên 2.000 tên, định tìm đường rút chạy về phía Thượng Lào. Quân ta lập tức được lệnh chặn bắt, đến 24 giờ thì toàn bộ quân địch bị bắt làm tù binh. Sau 56 ngày đêm chiến đấu liên tục, quân ta đã tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng.

Cờ “Quyết chiến Quyết thắng” tung bay trên nóc hầm Sở chỉ huy của địch, ngày 7-5-1954.

Tướng Đờ Cátxtơri và Bộ Tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị ta bắt sống, ngày 7-5-1954.

Đợt tiến công thứ 3, kết thúc thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ đã thể hiện được sự xuất sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Điểm phát triển đặc sắc của nghệ thuật chiến dịch trong đợt 3 là xác định đúng thời cơ, đánh đòn quyết định cuối cùng. Thời cơ đúng là khi phát hiện địch có triệu chứng tháo chạy, lập tức hình thành lực lượng, thọc sâu, tiến thẳng vào Sở chỉ huy của đối phương, bắt tướng chỉ huy và Bộ Tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Thực dân Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ là hệ quả tất yếu của những toan tính chiến lược sai lầm, mà trên hết Pháp đã không thấy hết sức mạnh của một dân tộc đã kiên quyết đứng lên cầm súng chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, không đánh giá đúng sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng tiên phong và lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh. Chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại sẽ mãi mãi cổ vũ nhân dân ta, dân tộc ta và các dân tộc bị áp bức trên thế giới, kiên quyết tiến lên giành những thắng lợi mới ngày càng to lớn hơn. Với các thế hệ mai sau, Điện Biên Phủ sẽ sống mãi.

Chu Lộc- Phương Thảo (tổng hợp)

Nguồn:

  1. Sự kiện và Nhân chứng, số 125, tháng 5- 2004.
  2. Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Điện Biên Phủ 50 năm nhìn lại. Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội- 2004.
  3. Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Điện Biên Phủ. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội- 2010.
  4. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 5508

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Những khoảnh khắc lịch sử của mùa xuân năm 1975

Những khoảnh khắc lịch sử của mùa xuân năm 1975

  • 30/04/2014 22:00
  • 3920

Đại thắng mùa xuân năm 1975 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt, để gần 40 năm sau, mỗi khoảnh khắc của thời điểm ấy vẫn khiến thế hệ sau xúc động tận tâm can...