Trong những năm 1949- 1950, phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên diễn ra rầm rộ, liên tục và rộng khắp từ Nam chí Bắc nhằm chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của Mỹ, chống thỏa hiệp Bảo Đại- Auriol và việc thành lập chính phủ bù nhìn Bảo Đại.
Ngày 9-11-1949, học sinh Huế bãi khóa, Phan Văn Giáo, Tổng trấn bù nhìn Trung Bộ đã thẳng tay khủng bố. Học sinh, sinh viên quyết định bãi khóa để phản đối. Ngày 22-11-1949, học sinh Sài Gòn bí mật vận động kỷ niệm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa và đề xướng hưởng ứng phản đối việc các nữ sinh ở Huế bị bắt, đồng thời yêu sách cải tổ chính sách giáo dục. Các cuộc bãi khóa của học sinh sinh viên Sài Gòn liên tiếp nổ ra, đưa ra các yêu sách: Chấm dứt khủng bố, đàn áp bắt bớ học sinh; Trả tự do cho các học sinh bị bắt sau ngày chống bù nhìn Bảo Đại; Bảo đảm an ninh và quyền lợi học tập của học sinh.
Tại Hà Nội, học sinh trường Chu Văn An quyết định bãi khóa ngày 25-11-1949, trong các lớp trên tường la liệt các khẩu hiệu: “Học sinh bãi khóa”, “Trả lại tự do cho bạn chúng ta”, “Đả đảo bù nhìn”…
Học sinh. sinh viên Sài Gòn- Chợ Lớn biểu tình ngày 9-1-1950.
Ngày 9-1-1950, Đoàn Thanh niên Cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn- Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên các trường cùng nhiều giáo viên và 7.000 nhân dân Sài Gòn- Chợ Lớn biểu tình đòi đảm bảo an ninh cho học sinh sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt và mở lại trường học. Đoàn biểu tình đã bị đàn áp dã man. Cuộc đàn áp đẫm máu ngày 9-1-1950 và tinh thần chiến đấu hy sinh oanh liệt của anh Trần Văn Ơn làm dấy lên trong học sinh, sinh viên và nhân dân Sài Gòn- Chợ Lớn lòng căm thù giặc và ý chí đấu tranh kiên quyết chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai.
Liệt sĩ Trần Văn Ơn (1931-1950)
Ngày 10-1, hàng vạn đồng bào Sài Gòn xuống đường đưa tang những người hy sinh. Hơn 10 vạn đồng bào đứng dọc hai bên đường phố có đám tang đi qua. Ngày 13-1, hầu hết học sinh sinh viên thành phố Hà Nội bãi khóa để tỏ tình đoàn kết với các bạn ở Sài Gòn. Ngày 14-1-1950, nhân dân Sài Gòn- Chợ Lớn tổng bãi công, bãi chợ.
Đám tang anh Trần Văn Ơn ở Sài Gòn, ngày 12-1-1950.
Với sự kiện lịch sử đó, noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và học sinh, sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tổ chức ở Việt Bắc (tháng 2- 1950) đã quyết định lấy ngày 9 tháng 1 hàng năm làm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V, tổ chức tại thủ đô Hà Nội (ngày 22- 23/11/1993) đã quyết định, đồng thời lấy ngày 9 tháng 1 làm Ngày truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam.
Học sinh, sinh viên làm lễ truy điệu anh Trần Văn Ơn ở chùa Quán Sứ, Hà Nội tháng 1- 1950.
Trong giai đoạn 1955- 1993, học sinh sinh viên và Hội Sinh viên tích cực tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, hăng hái góp phần khôi phục và phát triển kinh tế- xã hội; biểu hiện sinh động thông qua các phong trào, hoạt động như: xung kích diệt giặc dốt, tiến quân vào khoa học kỹ thuật, xung phong làm nhiệm vụ xây dựng, sửa chữa các tuyến đường giao thông, các công trình thủy lợi và đặc biệt là phong trào “Ba sẵn sàng”, của học sinh sinh viên miền Bắc. Tổng Hội Sinh viên miền Nam và các tổ chức khác của học sinh, sinh viên đã lãnh đạo, chỉ đạo phong trào học sinh, sinh viên miền Nam biểu tình chống bắt lính, chống lại chính sách đầu độc, trụy lạc hóa thanh niên của Mỹ- ngụy, chống sự can thiệp của Mỹ…
Nhằm thống nhất lực lượng, phương hướng và giải pháp đẩy mạnh phong trào sinh viên và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, năm 1955, Đại hội thành lập đã quyết định lấy tên của tổ chức sinh viên là “Hội Liên hiệp Sinh viên Việt Nam”. Qua 8 kỳ Đại hội, đến nay Hội chính thức lấy tên là Hội Sinh viên Việt Nam.
Hơn nửa thế kỷ qua, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, phong trào học sinh sinh viên và tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam đã có những cống hiến xuất sắc và trưởng thành vượt bậc qua các thời kỳ lịch sử cách mạng, là niềm tự hào của thế hệ học sinh sinh viên ngày nay. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường sau Cách mạng tháng Tám 1945: “…Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em…” . Ghi nhận những cống hiến xuất sắc của các thế hệ học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã tặng thưởng cho Hội Sinh viên Việt Nam các phần thưởng cao quý sau: Huân chương Độc lập hạng Nhất năm2000; Huân chương Hồ Chí Minh năm 2005; Huân chương Sao Vàng năm 2010.
Chu Lộc- Phương Thảo (biên tập)
Nguồn:
- Việt Nam những sự kiện 1945- 1986. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội- 1990.
- Ngòi pháo 9-1 về phong trào học sinh sinh viên Sài Gòn- Chợ Lớn thời kháng chiến chống Pháp. Nxb Trẻ- 2000.
- Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 4 (1945- 1946). Nxb Chính trị Quốc gia- Sự thật, Hà Nội- 2011.
- Website Thành Đoàn Tp Hồ Chí Minh.
- Ảnh Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.