Thứ Sáu, 13/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

23/01/2014 15:10 5624
Điểm: 5/5 (3 đánh giá)
Do ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga, phong trào giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông và phong trào công nhân ở phương Tây có sự gắn bó mật thiết để chống lại chủ nghĩa đế quốc. Sự thành lập Quốc tế cộng sản (1919), thành lập Đảng Cộng sản Pháp (1920), Đảng Cộng sản Trung Quốc (1921)…đã tạo điều kiện thuận lợi cho chủ nghĩa Mác- Lê nin truyền bá vào Việt Nam.

Giai đoạn 1919 - 1925, phong trào dân tộc dân chủ công khai phát triển mạnh mẽ và sôi nổi ở Việt Nam. Với tính chất yêu nước, dân chủ, một loạt các tổ chức chính trị của tầng lớp tiểu tư sản trí thức đã ra đời: Việt nam Nghĩa Đoàn, Hội Phục Việt, Đảng Thanh Niên.

Ngày 19-6-1924, tiếng bom Sa Diện (Quảng Châu- Trung Quốc) của Phạm Hồng Thái đã nhóm lại ngọn lửa đấu tranh và đánh thức lòng yêu nước, mở màn cho thời kỳ đấu tranh mới của cách mạng Việt Nam. Các trí thức yêu nước trong nước đã tập hợp các lực lượng yêu nước, thành lập các tổ chức chính trị, xuất bản một số tờ báo tiến bộ (Chuông Rè, An Nam, Người nhà quê…) để đấu tranh đòi tự do dân chủ.

Việt Nam Nghĩa Đoàn là tổ chức của một nhóm 17 người mà nòng cốt là những sinh viên yêu nước của trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội (trong đó có Tôn Quang Phiệt, Phạm Thiều, Đặng Thai Mai, Nguyễn Quốc Túy…) được thành lập ngày 25-1-1925, tức ngày mùng Một Tết năm Ất Sửu, sau một cuộc họp tại nhà số 4 đường Giôrêghiberi (Jauréguiberry, nay là phố Quang Trung, Hà Nội).

Chân dung ông Tôn Quang Phiệt (1900- 1973), một trong các yếu nhân của tổ chức Việt Nam Nghĩa Đoàn.

Chân dung ông Đặng Thai Mai ( 1902- 1984), một trong các yếu nhân của tổ chức Việt Nam Nghĩa Đoàn.

Tôn chỉ mục đích của nhóm là nhằm cứu nước giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân Pháp. Trong những thành viên của nhóm, nhiều người có cảm tình với chủ nghĩa cộng sản vì họ nhận thấy trên chiến trường lúc đó, Đảng Cộng sản Pháp là người bênh vực quyền lợi của các dân tộc thuộc địa và ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa khỏi ách thực dân. Tuy Việt Nam Nghĩa Đoàn có đưa ra một chương trình sơ lược và mười lời thề, nhưng nó tồn tại không được bao lâu. Một số thành viên đã rời bỏ tổ chức, những phần tử trung kiên còn lại do Tôn Quang Phiệt đứng đầu tiếp tục hoạt động rồi kết hợp với nhóm các chính trị phạm ở Trung Kỳ, tiêu biểu như: Lê Văn Huân, Trần Mộng Bạch, Nguyễn Đình Kiên…để thành lập Hội Phục Việt. Ông Tôn Quang Phiệt được cử làm Hội trưởng Hội Phục Việt. Trong đợt đấu tranh đòi trả tự do cho Phan Bội Châu, tháng 12- 1925, Hội Phục Việt đã rải truyền đơn kêu gọi các giới đồng bào “không kể là kỹ nghệ, thương mại, nông dân, giáo viên, học sinh…hãy đồng tâm hợp lực yêu cầu Chính phủ (Pháp) thả nhà yêu nước chân chính của ta”. Sau đó vì bị lộ, Phục Việt đổi thành Hưng Nam. Hưng Nam xây dựng cơ sở ở Hà Nội nhưng về sau phát triển mạnh vào Nghệ An. Hưng Nam là tiền thân của Tân Việt Cách mạng đảng sau này.

Chu Lộc- Phương Thảo (tổng hợp)

Nguồn:

1. Việt Nam những sự kiện lịch sử (1919- 1945). Nxb Giáo dục. Hà Nội -2000.

2. Bách khoa thư Hà Nội, tập 3. Nxb Văn hóa thông tin, Viện nghiên cứu và phổ biến kiến thức Bách khoa. Hà Nội- 2010.

3. Trang web Lịch sử Việt Nam: lichsuvietnam. vn

4. Bách khoa thư mở: vi.wikipedia

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4809

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Kỷ niệm 54 năm Đồng khởi Bến Tre (17/1/1960- 17/1/2014)

Kỷ niệm 54 năm Đồng khởi Bến Tre (17/1/1960- 17/1/2014)

  • 14/01/2014 17:08
  • 9701

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, từ năm 1957 đến 1959 là thời kỳ vô cùng đen tối của các mạng miền Nam. Đế quốc Mỹ và tập đoàn tay sai Ngô Đình Diệm đã dùng mọi thủ đoạn thâm độc và tàn ác nhằm tiêu diệt cách mạng miền Nam, phá hoại Hiệp định Giơnevơ. Thực hiện Luật 10/59 chúng lê máy chém đi khắp miền Nam giết hại những người kháng chiến cũ, gia đình có người đi tập kết và quần chúng yêu nước.