Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một sự kiện mang tầm vóc vĩ đại của thế giới và để lại nhiều bài học quý trong công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
|
Ảnh minh họa |
Đánh giá về ý nghĩa và tầm vóc của chiến thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát: Điện Biên Phủ là cột mốc bằng vàng trong lịch sử dân tộc, đánh dấu nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, khởi đầu quá trình phi thực dân hóa trên phạm vi toàn thế giới. Chiến thắng vẻ vang của dân tộc Việt Nam đã đi vào lịch sử thế giới như một bản hùng ca, song những giá trị của thắng lợi trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc luôn còn đọng mãi với lịch sử của dân tộc Việt Nam ta qua các thế hệ. Có được những thắng lợi đó, trước hết là sự kế thừa truyền thống chống giặc ngoại xâm của cha ông ta và sự vận dụng sáng tạo về lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, với vũ khí thô sơ và tinh thần “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp. Quân ta càng đánh, càng mạnh, càng thắng, quân viễn chinh Pháp càng ngày càng lún sâu vào thế bị động, lúng túng. Vùng giải phóng của ta được mở rộng, chính quyền dân chủ nhân dân được củng cố. Đến năm 1953, nhân dân và quân đội ta đã làm chủ trên chiến trường, tạo ra sự so sánh lực lượng có lợi cho ta.
Ngày 25.1.1954, các đơn vị bộ đội ta ở vị trí tập kết sẵn sàng nổ súng theo phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Nhưng nhận thấy địch đã tăng cường lực lượng phòng ngự vững chắc, Bộ Chỉ huy và Đảng ủy chiến dịch đã đưa ra quyết định đúng đắn: Giữ vững quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thay đổi phương châm tác chiến sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là quyết định đúng đắn nhưng ta cũng gặp không ít khó khăn. Đó là, thời gian tác chiến dài hơn, cách đánh cũng khác nên có những việc ta phải chuẩn bị lại từ đầu, nhất là việc tổ chức, bố trí hệ thống hỏa lực chiến dịch. Với địa hình hiểm trở, pháo của ta kéo vào tập trung tại trận địa đã khó khăn, nay thay đổi phương châm tác chiến lại phải kéo pháo phân tán ra các trận địa mới trên các điểm cao tạo thành vòng cung bao vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, để bắn trực tiếp vào các mục tiêu dưới lòng chảo càng khó khăn hơn. Với tinh thần quả cảm, không quản ngại gian khổ, hy sinh, quân và dân ta đã tìm mọi cách vượt qua thử thách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến chiến lược, sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng của địch; một trận tiêu diệt điển hình nhất, trực tiếp đưa đến việc buộc thực dân Pháp xâm lược phải ngồi vào bàn hội nghị ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ được thể hiện nổi bật trước hết, đó là sự chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sáng tạo, kiên quyết và tài giỏi của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Nắm vững âm mưu, kế hoạch chiến lược của địch, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kịp thời đề ra phương châm kháng chiến: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” nhằm phá khối chủ lực, cơ động chiến lược của địch ngay từ trong trứng nước. Theo đó, quân và dân ta trên khắp các địa bàn, nhất là ở Đồng bằng Bắc Bộ, chủ động đẩy mạnh các hoạt động tác chiến làm cho địch không những không thể thực hiện được kế hoạch đã vạch ra, mà còn lâm vào thế bị động đối phó. Trước nguy cơ lực lượng cơ động chiến lược trên chiến trường Đông Dương bị xé lẻ, phân tán, Na-va vội điều lực lượng lớn lên Điện Biên Phủ xây dựng tập đoàn cứ, được mệnh danh là “bất khả chiến bại” hòng lôi kéo, “nghiền nát” lực lượng chủ lực của ta. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: Đây tuy là mưu đồ của địch, nhưng cũng là thời cơ cho ta tập trung binh lực, hỏa lực để tiêu diệt lớn quân địch, kết thúc chiến tranh. Tác chiến trên địa bàn này, ta tuy có những khó khăn nhất định, nhưng có thuận lợi cơ bản, đó là: Phát huy được sở trường đánh địch ở địa hình rừng núi, địa bàn chiến dịch tiếp giáp vùng mới giải phóng. Đối với địch, có bất lợi: Chưa kịp xây dựng, củng cố vững chắc công sự, trận địa, lại xa hậu phương, chỉ có thể tiếp tế bằng đường không; địa thế của “lòng chảo Điện Biên” lại thấp. Trong quá trình chuẩn bị, Bộ Tư lệnh Chiến dịch nhận thấy địch đã củng cố, xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ điểm mạnh nên ta không thể “đánh nhanh, giải quyết nhanh” như đã xác định. Vì thế, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã kịp thời chuyển phương châm tác chiến sang “đánh chắc, tiến chắc”. Chủ trương trên được Bộ Chính trị nhất trí, nhưng cũng là một quyết định rất khó khăn về mặt tư tưởng đối với bộ đội, nhất là trong điều kiện lực lượng ta đã áp sát mục tiêu tiến công lại phải dừng lại để rút ra chuẩn bị kỹ hơn về: Vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, thuốc men và cách đánh. Xuất phát từ ý nghĩa, tầm quan trọng của trận quyết chiến chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp trước khi lên đường đi Chiến dịch: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Đánh chắc thắng, không chắc thắng không đánh”(1). Cuộc đấu trí, đấu lực cả trước và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ với phần thắng thuộc về quân và dân ta đã chứng minh sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây chính là nhân tố quyết định tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả nước đánh thắng đội quân xâm lược nhà nghề của thực dân Pháp và buộc chúng không có lựa chọn nào khác là phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương.
Bên cạnh đó, phải kể đến chúng ta đã phát huy cao nhất sức mạnh của toàn dân cho trận quyết chiến chiến lược. Tính cả trước và trong chiến dịch, có tới 62.000 dân công, thanh niên xung phong tham gia làm và sửa chữa hàng trăm ki-lô-mét đường, nhiều bến, cầu; vận chuyển hơn 25.000 tấn lương thực, thực phẩm, hàng nghìn tấn vũ khí trang bị, đạn dược tới mặt trận; hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ được cứu chữa, chăm sóc… trở thành nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi. Ngoài nhiệm vụ phục vụ, họ còn trực tiếp tham gia chiến đấu cùng các đơn vị quân đội. Đây là “cuộc ra quân lớn nhất” của cả nước kể từ đầu cuộc kháng chiến. Thực tiễn đã khẳng định: Đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc của Đảng và sức mạnh to lớn của nhân dân là nhân tố quan trọng góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch.
Mặt khác sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế là nhân tố rất quan trọng. Sau gần 5 năm bị cô lập, chiến đấu trong vòng vây, cuộc kháng chiến của nhân dân ta gặp không ít khó khăn về vật chất, vũ khí, súng đạn, thậm chí cả về đấu pháp với một đội quân nhà nghề được trang bị vũ khí hiện đại... Để khắc phục tình trạng trên, Đảng ta kiên trì đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính; đồng thời, tích cực, chủ động tìm sự ủng hộ về vật chất và tinh thần từ bên ngoài, nhất là từ các nước XHCN và các lực lượng tiến bộ trên thế giới. Đảng còn định ra chủ trương, chính sách đúng đắn để phát triển LLVT, chuẩn bị vật chất hậu cần, kỹ thuật cho trận đánh lớn, kết thúc chiến tranh. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta nhận được sự giúp đỡ về tinh thần và vật chất ngày càng lớn của bạn bè quốc tế, nổi bật là sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân Liên Xô, Trung Quốc(2). Ngoài ra, các nước bạn còn giúp ta trong đào tạo cán bộ, huấn luyện chuyển loại các đơn vị pháo binh, pháo cao xạ....
Chiến thắng Điện Biên Phủ mang tầm vóc thời đại, góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ của nhân loại. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ giáng một đòn chí mạng vào nền móng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đánh sập thành lũy của chủ nghĩa thực dân cũ ở vị trí xung yếu nhất, báo hiệu sự thất bại chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chủ nghĩa thực dân mới.
Sau hơn 28 năm đổi mới, thế và lực của đất nước ta đã lớn mạnh, nhưng bên cạnh những thuận lợi cơ bản, cơ hội và thách thức vẫn đan xen. Đặc biệt các thế lực thù địch gia tăng thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ,… để can thiệp vào công việc nội bộ của ta, chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta. Tình hình đó, từ những bài học rút ra qua Chiến thắng Điện Biên Phủ, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải mài sắc cảnh giác, phát huy cao độ nội lực; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà nòng cốt là liên minh công nhân - nông dân - trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chúng ta cần giữ vững và không ngừng tăng cường đoàn kết quân dân, đoàn kết hữu nghị với nhân dân và quân đội các nước; kết hợp sức mạnh thời đại, tạo dựng thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục xây dựng và củng cố nền QPTD vững mạnh, xây dựng thế trận QP-AN vững chắc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng, xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố; kết hợp chặt chẽ giữa QP-AN với kinh tế và đối ngoại. Cùng với đó, chúng ta phải chú trọng xây dựng các khu KT-QP trên các địa bàn chiến lược trọng điểm tuyến biên giới, kết hợp phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Lực lượng vũ trang phải được tổ chức xây dựng hợp lý, đồng bộ, cân đối giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và DQTV, các quân binh chủng phù hợp với yêu cầu tác chiến mới. Quân đội nhân dân, Công an nhân dân phải tiếp tục xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, đủ sức hoàn thành mọi nhiệm vụ trong tình hình mới.
Theo Thượng tướng, Viện sĩ, TS NGUYỄN HUY HIỆU, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (QĐNDO)
(1) Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tập Hồi ký, Nxb QĐND, H.2006, tr.900.
(2) Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945 - 1975 thắng lợi và bài học, Nxb CTQG, H.2000, tr.600.