Thứ Bảy, 15/03/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

14/02/2014 14:14 17736
Điểm: 3.75/5 (4 đánh giá)
Nhận thấy được sự sa sút của chính quyền thuộc địa sau khi phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương, ngày 27/9/1940 nhân dân Bắc Sơn dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ địa phương đã nổi dậy chặn đánh toàn quân Pháp, tước vũ khí của chúng để trang bị cho mình, vận động binh lính người Việt bỏ hàng ngũ của địch, đánh chiếm đồn Mỏ Nhài. Viên chi trâu bỏ trốn, ngụy quyền ở Bắc Sơn tan rã, nhân dân hoàn toàn làm chủ các vùng trong châu.

Ngay sau khi nhận được tin cuộc khởi nghĩa bùng nổ, Xứ ủy Bắc Kỳ đã cử đồng chí Trần Đăng Ninh lên lãnh đạo phong trào và hướng cuộc nổi dậy vào mục tiêu xây dựng lực lượng để chiến đấu lâu dài.

Giữa tháng 10/1940, ban chỉ huy căn cứ Bắc Sơn được thành lập, tiếp đó ngày 13/10/1940, cuộc họp tại khu rừng Tân Hương đã quyết định thành lập đơn vị du kích Bắc Sơn. Ngày 28/10/1940, quần chúng cách mạng đang tổ chức mít tinh ở Vũ Lăng, chuẩn bị đánh chiếm lại đồn Mỏ Nhài, thì bị quân Pháp tấn công. Khởi nghĩa Bắc Sơn chỉ tồn tại trong vòng 1 tháng, chỉ diễn ra trên phạm vi một huyện, nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Cuộc khởi nghĩa đã mở đầu thời kỳ cách mạng nước ra sử dụng các hình thức bạo lực cách mạng, đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị , nổi dậy của quần chúng.

Đồng chí Phùng Chí Kiên (1901-1941), một trong những chỉ huy đầu tiên của đội du kích Bắc Sơn.

Cuộc khởi nghĩa vũ trang thất bại nhưng đã để lại bài học quý báu về khởi nghĩa vũ trang, xây dựng chính quyền, hơn nữa đã đặt nền móng đầu tiên cho việc xây dựng căn cứ địa cách mạng với những lực lượng vũ trang đầu tiên mà sau này phát triển thành Việt Nam Cứu quốc quân.

Thực hiện chủ trương của Hội nghi Trung ương lần thứ VII (11/1940) về việc duy trì và bồi dưỡng lực lượng vũ trang của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, làm vốn quân sự đầu tiên cho cuộc cách mạng, ngày 14/2/1941, đội du kích Bắc Sơn được thành lập trong một buổi lễ tổ chức tại rừng Khuôi Nọi (xã Vũ Lễ, châu Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn). Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã thay mặt trung ương Đảng công nhận, trao nhiệm vụ và lá cờ đỏ sao vàng cho đơn vị vũ trang đầu tiên của Đảng. Đội du kích Bắc Sơn gồm 32 đồng chí, do đồng chí Chu Văn Tấn và đồng chí Lương Văn Tri chỉ huy (từ tháng 6/1941 do Phùng Chí Kiên chỉ huy). Sau hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (5/1941) đơn vị được đổi tên thành đơn vị Cứu quốc quân thứ nhất. Ngay khi vừa mới thành lập trung đội vừa tổ chức huấn luyện, vừa tham gia hoạt động quân sự nhằm bảo vệ căn cứ địa cách mạng.

Đồng chí Nông Văn Đôi, thành viên đội du kích Bắc Sơn (Nguồn: ảnh tư liệu BTLSQG)

Tiếp đó, nhằm xây dựng lực lượng cho cuộc kháng chiến Trung đội cứu quốc quân thứ 2 được thành lập vào ngày 15/9/1941, lễ thành lập được tổ chức tại rừng Khuôn Mánh (Thôn Ngọc Mỹ, Tràng Xá, Vũ Nhai, Thái Nguyên) với sự có mặt của đồng chí Hoàng Quốc Việt, đại diện cho trung ương Đảng. Đơn vị gồm 47 chiến sĩ, chia làm 5 tiểu đội cho Chu Văn Tấn chỉ huy. Mặc dầu được trang bị thô sơ, nhưng ngay khi mới thành lập, đơn vị đã trở thành chỗ giữa vững chắc cho phong trào quần chúng, bảo vệ và mở rộng khu căn cứ, hỗ trợ tích cực cho những cuộc đấu tranh chính trị cũng như làm nòng cốt cho việc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng ở các địa phương.


Đồng chí Lương Ngọc Ái, thành viên đội du kích Bắc Sơn (Nguồn: ảnh tư liệu BTLSQG)

Bước sang năm 1944, phong trào đấu tranh dâng cao, để đáp ứng cho nhu cầu phát triển của phong trào, ngày 25/2/1944 trung đội cứu quốc quân thứ 3 được thành lập tại khu rừng Khuổi Kịch (Châu Sơn Dương, Tuyên Quang) gồm 24 chiến sĩ do Chu Văn Tấn chỉ huy. Địa bàn hoạt động của Trung đội cứu quốc quân thứ 3 là các tỉnh Đại Từ (Thái Nguyên), Bắc Kạn, Tuyên Quang, Vĩnh Yên. Tại đây đồng chí Hoàng Quốc Việt đã làm lễ công nhận đơn vị. Từ 3 trung đội cứu quốc quân, dưới sự chỉ đạo của Đảng, lực lượng vũ trang không ngừng phát triển về số lượng và sức chiến đấu phục vụ đắc lực cho công cuộc đấu tranh giành độc lập sau này.

Cuối năm 1944 đứng trước những yêu cầu của cuộc cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra chỉ thị thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (ĐVNTTGPQ). Đội thành lập gồm 3 tiểu đội với 34 chiến sĩ, được chọn lọc từ các đội du kích Cao Bằng - Bắc Sơn - Lạng Sơn, trở thành đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và tiền thân của quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời đây cũng là hạt nhân quan trọng cùng với Việt Nam Cứu quốc quân hợp nhất thành Việt Nam Giải phóng quân.

Thu Nhuần (tổng hợp)

Nguồn:

  1. Dương Trung Quốc, “Việt Nam những sự kiện lịch sử 1919 - 1945” , NXB Giáo Dục, 2000.
  2. Đinh Xuân Lâm (chủ biên), “Đại cương lịch sử Việt Nam tập II”, NXB Giáo Dục,2001.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 5347

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Kỷ niệm 63 năm (2/1951- 2/2014)-Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương

Kỷ niệm 63 năm (2/1951- 2/2014)-Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương

  • 14/02/2014 09:11
  • 10067

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng diễn ra trong một bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều biến chuyển lớn. Đến năm 1951, năm thứ sáu của cuộc kháng chiến, thế và lực của chiến tranh nhân dân có sự phát triển vượt bậc. Sự ủng hộ về tinh thần , vật chất của Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân ba nước Đông Dương đẩy kháng chiến mau tới thắng lợi hoàn toàn. Ta có những vùng giải phóng rộng lớn, mở được cửa thông thương quốc tế, lực lượng vũ trang có khả năng tiêu diệt bộ phận sinh lực quan trọng của địch. Song, thực dân Pháp, với sự trợ giúp của đế quốc Mỹ vẫn nỗ lực tăng cường chiến tranh, gây cho ta nhiều khó khăn, phức tạp.