Sau Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng, các đảng viên Tân Việt Cách mạng Đảng chịu ảnh hưởng của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội đã tiến hành đại hội thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn vào ngày 1 tháng 1 năm 1930.
Tháng 9 năm 1929, nhiều đảng viên của Tân Việt Cách mạng đảng sa vào tay giặc Pháp. Đứng trước nguy cơ đó nhiều đảng viên cốt cán cấp tiến trong Tân Việt nhận thấy “trào lưu cộng sản đang dâng cao khắp toàn cầu: Xô viết Nga kiến thiết vững mạnh, Xô viết Tàu đang có cơ sở ở Bắc Bình. Công cuộc cộng sản vận động phát triển mạnh ở các nước như Pháp, Ấn Độ, Xiêm. Ở Đông Dương xu hướng cộng sản đang đâm chồi nảy lộc”, trong khi đó người dẫn đạo của Tân Việt ngày càng sa vào hoạt động quốc gia cải lương dẫn quần chúng, đảng viên chịu ảnh hưởng của mình đi sai đường lối của Đệ tam Quốc tế, việc thương lượng với hai bộ phận cộng sản (Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản chi bộ) để hợp nhất cơ sở cách mạng đã tiến hành khá nhiều lần nhưng vẫn không thành. Do tình hình như vậy, những người giác ngộ cộng sản chân chính trong Tân Việt Cách mạng đảng trịnh trọng tuyên ngôn cùng toàn thể đảng viên Tân Việt Cách mạng đảng, toàn thể thợ thuyền, dân cày và người lao khổ biết rằng, chúng tôi đã chính thức lập ra “Đông Dương Cộng sản Liên đoàn”.Tuyên đạt chỉ rõ: Đông Dương Cộng sản Liên đoàn lấy chủ nghĩa cộng sản làm nền móng, lấy công, nông, binh liên hiệp làm đối tượng vận động cách mạng để thực hành cách mạng cộng sản trong xứ Đông Dương, làm cho xứ sở của chúng ta hoàn toàn độc lập, xóa bỏ nạn người bóc lột người, xây dựng chế độ Công-Nông chuyên chính tiến lên cộng sản chủ nghĩa trong toàn xứ Đông Dương.
Hải Triều- Nguyễn Văn Khoa (1908-1954), một trong những nhân tố tham gia thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.
Đông Dương Cộng sản Liên đoàn xác định: Muốn làm tròn nhiệm vụ đó, trước mắt, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn là một mặt phải xây dựng cơ sở chi bộ của Liên đoàn, tức là thực hành cải tổ Tân Việt Cách mạng Đảng thành đoàn thể cách mạng chân chính để vận động quần chúng lao khổ đấu tranh, chống chủ nghĩa đế quốc Pháp, phong kiến Nam triều và địa chủ chế độ, đòi quyền lợi chính trị, kinh tế cho lao khổ Đông Dương, một mặt khác Liên đoàn phải tiếp tục thương lượng với hai bộ phận cộng sản liên hợp thành một tổ chức cộng sản ở xứ Đông Dương để cho sức mạng cộng sản vững chắc và duy nhất có thể thực hành cách mạng cộng sản được.
Đông Dương Cộng sản Liên đoàn kêu gọi các đảng viên Tân Việt cách mạng, thợ thuyền, dân cày, binh lính, học sinh, phụ nữ, thanh niên và tất cả lao khổ Đông Dương, bất cứ người nào thừa nhận chương trình, điều lệ của Đệ tam Quốc tế và của Liên đoàn hãy gia nhập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn và kể từ nay trở đi Tân Việt Cách mạng Đảng không còn một đoàn thể chân chính nên sự hiệu triệu của những người dẫn đầu tổ chức này coi như vô giá trị không đáng tin, đừng nghe lời họ mà đi lầm đường.
“Bị áp bức dân tộc họp lại.
Đệ tam Quốc tế vạn tuế
Cách mạng Đông Dương thành công vạn tuế.
Thực hành công nông chuyên chính và vô sản chuyên chính
Nhà máy về tay thợ thuyền, ruộng đất về tay dân cày”.
Ngày 29 và 30 tháng 12 năm 1929, Đại hội thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn đã được tiến hành, gồm có các đồng chí: Trần Hữu Chương, Nguyễn Khoa Văn (tức Hải Triều) là đại biểu Nam Kỳ, Nguyễn Xuân Thanh, Trần Đại Quả, Ngô Đức Đệ, Lê Tiềm, Nguyễn Tốn là đại biểu Trung Kỳ. Ngô Đình Mẫn là đại biểu Bắc Kỳ. Đại hội nhất trí quyết định: Không tán thành gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng theo các điều kiện do Đông Dương Cộng sản Đảng nêu ra. Bỏ tên gọi Tân Việt, đặt tên mới là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.
Củng cố Đảng, đưa ra Đảng những đảng viên yếu kém, bầu Ban lãnh đạo chung. Thường xuyên quan tâm đến cuộc vận động thống nhất các tổ chức cộng sản. Tên gọi Đông Dương Cộng sản Liên đoàn là tên gọi tạm thời trước khi các tổ chức cộng sản thống nhất.
Bến Đò Trai, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, nơi thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, tháng 1 - 1930.
Sáng ngày 1 tháng 1 năm 1930, Đại hội chưa kết thúc nhưng phải di chuyển đến địa điểm họp mới vì sợ bị bại lộ, trong khi di chuyển các đại biểu đã bị địch bắt tại bến đò Trai, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Sự việc này xảy ra nhưng cũng có thể coi là đã hoàn tất quá trình thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.
Tuy Đông Dương Cộng sản Liên đoàn ra đời chưa có Ban chấp hành Trung ương. nhưng những người cộng sản và những người yêu nước chân chính đều nhận thấy cần phải khắc phục những mặt chưa được và thành lập một đảng cộng sản thống nhất để lãnh đạo cách mạng Việt Nam tiến lên.
Huệ- Chính (biên tập)