Thứ Sáu, 13/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

13/02/2014 10:58 7137
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Tại Nam bộ, từ những năm 1957 – 1958 các đội vũ trang tự vệ được thành lập để chống tàn sát khủng bố, bảo vệ cơ sở, bảo vệ lực lượng cách mạng, tiến hành các công tác vũ trang tuyên truyền, diệt tề trừ gian, đến năm 1959 - 1960 đã phát triển rất nhanh ra khắp miền Nam. Lực lượng vũ trang địa phương cũng được phát triển nhanh chóng.

Được Đảng lãnh đạo, được nhân dân đùm bọc nuôi dưỡng, trải qua những năm đấu tranh giữ gìn và phát triển lực lượng, các lực lượng vũ trang ở miền Nam đã làm tròn nhiệm vụ là đội xung kích và hỗ trợ quần chúng nhân dân nổi dậy. Tại Nam Bộ, 560 xã có tiểu đội du kích, 190 xã thành lập được trung đội du kích gồm khoảng 7000 người, ngoài ra mỗi xã còn có hàng chục dân quân tự vệ.

Thượng tướng Trần Văn Trà (1919-1996), một trong những Tư lệnh đầu tiên của Quân giải phóng Miền Nam.

Tại Liên khu 5, du kích tự vệ ở các xã miền núi có khoảng 3000 người. Các đội vũ trang tỉnh, huyện ở Nam Bộ đều là những đơn vị vũ trang tập trung từ quần chúng khởi nghĩa mà ra, từ tự vệ du kích mà lên, được xây dựng thành các đơn vị bộ đội địa phương, lực lượng lòng cốt của chiến tranh nhân dân ở địa bàn tỉnh, huyện. Việc cung cấp vật chất cho lực lượng vũ trang tập trung dựa vào sự đóng góp của nhân dân ở khu vực đơn vị đóng quân, do chính quyền cách mạng ở xã, ấp đảm nhiệm, một phần do cán bộ chiến sĩ ta tự sản xuất. Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (ra đời 20-12-1960) và các ủy ban mặt trận giải phóng tỉnh, huyện, xã lần lượt ra mắt nhân dân. Chức năng vừa tập hợp lực lượng của mặt trận vừa làm chính quyền cách mạng, giúp cấp ủy đảng chỉ đạo và chỉ huy các đơn vị vũ trang, đồng thời tiếp nhận sự giúp đỡ vật chất của nhân dân cho các lực lượng vũ trang.

Một đơn vị Quân giải phóng Miền Nam.

Trước tình hình đó, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra chỉ thị: Lực lượng vũ trang cách mạng ở miền Nam sẽ mang tên “Quân giải phóng miền Nam Việt Nam”. Cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị, chỉ thị của Tổng Quân ủy tháng 1 năm 1961 nêu rõ: “Quân giải phóng miền Nam Việt Nam là một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam, do Đảng sáng lập và xây dựng, giáo dục và lãnh đạo. Đường lối chính trị và đường lối quân sự của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của nó. Mục tiêu chiến đấu của quân đội đó là kiên quyết thực hiện cương lĩnh, đường lối của Đảng, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng tiến lên xã hội chủ nghĩa.

Thiếu tướng Nguyễn Thị Định (1920-1992), Phó Tư lệnh quân giải phóng Miền Nam, vị nữ tướng đầu tiên của Quân giải phóng.

Quân giải phóng miền Nam Việt Nam vừa là một đội quân chiến đấu vừa là một đội quân công tác sản xuất. Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam sẽ xây dựng ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Phương châm xây dựng là khẩn trương nhưng phải phù hợp với tình hình, khả năng thực tế và có đủ điều kiện để đối phó với những tình huống đột biến, lấy việc xây dựng các đơn vị tập trung làm chủ yếu, đồng thời hết sức coi trọng việc xây dựng bộ đội địa phương và dân quân du kích.

Quân giải phóng Miền Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1968.

Lúc này khi đã có đủ ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra tuyên bố thống nhất các lực lượng vũ trang cách mạng ở miền Nam. Ngày 15 tháng 2 năm 1961, tại chiến khu Đ một cuộc hội nghị quân sự được tổ chức để thống nhất các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng ở miền Nam. Hội nghị quyết định: thống nhất tất cả các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam thành giải phóng quân miền Nam và đặt dưới sự chỉ huy chung của Bộ tư lệnh các Lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam. Đại biểu của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đã trao cho quân đội và các binh chủng thuộc giải phóng quân lá quân kỳ có hàng chữ: “Giải phóng quân anh dũng chiến thắng”.

Một mũi tấn công của Quân giải phóng Miền Nam trên mặt trận Quảng Trị năm 1971.

Đây là một thời kỳ chuyển giai đoạn của cách mạng, một bước ngoặt tiến lên của quân đội. Trong thời kỳ này quân đội ta tiếp tục được rèn luyện qua các cuộc vận động chính trị và xây dựng xã hội mới, được giác ngộ xã hội chủ nghĩa và đã được trưởng thành thêm một bước mới.

Huệ- Chính (tổng hợp)

Tài liệu tham khảo:

- Lịch sử Quân đội ND Việt Nam (1945-1975). Nxb QĐND, 2005.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4809

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Kỷ niệm 84 năm khởi nghĩa Yên Bái (10/2/1930- 10/2/2014)- “Không thành công thì thành nhân”

Kỷ niệm 84 năm khởi nghĩa Yên Bái (10/2/1930- 10/2/2014)- “Không thành công thì thành nhân”

  • 10/02/2014 09:53
  • 6541

Sau những thất bại của phong trào Cần Vương và các cuộc khởi nghĩa do tầng lớp văn thân, sĩ phu lãnh đạo, các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta vẫn được tiếp nối dưới sự lãnh đạo của các lực lượng yêu nước tiến bộ đương thời. Trong đó, nổi bật là hoạt động của tổ chức Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) do giai cấp tư sản lãnh đạo, đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Thái Học.