Thứ Ba, 10/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

24/01/2014 09:15 9195
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Sau khi buộc phải chấm dứt ném bom miền Bắc, Mỹ đã nỗ lực tập trung lực lượng không quân chiến thuật của Hạm đội 7, không quân chiến lược B.52, nhằm đánh phá đường hành lang, vận chuyển chiến lược của ta. Mặc dù đã làm cản trở trong việc tiếp tế và phá được một số kho tàng của ta, nhưng ý đồ của Mỹ vẫn không thực hiện một cách triệt để.

Chính vì vậy, cuối năm 1970, Mỹ đã chủ trương tiến hành cuộc hành quân “Lam Sơn 719” đánh vào Đường 9 - Nam Lào, cắt tuyến vận chuyển chiến lược của ta, làm cho lực lượng vũ trang ta ở miền Nam suy yếu, không thể đánh tập trung quy mô lớn trong mùa khô 1971, 1972 để Mỹ dễ dàng thực hiện âm mưu “Việt Nam hóa chiến tranh” giành lại thế chủ động trên chiến trường.

Sơ đồ chiến dịch hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ hỗ trợ quân đội Sài Gòn.

Để thực hiện cuộc hành quân quy mô lớn này, Mỹ - ngụy đã tập trung một lực lượng lớn gồm nhiều đơn vị cơ động, chiến lược tinh nhuệ nhất của quân ngụy, có sự chi viện rất mạnh của không quân Mỹ và của một lực lượng bộ binh, thiết giáp Mỹ phối hợp tác chiến ở phía sau. Lực lượng của Việt Nam Cộng hòa và Mỹ trong cuộc hành quân này gồm có:

Quân lực Việt Nam Cộng hòa: tổng cộng khoảng 31 ngàn quân, gồm:

- 3 Sư đoàn: Sư đoàn Dù (gồm 3 lữ đoàn 1, 2, 3), Sư đoàn Thủy quân lục chiến, Sư đoàn 1 Bộ binh;

- 3 lữ đoàn: Liên đoàn 1 Biệt động quân, trung đoàn 4 và trung đoàn 5 - Sư đoàn bộ binh số 2;

- 4 trung đoàn và 2 chi đoàn thiết giáp: trung đoàn 17, 11, 7, 4 (trang bị xe tăng M-41);

- 13 tiểu đoàn pháo binh.

Quân đội Mỹ- ngụy trong cuộc hành quân Lam Sơn 719.

Quân đội Mỹ: tổng cộng khoảng 10 ngàn quân, gồm:

- 12 tiểu đoàn bộ binh: 5 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn dù 101, 4 tiểu đoàn lữ 1 Sư đoàn 5 bộ binh cơ giới, 3 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn Americal;

- 8 tiểu đoàn pháo binh (cỡ pháo từ 155 đến 203 mm);

- 1.200 máy bay: 800 trực thăng, 300 máy bay phản lực, 50 máy bay vận tải cỡ lớn và 50 máy bay chiến lược B-52.

Quân đội ngụy Lào: khoảng 4.000 quân thuộc 2 binh đoàn cơ động GM30 và GM33.

Quân đội Nhân dân Việt Nam: Tổng cộng có khoảng 50.000 quân, với chỉ huy là Bộ tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Nam Lào (mật danh là "Bộ tư lệnh 702");

- Các sư đoàn bộ binh: 2, 304, 308, 320 và 324;

- Ba tiểu đoàn tăng, thiết giáp: 297, 397, 198, với 88 xe tăng (33 xe T-34/85, 22 xe T-54, 33 xe tăng lội nước PT-76);

- Một số tiểu đoàn đặc công;

- Ba trung đoàn pháo binh cơ giới: 368, 38, 45;

- Trung đoàn pháo mang vác 84;

- Ba trung đoàn pháo phòng không: 230, 241, 591;

- Ba trung đoàn công binh: 219, 83, 7;

- Bảo vệ hậu phương chiến lược, trực tiếp của chiến dịch là Sư đoàn phòng không 367 gồm 3 trung đoàn pháo phòng không 282, 284, 224 và hai trung đoàn tên lửa 238, 237;

- Các lực lượng tại chỗ của B5, B4 và Đoàn 559.

Xét về tương quan, hai bên khá tương đương về quân số, tuy nhiên phía Mỹ và Việt Nam Cộng hòa mạnh hơn hẳn về trang bị và hỏa lực hạng nặng (gấp 4 lần về thiết giáp, 3 lần về pháo hạng nặng và hơn tuyệt đối về không quân).

Kế hoạch tác chiến của địch là nhanh chóng đánh chiếm Sê Pôn, chiếm giữ đoạn đường Bản Đông - Sê Pôn, đánh phá kho tàng, đường xá xung quanh Sê Pôn, phía Bắc lên tới Kho Vinh - Na Thôn, phía Tây Nam đến Đông Bắc Mường Phìn nhằm phối hợp với lực lượng ngụy Lào từ phía tây tiến sang. Tiếp đó cơ động lực lượng xuống đánh phá kho tàng khu vực từ Sa Đi - Mường Noọng, A Túc đến A Sầu, A Lưới thuộc tỉnh Thừa Thiên. Thời gian địch dự định cuộc hành quân khoảng 90 ngày, kết thúc trước mùa mưa ở Nam Lào (tháng 5 năm 1971). Cụ thể gồm 4 giai đoạn:

Một cứ điểm quân sự của Mỹ ngụy trong cuộc hành quân Lam Sơn 719.

Giai đoạn 1 (từ ngày 30-1 đến ngày 7-2-1971): thực hiện cơ động lực lượng, chiếm lĩnh trận địa xuất phát tấn công.

Giai đoạn 2 (từ ngày 8 đến ngày 14-2-1971): tiến công chiếm các mục tiêu Bản Đông và Sê Pôn.

Giai đoạn 3 (từ ngày 15-2 đến ngày 12-3-1971): lùng sục, đánh phá kho tàng.

Giai đoạn 4 (từ ngày 13-3 đến đầu tháng 5-1971): chuyển xuống đánh phá các kho tàng phía nam từ Sa Đi, Mường Noọng, A Túc đến A Sầu, A Lưới.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe báo cáo kế hoạch tác chiến chuẩn bị cho chiến dịch Đường 9 Nam Lào năm 1971.

Kế hoạch phối hợp của quân ngụy Lào ở phía Tây:

- Dùng trung đoàn cơ động 30 (GM 30) tiến ra khu vực Pha-đô-tuyn và có mặt tại Mường Noọng ngày 27 tháng 1 năm 1971.

Từ ngày 30 tháng 1 đến ngày 28 tháng 2, GM 30 hoạt động ở khu vực Sa-đi - Mường Noọng nhằm phá hoại kho tàng, chặn tiếp tế và thu hút lực lượng của ta.

- Dùng trung đoàn cơ động 33 (GM 33) từ ngày 9 đến ngày 14 tháng 2 tiến ra Mường Phìn, nối liền với quân nguỵ miền Nam Việt Nam. Hai cánh quân ngụy Lào - Việt này phối hợp lùng sục, đánh phá kho tàng cho đến ngày 1 tháng 3 năm 1971.

Kế hoạch phối hợp và bảo vệ phía sau của quân Mỹ:

- Dùng 2 tiểu đoàn pháo binh (155 và 175 ly) chi viện trực tiếp cho quân ngụy vượt biên biên giới chiến đấu.

- Dùng 1 tiểu đoàn dù, 3 tiểu đoàn pháo binh (175 và 203 ly), 1 trung đoàn thiết giáp (gồm 4 tiểu đoàn) đứng ở khu vực Khe Sanh sẵn sàng bổ trợ cho cuộc hành quân của quân ngụy.

- Dùng hơn 600 máy bay các loại trực tiếp chi viện cho cuộc hành quân của ngụy (Cụ thể dự tính 300 máy bay chiến đấu, 260 máy bay lên thẳng và 100 máy bay khác).

- Dùng 2 tiểu đoàn pháo binh, nếu cần cả bộ binh bảo vệ phía sau quân ngụy từ Tân Lâm đến Quảng Trị.

Trong thực tiễn diễn biến, khi cao nhất - ngày 10/3/1971 quân Mỹ đã tăng tổng số quân từ 9000 tên dự kiến lên đến 15.000 tên, bao gồm điều động cả thảy 5 tiểu đoàn thiết giáp (tăng 1 tiểu đoàn) và 4 tiểu đoàn pháo binh (tăng 1 tiểu đoàn) để hỗ trợ trực tiếp cho quân ngụy; điều động khẩn cấp 3 lữ đoàn bộ binh trong 2 ngày 23 và 24 tháng 2 năm 1971 từ Thừa Thiên ra vùng Quáng Ngang, Mai Lộc, điểm cao 241, Khe Sanh (tức là Lữ đoàn 11 bộ binh Mỹ, 2 lữ đoàn dù thuộc Sư đoàn 101 dù Mỹ) và cả thảy 4 tiểu đoàn pháo binh (tăng hơn dự kiến 2 tiểu đoàn) để bảo vệ phía sau cho quân ngụy. Đây là không kể hơn 300 máy bay lên thẳng được điều thêm để phục vụ cho cơ động và vận chuyển lực lượng.

Để phục vụ cho kế hoạch hành quân chính thức, ngay từ tháng 11 năm 1970 địch đã tiến hành một kế hoạch nghi binh lớn, tung tin chuẩn bị tiến công ra miền Bắc (quân khu 4) nhằm phân tán sự chuẩn bị và kế hoạch đối phó của ta trên hướng tiến công chính của chúng.

Pháo binh của ta trong chiến dịch Đường 9 Nam Lào năm 1971.

Tổ chức phân chia sử dụng lực lượng của quân ngụy như sau:

1. Cánh giữa đi dọc Đường 9 là cánh chủ yếu do 1 chiến đoàn đặc nhiệm phụ trách. Chiến đoàn đặc nhiệm này gồm có lữ đoàn 1 dù, 2 thiết đoàn 11 và 17 (sau tăng thêm lữ đoàn 2 dù), có nhiệm vụ đánh chiếm Bản Đông, Sê Pôn và khu vực Đông Bắc, Tây Nam Sê Pôn.

2. Cánh Bắc do lữ đoàn 3 dù và liên đoàn 1 biệt động quân phụ trách, có nhiệm vụ bảo vệ sườn Bắc từ Ta-púc đến Tây Bắc điểm cao 530 (Đông Bắc Sê Pôn).

3. Cánh nam do Sư đoàn bộ binh 1 (đủ 3 trung đoàn), sau tăng cường 2 lữ đoàn thuỷ quân lục chiến (147, 258), phụ trách, có nhiệm vụ bảo vệ sườn nam từ Lao Bảo đến nam Sê Pôn, chiếm lĩnh khu vực Sađi - Mường Noọng và các điểm cao 640, 550, 462, 723, 748.

4. Lực lượng dự bị phía sau có lữ đoàn 369 thủy quân lục chiến và trung đoàn 54 bộ binh thuộc Sư đoàn 1 bộ binh.

Địch hy vọng, với kế hoạch tác chiến như trên, chúng sẽ đạt mục đích cuộc hành quân, sẽ nhanh chóng chặn được tiếp tế, phá được kho tàng của ta, tránh được tác chiến lớn với chủ lực của ta, vì chúng dự liệu rằng đối tượng tác chiến chủ yếu của chúng ở đây là bộ đội bảo vệ hành lang và kho tàng, còn chủ lực của ta không thể nào điều động đến kịp (Còn tiếp phần 2).

Lê Khiêm (biên tập)

Nguồn: Thiếu tướng Lê Mã Lương, “Âm mưu, chủ trương mở cuộc hành quân của địch”, Ký ức 81 ngày đêm thành cổ Quảng Trị và nhìn lại trận chiến mùa hè đỏ lửa Đường 9 Nam Lào (Kỷ niệm lịch sử 40 năm những người lính đã đi qua cuộc chiến khốc liệt, kiên cường (1972-2012)), H.: Văn hóa - Thông tin, 2012, tr. 24-35.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4803

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Kỷ niệm 89 năm thành lập Việt Nam Nghĩa Đoàn (25/1/1925- 25/1/2014)

  • 23/01/2014 15:10
  • 5619

Do ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga, phong trào giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông và phong trào công nhân ở phương Tây có sự gắn bó mật thiết để chống lại chủ nghĩa đế quốc. Sự thành lập Quốc tế cộng sản (1919), thành lập Đảng Cộng sản Pháp (1920), Đảng Cộng sản Trung Quốc (1921)…đã tạo điều kiện thuận lợi cho chủ nghĩa Mác- Lê nin truyền bá vào Việt Nam.