Cuối năm 1974 đầu năm 1975, trong tình hình so sánh lực lượng ở miền Nam thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, Hội nghị Bộ Chính trị (từ ngày 30-9 đến ngày 7-10-1974) và Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (từ ngày 18-12-1974 đến ngày 8-1-1975) đã bàn kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Chiến thắng Phước Long và tình hình chiến sự sau Phước Long giúp Bộ Chính trị củng cố thêm quyết tâm chiến lược, bổ sung và hoàn chỉnh kế hoạch hai năm (1975-1976) hoàn thành giải phóng miền Nam, được đề ra từ Hội nghị Bộ Chính trị (từ 30-9 đến 7-10-1974). Cụ thể là năm 1975 tranh thủ thời cơ, bất ngờ tiến công trên quy mô lớn, rộng khắp, tạo điều kiện đến năm 1976 tiến hành tổng công kích - tổng khởi nghĩa giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Bộ Chính trị đề ra kế hoạch hai năm, nhưng lại nhấn mạnh “cả năm 1975 là thời cơ” và chỉ rõ “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tranh thủ thời cơ thực hiện “Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa”, phải đánh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hoá..., giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta ở miền Nam đã diễn ra gần hai tháng mùa Xuân 1975 với ba chiến dịch lớn: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh đánh vào Sài Gòn.
Bộ đội ta đánh chiếm sân bay Buôn Mê Thuật trong Chiến dịch Tây Nguyên - Mở đầu cho cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975.
Tây Nguyên là một địa bàn chiến lược hết sức quan trọng mà cả ta và địch đều chú ý và cố gắng nắm giữ.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10-1974 về chọn chiến trường Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu, Quân ủy Trung ương quyết định dùng lực lượng chủ lực mạnh với binh khí kỹ thuật hiện đại để mở chiến dịch quy mô lớn ở Tây Nguyên với trận then chốt mở màn tiến công Buôn Ma Thuột, nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, chiếm thị xã Buôn Ma Thuột, giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên, phát triển cuộc tiến công sang các tỉnh ven biển miền Trung, thực hiện chia cắt chiến lược.
Chiến dịch Tây Nguyên (từ 4-3 đến 24-3-1975) thắng lợi, hơn 10 vạn quân địch bị loại khỏi vòng chiến đấu; hơn 60 vạn dân thuộc các dân tộc Tây Nguyên được giải phóng. Hệ thống phòng thủ chiến lược của quân ngụy ở miền Nam đứng trước nguy cơ bị chia cắt. Tuyến phòng ngự của địch dọc ven biển miền Trung bị uy hiếp trực tiếp. Thế nhưng, Mỹ vẫn không có hành động gì, càng làm tăng thêm sự hoang mang, suy sụp của chính quyền Sài Gòn. Thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên đã chuyển cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sang giai đoạn mới: từ cuộc tiến công chiến lược phát triển thành cuộc tổng tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam.
Với tầm nhìn chiến lược, nghệ thuật phân tích, đánh giá chính xác tình hình so sánh lực lượng của ta - địch và dự báo sớm tình huống, ngày 18-3-1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp, nhận định thắng lợi to lớn có ý nghĩa chiến lược của ta đánh dấu một bước rất mới trong cục diện chung, một bước suy sụp mới của Mỹ - ngụy. Địch đang thực hiện co cụm chiến lược ở Đà Nẵng và Cam Ranh… Bộ Chính trị hạ quyết tâm chuyển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc tổng tiến công chiến lược, quyết tâm hoàn thành kế hoạch 2 năm (1975-1976) ngay trong năm 1975 và xác định hướng tiến công chiến lược chủ yếu là Sài Gòn.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày kê hoạch trong cuộc họp Bộ Chính trị, hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975.
Quyết tâm của Bộ Chính trị được cụ thể trong phương hướng chiến lược: tập trung lực lượng của cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam. Trước mắt, tiến hành trận quyết chiến chiến lược giải phóng Huế - Đà Nẵng, giải phóng các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ, tiêu diệt được toàn bộ lực lượng địch trong vùng 1 chiến thuật, từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, không cho chúng co về giữ Sài Gòn, đồng thời đẩy mạnh công tác chuẩn bị cho trận quyết chiến cuối cùng giải phóng Sài Gòn.
Để thực hiện quyết tâm trên, Bộ Tổng tư lệnh đã tập trung nghiên cứu xác định hướng tiến công chiến lược, tổ chức nghi binh lừa địch cả về hướng, thời gian và lực lượng; nhanh chóng điều chỉnh lực lượng, bố trí thế trận và tích cực chỉ đạo hoạt động tác chiến trên các hướng. Với sự chỉ đạo tác chiến táo bạo, linh hoạt của Bộ Tổng tư lệnh và được sự giúp đỡ của chính quyền, nhân dân các địa phương dọc tuyến đường hành quân, Quân đoàn I đã kịp thời cơ động vào chiến trường đúng thời gian quy định; các sư đoàn chủ lực ở mặt trận Tây Nguyên bí mật hành quân vào áp sát Sài Gòn; tăng cường 2 trung đoàn xe tăng, 2 trung đoàn pháo binh và 3 trung đoàn pháo cao xạ cho Mặt trận B2...
Để chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, Bộ Chính trị quyết định thành lập Hội đồng chi viện cho tiền tuyến do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch, nhằm động viên sự nỗ lực của cả nước vào công cuộc chiến thắng, đồng thời quyết định thành lập thêm Quân đoàn III, trên cơ sở lực lượng quân chủ lực Tây Nguyên, thành một lực lượng cơ động chiến lược của Bộ để cùng với Quân đoàn I, Quân đoàn II, Quân đoàn IV tham gia giải phóng Sài Gòn.
Cùng với nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh tài tình, sắc sảo của Bộ Chính trị, nghệ thuật tạo thế, lực và nhất là nghệ thuật chớp thời cơ, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành toàn thắng. Quân và dân ta đã đập tan toàn bộ bộ máy chiến tranh to lớn của chính quyền tay sai Mỹ ở miền Nam, quét sạch bộ máy ngụy quyền mà đế quốc Mỹ đã xây dựng trong hơn 20 năm. Ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, giành toàn vẹn lãnh thổ. Nhân dân ta đã giành được độc lập, tự do, tiến tới thực hiện thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội.
Lê Khiêm (tổng hợp)
Nguồn:
- Lê Mậu Hãn, Trần Bá Đệ, Nguyễn Văn Thư, “Giải phóng hoàn toàn miền Nam, giành toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc”, Đại cương Lịch sử Việt Nam, Tập III, H.: Giáo dục, 1998, tr.260-270.
- Trần Quỳnh Cư, Nguyễn Hữu Đạo, Đỗ Thị Nguyệt Quang, “Ngày 18 tháng Ba năm 1975 - Bộ Chính trị họp, hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975”, Việt Nam những sự kiện lịch sử (1945-1975), H.: Giáo dục, 2006, tr. 535.