Thứ Năm, 16/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

14/02/2014 09:11 1 9605
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng diễn ra trong một bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều biến chuyển lớn. Đến năm 1951, năm thứ sáu của cuộc kháng chiến, thế và lực của chiến tranh nhân dân có sự phát triển vượt bậc. Sự ủng hộ về tinh thần , vật chất của Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân ba nước Đông Dương đẩy kháng chiến mau tới thắng lợi hoàn toàn. Ta có những vùng giải phóng rộng lớn, mở được cửa thông thương quốc tế, lực lượng vũ trang có khả năng tiêu diệt bộ phận sinh lực quan trọng của địch. Song, thực dân Pháp, với sự trợ giúp của đế quốc Mỹ vẫn nỗ lực tăng cường chiến tranh, gây cho ta nhiều khó khăn, phức tạp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh với Ban trù bị Đại hội Đảng lần thứ II, ở Việt Bắc, ngày 9-2-1951.

Nhằm giải quyết những vấn đề mới mà cách mạng đặt ra, Đại hội Đại biểu lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương được triệu tập. Đại hội họp tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951. Dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho 766.349 đảng viên đang sinh hoạt trong Đảng bộ toàn Đông Dương. Đến dự Đại hội, còn có đại biểu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Xiêm (Thái Lan).

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu dự Đại hội Đảng lần thứ II (1951) dâng hương tại Đài tưởng niệm các liệt sĩ trận vong.

Sau diễn văn khai mạc của đồng chí Tôn Đức Thắng, Đại hội đã nghiên cứu và thảo luận kỹ các báo cáo trình trước Đại hội: Báo cáo Chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam của đồng chí Trường Chinh, Báo cáo về Tổ chức và Điều lệ Đảng của đồng chí Lê Văn Lương cùng nhiều báo cáo bổ sung về Mặt trận Dân tộc thống nhất, Chính quyền dân chủ nhân dân, Quân đội nhân dân, Kinh tế tài chính và về Văn hóa văn nghệ… và những tham luận khác.

Đồng chí Tôn Đức Thắng đọc lời khai mạc tại Đại hội Đảng lần thứ II (11-2-1951).

Báo cáo chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày (chiều ngày 11-2-1951) là một văn kiện có giá trị thực tiễn và lý luận to lớn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ II (1951).

Báo cáo tổng kết những kinh nghiệm phong phú của Đảng trong hơn 20 năm lãnh đạo cách mạng, vạch ra những phương hướng, nhiệm vụ đưa cuộc kháng chiến thắng lợi hoàn toàn. Báo cáo khẳng định đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài vì độc lập thống nhất, dân chủ của Đảng là đúng đắn, cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ nhất định thắng lợi. Báo cáo nêu hai nhiệm vụ chính của Đảng lúc này là:

  1. Đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
  2. Tổ chức Đảng Lao động Việt Nam.

Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam do đồng chí Trường Chinh trình bày (ngày 12-2-1951) phân tích một cách hệ thống và sâu sắc toàn bộ đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến dần lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về các chính sách của Đảng và về Đảng Lao động Việt Nam.

Đồng chí Trường Chinh trình bày Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam tại Đại hội Đảng lần thứ II (1951).

Báo cáo phân tích xã hội Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp, nêu rõ xã hội Việt Nam chứa chất nhiều mâu thuẫn, trong đó có hai mâu thuẫn cơ bản. Đó là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với đế quốc và tay sai; mâu thuẫn giữa nhân dân, chủ yếu là nông dân với giai cấp địa chủ phong kiến. Mâu thuẫn chính là mâu thuẫn giữa nhân dân Việt Nam với đế quốc xâm lược và tay sai. Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam là đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược, trừ diệt bọn phản quốc, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, thống nhất, xóa bỏ tàn dư phong kiến và nửa phong kiến, làm cho người cày có ruộng, tiến lên chủ nghĩa xã hội…

Căn cứ tình hình, nhiệm vụ, tính chất cách mạng, Báo cáo vạch ra 12 chính sách của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Toàn bộ đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội của Đảng được Đại hội thảo luận và đúc kết một cách khái quát trong Chính cương Đảng Lao động Việt Nam .

Đồng chí Lê Văn Lương trình bày Báo cáo về Tổ chức và Điều lệ Đảng tại Đại hội Đảng lần thứ II (1951).

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần II của Đảng đã tổng kết những thành công và bài học của cách mạng Việt Nam; đề ra nhiệm vụ hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; hoàn thiện đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Đại hội thông qua Chính cương, Tuyên ngôn và Điều lệ mới của Đảng. Đại hội quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam; đồng thời, các Đảng bộ ở Campuchia và Lào thành lập Đảng riêng ở mỗi nước.

Các đại biểu tham gia thảo luận ở tổ tại Đại hội (người đội mũ, ngồi ở bìa phải ảnh là đ/c Trường Chinh).

Ban Chấp hành Trung ương mới của Đảng do Đại hội bầu ra gồm 29 đồng chí. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu giữ chức Chủ tịch Đảng. Bộ Chính trị do Trung ương bầu gồm 7 Ủy viên chính thức: đồng chí Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Quốc Việt, một Ủy viên dự khuyết là đồng chí Lê Văn Lương. Đồng chí Trường Chinh được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp lưu niệm với các đại biểu dự Đại hội.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng là một sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu bước trưởng thành mới về tư tưởng, đường lối chính trị của Đảng ta. Đảng từ bí mật trở lại hoạt động công khai với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam. Đường lối do Đại hội vạch ra đã đáp ứng yêu cầu trước mắt của kháng chiến và yêu cầu lâu dài của cách mạng, thực sự là những đóng góp quý báu vào kho tàng lý luận cách mạng nước ta. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng được gọi là Đại hội kháng chiến, “Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng ta đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân, đã lãnh đạo nhân dân phấn đấu dưới lá cờ tất thắng của chủ nghĩa Mác- Lênin” (lời Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Chu Lộc- Phương Thảo (tổng hợp)

Nguồn:

  1. Tìm hiểu lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam qua các Đại hội và Hội nghị Trung ương 1930- 2002. Nxb Lao động, Hà Nội- 2002.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam mười mốc son lịch sử. Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội -2006.
  3. Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3 (1945- 1954). Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội- 2009.
  4. 80 năm Đảng Cộng sản Việt Nam (1930- 2010). Nxb Thông tấn, Hà Nội- 2010.
  5. Ảnh tư liệu BTLSQG.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bình luận

mknkjhvg25/01/2015 18:10

Kỷ niệm 63 năm (2/1951- 2/2014)-Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương
uoiruezvkkf

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 5136

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Cách đây 53 năm (15/2/1961 – 15/2/2014)- Giải phóng quân miền Nam Việt Nam được thành lập.

Cách đây 53 năm (15/2/1961 – 15/2/2014)- Giải phóng quân miền Nam Việt Nam được thành lập.

  • 13/02/2014 10:58
  • 7732

Tại Nam bộ, từ những năm 1957 – 1958 các đội vũ trang tự vệ được thành lập để chống tàn sát khủng bố, bảo vệ cơ sở, bảo vệ lực lượng cách mạng, tiến hành các công tác vũ trang tuyên truyền, diệt tề trừ gian, đến năm 1959 - 1960 đã phát triển rất nhanh ra khắp miền Nam. Lực lượng vũ trang địa phương cũng được phát triển nhanh chóng.