Cuối năm 1929, theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã rời Thái Lan đến Nam Hương Cảng để chuẩn bị kế hoạch tổ chức Hội nghị hợp nhất các nhóm Cộng sản ở Việt Nam. Hội nghị được tiến hành tại Hương Cảng từ ngày 3 đến ngày 7-2-1930 do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì, các đại biểu dự Hội nghị đã nhất trí thành lập một Đảng mới lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hội nghị thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ tóm tắt của Đảng và Lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc dự thảo. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của phong trào cách mạng ở nước ta lúc đó. Một Đảng vô sản kiểu mới xuất hiện trên đất nước thuộc địa, nửa phong kiến là một bước nhảy vọt của xã hội Việt Nam: từ bỏ con đường cách mạng tư sản kiểu cũ,tham gia ngay vào trào lưu cách mạng vô sản.
Tranh vẽ “Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì cuộc họp thành lập Đảng CS Việt Nam, ngày 3/2/1930”.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời lãnh đạo quần chúng, làn sóng đấu tranh dân tộc, dân chủ dâng lên mạnh mẽ khắp nước. Đó là những cuộc đấu tranh của công nhân nổ ra đêm trước ngày thành lập Đảng như: Nhà máy Sợi Nam Định, Nhà máy Diêm Bến Thủy…trở thành cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Trong tình hình ấy, ngoài việc lãnh đạo phong trào cách mạng ngày càng phát triển mạnh mẽ Ban Chấp hành Trung ương Lâm thời còn triệu tập hội nghị Trung Ương Đảng lần thứ nhất, diễn ra từ ngày 14 đến ngày 30-10-1930 tại Hương Cảng do đồng chí Trần Phú chủ trì. Theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, Hội nghị đã đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương.
Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) còn lưu giữ được rất nhiều những hiện vật quý hiếm về thời kỳ hoạt động đầu tiên của Đảng, trong đó có con dấu của Đảng Cộng sản Đông Dương, làm bằng gỗ, hình tròn, đường kính là 3,8 cm, dày 1,2cm, cao 5,8cm (tính cả cán dấu). Dòng chữ khắc trên con dấu là “Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Đông Dương”.
Chắc chắn trong suốt 21 năm tồn tại của mình (1930-1951) con dấu trên đã được các đồng chí lãnh đạo dùng đóng lên các văn bản quan trọng của Đảng như: Luận cương chính trị tháng 10-1930, Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương, những Nghị Quyết của các Hội nghị Trung ương Đảng cùng các văn bản khác. Ngoài ra, những thông tin khác về hành trình bảo quản, cất giữ của nó có lẽ vẫn còn một ẩn số cần được tiếp tục giải đáp.
Con dấu của Đảng Cộng sản Đông Dương (hiện vật hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng LSQG)
Hiện vật trên lần đầu tiên được trưng bày tại phòng trưng bày chuyên đề “Đảng Cộng sản Việt Nam- Đại hội và thành quả” diễn năm 2001 nhằm chào mừng Đại hội lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đã 84 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn gian khổ giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ở đó, có chặng đường hoạt động 1930- 1951, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên kỳ tích phi thường: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, thiết lập Nhà nước Dân chủ Nhân dân ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến. Đây là trang sử hào hùng trong lịch sử hoạt động của Đảng Công sản Việt Nam mà con dấu của Đảng Cộng sản Đông Dương là một trong những bằng chứng sinh động về quá trình hoạt động đó
Hoàng Ngọc Chính (tổng hợp)