Thứ Tư, 18/06/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

25/02/2014 08:57 4890
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Ngày 27/2/1955, Bác Hồ đã gửi thư cho cán bộ công nhân viên ngành y tế, với những tình cảm chân thành và thiết tha nhất. Cũng chính vì vậy ngày 27/2 được lấy là ngày truyền thống thầy thuốc Việt Nam.

Trong số những bác sĩ nổi tiếng Việt Nam không thể không nhắc tới người bác sĩ, chiến sĩ, nhà khoa học Phạm Ngọc Thạch. Ông là Bộ trưởng Bộ Y tế Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Anh hùng Lao động, là hình ảnh tiêu biểu của bộ phận trí thức giác ngộ cách mạng. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã hiến dâng cuộc đời mình cho cách mạng, đồng thời ông cũng đã dùng tài năng, trí tuệ và tâm đức của mình cho sự nghiệp y tế Việt Nam đến hơi thở cuối cùng.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch sinh ngày 7/5/1909 tại Sài Gòn, ông thi đậu trường đại học Y Hà Nội, đến năm thứ 4 của đại học ông quyết định sang Pháp để học thêm chuyên ngành về lao phổi. Sau thời gian theo học ở trong và ngoài nước, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch trở thành một chuyên gia xuất sắc trong ngành lao, là hội viên duy nhất trong toàn cõi Đông Dương của Hội nghiên cứu về lao của nước Pháp.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (1909-1968)

Năm 1935 bác sĩ Phạm Ngọc Thạch trở về Sài Gòn, ông mở phòng khám tư trên đường Chasseloup – Laubat (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai), đây là địa chỉ khám bệnh của dân nghèo và cán bộ cách mạng. Năm 1936 ông hăng hái ủng hộ mặt trận bình dân, đến cuối năm 1941 tham gia phong trào do Đảng cộng sản Đông Dương lãnh đạo, chữa bệnh cho cán bộ hoạt động bí mật, tuyên truyền vận động cho mặt trận Việt Minh. Tháng 5/1945 ông trở thành đảng viên cộng sản, thời kỳ tiền khởi nghĩa tham gia tổ chức và lãnh đạo phong trào thanh niên tiền phong, tập hợp những thanh niên trẻ có nhiệt huyết yêu nước. Sau ngày cách mạng tháng Tám thành công, ông được cử vào Ủy ban Nhân dân cách mạng Lâm thời thành phố Sài Gòn, sau khi miền Bắc được giải phóng (1954) được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Y tế kiêm Viện trưởng viện chống Lao Trung ương.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (thứ hai từ phải sang) tại chiến khu trong kháng chiến chống Pháp

Với cương vị là một nhà khoa học ông đã có những đóng góp to lớn cho ngành y tế Việt Nam thời bấy giờ, đồng thời những kết quả nghiên cứu này cũng chính là tiền đề cho những thế hệ nhà khoa học về sau lấy đó làm cơ sở cho việc nghiên cứu. Vắc-xin B.C.G chết (loại vắc-xin chống bệnh Lao không cần bảo quản lạnh) là công trình độc đáo của cán bộ tập thể thầy thuốc Việt Nam, do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đứng đầu. Hàng chục triệu người đã được tiêm phòng lao bằng loại vắc-xin này. Hơn 60 viện nghiên cứu ở 40 nước đã viết thư xin bác sĩ Phạm Ngọc Thạch về loại vắc-xin này. Tạp chí Tubrele của Hội nghiên cứu về bênh phổi ở nước Anh đăng bài về công trình vắc-xin B.C.G chết và nhận xét: “Đối với các nước đang phát triển, phương pháp phòng và chống bệnh lao của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là phương pháp tốt nhất”.

Thời kỳ đất nước còn nhiều khó khăn, ngành y tế còn rất lạc hậu, có những căn bệnh mà ở nước ta chưa ai đề cập đến, nhưng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã nói đến như: nấm phổi, ký sinh trùng phổi, giãn phế quản khô chảy máu, nhiễm bụi than…bên cạnh đó ông là người đầu tiên nghiên cứu việc dùng Phi-la-tốp tiêm vào các huyệt vị kinh lạc để chữa bệnh lao phổi, kết hợp với việc dùng kháng sinh, với phương pháp này nhiều người đã được chữa trị khỏi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh viện Việt - Đức, hỏi chuyện bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (người cắt tóc cao, ngồi bên trái) và bác sĩ Tôn Thất Tùng (người ngồi giữa).

Không chỉ trong công tác chữa trị và nghiên cứu, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch còn là người đóng vai trò quan trọng góp phần vào việc đào tạo ra đội ngũ cán bộ y tế cho nước nhà. Chính những đóng góp to lớn trong hoạt động cách mạng cũng như trong hoạt động y học Việt Nam, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch được Quốc hội và Chính phủ tặng danh hiệu anh hùng lao động và nhiều huân chương cao quý, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (1996).

Thu Nhuần (tổng hợp)

Nguồn:

  1. Đinh Xuân Lâm, Từ điển nhân vật lịch sử. Nxb Giáo dục, 2005.
  2. Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, Trí thức Việt Nam xưa và nay. Nxb Văn hóa Thông tin, 2005.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 5837

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

2 /1948 - Phong trào Trần Quốc Toản của thiếu nhi được phát động theo sáng kiến của Bác Hồ

2 /1948 - Phong trào Trần Quốc Toản của thiếu nhi được phát động theo sáng kiến của Bác Hồ

  • 25/02/2014 08:38
  • 29446

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Để bảo vệ những thành quả của cách mạng, giữ gìn độc lập tự do của dân tộc vừa giành được, quân và dân ta đã anh dũng bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ và ác liệt.