Trên chiều dài lịch sử của mỗi nước, sau mỗi cuộc chiến tranh thường có một giai đoạn tương đối để điều chỉnh lại thế chiến lược mới, hoặc là để khắc phục những hậu quả của chiến tranh để lại cho mỗi bên. Nhưng sau năm 1975, nước ta vừa được hoàn toàn giải phóng, thống nhất hai miền Nam - Bắc, kẻ thù mới lại xuất hiện trong khi kinh tế nước ta đang kiệt quệ, xã hội đang giải quyết muôn vàn khó khăn.
Tình hình biên giới Việt Nam - Campuchia sau năm 1975 ngày càng diễn biến phức tạp. Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của Campuchia (1970-1975) thắng lợi, với tham vọng đất đai và mưu đồ làm cho Việt Nam mất ổn định, tập đoàn Pol Pot - Ieng Xari đòi hoạch định lại biên giới Việt Nam - Campuchia, kích động hận thù dân tộc chống Việt Nam, đồng thời thanh trừng nội bộ và thi hành chính sách diệt chủng tàn bạo ở Campuchia, tàn sát mấy triệu dân Campuchia.
Người dân Campuchia chạy sang lánh nạn trên vùng biên giới Tây Nam của Việt Nam để tránh Khmer Đỏ tàn sát.
Lực lượng Khmer Đỏ thường xuyên tiến hành các hoạt động xâm nhập, pháo kích, đánh phá tàn sát dân thường và lấn chiếm đất đai Việt Nam, lấn chiếm biên giới. Khmer Đỏ đã tiến hành hai cuộc xâm nhập quy mô lớn vào Việt Nam. Cuộc tấn công lớn đầu tiên diễn ra vào 30 tháng 4 năm 1977, quân chính quy Khmer Đỏ tiến sâu 10 km vào lãnh thổ Việt Nam, chiếm một số vùng ở tỉnh An Giang và tàn sát một số lớn dân thường. Cuộc tấn công thứ hai diễn ra vào ngày 25 tháng 9 cùng năm, lần này 4 sư đoàn quân Khmer Đỏ đánh chiếm nhiều điểm ở các huyện Tân Biên, Bến Cầu, Châu Thành (tỉnh Tây Ninh), đốt phá 471 ngôi nhà, làm gần 800 người dân bị giết, bị thương hoặc mất tích.
Với truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc ta, ngay từ khi kẻ thù mới xuất hiện trên tuyến biên giới Tây Nam, các Quân khu 5, 7, 9 và đặc biệt là Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh dọc tuyến biên giới đã chủ động, cơ động lực lượng ngăn chặn địch xâm nhập, giúp nhân dân ở những nơi bị địch tàn sát giải quyết hậu quả.
Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu và các Quân khu phía Nam đã thành lập mới nhiều đơn vị từ sư đoàn bộ binh đến các Quân đoàn độc lập.
Ngày 31 tháng 12 năm 1977, sáu sư đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam đánh vào sâu trong đất Campuchia đến tận Neak Luong rồi mới rút lui từ ngày 5 tháng 1 năm 1978. Cuộc tấn công này được xem là lời “cảnh cáo” cho Khmer Đỏ. Phía Việt Nam đề nghị một giải pháp ngoại giao nhằm thiết lập một vùng phi quân sự dọc biên giới, nhưng Pol Pot từ chối, và giao tranh tiếp diễn.
Ngày 1-2-1978, Trung ương Đảng Cộng sản của Pol Pot họp bàn chủ trương chống Việt Nam và quyết định thành lập 15 sư đoàn. Trong nghị quyết của họ có ghi: “Chỉ cần mỗi ngày diệt vài chục, mỗi tháng diệt vài ngàn, mỗi năm diệt vài ba vạn thì có thể đánh 10, 15, đến 20 năm. Thực hiện 1 diệt 30, hy sinh 2 triệu người Campuchia để tiêu diệt 50 triệu người Việt Nam”. Pol Pot đã điều 13 trong số 17 sư đoàn chủ lực và một số trung đoàn địa phương liên tục tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, có nơi vào sâu tới 15-20 km.
Trong các đợt tấn công đó, Khmer Đỏ đã thực hiện thảm sát đối với người Việt Nam, điển hình là vụ thảm sát Ba Chúc vào tháng 4 năm 1978 với 3157 dân thường bị giết hại. Từ năm 1975 cho tới năm 1978, có tới 30 ngàn người Việt Nam bị Khmer Đỏ sát hại trong các cuộc tấn công dọc biên giới. Việt Nam cố gắng giải quyết cuộc xung đột một cách hòa bình thông qua đàm phán ngoại giao, nhưng Khmer Đỏ từ chối đàm phán, Việt Nam phải chuyển sang sử dụng vũ lực để giải quyết cuộc xung đột.
Ngày 13 tháng 12 năm 1978, được sự trang bị và hậu thuẫn của Trung Quốc, Khmer Đỏ đã huy động 10 trong 19 sư đoàn (khoảng 50.000 đến 60.000 quân) tiến công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới. Ba sư đoàn đánh vào Bến Sỏi với mục tiêu chiếm thị xã Tây Ninh, 2 sư đoàn đánh vào Hồng Ngự (Đồng Tháp), 2 sư đoàn đánh khu vực Bảy Núi (An Giang), 1 sư đoàn đánh Trà Phô, Trà Tiến (Kiên Giang). Tại những vùng chiếm đóng, Khmer Đỏ đã thực hiện sách lược diệt chủng đối với người Việt, như đã làm với người Khmer.
Nhà mồ Ba Chúc, nơi ghi tội ác bọn Pol Pot thảm sát nhân dân Việt Nam ở Ba Chúc (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) tháng 4/1978.
Quân đội Việt Nam đã chống trả quyết liệt và đã kìm chân bước tiến, đồng thời tiêu hao sinh lực của quân Khmer Đỏ. Các hướng tiến quân của Khmer Đỏ bị chặn lại và không thể phát triển được. Ngoại trừ Hà Tiên bị chiếm giữ trong thời gian ngắn, không một thị xã nào của Việt Nam bị chiếm. Theo thống kê của Việt Nam, từ tháng 6-1977 đến tháng 12-1978, họ đã tiêu diệt 38.563 quân Khmer đỏ, bắt sống 5.800 lính khác.
Về lực lượng của hai bên
1. Việt Nam: Chỉ huy trực tiếp chiến dịch là tướng Lê Trọng Tấn, lực lượng được huy động bao gồm:
- Quân đoàn 2: Gồm các Sư đoàn 304, 325, được bổ sung Trung đoàn bộ binh 8, cũng từ Tịnh Biên (An Giang - Hà Tiên) đánh theo hướng Tây để hỗ trợ lực lượng Quân khu 9 đánh về Phnôm Pênh, chiếm Kampot và vùng duyên hải Đông Nam Campuchia. Cũng như tại mặt trận Tây Ninh, tại An Giang, quân Việt Nam cũng chia quân tấn công hai hướng. Hướng thứ nhất theo Quốc lộ 2 tiến về hướng Bắc đánh về Phnôm Pênh. Hướng thứ hai tiến theo duyên hải về hướng Tây đánh chiếm hải cảng Kompong Som, Sư đoàn 304 được dùng làm trù bị, có thể được dùng tăng cường trong trường hợp Quân đoàn 4 tấn công Phnôm Pênh gặp khó khăn.
- Quân đoàn 3: Gồm các Sư đoàn 10, 31, 320, được bổ sung Sư đoàn 302, đánh từ Tây Ninh, vượt qua tỉnh Kampong Cham đến sông Mê Kông và vùng lãnh thổ Đông Bắc Campuchia.
- Quân đoàn 4: Gồm các Sư đoàn 7, 9, 341, được bổ sung thêm Sư đoàn 2, cùng Lữ đoàn 22 thiết giáp, Lữ đoàn 24 pháo binh, Lữ đoàn 25 công binh và 3 tiểu đoàn Khmer thân Việt Nam (UFNSK), hướng tấn công từ hướng Tây và Tây Nam Tây Ninh, sau khi đã tái chiếm những vị trí trên tỉnh lộ 13, theo đường 1 qua tỉnh Svay Rieng nhắm đánh bến phà chiến lược Neak Luong để đến Phnôm Pênh.
- Quân khu 5: Gồm hai Sư đoàn 307, 309 và Lữ đoàn đặc công 198, đánh từ Pleiku theo đường 19 về hướng Tây để tiêu diệt quân Khmer Đỏ ở Đông Bắc Campuchia.
- Quân khu 7: Gồm Sư đoàn 5, 302, 303, Trung đoàn đặc công 117, được tăng cường thêm một số đơn vị của Quân đoàn 3 như Lữ đoàn 12 thiết giáp, những trung đoàn chủ lực các tỉnh Tây Ninh, Long An, Sông Bé, Trung đoàn 262 pháo binh, Trung đoàn 26 thiết giáp, Trung đoàn công binh E25 QK7, 3 tiểu đoàn Khmer UFNSK từ phía bắc tỉnh Tây Ninh và khu căn cứ của UFNSK quanh Snuol tiến quân dọc theo Quốc lộ 13 và Quốc lộ 7 đánh chiếm Kratié và Kampong Cham.
- Quân khu 9: Gồm các Sư đoàn 4, 330, 339, tấn công từ khu vực Tịnh Biên ở hướng Bắc, qua tỉnh Ta Keo, hướng về Phnôm Pênh.
- Lực lượng đổ bộ đường biển gồm Lữ đoàn hải quân đánh bộ 126 và Lữ đoàn hải quân đánh bộ 101 đổ bộ vào vùng duyên hải Đông Nam Campuchia để chiếm Ream và cảng Sihanoukville trên bán đảo Kampong Som.
- Đoàn 901 không quân: Gồm Sư đoàn không quân 372 được trang bị máy bay F-5, A-37, máy bay trực thăng UH-1, máy bay vận tải C-130, C-119, C-47, và một phân đội Mig-21 từ Trung đoàn 921.
Máy bay CH-47 của đoàn không quân 917 đang vận chuyển rocket dùng cho trực thăng UH-1 tại mặt trận biên giới Tây Nam.
Các sư đoàn Việt Nam đều có các đơn vị cơ hữu thiết giáp, pháo binh, pháo phòng không và một lữ đoàn công binh.
2. Campuchia
- Theo phía Việt Nam, lực lượng Khmer Đỏ gồm có 19 sư đoàn, theo tác giả Steven Heder, quân Khmer Đỏ gồm chừng 15 sư đoàn. Các sư đoàn này được trang bị tốt bằng vũ khí của Trung Quốc, được chỉ huy bởi những người dày dạn kinh nghiệm trong các cuộc chiến tranh vừa qua, gồm nhiều binh lính trung thành đến cuồng tín, nhưng các sư đoàn này cũng đã bị nhiều hao tổn trong những lần giao tranh trước, và quân số mỗi sư đoàn chỉ chừng dưới 4.000 người, gần bằng nửa quân số của sư đoàn Việt Nam.
- Các sư đoàn: 164, 170, 290, 310, 450, 703, 801, 902.
- Một số máy bay chiến đấu T-28.
- Một phân đội Mig-19 do Trung Quốc sản xuất, số Mig-19 này không kịp tham chiến vì không có phi công và rơi vào tay quân Việt Nam khi họ chiếm Phnôm Pênh.
- Một sư đoàn thủy quân lục chiến.
- Một sư đoàn hải quân.
- Một sư đoàn không quân, nhưng chiến đấu như bộ binh khi giao tranh nổ ra.
- Nhiều đơn vị xe tăng và trọng pháo.
Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp chiến đấu với quân đội yêu nước Campuchia trong chiến dịch giải phóng đất nước chùa Tháp, 1/1979.
Trước hành động xâm lược và diệt chủng tàn bạo của chế độ Khmer Đỏ, đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Dân tộc Cứu nước Campuchia (thành lập ngày 2-12-1978), từ ngày 23-12-1978, quân tình nguyện Việt Nam đã cùng lực lượng vũ trang của Mặt trận tiến hành phản công và tiến công giải phóng các tỉnh miền Đông Campuchia, rồi giải phóng thủ đô Phnôm Pênh (7-1-1979) và toàn bộ đất nước Campuchia (17-1-1979), giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, xây dựng lại đất nước, trên cơ sở đó củng cố mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Quân tình nguyện Việt Nam vượt sông Mê Kông, đánh chiếm thị xã Kông Pông Chàm, ngày 6/1/1979.
Bộ đội tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Phnôm Pênh ngày 7-1-1979.
Lê Khiêm (tổng hợp)
Nguồn:
- “Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc bảo vệ biên giới Tây Nam (từ ngày 30-4-1977 đến 7-1-1979)”, Bách khoa tri thức quốc phòng toàn dân, H.: Chính trị quốc gia, 2003, tr. 45.
- Nguyễn Văn Hồng, Cuộc chiến tranh bắt buộc, Tp. HCM: Nxb Trẻ, 239 tr.