Thứ Sáu, 11/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

25/04/2014 23:44 4961
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Thắng lợi của cuộc cuộc kháng chiến chống Mĩ đã giành lại độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chấm dứt tình trạng đất nước bị chia cắt. Kế tiếp những thắng lợi trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung lần thứ nhất (1946), đồng thời hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước, Ban chấp hành Trung ương Đảng quyết định tiến hành cuộc tổng tuyển cử chung trong cả nước lần thứ 2.

Sau chiến thắng lịch sử 30/4/1975, nước ta hoàn toàn thống nhất, song về mặt lãnh thổ trên mỗi miền lại có một hình thức tổ chức nhà nước khác nhau. Ở Miền Bắc, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, các cấp Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính địa phương. Ở miền Nam có Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn của Chính phủ, các cấp là Ủy ban nhân dân cách mạng ở địa phương.

Từ thực tế đó, sau khi miền Nam được giải phóng một trong những nguyện vọng thiết tha nhất của nhân dân là hai miền Nam - Bắc là sớm được thống nhất. Xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân cả nước, đồng thời phù hợp với thực tế lịch sử của dân tộc, Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp trong tháng 9/1975 đề ra nhiệm vụ thống nhất đất nước. Hội nghị nhấn mạnh: “Thống nhất đất nước vừa là nguyện vọng thiết tha của nhân dân cả nước, vừa là quy luật khách quan của sự phát triển cách mạng Việt Nam, của lịch sử dân tộc Việt Nam”. Từ đó những công việc nhằm tiến tới chuẩn hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước được thúc đẩy nhanh chóng.

Trong hai ngày 5 và 6 /11/1975, Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam , Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn của Chính phủ cùng đại diện các nhân sĩ, trí thức yêu nước, dân chủ, đã mở Hội nghị liên tịch (mở rộng) tại Sài Gòn. Hội nghị tiến hành thỏa thuận và đã đi đến nhất trí về sự cần thiết sớm hoàn thành thống nhất đất nước, trước hết về mặt nhà nước. Hội nghị cũng đã đề xuất những nguyên tắc và biện pháp tiến hành hiệp thương giữa hai miền Nam - Bắc và cử đoàn đại biểu miền Nam tham dự hội nghị hiệp thương với đoàn đại biểu miền Bắc.

Từ ngày 15 đến ngày 21/11/1975, Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất đất nước được tổ chức tại Sài Gòn. Hai đoàn đại biểu đại diện cho hai miền tham dự hội nghị. Đoàn đại biểu miền Bắc gồm 25 đại biểu, do đồng chí Trường Chinh, Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn, đoàn miền Nam gồm 25 đại biểu do đồng chí Phạm Hùng- Bí thư Trung ương Cục Miền Nam làm trưởng đoàn.

Hội nghị đã tiến hành thảo luận và đi đến nhất trí hoàn toàn mọi vấn đề thuộc về chủ trương, bước đi, biện pháp nhằm thống nhất đất nước về mặt nhà nước. Thực hiện chủ trương của hội nghị, từ tháng 2/1976 công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tiến tới tổng tuyển cử được triển khai. Ngày 25/4/1976, cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung lần thứ 2 (lần thứ nhất- 6/1/1946) được diễn ra trên phạm vi cả nước. Hơn 23 triệu cử tri (chiếm 98,8%) đi bỏ phiếu, 492/605 ứng cử viên đã trúng cử, trong đó có 80 đại biểu là công nhân, 100 đại biểu là nông dân, 54 đại biểu là quân nhân cách mạng, 141 đại biểu là cán bộ chính trị, 98 đại biểu là trí thức và nhân sĩ dân chủ, 13 đại biểu tôn giáo và 6 đại biểu làm nghề thủ công.

Tháng 6/1976, Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất với 492 đại biểu, được gọi là Quốc hội khóa VI với ý nghĩa kế tục sự nghiệp của 5 khóa quốc hội trước, họp kỳ họp đầu tiên tại Hà Nội. Đây là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử quan trọng, là kỳ họp hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước, tạo tiền đề cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước đi lên sau các cuộc chiến tranh.

Thu Nhuần (tổng hợp)

Nguồn:

  1. Lê Mẫu Hãn, “Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 3, nxb Giáo dục, 2007.
  2. Viện khoa học xã hội Việt Nam, viện sử học, “Việt Nam những sự kiện kịch sử 1975 -2000”, nxb Giáo dục, 2008.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4878

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên biên giới Tây Nam của nhân dân Việt Nam (từ ngày 30 -4 -1977 đến 7-1-1979)

Cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên biên giới Tây Nam của nhân dân Việt Nam (từ ngày 30 -4 -1977 đến 7-1-1979)

  • 25/04/2014 10:33
  • 15840

Trên chiều dài lịch sử của mỗi nước, sau mỗi cuộc chiến tranh thường có một giai đoạn tương đối để điều chỉnh lại thế chiến lược mới, hoặc là để khắc phục những hậu quả của chiến tranh để lại cho mỗi bên. Nhưng sau năm 1975, nước ta vừa được hoàn toàn giải phóng, thống nhất hai miền Nam - Bắc, kẻ thù mới lại xuất hiện trong khi kinh tế nước ta đang kiệt quệ, xã hội đang giải quyết muôn vàn khó khăn.