Thứ Bảy, 12/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

13/01/2014 16:54 11340
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Sau thất bại của hai cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt, vua Hốt Tất Liệt của triều đình nhà Nguyên hết sức căm giận, muốn tổ chức ngay cuộc chiến tranh lần thứ ba để trả thù, đồng thời cũng để đánh thông con đường bành trướng xuống Đông Nam Á.

Khác với những lần trước, nhà Nguyên hoãn cuộc chiến tranh xâm lược Nhật Bản để tăng cường lực lượng thủy quân, đóng thêm 600 chiến thuyền, tổ chức đoàn tàu vận tải lương thực và tiến quân thận trọng hơn.

Lược đồ mô tả cuộc kháng chiến chống quân Nguyên- Mông lần thứ 3 của quân và dân triều Trần.

Nhà Trần hiểu rằng, trước một đạo quân xâm lược lớn mạnh đến từ một nước có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn hơn ta nhiều lần, triều đình không thể chỉ dựa vào quân đội để chống giặc mà phải tìm nguồn sức mạnh ở trong dân, động viên sức mạnh của cả dân tộc để đánh giặc.

Trải qua hai lần kháng chiến thắng lợi, cả triều đình và quân dân ta chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến mới với tinh thần chủ động và bình tĩnh. Trần Quốc Tuấn, nhà quân sự thiên tài một lần nữa lãnh trách nhiệm tổng chỉ huy quân đội đã nói với vua Trần: quân ta đã quen đánh trận, quân địch thì từ xa đến, lại bị ảnh hưởng những lần thất bại trước, không có chí khí chiến đấu, tất thế nào ta cũng phá được chúng. Khi quân Nguyên đến biên giới, ông còn nhận định: “Năm nay giặc đến dễ đánh”.

Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo, linh hồn của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên- Mông lần thứ 3. (Ảnh minh họa)

Cuối tháng 12 năm 1287, khoảng 50 vạn quân Nguyên chia làm ba đạo từ ba hướng tiến vào nước ta. Đạo quân Thoát Hoan từ Quảng Tây tiến theo đường Lạng Sơn- Vạn Kiếp- Thăng Long. Đạo do A Lỗ chỉ huy từ Vân Nam tiến dọc theo sông Hồng. Đạo thủy quân do Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp chỉ huy, cùng đoàn thuyền lương Trương Văn Hổ từ Khâm Châu tiến vào vùng biển Đông Bắc, ngược sông Bạch Đằng.

Như vậy, ở cả ba hướng, ba đạo quân đều hướng tới hợp lực đánh chiếm Thăng Long. Vua Nguyên còn căn dặn các tướng là phải hành động hết sức thận trọng: “Không được cho Giao Chỉ là nước nhỏ mà khinh thường”.

Trên hướng chủ yếu của địch, Trần Quốc Tuấn chủ trương vừa đánh chặn để kiềm chế, vừa tiêu hao địch vừa tổ chức rút lui, bảo toàn lực lượng. Thoát Hoan tiến đến Vạn Kiếp, lập doanh trại và để lại một bộ phận quân đóng giữ, số còn lại đuổi theo quân Trần. Tháng 2- 1288, quân Nguyên vượt sông Hồng tiến vào Thăng Long. Triều đình và quân đội chủ động tạm thời rút khỏi kinh thành, lui về vùng hạ lưu.

Quân thiết kỵ nhà Trần (phục dựng từ mũ sắt và khiên)

Trên hướng biển Đông Bắc, thủy quân ta do Trần Khánh Dư chỉ huy, chặn đánh một số nơi, nhưng bị tổn thất, phải rút lui. Ô Mã Nhi chủ quan, chỉ huy đạo thủy quân vượt lên trước, theo sông Bạch Dằng tiến nhanh về Vạn Kiếp để hội quân với Thoát Hoan, bỏ lại đoàn thuyền lương phía sau. Biết đoàn thuyền lương của địch chở nặng đi chậm, không có thủy binh yểm trở đang đi vào, Trần Khánh Dư bố trí trận địa mai phục ở Vân Đồn, đón đánh, tiêu diệt toàn bộ đoàn thuyền tải lương của Trương Văn Hổ.

Sau gần một tháng vừa chặn đánh vừa rút lui, một lần nữa quân ta rút khỏi Thăng Long. Đầu tháng 2-1288, ba cánh quân của địch tiến vào Thăng Long. Ở Thăng Long, Thoát Hoan ra lệnh huy động quân thủy bộ đuổi theo quân ta, hy vọng nhanh chóng bắt được vua Trần, nhưng chúng hoàn toàn mất mục tiêu, bị chặn đánh quyết liệt. Không bắt được vua Trần, không tìm được quân chủ lực của nhà Trần, đi đến đâu quân Nguyên cũng bị chặn đánh quyết liệt bởi các đội quân chủ lực riêng lẻ và dân binh các làng xã. Khắp nơi nhân dân ta thực hiện “vườn không nhà trống”. Quân Nguyên đã lún sâu vào một cuộc chiến tranh nhân dân. Thoát hoan buộc phải đem quân quay trở về Thăng Long. Quân Nguyên lại lâm vào tình trạng đánh không được, giữ không xong. Chúng điên cuồng đốt phá kinh thành Đại Việt. Thoát Hoan cho quân chia đường đi cướp bóc để kiếm lương ăn. Nhưng nhân dân kinh thành đã có kinh nghiệm chống giặc. Trước khi lánh đi đã cất giấu hết thóc gạo, lương thực. Đến đâu quân Nguyên cũng đều gặp những trận tập kích, phục kích của dân binh, chúng vừa bị bao vây cô lập, lương thực thiếu thốn, bệnh dịch phát sinh, lực lượng ngày càng bị tiêu hao. Địch càng ngày càng lâm vào thế bị động. Thăng Long trở thành một hòn đảo cô lập, quân địch không có lương ăn, không hợp thủy thổ thời tiết và đứng trước nguy cơ bị bao vây, tiến công như lần trước.

Sau 32 ngày đêm chiếm Thăng Long (từ 2-2 đến 5-3-1288), Thoát Hoan- người đã từng nếm đòn thất thủ nặng nề trong lần xâm lược trước đây, phải rút quân về Vạn Kiếp, khu căn cứ mà y đã xây dựng lúc mới tiến vào Đại Việt. Tuy nhiên, lúc đó, con đường từ Thăng Long về Vạn Kiếp đã nằm trong vùng kiểm soát của ta. Thoát Hoan phải sai tướng A Ba Tri đi tiên phong, đem quân đánh mở đường và bắc cầu phao để rút về Vạn Kiếp.

Tranh vẽ Trận Bạch Đằng năm 1288

Lúc bấy giờ, quân Nguyên rơi vào tình thế hết sức khó khăn. Đoàn thuyền vận lương của Trương Văn Hổ bị tiêu diệt là một đòn tâm lý mạnh mẽ vào tinh thần giặc. Chủ lực Đại Việt đã tiến hành một số trận tiến công vào các trại quân Nguyên. Không chỉ riêng chủ tướng Thoát Hoan hết hy vọng đánh thắng Đại Việt, mà tất cả bọn tướng lĩnh giặc đều đã chán nản rã rời, sợ hãi bị tiêu diệt, nên rất muốn rút quân về. Bị ám ảnh bởi thảm bại lần trước, Thoát Hoan quyết định rút lui, chia quân làm hai đạo theo hai đường thủy bộ rút về nước. Điều này hoàn toàn đúng với dự tính của Trần Quốc Tuấn.

Sông Bạch Đằng lại được chọn làm điểm quyết chiến chiến lược. Trên sông Bạch Đằng, đoạn từ ghềnh Cốc, núi Tràng Kênh đến các ngã ba sông Chanh, sông Kệnh, sông Rút, Trần Quốc Tuần cho bố trí những trận địa cọc ngầm quy mô lớn, khi thủy triều xuống sẽ trở thành những bãi cản, thuyền lớn, thuyền nhỏ không thể vượt qua để ra biển.

Đầu tháng 4, đạo thủy quân của Ô Mã Nhi bắt đầu rút. Ngày 9-4-1288, một đội chiến thuyền nhẹ của ta ra đón đường khiêu chiến rồi giả thua chạy về phía hạ lưu. Đoàn thuyền địch đuổi theo, thuyền ta nhỏ nhẹ đã nhanh chóng cơ động vào các lạch bên sông. Lúc bấy giờ thủy triều đang xuống, nước chảy mạnh, chiến thuyền địch đang lao nhanh ra biển, bất ngờ bị bãi cọc chặn lại, thuyền chiến to, nặng, không xoay trở được, nhiều chiếc bị vỡ đắm, đội hình dồn lại. Lúc đó, từ hai bên bờ, các lạch sông quân ta với khí thế “Sát Thát” đổ ra đánh hết sức quyết liệt. Những bè lửa được thả trôi xuống đốt cháy quân địch, tên độc bắn xuống như mưa, các thuyền chiến nhỏ, cơ động với đội thủy binh tinh nhuệ thiện chiến, quân địch không sao đỡ nổi. Toàn bộ Thủy quân của Ô Mã Nhi bị tiêu diệt trên sông Bạch Đằng. Các tướng Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ… đều bị bắt. Quân ta thu được hơn 400 chiến thuyền của giặc. Trận Bạch Đằng (1288) là trận quyết chiến chiến lược, đè bẹp ý chí xâm lược của quân Nguyên.

Bãi cọc Bạch Đằng được phát hiện tại xã Yên Giang, huyện Quảng Yên, Quảng Ninh.

Quân Nguyên cũng bị đánh tơi bời trên hướng rút lui theo đường bộ ở Hăm Sa, Nội Bàng, Nữ Nhi, Khâu Cấp,… Thoát Hoan phải mở con đường máu mới chạy thoát về Tư Minh.

Ngày 28- 4-1288, vua Trần Nhân Tông cùng triều đình trở về kinh đô. Giữa những cung điện ở Thăng Long bị giặc tàn phá, nhà vua ban lệnh đại xá thiên hạ, miễn tô thuế trong ba năm cho những vùng bị giặc cướp phá. Kinh đô Thăng Long cùng cả nước hoàn toàn sạch bóng giặc Nguyên- Mông.

Như vậy, ba lần xâm lược Đại Việt thì cả ba lần quân Nguyên- Mông bị thất bại thảm hại. Chiến thắng Bạch Đằng lịch sử (1288) đã đập tan tham vọng và ý chí xâm lược Đại Việt của đế chế Mông- Nguyên, bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của quốc gia, dân tộc. Chính sự lãnh đạo tài tình của vua tôi nhà Trần và sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân đã làm nên chiến thắng oanh liệt này. Những thắng lợi đó thể hiện sáng ngời truyền thống yêu nước nồng nàn, ý chí độc lập tự cường, thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ của dân tộc ta.

Nguyễn Thúy (tổng hợp)

Nguồn tư liệu:

1. Từ điển Bách khoa Tri thức quốc phòng toàn dân: H: Chính trị Quốc gia, 2002.2.

2. Lê Đình Sỹ: Thăng Long Hà Nội. Những trang sử vẻ vang chống ngoại xâm.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4881

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Đội Cung (Nguyễn Văn Cung) và cuộc binh biến Đô Lương (13/1/1941).

Đội Cung (Nguyễn Văn Cung) và cuộc binh biến Đô Lương (13/1/1941).

  • 10/01/2014 16:05
  • 6001

Ông Nguyễn Văn Cung quê ở xã Đông Thọ, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa (nay thuộc thành phố Thanh Hóa). Khi trưởng thành ông tham gia lực lượng lính Khố xanh tại Nghệ An và thăng dần lên chức Đội (tương đương Trung sĩ).