Chủ Nhật, 03/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

03/04/2014 20:59 4234
Điểm: 1/5 (1 đánh giá)
Sau đợt một của chiến dịch Điện Biên Phủ, phân khu trung tâm của quân Pháp trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ còn bốn trung tâm đề kháng nữa, đó là: Ê-li-an, Đô-mi-ních, Huy-ghét ở phía tây, Clô-đin ở phía nam sân bay Mường Thanh. Ở bốn trung tâm đề kháng này, chúng có hơn 30 cứ điểm liên kết chặt chẽ với nhau với hơn một vạn quân. Bốn cụm cứ điểm này được ta đặt tên là: A, C (Ê-li-an); D và E (Đô-mi-ních).

Mỗi cụm cứ điểm có tới mấy quả đồi quân Pháp đặt trận địa được ta đánh dấu bằng số như: A1, A3, C1, C2, E1, D1…là những cứ điểm khống chế toàn bộ trận địa trung tâm. Trong đó, đồi A1 có vị trí quan trọng nhất vì nó khống chế một phạm vi khá rộng, gồm khu vực chỉ huy tập đoàn căn cứ và hai chiếc cầu bắc qua sông Nậm Rốm. Cùng với bốn trung tâm đề kháng ở phân khu trung tâm, quân Pháp còn có trung tâm đề kháng I-da-ben (Hồng Cúm) với 3.000 quân. Địch ở Mường Thanh và Hồng Cúm sẵn sàng ứng cứu, chi viện cho nhau bằng bộ binh và pháo binh…

Trung đoàn 57, đại đoàn 304 cắt dây thép gai, đào giao thông hào, lấn sâu vào các cứ điểm của địch.

Để chuẩn bị cho đợt tiến công thứ hai, Bộ chỉ huy chiến dịch chủ trương triển khai lực lượng xuống sát các trung tâm đề kháng của địch, đề ra nhiệm vụ tiếp tục xây dựng trận địa tiến công và bao vây địch. Ngày 17-3-1954, trong hội nghị chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nêu rõ nhiệm vụ cho các lực lượng phải “nhanh chóng tiếp cận, bao vây quân địch, đồng thời tiếp tục khống chế sân bay, tích cực tiêu diệt và tiêu hao sinh lực địch, tiến tới giành ưu thế về binh, hỏa lực, tạo điều kiện chuyển sang giai đoạn thứ ba”. Từ đây, việc xây dựng trận địa tiến công và bao vây phân khu trung tâm của địch bước sang một giai đoạn mới. Đại đoàn 308 xây dựng trận địa từ đồi Độc Lập qua Bản Kéo, Pe Luông, Hồng Lếnh tới bản Cò My. Đại đoàn 312 và đại đoàn 316 xây dựng trận địa ở phía Đông Mường Thanh, nối liền với trận địa phía tây của đại đoàn 308 ở Cò My. Trung đoàn 57 của đại đoàn 304 được tăng cường tiểu đoàn 888 của đại đoàn 316 xây dựng trận địa từ phía đông sang phía tây, chia cắt phân khu Hồng Cúm ra khỏi phân khu Mường Thanh…

Trong đợt hai, pháo các cỡ của ta bắn vào khu trung tâm, tiêu diệt nhiều xe, pháo địch.

Trước vòng vây ngày càng thắt chặt của quân ta, quân địch tìm mọi cách chống đỡ, chúng củng cố vững chắc thêm hệ thống trận địa phòng ngự, đặt nhiều vật cản, đào thêm hào, xây dựng một số điểm tựa mới ở hướng đông bắc. Bộ chỉ huy Pháp tiếp tục đưa lên Điện Biên Phủ một số sĩ quan và binh lính cho các đơn vị bị ta tiêu hao trong đợt một. Chúng thay thế những khẩu pháo đã bị ta phá, bổ sung đầy đủ đạn và tăng cường tiếp tế mọi mặt.

Bộ đội ta chia thành nhiều mũi, thọc sâu tiêu diệt các cứ điểm của địch.

Bộ đội từ giao thông hào xung phong, băng qua rào dây thép gai, xông lên tiêu diệt địch.

Từ ngày 25 đến ngày 27-3-1954, Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch triệu tập hội nghị cán bộ để thảo luận và quán triệt kế hoạch tác chiến đợt hai. Lúc này, trên chiến trường, bộ đội ta đã xây dựng được một trận địa hầm hào kiên cố dài gần 100 km, đảm bảo chiến đấu với địch lâu dài. Kết thúc hội nghị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kết luận: “Nhờ công trình đó mà hiện nay ta đã có điều kiện hạn chế viện binh của địch, làm khó khăn sự tiếp tế của chúng, nhất là phát huy được tất cả các cỡ hỏa lực từ súng cối trở lên để uy hiếp tung thâm địch. Thành công của việc xây dựng trận địa là đã làm cho các cuộc oanh tạc dữ dội của địch gần như vô hiệu quả…, thực hiện được việc thắt chặt vòng vây và tạo điều kiện để tiếp cận và tiến công quân địch” Bộ chỉ huy chiến dịch đề ra nhiệm vụ cho đợt tiến công thứ hai là: đánh chiếm các điểm cao phòng ngự phía đông của phân khu trung tâm, biến những điểm cao này thành trận địa của ta, uy hiếp quân địch tại Mường Thanh, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, tạo điều kiện để chuyển sang tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Các đơn vị được giao nhiệm vụ cụ thể gồm: đại đoàn 312 được phối thuộc hai đại đội sơn pháo 75, hai đại đội cối 120, một đại đội cối 82, tiêu diệt các điểm cao E, D1, D2 (trung tâm đề kháng Đô-mi-ních), dùng một số đơn vị thọc sâu đánh vào vị trí của pháo binh địch và quân cơ động tiểu đoàn dù số 5. Đại đoàn 316 (thiếu một trung đoàn) được phối thuộc hai đại đội sơn pháo 75, hai đại đội cối 120, hai trung đội cối 82, tiêu diệt các điểm cao A1, C1, C (trung tâm đề kháng Ê-li-an). Đại đoàn 308 thọc sâu đánh vào tiểu đoàn ngụy số 3 và vị trí pháo binh, tích cực quấy rối địch ở các cứ điểm 106, 311, bố trí đánh quân nhảy dù xuống phía tây, chặn quân tiếp viện từ Hồng Cúm lên. Trung đoàn 57 của đại đoàn 304, được phối thuộc tiểu đoàn 888 của đại đoàn 316, một đại đội lựu pháo 105, một đại đội cối 120, bốn khẩu 82, mười hai khẩu 12,8mm, kiềm chế các trận địa pháo địch ở Hồng Cúm, chặn viện binh từ Hồng Cúm lên Mường Thanh, đánh địch nhảy dù ở phía nam Hồng Cúm. Đại đoàn 351, dùng toàn bộ hỏa lực yểm hộ cho bộ binh tiến công các cứ điểm E, D1, C1, C2, A1. kiềm chế phá hủy một phần pháo binh địch, tiêu hao quân cơ động ở trung tâm Mường Thanh. Trung đoàn pháo cao xạ 367 yểm hộ đắc lực cho bộ binh chiến đấu cả ngày lẫn đêm.

Bộ đội ta đánh địch phản kích ở đồi C1, chúng tháo chạy tán loạn.

Chiều ngày 30-3-1954, quân ta bắt đầu mở đợt tiến công thứ hai. Cuộc tiến công của trung đoàn 98 vào đồi C1 dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Vũ Lăng diễn ra nhanh gọn. Sau 15 phút, các chiến sĩ bộc phá của đại đội chủ công đã dọn sạch cửa mở, đến 18h, ta đã chiếm lĩnh toàn bộ điểm cao C1, diệt và bắt sống 140 tên địch, thu toàn bộ vũ khí. Ở đồi E, trung đoàn 141 với hai tiểu đoàn 16 và 428 tiến công và hoàn toàn làm chủ mục tiêu sau hơn một giờ đánh địch. Ở đồi D1, các tiểu đoàn 166, 154 diệt gọn cứ điểm địch trước khi trời tối. Thừa thắng, Bộ Tư lệnh đại đoàn 312 cho tiểu đoàn 130 của trung đoàn 209, đánh sang cứ điểm D2. Các đơn vị vừa thắng địch ở đồi E và D1 nhanh chóng phát triển, tiến công vào các quả đồi bên trong. Quân địch ở trung tâm đề kháng Đô-mi-ních tháo chạy hỗn loạn sang phía sông Nậm Rốm.

Ở đồi A1, trung đoàn 174 gặp khó khăn, đường dây liên lạc bị đứt, đến 17h30 phút, trung đoàn vẫn chưa hiệp đồng tác chiến được với lựu pháo và các đơn vị của đại đoàn. Sau khi thấy C1 bị tiêu diệt, pháo chuyển làn bắn vào A1, Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An chủ động cho đơn vị tiến lên cửa mở và hơn một giờ mới mở thông đường tiến. Pháo địch đối phó, chúng dồn đạn bắn yểm trợ cho tiểu đoàn Ma-rốc số 1, giữ cứ điểm và chặn đường tiến của quân ta. Cuộc đọ sức giữa trung đoàn 174 và tiểu đoàn Ma-rốc số 1, giằng co cho đến sáng. Buổi chiều và trong đêm 30-3-1954, ngoài lực lượng tiến công vào các ngọn đồi phía đông, Bộ chỉ huy chiến dịch còn sử dụng hai tiểu đoàn của đại đoàn 312 và một tiểu đoàn của đại đoàn 308 chia thành ba mũi thọc sâu, tiêu diệt trận địa pháo địch ở cứ điểm 210. Tình hình không thuận lợi nên các mũi này chỉ hoàn thành một phần nhiệm vụ. Mũi thọc sâu của tiểu đoàn 11 do đại đội trưởng Hà Văn Nọa dẫn đầu, đã vượt qua cửa mở đồi E tiến theo đường 41 vào tung hoành giữa trận địa địch, gây cho chúng một bất ngờ lớn. Mặc dù bị tổn thất, các dũng sĩ đại đội 243 vẫn táo bạo phát triển ra bờ sông Nậm Rốm, trụ lại trong lòng địch, đương đầu với chúng suốt ngày hôm sau.

Xe tăng địch bị bắn cháy trên đồi A1.

Qua một đêm nổ súng, bộ đội ta đã tiêu diệt được các cứ điểm C1, D1, E. Địch hoảng sợ kéo pháo rút chạy khỏi cứ điểm 210 và rút quân khỏi đồi E. Sáng ngày 31-3, Đờ-cát tung lực lượng ra hòng chiếm lại các vị trí đã mất. Ở cứ điểm A1, năm đại đội quân Pháp có xe tăng, pháo và máy bay yểm hộ, tìm mọi cách thu hẹp phần đất trung đoàn 174 đã chiếm lĩnh. Ta quyết định đưa trung đoàn 102 của đại đoàn 308 sang hướng đông, cùng trung đoàn 174 tiếp tục tiến công A1, đồng thời các trung đoàn 88, 36 đánh cứ điểm 106 và uy hiếp địch ở tây Mường Thanh. Đại đoàn 312 đánh cứ điểm 105, uy hiếp địch ở hướng tây bắc.

Đêm 31-3, quân ta tiến công đồi A1 lần thứ hai. Lúc này, địch đã đưa tiểu đoàn dù lên thay thế tiểu đoàn Ma-rốc số 1 bị thiệt hại nặng trong đêm hôm trước. Để tạo thế bất ngờ, trung đoàn trưởng Hùng Sinh quyết định không dùng pháo bắn phá hoại mà chỉ tập trung hỏa lực trợ chiến, bắn uy hiếp địch trong ít phút rồi cho bộ đội xung phong. Với cách đánh này, các đơn vị của trung đoàn 102 đã nhanh chóng chiếm được nửa cứ điểm ở phía đông. Các chiến sĩ trung đoàn 102 với sự phối hợp của trung đoàn 174 lên chiếm ụ đất lớn trên đồi. Nhưng tình hình lại giống như đêm trước, bộ đội ta tổ chức bốn đợt xung phong đều không vượt được khỏi tuyến ngang trước hầm ngầm và phải trụ lại ở nửa phần phía đông đồi A1. Ngày 1-4, địch tổ chức ba đợt xung phong đều bị trung đoàn 102 đẩy lùi, hàng trăm lính dù bị loại khỏi vòng chiến đấu, một xe tăng bị thủ pháo đánh hỏng. Đêm 1-4, trung đoàn 102 phối hợp với trung đoàn 174 tổ chức đợt tiến công vào hầm ngầm nhưng vẫn không thành công. Trong các ngày tiếp theo, mỗi bên vẫn chỉ giữ được một nửa cứ điểm. Trong khó khăn ác liệt đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, mưu trí, chỉ huy sâu sát, linh hoạt. Trung đoàn trưởng Hùng Sinh, tiểu đoàn phó Ngô Thế Lương, tiểu đoàn phó Lê Sơn…đã nhiều lần dùng tiểu liên, thủ pháo cùng bộ đội đánh giáp lá cà với địch. Tổ trưởng liên lạc Bùi Minh Đức, chiến sĩ thông tin Chu Văn Mùi bình tĩnh dùng máy liên lạc, hướng dẫn các trận địa pháo bắn vào quân địch, bảo vệ thương binh. Thế trận giằng co ở khu vực này kéo dài cho đến ngày 4-4-1954.

Bộ đội ta chiến đấu, giằng co với địch trên đồi A1.

Trong thời gian trung đoàn 102 nhận nhiệm vụ chuyển sang hướng đông thay thế đơn vị bạn tiến công đồi A1, trung đoàn 36 của đại đoàn 308 cũng nhận nhiệm vụ tiến công cứ điểm 106 ở trên cánh đồng phía tây sân bay Mường Thanh. Đêm 1-4, trung đoàn 36 vận dụng chiến thuật vây lấn, đào dũi xuyên qua các hàng rào cứ điểm, bất ngờ nổ súng chiếm gọn cứ điểm 106, loại khỏi vòng chiến đấu một tiểu đoàn địch. Đêm 2-4, trung đoàn 36 lại tổ chức bao vây, uy hiếp cứ điểm 311. Hai đại đội ngụy Thái kéo cờ trắng ra hàng, ta làm chủ cứ điểm này. Ở phía Bắc, chiều ngày 3-4, trung đoàn 165 của đại đoàn 312 tiến công cứ điểm 105. Cuộc chiến đấu kéo dài đến sáng, ta chiếm được 2/3 cứ điểm và tiêu diệt một bộ phận địch. Khi trời sáng, quân địch dùng một tiểu đoàn ra phản kích chiếm lại toàn bộ cứ điểm 105.

Sau 5 ngày chiến đấu, đợt tiến công thứ hai của quân ta đã thu được những thắng lợi quan trọng. Ở phía đông, trừ đồi A1 còn giằng co, ta đã chiếm được bốn ngọn đồi hiểm yếu. Ở phía tây, ta chiếm được cứ điểm 106, 311. Phạm vi chiếm đóng của địch bị thu hẹp lại, nhiều lực lượng của chúng bị tổn thất lớn, trong đó có ba tiểu đoàn thiện chiến đã bị ta tiêu diệt. Tuy vậy, trong đợt hai, ta chưa hoàn thành được việc đánh chiếm tất cả các mục tiêu đã đề ra, đặc biệt là chưa chiếm hẳn được đồi A1 và cứ điểm 105. Ngày 4-4-1954, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định tạm ngừng tiến công để củng cố lực lượng, giữ vững trận địa và chuẩn bị cho đợt tiến công mới.

Chu Lộc- Phương Thảo (tổng hợp)

Nguồn:

  1. Sự kiện và Nhân chứng số 124, tháng 3- 2004.
  2. Hỏi đáp về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nxb Quân đội Nhân dân- 2014.
  3. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4949

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

6-4-1972: Đế quốc Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai.

6-4-1972: Đế quốc Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai.

  • 03/04/2014 16:48
  • 53825

Tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân lần thứ nhất (1964-1968) đối với miền Bắc, đế quốc Mỹ đã liên tiếp gặp thất bại nặng nề. Trong hơn 4 năm đó, các lực lượng phòng không miền Bắc đã bắn rơi 3.243 máy bay (có 6 máy bay B52 và 3 máy bay F111), bắn chìm, bắn cháy 143 tàu chiến Mỹ.