Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất được tiến hành trong bối cảnh lịch sử thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến quan trọng. Cách mạng tháng Mười Nga thành công, đã làm cho Liên Xô trên trường quốc tế càng thêm mạnh, đảm bảo cho nền tảng cách mạng thế giới được củng cố. Liên Xô sau khi đã hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1928 – 1932) và đang chuyển sang thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (1933 – 1937), đồng thời Liên Xô cũng đạt được nhiều kết quả to lớn trong công cuộc công nghiệp hóa và tập thể hóa nông nghiệp.
Những thành tựu to lớn về mọi mặt của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô có ảnh hưởng rất lớn tới phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa. Lúc đó trên thế giới các phong trào cộng sản và công nhân quốc tế tiếp tục được phát triển điều này có lợi cho cuộc đấu tranh của các dân tộc thuộc địa.
Còn các nước tư bản đang lâm vào khủng hoảng kinh tế sâu sắc. Để giảm bớt gánh nặng, chúng tăng cường bóc lột giai cấp công nhân ở trong nước và tăng cường áp bức thuộc địa, hăng hái dự bị đế quốc chiến tranh, đánh thuế hàng nhập cảng rất nặng… Cuộc khủng hoảng kinh tế làm cho các mối mâu thuẫn giai cấp thêm kịch liệt. Các bè phái, các tầng lớp trong giai cấp thống trị tranh nhau cầm chính quyền. Chúng muốn tự tìm đường ra khỏi khủng hoảng, làm cho các mối mâu thuẫn của chúng càng tăng thêm. Điều đó càng thúc đẩy phong trào đấu tranh của công nhân và phong trào giải phóng dân tộc lên cao.
Ở Đông Dương, từ năm 1932, phong trào đấu tranh của công nhân đã từng bước hồi phục. Theo thống kê của chính quyền thực dân, ở Đông Dương năm 1932 có 230 vụ xung đột giữa công nhân với bọn chủ, năm 1933 có 244 vụ. Riêng miền Bắc từ năm 1931 đến năm 1935 có tất cả 551 vụ. Các tầng lớp nhân dân khác ở thành thị và nông thôn tham gia đấu tranh bằng nhiều hình thức như bãi khóa của học sinh, bãi thị của thương nhân, biểu tình chống thuế của nông dân…
Đồng chí Lê Hồng Phong (1902-1942), được bầu làm Tổng Bí thư tại Đại hội đại biểu lần thứ Nhất Đảng Cộng sản Đông Dương, 3/1935
Đảng đã từng bước được phục hồi sau các cuộc khủng bố trắng của những năm 1930 – 1931. Một số cán bộ đảng bước đầu biết sử dụng khả năng hoạt động hợp pháp để che dấu tổ chức không hợp pháp. Những hoạt động công khai đáng kể như các cuộc tranh cử vào hội đồng quản hạt Nam Kỳ năm 1935. Trên mặt trận báo chí đấu tranh hợp pháp những năm 1933 – 1934, đồng chí Hải Triều (Nguyễn Văn Khoa) đã có nhiều bài viết nêu nên những quan điểm khoa học và cách mạng chống các quan điểm duy tâm phản động của Phan Khôi. Về tổ chức Đảng, Ban lãnh đạo hải ngoại đã liên hệ được với những cơ sở và tổ chức trong nước, đưa đảng viên ở nước ngoài về phối hợp với đảng viên trong nước hoạt động; tiếp tục củng cố và phát triển những cơ sở và tổ chức còn lại, khôi phục những cơ sở và tổ chức đã bị địch phá vỡ, xây dựng những cơ sở mới. Lực lượng trong cả nước được thống nhất để lãnh đạo thực hiện chương trình hành động, chuẩn bị cho Đại hội đại biểu lần thứ Nhất của Đảng, nhằm xác định đường lối cho thời kỳ đấu tranh mới khi Đảng hồi phục.
Trên cơ sở phong trào cách mạng phục hồi và chuẩn bị trước đó, từ ngày 27 đến 31 tháng 3 năm 1935, Đại hội đại biểu lần thứ Nhất của Đảng đã họp tại Quan Công, Ma Cao (Trung Quốc). Tham dự Đại hội có 13 đại biểu thuộc Đảng bộ ở trong nước gồm có: 2 đại biểu của Đảng bộ Bắc Kỳ, 2 đại biểu Đảng bộ Trung Kỳ, 3 đại biểu Đảng bộ Nam Đông Dương, 1 đại biểu Đảng bộ Lào, 3 đại biểu của Thái Lan, 2 đại biểu Ban chỉ huy nước ngoài của Đảng (lúc này đồng chí Nguyễn Ái Quốc đang công tác ở Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong dẫn đoàn đi tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII nên cả hai đồng chí đều không tham dự được).
Theo tình hình thế giới và trong nước, Đại hội đề ra 3 nhiệm vụ chủ yếu là: củng cố và phát triển Đảng, tranh thủ quần chúng rộng rãi, chống chiến tranh đế quốc.
Về nhiệm vụ phát triển và củng cố Đảng, Đại hội khẳng định, làm cho tổ chức Đảng phải thật sự trở thành cơ quan lãnh đạo, bộ phận tiên phong của quần chúng. Để đảm bảo tính giai cấp phải chú trọng phát triển Đảng, đưa công nhân ưu tú, nông dân và những người trí thức vào các cấp lãnh đạo của Đảng. Các Đảng bộ phải thường xuyên giáo dục chủ nghĩa Mác – Lê nin cho đảng viên, không ngừng đấu tranh với những tư tưởng phi vô sản, tiến hành tự phê bình và phê bình, giữ kỷ luật nghiêm minh.
Về tranh thủ quần chúng rộng rãi (thâu phục quần chúng), phải mật thiết liên lạc với quần chúng, bênh vực quần chúng, chỉ rõ các hình thức bóc lột của bọn thực dân, phong kiến cho quần chúng rõ, đưa họ ra đấu tranh bằng các hình thức và phương pháp thích hợp. Củng cố và phát triển các tổ chức quần chúng. Chủ trương của Đại hội, tổ chức quần chúng chủ yếu theo hình thức bí mật, bất hợp pháp, đồng thời coi trọng hình thức công khai, hợp pháp.
Về đẩy mạnh chống chiến tranh đế quốc, vạch trần luận điệu “hòa bình” giả dối của bọn đế quốc nhất là đế quốc Pháp ở Đông Dương; giải thích cho quần chúng thấy rõ chiến tranh đế quốc. Thành lập Ban chống chiến tranh đế quốc do Đảng lãnh đạo bao gồm nhiều tổ chức cách mạng và các cá nhân yêu nước, hòa bình và công lý.
Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ Nhất Đảng Cộng sản Đông Dương, 3/1935 (trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
Thông qua Nghị quyết chính trị và Điều lệ Đảng, thông qua các nghị quyết về vận động công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, binh lính và các nghị quyết về liên minh phản đế, công tác trong các dân tộc thiểu số, đội tự vệ và cứu tế đỏ. Đại hội bầu ra Ban chấp hànhTrung ương Đảng gồm 13 ủy viên (9 ủy viên chính thức và 4 ủy viên dự khuyết). Trong đó các đồng chí Lê Hồng Phong, Đình Thanh, Hà Huy Tập, Phùng Chí Kiên, Võ Nguyên Hiếu, Hoàng Đình Giong, Nguyễn Ái Quốc…
Đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, nhất trí cử đồng chí Nguyễn Ái Quốc là đại diện của Đảng bên cạnh Quốc tế Cộng sản.
Đại hội đại biểu lần thứ Nhất của Đảng có ý nghĩa lịch sử quan trọng. Đại hội đã đánh dấu được sự khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến địa phương, từ trong nước ra nước ngoài; thống nhấtt phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân khác dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Trung ương; tạo ra sức mạng chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến đấu mới.
Huệ- Chính (tổng hợp)
Nguồn:
- Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam qua các Đại hội và Hội nghị Trung ương 1930 – 2002. NXB Lao động.
- Văn kiện Đảng toàn tập,giai đoạn 1935. NXB Chính trị quốc gia.
- Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam 1930 – 1945. NXB Chính trị quốc gia.